Việc nắm trong tay quyền cao chức trọng hầu như luôn có sức hấp dẫn nhất định với đa số trường hợp, đặc biệt là các nhân vật xuất thân từ gia đình quyền quý, đã sớm được hưởng cuộc sống giàu sang, sung túc.

Phải chăng do “càng giàu càng tham vọng”, nhiều người đã không thể đứng ngoài cuộc chiến tranh giành quyền thừa kế và điều hành đế chế của gia tộc?

Trường hợp nổi tiếng nhất xảy ra ngay ở Hàn Quốc chính là cuộc giằng co không khoan nhượng giữa hai anh em nhà họ Shin (Shin Dong Joo và Shin Dong Bin) với chiếc ghế chủ tịch Tập đoàn Lotte. Thậm chí, những người con còn không ngại lật đổ cả cha ruột của mình – người đã có công lập ra một đế chế hùng mạnh như ngày nay, để vươn lên đỉnh cao danh vọng.

Hay một câu chuyện khác xảy ra tại nhà họ Cho, gia đình tài phiệt nổi tiếng, sở hữu hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc Korean Air. Ngay trong bầu không khí đầm ấm và hạnh phúc của dịp Giáng sinh năm 2019, Cho Won Tae (hiện là chủ tịch Tập đoàn Hanjin) đã bất ngờ đề cập đến việc phân chia quyền lãnh đạo, bất chấp cả di ngôn của người cha quá cố, gây ra cuộc xung đột lớn với anh chị em trong gia tộc.

Tuy nhiên, liệu có phải nhà giàu nào cũng hiếu thắng và tham vọng cao trong việc chạm đến đỉnh vinh quang nơi thương trường? Câu trả lời là “KHÔNG”. Bởi điều này hoàn toàn không xảy ra tại SK Group – tập đoàn đang giữ vị trí thứ 3 về tổng giá trị tài sản ở Hàn Quốc.

SK chính thức được hình thành vào năm 1953, tại thành phố Suwon (tỉnh Gyeonggi), bởi nhà sáng lập Choi Jong Gun (최종건, 09/1/1926 – 15/11/1973). Trước khi được đổi tên thành SK (viết tắt của Sunkyong), tập đoàn này vốn dĩ chỉ là một xưởng dệt nhỏ mang tên Sunkyong Textiles, được nhà sáng lập Choi phục dựng lại từ một nhà máy dệt bị bom đạn tàn phá trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên.

Cùng em trai mình – Choi Jong Hyun (최종현, 21/11/1929 – 26/8/1998), nhà sáng lập Choi Jong Gun đã từng bước gây dựng xưởng dệt nhỏ bé một thời trở thành một tập đoàn hùng mạnh cho đến đầu những năm 1970.

Đến năm 1973, chủ tịch Choi Jong Gun đột ngột qua đời vì bạo bệnh mà chưa kịp để lại bất cứ di ngôn nào. Lúc này, theo truyền thống cha truyền con nối vốn luôn được duy trì trong giới tài phiệt Hàn Quốc, quyền thừa kế lẽ ra sẽ thuộc về con trai trưởng của ông Choi Jong Gun là Choi Yun Won (최윤원, người sau này nắm giữ vai trò chủ tịch SK Chemicals, trước khi tạ thế vào năm 2000).

Song, lúc bấy giờ Choi Yun Won vẫn chỉ là một cậu thanh niên trẻ (23 tuổi). Nhận thấy bản thân không đủ năng lực để gánh vác trọng trách điều hành tập đoàn của gia đình, Choi Yun Won đã “tự giác” tín nhiệm chú của mình là Choi Jong Hyun cho vị trí lãnh đạo SK từ sau năm 1973.

Kể từ thời điểm đó, Choi Jong Hyun chính thức tiếp quản SK và từng bước nâng cao vị thế của tập đoàn trên thương trường Hàn Quốc. Điều hành SK được tròn 25 năm, Choi Jong Hyun cũng không thể vượt qua được cơn bạo bệnh như anh trai, đột ngột qua đời vào ngày 26/8/1998, trong khi chưa kịp để lại di chúc.

Một lần nữa, vấn đề thừa kế quyền lãnh đạo SK tiếp tục trở thành mối quan tâm hàng đầu của dư luận lúc bấy giờ. Hai ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế chủ tịch SK lúc này chính là Choi Yun Won (con trai trưởng của nhà sáng lập SK Choi Jong Gun) và Choi Tae Won (최태원, con trai trưởng của Choi Jong Hyun, chủ tịch thứ 2 của SK vừa mới qua đời).

Vào thời điểm đó, giới truyền thông Hàn Quốc không ngừng đưa hai nhân vật nói trên lên bàn cân để phân định ai thật sự tài năng và có tiềm lực đưa SK vươn lên đỉnh cao như các vị trưởng bối đã làm được trước đó. Tuy nhiên, không có bất cứ câu trả lời nào được đưa ra cho nghi vấn này, bởi cả hai “hoàng tử” của nhà họ Choi đều được đánh giá là nhân tài và xứng đáng với chiếc ghế chủ tịch.

Như để tháo gỡ thắc mắc vẫn chưa có lời giải đáp của dư luận, Choi Yun Won với tư cách là người anh lớn nhất trong số 5 anh em (gồm 3 người con của Choi Jong Gun và 2 người con của Choi Jong Hyun) đã thành lập một cuộc họp khẩn về vấn đề thừa kế SK vào năm 1998.

Trái với suy đoán của công chúng về một cuộc chiến tranh giành quyền lực tàn khốc, Choi Yun Won lại một lần nữa từ bỏ ngôi vị thừa kế “ngai vàng” và trao toàn quyền lãnh đạo SK cho người em họ Choi Tae Won (con trai trưởng của Choi Jong Hyun). Chia sẻ về quyết định này, Choi Yun Won lên tiếng giải thích:

“Hơn ai hết, tôi hiểu rõ Choi Tae Won thật sự là một người có tài và óc phán đoán nhanh nhạy. Tôi tin chắc rằng cậu ấy có thể giúp SK khắc phục được những khó khăn sau cơn khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và đưa tập đoàn của gia đình vươn lên đỉnh cao trên thương trường”.

Bên cạnh đó, với cương vị là người anh lớn nhất, Choi Yun Won đã nhanh chóng dàn xếp ổn thỏa những bất đồng về vấn đề thừa kế, đồng thời không cho phép bất cứ cuộc xung đột nào xảy ra giữa các anh em trong gia đình.

Lời phát biểu của Choi Yun Won thật sự gây chấn động dư luận lúc bấy giờ. Bởi không ai có thể nghĩ một “thái tử chính hiệu” như Choi Yun Won lại có thể dễ dàng từ bỏ ngai vàng của mình và trao vào tay người em họ, vốn chỉ đứng vị trí thứ 4 trong danh sách thừa kế (xếp sau 2 em trai của Choi Yun Won).

Thậm chí thời gian sau đó, Choi Yun Won vẫn luôn đóng vai trò là hậu phương vững chắc, hỗ trợ hết mình cho em trai Choi Tae Won trong sự nghiệp lãnh đạo SK, trước khi qua đời vì căn bệnh mãn tính vào năm 2000.

Về phần chủ tịch SK đương thời Choi Tae Won, ông luôn mang ơn anh họ Choi Yun Won đã không đắn đo từ bỏ quyền quản lý cơ nghiệp do chính cha ruột của mình thành lập nên và tin tưởng giao cho ông chức chủ tịch tập đoàn. Vì thế, sau 20 năm lên nắm quyền điều hành SK, Choi Tae Won đã thực hiện một hành động mà đến bây giờ vẫn là một trong những sự kiện được nhắc đến nhiều nhất trong dư luận Hàn Quốc.

Năm 2018, tại cuộc họp đại gia đình, Choi Tae Won phát biểu: “Hơn 20 năm qua, SK vẫn đang từng bước khẳng định vị thế của mình không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới. Để đạt được thành công như ngày hôm nay, tất cả là nhờ vào sự đoàn kết và đồng lòng của anh em trong gia tộc”.

Trước sự có mặt của các thành viên trong gia đình, Choi Tae Won đã quyết định phân chia cổ phần cho các anh em cùng con cháu dòng họ Choi, bao gồm gia đình cố chủ tịch SK Chemicals Choi Yun Won (0.7%), anh họ Choi Shin Won (최신원, chủ tịch SK Networks) và gia đình (1.18%), 8 người cháu ngoại của nhà sáng lập SK Choi Jong Gun (0.43%), em gái Choi Ki Won (giám đốc Quỹ chia sẻ hạnh phúc SK) và gia đình (0.19%).

Đồng thời, Choi Tae Won cũng trao phần lớn cổ phần cho em trai ruột của mình, Choi Jae Won (최재원), người từng bị bắt giữ vì tội tham ô, cùng cáo buộc sử dụng trái phép gần 90 triệu USD từ quỹ của các công ty con thuộc Tập đoàn SK để giúp anh trai Choi Tae Won che giấu khoản lỗ do đầu tư cổ phiếu. Hiện tại, tuy đã mãn hạn tù, đồng thời giữ chức phó chủ tịch cấp cao của SK, Choi Jae Won không còn tham gia quản lý điều hành tập đoàn từ tháng 7/2016.

Trong cuộc họp gia đình được tổ chức vào năm 2018, Choi Tae Won đã thể hiện sự tiếc nuối với người em trai ruột bằng cách nhượng lại 2.36% cổ phần thay cho lời xin lỗi về những gì Choi Jae Won đã phải gánh chịu trong quá khứ.

Hành động của Choi Tae Won cho thấy ông không chỉ đền ơn người anh họ năm xưa đã hết mực tin tưởng mình, mà còn gắn kết các anh em với nhau, cùng lời khẳng định: “Cuộc chiến tranh giành quyền lực chưa bao giờ xảy ra tại nhà họ Choi”.

SK đến thời điểm này vẫn là một khối thống nhất, mạnh mẽ vượt qua mọi sóng gió trên thương trường không chỉ bằng tài lãnh đạo của Choi Tae Won, mà còn bởi sự đồng lòng và đoàn kết của các anh em trong gia đình.

Tổng hợp từ HankyungChosun Biz

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).