“Một quốc gia đói nghèo sẽ sống mãi trong đói nghèo” điều này sẽ xảy ra với những quốc gia không có chính sách phát triển kinh tế hợp lí.

Tuy nhiên, theo góc nhìn tổng quát điều này sẽ rất khó xảy ra với những nước nỗ lực vươn lên để thoát nghèo. Một trong những quốc gia đó là Hàn Quốc.

Hàn Quốc- một trong những nước nghèo nhất thế giới sau cuộc chiến tranh Triều Tiên đến năm 2019 nằm trong TOP 10 quốc gia giàu nhất thế giới, chính thức bước vào thời kỳ thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD, đứng thứ ba ở khu vực châu Á và đứng thứ 10 trên toàn thế giới. Tại sao họ làm được như vậy?

Có rất nhiều yếu tố để đưa kinh tế Hàn Quốc phát triển như hiện nay nhưng một điều mà không ai có thể phủ nhận đó là nhờ vào chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ cùng với sự kết nối mạnh mẽ giữa nhà nước và nền kinh tế của các Chaebol.

Chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ

Thời điểm năm 1953, GDP bình quân của Hàn Quốc chỉ đạt mức 67 USD, tương đương với 2% GDP của Mỹ. Sau một thời gian dài bị Nhật Bản chiếm đóng và sau cuộc nội chiến tàn khốc, Nam Hàn lúc này vẫn đang chìm trong nghèo khó. Mối đe dọa từ Bắc Hàn vẫn luôn luôn hiện hữu, và chính quyền miền Nam lúc này hoặc là thờ ơ, hoặc là bất lực không thể giúp người dân xóa nghèo.

Đến năm 1961 khi GDP bình quân đầu người ít hơn 80 USD, hầu hết người dân không thể đảm bảo cho nhu cầu sống tối thiểu, nền kinh tế thuần nông lúc đó cũng phải chịu những trận cuồng phong của thiên nhiên, nạn đói đã từng xảy ra càn quét khắp mọi miền.

Chính phủ của Tổng thống Park Chung Hee (박정희) nhận ra rằng trợ giúp của nhà nước sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu người dân không có quyết tâm tự lực. Vốn rót mãi cũng sẽ cạn nếu bản thân mỗi người không cố gắng vươn lên.

Là một nhà độc tài với nhiều ý kiến trái ngược khen-chê nhưng không thể phủ nhận Park Chung Hee đã có nhiều chính sách rất đúng đắn cho kinh tế Hàn Quốc. Ông đã ban hành chính sách tập trung phát triển nông thôn, xây dựng phong trào Nông thôn mới (còn gọi là Saemaul Undong/새마을).

Saemaul Undong được xây dựng trên 3 yếu tố Chuyên cần – Tự giác – Hợp tác. Ba yếu tố này là những giá trị xuyên suốt quá trình phát triển nông thôn nói riêng và sự phát triển của toàn xã hội Hàn Quốc nói chung.

Hàn Quốc chủ trương đầu tư hạ tầng để nông dân tự lực đứng lên, sản xuất chế biến tại chỗ với chủ trương “nông dân là người chủ đích thực”. Ban đầu chính phủ cấp cho mỗi làng 300 bao xi măng, hệ thống chính quyền cấp làng tự quyết định phương án sử dụng số xi măng này. Người dân tự bỏ sức lao động để thực hiện việc xây dựng làng xã. Kết quả là sau một thời gian ngắn, có hơn 16.000 ngôi làng đã có những cải thiện rõ rệt về bộ mặt nông thôn.

Năm 1972, ở những làng có kết quả tốt hơn, mức đầu tư của Chính phủ tăng lên 500 bao xi măng và 1 tấn sắt thép để khuyến khích. Nhờ đó mà khu vực nông thôn của Hàn Quốc đã thay đổi mạnh mẽ. Có khoảng 33.267 làng bắt đầu được chia làm 3 thứ hạng, mỗi bậc nhận được mức hỗ trợ khác nhau từ nhà nước.

Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển hạ tầng, Chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh cơ sở đào tạo nghề nông, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại giống mới vào sản xuất như nấm, cây thuốc lá… Kết quả là đời sống khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Năm 1974, thu nhập ở nông thôn vượt thu nhập ở thành phố. Đến năm 1979, 98% làng ở Hàn Quốc đã có thể tự lực kinh tế. Tinh thần Saemaul Undong đã vượt biên giới làng quê nông thôn, lan tỏa đến thành phố, không chỉ nằm ở hộ gia đình mà còn là tinh thần của các trường học, công sở. Phong trào này được đánh giá là cuộc cách mạng tinh thần, đánh thức khát vọng vươn lên của người dân Hàn Quốc.

Bên cạnh phong trào Saemaeul, chính phủ Hàn Quốc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế mang tên “Kế hoạch 5 năm”, để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Mỗi kế hoạch trong số đó đã góp phần vào quá trình công nghiệp hóa và mở rộng thị trường.

Từ năm 1970 đến 1980, kinh tế Hàn Quốc tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp nặng và sản xuất ôtô. Với sự hỗ trợ của chính phủ, ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp đóng tàu đã phát triển mạnh mẽ, ngày nay Hàn Quốc có nhiều công ty nổi tiếng ở những lĩnh vực này hoạt động đa quốc gia.

Huyndai (현대), Samsung (삼성) có thị phần lớn trên thị trường đóng tàu và ôtô toàn cầu, tập đoàn Hyundai Kia Automotive Group (현대자동차그룹) đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất ôtô. Bên cạnh đó, hai nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc là Samsung Electronics (삼성전자) và Hynix (SK하이닉스) cũng chiếm gần 50% thị trường toàn cầu.

Năm 1996, Hàn Quốc trở thành thành viên của OECD, chính thức được công nhận là nền kinh tế phát triển. Hàn Quốc bắt đầu tập trung vào việc phát triển ngành dịch vụ.

Từ năm 1962 đến 2008, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc tăng từ 2.3 tỉ USD lên tới 928.7 tỉ USD, tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người tăng vọt từ 87 USD lên khoảng 19.231 USD. Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống của người dân được nâng cao rất nhanh trở nên ngang bằng thậm chí cao hơn các quốc gia phát triển khác ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Đến cuối năm 2011, thu nhập bình quân đầu người Hàn Quốc còn hơn cả mức trung bình của Liên minh châu Âu. Cũng trong năm 2011, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc đạt mức 1.080 tỉ USD, đứng thứ 8 thế giới về xuất khẩu.

Năm 2014, Hàn Quốc đã đạt mức kỷ lục về khối lượng mậu dịch, xuất khẩu và thặng dư tài khoản mậu dịch trong hai năm liên tiếp.

Bắc Hàn và Nam Hàn có cùng một điểm xuất phát. Tuy nhiên, Nam Hàn đã thoát ra khỏi tình trạng nghèo khổ, và vươn lên trở thành một cường quốc công nghệ. Thu nhập bình quân danh nghĩa của người dân Nam Hàn cao gấp 21 lần so với thu nhập của người dân Bắc Hàn. 

Chính phủ Park Chung Hee tạo ra bản vẽ, chaebol xây dựng

Hàn Quốc có nhiều chaebol (재벌), nhưng quyền lực và giàu có nhất vẫn là BIG 4 Hyundai Motor Company, SK Group cùng với hai nhà thông gia, hai kẻ thù thế kỷ Samsung và LG.

Dưới bàn tay của các chaebol, Hàn Quốc đã từ một đất nước nghèo đói đi qua cuộc nội chiến tàn khốc trở thành quốc gia có GDP đứng thứ 13 thế giới. Chaebol có thể coi là triều đại gia đình chính trị vì các vị trí then chốt luôn được trao cho con cháu hoặc những người họ hàng của nhà sáng lập/chủ tịch chaebol.

Sự giàu có đi kèm với lòng tự tôn dân tộc càng ngày càng dâng cao, và những thành công của các chaebol – công cụ phát triển kinh tế của Park Chung Hee – được coi là thành công của dân tộc Hàn Quốc. Chính phủ Park tạo ra bản vẽ, chaebol xây dựng.

Các khoản viện trợ nước ngoài về vốn và công nghệ đã đóng góp phần quan trọng cho sự trỗi dậy của các chaebol. Dưới vỏ bọc “tư bản có định hướng”, chính phủ Hàn Quốc “tuồn” vốn và cấp dự án cho một số ít các chaebol, đồng thời đưa ra cam kết sẽ bồi thường cho các chủ đầu tư nước ngoài nếu các tập đoàn này không thể trả nợ.

Mặt khác, chính quyền Hàn Quốc cũng đặt ra mục tiêu kinh doanh ngặt nghèo cho các chaebol. Kết quả là trong hai thập niên 1960 và 1970, Hàn Quốc vươn mình trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu mạnh mẽ bậc nhất Châu Á, đối lập hoàn toàn với thời kỳ Lee Seung Man (이승만).

Nhưng chìa khóa thành công của chaebol không chỉ đến từ các ưu đãi của Park Chung Hee. Gần như bất cứ chaebol nào cũng sẵn sàng xâm chiếm các lĩnh vực kinh doanh mới mẻ. Tinh thần sáng tạo và khả năng thích nghi được đặt lên trên tất cả. Chính điều này tạo ra một nền kinh tế chaebol nghe có vẻ cứng rắn nhưng lại cực kỳ năng động: những năm 1960, Hàn Quốc vẫn đang còn tập trung vào xuất khẩu may mặc thì từ giữa thập niên 1980, các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất và quốc phòng đã trở thành chủ lực.

Giai đoạn này chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của 2 tập đoàn điện tử sau này sẽ đứng đầu thế giới: Samsung và LG.

Mối quan hệ giữa 2 ông lớn điện tử và tổng thống Park là không hề đơn giản. Hai vị chủ tịch của Samsung và LG vốn là hai nhà thông gia thân thiết cuối cùng quay ra không nhìn mặt nhau vì Samsung dám bước chân vào lĩnh vực điện tử vốn là lĩnh vực do LG khai phá.

Phải đến tận khi chủ tịch Lee Byung Chul (이병철) gặp mặt trực tiếp với tổng thống Park Chung Hee để xin được tham gia sản xuất thiết bị điện tử, lịch sử của Samsung mới thực sự sang trang mới.

Dù là cho Samsung bước chân vào địa hạt mới nhưng bản thân Park Chung Hee và chủ tịch Lee Byung Chul cũng “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Ông Lee vì hơn tuổi nên không hề tôn trọng Park Chung Hee, còn nhà độc tài Hàn Quốc thì lại cực kỳ coi thường miệng lưỡi lắt léo, dẻo mỏ của ông Lee. Trong kế hoạch phát triển 5 năm của Tổng thống Park, chính phủ Hàn Quốc cũng nhiều lần tịch thu các công ty con làm ăn phát đạt của các chaebol.

Samsung đã nhiều lần trở thành nạn nhân của chính sách này khi phải từ bỏ một chi nhánh ngân hàng, một đơn vị sản xuất phân bón và một đài phát thanh theo yêu cầu của Park Chung Hee. Tuy vậy, chính sách tập trung vào công nghiệp của Park Chung Hee vẫn trở thành chìa khóa tiên quyết để gia đình Lee Byung Chul và Lee Kun Hee (이건희) xây dựng một đế chế hùng mạnh trong những năm 1970.

Cũng dưới thời Park Chung Hee, Hyundai từ một công ty xây dựng “không có tầm” đã vươn lên trở thành một trong 4 chaebol quyền lực nhất Hàn Quốc. Chủ tịch của Hyundai, ông Chung Ju Yung (정주영) chỉ là con trai một gia đình nông dân và thậm chí còn chưa học hết tiểu học nhưng lại có tinh thần “tất cả hay là chết” rất được Tổng thống Park quý trọng.

Với những ưu đãi đặc biệt từ chính quyền, ông Chung liên tiếp thực hiện thành công nhiều dự án tưởng chừng bất khả thi, đặc biệt là việc xây dựng đường cao tốc Gyeongbu (경부고속도로) dài hơn 400km từ Seoul đến Busan chỉ trong vòng 2 năm rưỡi với chi phí rẻ nhất thế giới thời bấy giờ.

Các tập đoàn này đã phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Park Chung Hee, trong chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu của ông. Chính quyền Park Chung Hee có những chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu đồng thời cũng cách ly các công ty cạnh tranh nước ngoài với các ngành công nghiệp trong nước.

Nhận định về con đường này, trong cuốn “South Korea at the Crossroads” năm 2018, tác giả Scott A.Snyder viết: “Vì sự an toàn của quốc gia, Tổng thống Park đã tìm cách xây dựng một đất nước Hàn Quốc tự chủ, không phụ thuộc vào các cường quốc khác”

Bất kể ai đúng ai sai, các chaebol là người hùng hay tội đồ, giới tài chính Hàn Quốc vẫn mang một niềm tin bất diệt rằng các chaebol “quá khổng lồ để có thể sụp đổ”. Càng lo sợ về nguy cơ phá sản của các công ty con, các ngân hàng càng sẵn sàng gia tăng khoản vay. Với họ, các chaebol đứng sau đơn giản là quá hùng mạnh ngay cả trong những lúc khốn đốn nhất.

Tổng hợp từ Hani, DBpia, YNA và Youtube

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).