Ngày 30/11/2016, một ngày sau khi nhận được danh sách tiến cử ứng cử viên công tố viên đặc biệt từ phe đối lập, cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (박근혜) đã ra quyết định bổ nhiệm luật sư Park Young Soo (박영수), nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp cao Seoul, làm công tố viên đặc biệt điều tra vụ bê bối liên quan tới bà Choi Soon Sil (최순실), cũng là người bạn thân lâu năm của bà Park lúc bấy giờ.

Luật sư Park Young Soo là người được đánh giá cao trong việc xử lý các vụ tham nhũng lớn trước đây liên quan đến các tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc. Đồng hành cùng luật sư Park Young Soo, còn có luật sư Cho Seung Sik (조승식), nguyên Trưởng ban Hình sự Viện Kiểm sát tối cao.

Không chỉ với lãnh đạo Samsung, nhóm công tố viên đặc biệt, đứng đầu là Park Young Soo từng “nhẵn mặt” với nhiều lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn tài phiệt hàng đầu Hàn Quốc và chính khách vướng vào vòng bê bối.

Không có sự kiêng dè, nể sợ, làm việc công tâm và trách nhiệm với nghề để đưa các vụ gian lận ra ngoài ánh sáng, đó là Park Young Soo.

Từ Chaebol đến Tổng thống đều phải kiêng dè

Theo nhận định của New York Times, ở Hàn Quốc, tất cả đều thuộc về các chaebol (tài phiệt). Từ của cải đến luật pháp, thậm chí là cả quyền lực chính trị. Những “danh gia vọng tộc” đứng đằng sau các tập đoàn lớn, có quy mô toàn cầu như Samsung, Hyundai hay LG đang chi phối giới chính trị Hàn Quốc.

Quyền lực của chaebol, các tập đoàn kinh tế vốn giúp đưa Hàn Quốc từ một trong những nước nghèo nhất châu Á trở thành một trong bốn nền kinh tế lớn nhất châu Á chỉ trong vài chục năm, trở thành vấn đề nóng bỏng trong các cuộc bầu cử quốc gia.

Sự phát triển kinh tế cũng làm gia tăng mối lo ngại về ảnh hưởng chính trị và nạn tham nhũng trong các tập đoàn gia đình ở Hàn Quốc. Nhiều người cho rằng các tập đoàn gia đình tham nhũng thực sự là vấn đề lớn và khó giải quyết vì trên thực tế, chính phủ Hàn Quốc vẫn luôn tỏ ra nhún nhường khi đưa ra biện pháp xử lý với những vi phạm của các chaebol. 

Vì quyền hành và “cái bóng chống lưng” quá lớn nên hầu như ít có cơ quan pháp luật nào dám sờ đến hay đương đầu đối mặt. Từ đó, bao vụ lũng loạn, cậy thế gia đình của con cháu các gia tộc này đã xảy ra. Thật may mắn, luật sư Park nổi lên như một “tử thần” chaebol với sự “bạo tay” trong việc điều tra “chân tơ kẽ tóc”, đi đến tận cùng của sự việc.

Năm 2003, ông phanh phui bê bối gian dối tại tập đoàn SK Group và bắt giữ Choi Tae Won (최태원). Ông Choi khi đó là Chủ tịch của Công ty cổ phần thuộc SK Group đã bị cơ quan điều tra Hàn Quốc kết án về tội giao dịch bất hợp pháp và gian lận kế toán liên quan đến việc giải cứu một công ty liên kết gặp khó khăn.

Dù vị thương gia là con rể của cựu tổng thống Noh Tae Woo (노태우) này chỉ phải ngồi tù 7 tháng rồi sau đó được ân xá, nhưng đây cũng là một chiến tích để lại dấu ấn trong sự nghiệp hành pháp của Park Young Soo.

Ba năm sau đó, ông theo đuổi vụ điều tra rửa tiền nhằm vào Hyundai Motor, kết quả là Chủ tịch Chung Mong Koo (정몽구) bị bắt giữ. Theo đó, ông trùm của Hyundai đã lập một quỹ đen trị giá 103.4 tỉ KRW (109.5 triệu USD) từ nguồn tiền bất chính.

Hành vi này khiến Chung Mong Koo bị Văn phòng công tố tối cao Seoul khởi tố. Bất chấp lệnh cấm xuất ngoại, tháng 4/2006, Chung vẫn rời Hàn Quốc. Ông bị bắt trở lại vào ngày 28/4/2006 do bị kết tội tham ô và có những hành vi tham nhũng khác. Chung lên kế hoạch kháng án và được tại ngoại nhờ nộp tiền bảo lãnh.

Park Young Soo cũng đã làm sáng tỏ nghi ngờ ngân hàng Ngoại hối Hàn Quốc (KEB) được bán lại cho quỹ Lone Star (론스타 펀드) của Mỹ với giá rẻ.

Có thể án phạt không kéo dài như mong đợi của nhiều người nhưng việc dám đối mặt và đương đầu, trở thành cái gai cần loại bỏ của các tập đoàn lớn đã cho thấy bản lĩnh của vị cựu luật sự này.

Một vụ việc gây chấn động dư luận không chỉ trong nước là luận tội cựu Tổng thống Park Geun Hye. Ngày 9/12/2016, Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội cựu Tổng thống Park liên quan đến các cáo buộc tham nhũng. Tòa án Hiến pháp sau đó đã bắt đầu phiên đầu tiên xem xét kiến nghị luận tội bà Park, với thời hạn tối đa 180 ngày để ra phán quyết về kiến nghị luận tội này.

Với động thái trên, một nhóm công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc do Park Young Soo đứng đầu đã được thành lập để chính thức điều tra về sự dính líu của bà Park trong vụ bê bối. Sau 10 tuần xem xét kỹ lưỡng, nhóm công tố viên đặc biệt tái khẳng định chính bà Park đã đồng lõa với bà Choi Soon Sil trong vụ nhận hối lộ gần 38 triệu USD từ Samsung liên quan đến một phi vụ sáp nhập thương mại năm 2015.

Ngày 10/3/2017, bà Park chính thức bị Toà án Hiến pháp phế truất với hàng loạt cáo buộc hình sự. Sau đó, bà bị kết án 32 năm tù vì nhận hối lộ, lạm quyền, vi phạm luật bầu cử và biển thủ tiền từ cơ quan tình báo Hàn Quốc.

Cũng liên quan đến vụ án này, nhóm công tố viên đặc biệt đã đề nghị Tòa án ban lệnh bắt giam đối với Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong (이재용). Ông Lee bị nghi ngờ đã hối lộ bà Choi để đổi lấy sự hậu thuẫn của Chính phủ trong vụ sáp nhập giữa công ty xây dựng Samsung và công ty công nghiệp Cheil, hai công ty thuộc tập đoàn Samsung.

Thương vụ này được coi là một bước tiến quan trọng để ông Lee tiếp quản toàn bộ quyền điều hành kinh doanh tập đoàn Samsung. Vụ án khủng đến mức chính bản thân Công tố viên Park nhận định đây sẽ là “phiên tòa thế kỷ mà cả thế giới chú tâm theo dõi”.

“Sinh nghề” và “suýt tử nghiệp” – bị trả thù bởi sự công tâm

Ông Park Young Soo sinh năm 1952 tại Jeju (제주), từng tốt nghiệp Đại học quốc gia Seoul (서울 대학교) chuyên ngành tâm lý học, sau đó lấy bằng thạc sỹ khoa luật tại Đại học Korea (고려대학교). Ông bắt đầu sự nghiệp năm 1983 trong văn phòng công tố viên của thành phố Seoul (서울중앙지방검찰청).

Ngay từ những ngày đầu mới bước chân vào nghề, ông nhận nhiệm vụ triệt phá các băng đảng, ổ cờ bạc và tội phạm buôn ma túy.

Ông Park bắt đầu làm công tố viên vào năm 1987, khi điều tra vụ tự tử tập thể của 32 thành viên trong một nhóm tôn giáo.

Ông được thăng chức lên làm Viện trưởng Viện Kiểm sát cao cấp của Seoul trước khi về hưu vào năm 2009. Sau đó, ông chuyển sang làm luật sư tự do. Do bản chất công việc cộng với tính cách thẳng thắn, không bao che tội phạm, ông có không ít kẻ thù. Trong số đó phải kể đến vụ việc khiến ông suýt phải trả giá bằng tính mạng.

Sau khi chuyển sang làm luật sư tư, năm 2015, ông từng bị đối thủ bại trận trả thù bằng dao rọc giấy ngay ngoài văn phòng. May mắn giữ được mạng sống nhờ né được cú đòn hiểm, ông vẫn lĩnh một vết rạch sâu dài 15cm trên cổ, phải khâu hai lần mới kín vết thương.

Không chỉ dừng lại ở tư thù cá nhân. Những vụ án do Park Young Soo đảm nhận liên quan đến các tập đoàn lớn khiến ông cũng gặp không ít phản ứng tiêu cực từ một bộ phận người dân.

Một số người dân Hàn Quốc trung tuổi cho rằng ông là một công tố viên mù quáng, mạo hiểm, đang có hành vi “trù dập” vô lý người thừa kế Samsung mà không quan tâm đến cú sốc của nền kinh tế quốc gia. Họ bị kích động đến mức có những hành động quá khích, khiến cho chính phủ phải bố trí vệ sĩ để bảo vệ Park Young Soo.

Chính ông cũng đã từng phải thừa nhận: ban đầu đã chần chừ khi được bổ nhiệm làm công tố viên dẫn đầu nhóm điều tra vì vụ việc có mức độ nghiêm trọng quá lớn. Tuy nhiên, nhìn lại sự nghiệp trong cuộc đời mình, ông có quyền tự hào vì đã không đi ngược lại đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, vẫn là chính mình.

Chân dung những Công tố viên “tử thần” của các quan tham ở các quốc gia khác

Preet Bharara là một công tố viên liên bang nổi tiếng ở thành phố New York (còn gọi là Chưởng lý quận Nam New York, hay quận Manhattan). Ông xây dựng được uy tín từ thành tích phanh phui bê bối tham nhũng của rất nhiều quan chức ngân hàng lớn ở Phố Wall và cả chính quyền Hoa Kỳ.

Ngoài thành tích chống tham nhũng, ông Bharara còn tạo được tiếng tăm khi đã truy tố thành công Fraisal Shahzad, kẻ âm mưu đánh bom Quảng trường Thời đại năm 2010. Công tố viên này từng được nêu tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của Time năm 2012. Trên Tạp chí này có nhận xét rằng: Công tố viên Brahaha luôn “tìm kiếm sự thật”“phụng sự pháp luật, chứ không phải vì mục đích phe phái”.

“Danh sách Janot” là tên gọi của bản danh sách điều tra hơn 100 chính trị gia hàng đầu của Brazil dính líu đến bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras) và bê bối tham nhũng ở một số lĩnh vực khác. Tại sao bản danh sách này lại có tên gọi như vậy? Đó là cách gọi theo tên của vị Tổng Công tố Rodrigo Janot – nỗi “khiếp sợ” của các tội phạm tham nhũng nói chung và của các chính trị gia dính phải bê bối tài chính nói riêng tại Brazil.

Quá trình điều tra, xử lý vụ bê bối tham nhũng này gắn liền với tên tuổi của Tổng công tố liên bang Rodrigo Janot khi đến nay (vào tháng 3/2017) ông Janot đã yêu cầu điều tra hơn 210 người trong đó có trên 100 chính trị gia bao gồm 9 bộ trưởng của nội các, hàng chục nghị sĩ của lưỡng viện Quốc hội, nhiều cựu thống đốc. Đặc biệt trong số 9 bộ trưởng bị điều tra, có tân Ngoại trưởng Aloysio Nunes, người vừa được Tổng thống Michel Temer bổ nhiệm.

Không riêng gì tại Hàn Quốc, Hoa Kỳ hay Brazil, bất cứ quốc gia nào cũng cần có những Park Young Soo, Preet Bharara hay Rodrigo Janot để người dân thêm tin vào ánh sáng của công lý.

Tổng hợp từ KBS, The Tomorrow, Hani, Business SportKhan

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).