Tiền là một trong những đặc điểm đặc trưng nhất của một quốc gia. Do đó, trong tiền tệ, những nhân vật được lựa chọn để in lên tiền thường là những hình ảnh tiêu biểu trong suốt chiều dài lịch sử của quốc gia đó.

Không chỉ là những vị vua, những vị lãnh tụ vĩ đại. Nhiều quốc gia đã lựa chọn những người phụ nữ xuất chúng với tài năng, cốt cách hơn người để đưa vào thiết kế của một mệnh giá tiền nào đó.

Hệ thống tiền tệ của Hàn Quốc rất đa dạng với loại hình tiền xu, tiền giấy. Với mỗi loại lại có nhiều mệnh giá khác nhau và tất nhiên mỗi mệnh giá sẽ có một hình ảnh đại diện riêng.

Đồng xu 1 KRW sử dụng hình ảnh Quốc hoa của Hàn Quốc (무궁화 – Mugung-Hwa). Đồng xu 5 KRW là hình ảnh thuyền rùa. Tờ tiền giấy 1.000 KRW là hình ảnh của Lee Hwang và đồng 5.000 KRW sử dụng hình ảnh học trò của ông, Lee Yi.

Đến năm 2009, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc phát hành tiền giấy mới loại 50.000 KRW. Shin Saimdang, một nữ nghệ sĩ của giai đoạn giữa thời Joseon đã được chọn làm nhân vật chính in trên tờ tiền và gây sự chú ý bởi trong lịch sử đây là lần đầu tiên hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trên tiền giấy của Hàn Quốc.

Nhân vật này có gì đặc biệt để được lựa chọn làm biểu tượng trên tờ tiền mệnh giá không hề nhỏ của đất nước vốn sản sinh nhiều bậc tài nhân này?

Nhà nghệ thuật tiêu biểu của trung kỳ thời đại Joseon

Shin Saimdang (1504-1551) sinh ra trong thời kỳ đầu của triều đại Joseon, là con gái thứ hai trong số năm người con gái của một viên quan Tứ phẩm tên là Shin Myung Hwa (Thân Mệnh Hòa) và người mẹ họ Yi (Long Nhân Lý thị).

Thời điểm này, tàn dư lối sống của thời kỳ Goryeo (Cao Ly) vẫn còn và tư tưởng Nho giáo chưa ảnh hưởng đậm nét. Nhờ vậy, bà đã trở thành một người phụ nữ nổi tiếng, không chỉ là một người vợ hiền, người mẹ mẫu mực mà còn là một thi nhân, một danh họa được yêu mến ở nhiều nước trên thế giới trong nhiều thập kỷ.

Từ khi 7 tuổi Shin Saimdang đã bắt đầu tự học vẽ tranh. Nhờ có sự giúp đỡ hết lòng của cha mẹ mà Shin Saimdang đã thể hiện được tài năng trời phú, thể hiện được những đường nét tinh tế và sắc màu phong phú qua các bức tranh như vẽ sâu cỏ, cành nho, cây mai, hoa lan…

Shin Saimdang còn được biết đến là người giỏi về thơ văn, từ nhỏ đã ham đọc kinh thư Nho giáo và văn chương của các bậc thánh hiền, đồng thời vẫn có tài thêu thùa, kim chỉ vượt bậc nên được coi là nữ nghệ sĩ tiêu biểu của giai đoạn trung kỳ thời Joseon.

Người mẹ nuôi dạy nên học giả thiên tài

Năm 1522, Shin Saimdang kết hôn ở tuổi 19, lấy chồng là Yi Won Su, một quan văn thuộc nhánh họ Yi gốc Deoksu. Sau khi kết hôn, Shin Saimdang dồn hết tâm sức vào việc giáo dục con cái.

Với tình yêu thương và sự nghiêm khắc, bà đã dạy dỗ cho các con mình nên người một cách rất tuyệt vời.

Cũng vì vậy mà bà đã tự đặt cho mình cái tên hiệu là Saimdang (Sư Nhâm Đường) với ý nghĩa là noi theo tấm gương của bà Thái Nhậm, người phụ nữ hiền thục nhất trong lịch sử Trung Quốc, mẹ của bậc thánh quân nhà Chu là vua Văn Vương.

Đặc biệt, bà đã nuôi dạy con trai thứ ba Lee Yi (Lý Nhị) thành một học giả lớn của thời Joseon. Ông sinh ngày 26/12/1536 mất ngày 27/2/1584. Ông là một trong hai Nho gia lỗi lạc nhất dưới thời Joseon, bên cạnh sư phụ ông là Lee Hwang.

Từ nhỏ, ông được mẹ dạy dỗ. Ông còn có cơ hội tiếp xúc với nhiều học giả là bạn bè và đồng chí của cha mẹ. Khi mới 13 tuổi, ông đã thi đậu tiến sĩ. Ông 9 lần dự thi và đều đỗ đầu, vì thế thiên hạ gọi ông là “Cửu Độ Trạng Nguyên Công”.

Đối với tài đức của Lý Nhị, ở thời Joseon nhiều người cho rằng đó chính là nhờ quá trình thai giáo của từ mẫu Shin Saimdang. Ông từng được nhà vua bổ nhiệm các chức trong bộ Hộ, bộ Lễ, từng được phái đi sứ ở nhà Minh.

Hình của ông được in trên tờ bạc 5000 won của Hàn Quốc. Phía sau tờ tiền in hình quả dưa hấu và châu chấu, một trong 8 bức vẽ trên bình phong của Thảo Trùng Đồ nổi tiếng của mẹ ông.

Những người phụ nữ trên tờ tiền của các quốc gia khác

Tại Hoa Kỳ: Ngày 20/4/2016, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết họ đã quyết định đưa nhà hoạt động nhân quyền da màu Harriet Tubman (1820-1913) làm hình ảnh trên đồng 20 USD.

Ngoài ra, Kho bạc Hoa Kỳ đã thông báo rằng họ sẽ lựa chọn một số nhân vật nữ xuất hiện ở mặt sau của tờ tiền mệnh giá 5 USD và 10 USD.

Tháng 04/2016, Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) đã chọn tiểu thuyết gia và nhà thơ người Scotland Nan Shepard (1893-1981) làm đại diện cho tờ 5 bảng mới. Scotland sử dụng bảng Anh như phần còn lại của Vương quốc Anh, nhưng RBS, Ngân hàng Scotland và Ngân hàng Klaisdale có thể phát hành tiền giấy của riêng họ.

Ngân hàng Anh cũng đã quyết định thay đổi nhân vật 10 pound từ Charles Darwin thành Jane Austen (1775-1817), tác giả của Pride and Prejudice năm 2017.

Từ năm 2004, Nhật Bản đã đưa chân dung của nữ nhà văn Higuchi Ichiyo (1872-1896) lên tờ tiền 5000 yên. Higuchi Ichiyo chiếm một vị trí quan trọng trong thế giới văn học Nhật Bản hiện đại vì ngày nay nó được coi là tiên phong trong văn học của phụ nữ Nhật Bản.

Ngoài các quốc gia được liệt kê ở trên, còn có các nước khác như: Syria (in hình ảnh của Nữ Hoàng Zenobia, là người cai trị thứ 3 của đế chế Palmyrene trên tờ 500 pound), Thụy Điển (nữ danh ca Opera Jenny Lind xuất hiện trên đồng 50 krona, hình ảnh nữ nhà văn đầu tiên đạt giải Nobel vê Văn học, Selma Lagerlof, đã được in trên đồng 20 krona), Thổ Nhĩ Kỳ (nhà hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, Fatma Aliye Topuz, để in trên đồng 10 libra)…

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).