“Nhà Vua và Chàng Hề” (왕의 남자), một dự án lịch sử của đạo diễn Lee Jun Ik ra mắt vào năm 2005, đã được công chiếu tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, xuất sắc đạt được 14 giải thưởng điện ảnh uy tín và có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc.

Bộ phim kể câu chuyện của hai kỹ nam tài năng, Jangsaeng (Kam Woo Seong) nam tính mạnh mẽ và Gong Gil (Lee Jun Ki) nhẹ nhàng tinh tế. Họ dẫn đầu một đoàn kịch nghệ lưu diễn trên đường phố và mua vui cho giới quý tộc thời Joseon (조선왕조).

Trong khi đó, người cai trị đất nước hiện là vua Yeonsan (Jeong Jin Yeong), chuyên làm những điều phi lý tàn khốc. Biết được điều này, Jangsaeng và Gong Gil đã hợp tác với những người bạn diễn khác dựng lên một tiểu phẩm hài hước để chế giễu nhà vua. Sức lan tỏa của vở kịch khiến quan lại triều đình phải lưu tâm và tìm cách trừng trị họ.

Bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, Jangsaeng chấp nhận thỏa thuận với một trong những người hầu cận của nhà vua: hoặc làm cho nhà vua cười bằng vở diễn của họ, hoặc bị xử tử. Thế nhưng, họ đâu ngờ rằng giây phút Yeonsan cười đắc chí cũng là lúc mở đầu cho những thảm kịch chốn hậu cung về sau.

Bộ phim mở đầu với hình ảnh đoàn hát rong, một nét văn hóa cổ truyền của Hàn Quốc được gọi là namsadang (남사당), trong đó những người đàn ông trẻ đẹp là midong (미동). Đoàn biểu diễn nhiều loại hình giải trí khác nhau như ca hát, múa mặt nạ, múa rối và xiếc.

Lấy bối cảnh triều đại Joseon, “Nhà Vua và Chàng Hề” khai thác đề tài tình yêu lãng mạn đồng giới, mối quan hệ đồi trụy và bị cấm kỵ lúc bấy giờ.

Mặc dù, có rất ít tài liệu về đồng tính luyến ái trong văn học cổ Hàn Quốc hoặc các ghi chép lịch sử, nhưng một số thành viên trong giới quý tộc được biết đến bởi sự hấp dẫn với người cùng giới và công khai dưới hình thức “hwarang” (화랑).

Chẳng hạn như, trường hợp sớm nhất được ghi nhận là vua Hyegong (혜공왕), vị vua thứ 36 của triều đại Silla (신라), đã bị ám hại ở tuổi 22 bởi những quý tộc phản đối bản chất “nữ nhi” của nhà vua.

Ở vương quốc Cao Ly (고려), vua Mokjong (980 – 1009) và vua Gongmin (1325 – 1374) cũng có mối quan hệ đồng giới. Thậm chí, sau khi hoàng hậu qua đời, vua Gongmin còn lập ra chức vụ với mục đích duy nhất là tìm kiếm và chiêu mộ những chàng trai trẻ từ khắp nơi trên đất nước để phục vụ mình.

Với kịch bản cân bằng giữa các tuyến nhân vật, “Nhà vua & Chàng hề” phản ánh mối quan hệ giữa Jangsaeng nghĩa khí, Gong Gil xinh đẹp và vị vua tàn bạo, ích kỷ Yeonsan, khắc họa những cảm xúc hỗn độn và day dứt suốt mạch phim.

“Không có điều gì là vĩnh cửu, đó được gọi là định mệnh” – 영원한 건 없으니까 운명이라고 하죠.

Tình yêu ẩn chứa sức mạnh lạ kỳ, suy cho cùng có thể vì một người mà hy sinh tất cả, để rồi nhận lại những bi kịch đớn đau.

Cái kết nào khi TÌNH YÊU vượt quá giới hạn?

Dưới thời vua Yeonsan ở thế kỷ 15, hai chàng hề Jangsaeng và Gong Gil nổi tiếng như đôi nam tài – nam sắc làm việc trong một đoàn hát rong, nấp bóng sau đó là các hoạt động “lạc thú” phục vụ những quý tộc giàu có.

Hơn cả tình bạn bè thân thiết, Jangsaeng vốn xem Gong Gil như một người nhất định phải che chở và bảo vệ suốt đời. Do đó, khi chứng kiến những cuộc vui trái đạo lý dằn vặt người thương, Jangsaeng vùng lên chống lại chủ đoàn hát và trốn chạy lên kinh đô. Ở vùng đất mới, cặp đôi kết hợp với ba người bạn khác, tiếp tục biểu diễn khắp đường phố.

Lúc này, tai tiếng của vua Yeonsan và hoàng tộc được lan truyền khắp nơi là người đàn ông tàn ác nhất trong một gia tộc hỗn mang. Biết chuyện, cả nhóm cùng biểu diễn một vở kịch chế giễu nhà vua và người vợ mới của ông, Jang Nok Su.

Mặc dù, họ kiếm được rất nhiều tiền từ vở diễn, nhưng cuối cùng lại bị bắt và đánh đập vì tội phản quốc. Một lần nữa, Jangsaeng không thể kìm lòng nhìn những giọt nước mắt lăn trên má Gong Gil mà chấp nhận thương lượng với Choseon, người hầu cận nhà vua.

Có thể thấy, tình yêu Jangsaeng dành cho Gong Gil không đơn thuần là tình anh em cùng nhau trưởng thành, mà đến cả giới hạn “sống chết có nhau”.

Đến phút cuối, Jangsaeng và Gong Gil vẫn bước chung con đường họ chọn, chấp nhận biểu diễn vở kịch quyết định cuộc đời trước sự theo dõi của nhà vua cùng các quan lại trong triều. Như thường lệ, cặp đôi tung hứng ăn ý trong khi những người bạn diễn khiếp sợ bởi thế lực vương giả.

Mọi chuyện trở nên bế tắc khi vua Yeonsan tỏ vẻ dửng dưng trước cảnh tượng huyên náo từ những chàng hề. Nhưng ngay sau đó, không khí đột ngột thay đổi bởi tiếng cười hả hê của Yeonsan, cũng là giây phút Jangsaeng nhẹ nhõm đưa ánh nhìn về phía Gong Gil.

Theo thời gian, nhà vua càng rơi vào sự mê đắm trước nhan sắc của Gong Gil, khi thường xuyên triệu chàng hề đến tư phòng biểu diễn múa rối. Yeonsan nổi tiếng là một vị vua hung bạo, vậy mà lại cư xử hệt như đứa trẻ, khóc cười, vòi vĩnh trước Gong Gil.

Bởi lẽ, tình cảm Yeonsan dành cho Gong Gil đã vượt lên trên mối quan hệ vua – tôi, thay vào đó là cảm giác nhớ nhung, hụt hẫng khi vắng bóng hình Gong Gil bên cạnh.

Từ một vị vua tàn bạo đam mê nữ sắc, Yeonsan dần bỏ mặc người vợ trẻ quyến rũ, để qua lại với một nam nhân. Điều khiến vị thiếp vốn hết mực yêu thương phu quân trở nên lạnh lùng và tàn nhẫn. Yêu quá hóa hận thù, Nok Su tìm cách lăng mạ Gong Gil nhằm đẩy chàng hề ra xa nhà vua.

“Giống đàn ông hơn cả đàn ông, giống đàn bà hơn cả đàn bà” – Nok Su thậm chí còn ghen tỵ trước vẻ đẹp trung hòa âm dương, thanh thoát như họa của Gong Gil.

Sự xuất hiện của chàng hề xinh đẹp cùng thứ tình cảm u mê của nhà vua làm xáo trộn cuộc sống vốn là hai đường thẳng song song, giữa một bên là gia đình êm ấm và một bên là cặp đôi chí cốt “vào sinh ra tử” có nhau.

Trên cả tình yêu là tham vọng chiếm hữu và phía sau sự giam cầm thể xác là những vụn vỡ trong tâm hồn. Để rồi thu lại một kết cục bi thương cho những người trong cuộc là Yeonsan, Nok Su, Jangsaeng và Gong Gil.

TÌNH THÂN bỗng hóa hận thù

Trong mắt Gong Gil, nhà vua vừa đáng thương vừa đáng trách, thời ấu thơ đẫm máu và nước mắt khiến Yeonsan bị tổn thương chưa thể nguôi ngoai. Quá khứ chứng kiến mẹ mình bị các đại thần cùng hậu cung ép buộc phế truất và bức tử ám ảnh nhà vua suốt cuộc đời.

Từ đó, Yeonsan ngấm ngầm chối bỏ tình thân với những người trong hoàng tộc và nuôi dưỡng ý định báo thù cho mẹ. Nhân một vở diễn tại hoa viên hoàng cung, Gong Gil vô tình tái hiện cảnh tượng đau đớn mà mẹ Yeonsan từng trải qua, đã thôi thúc nhà vua thẳng tay thanh trừng hai vị hậu cung của vua cha không một chút suy xét.

Tận mắt nhìn thấy vẻ oán thù và hành động tàn bạo của nhà vua khiến Gong Gil có ý định bỏ trốn để tìm lại khoảng thời gian tự do, tự tại với Jangsaeng. Lời hứa cùng nhìn nhau già đi và hình ảnh giả vờ mù lòa nhưng tay trong tay đầy nghĩa tình, trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng Gong Gil.

Thế nhưng, bỏ mặc nỗi đau đớn dằn xé mà Gong Gil phải gánh chịu, Yeonsan hạ chỉ trừng trị Jangsaeng, khiến cả phần đời còn lại của chàng hề chìm trong bóng tối.

Quả nhiên, Yeonsan có thể xuống tay với người trong hoàng tộc nhưng không bao giờ chấp nhận sự rời bỏ của Gong Gil. Trong phút chốc, tình thân thương bỗng hóa xa lạ, chỉ vì muốn níu giữ một tấm lòng.

Về phần tỳ thiếp Nok Su, vốn hết mực yêu chiều và xem nụ cười của nhà vua chính là niềm vui của mình, cũng trở mặt làm trái ý Yeonsan để trả thù Gong Gil.

Không thể chen chân vào mối quan hệ ngược lẽ đời, Nok Su cấu kết cùng các vị quan lại nhằm diệt trừ Gong Gil trong một chuyến xuất cung đi săn. Âm mưu bất thành, nhưng Nok Su vẫn không từ bỏ mọi thủ đoạn để đẩy Gong Gil vào cảnh tù đày. Ít lâu sau đó, nàng mua chuộc người chép văn trong kinh thành giả mạo chữ viết của Gong Gil, với lời lẽ xúc phạm nặng nề đến nhà vua.

Sau tất cả, người bị tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác, Nok Su đáng thương làm mọi điều cũng chỉ vì muốn gìn giữ tình yêu của mình.

TÌNH BẠN keo sơn – “Nếu là bạn muôn đời là bạn!”

Một đoàn namsadang ở triều đại Joseon lưu diễn tại các khu chợ và làng mạc, đôi lúc được giới quý tộc gọi đến pha trò, bao gồm các kỹ nam biểu diễn nhiều loại hình giải trí khác nhau. Do đó, namsadang thường có đến 40-50 thành viên ở mọi lứa tuổi.

Giống như khi Jangsaeng và Gong Gil tìm đến kinh đô, họ rất cần sự góp sức của những chàng hề khác để lập nên một nhóm biểu diễn mới. Từ đây, họ kết bạn và gắn bó thân thiết với ba kỹ nam Yuk Gab (Yoo Hae Jin), Chil Duk (Jung Suk Yong) và Pal Bok (Lee Seung Hoon).

Đồng hành với Jangsaeng và Gong Gil, ba chàng hề cùng chung chí hướng sẵn sàng chịu cảnh sướng khổ có nhau. Lúc bị bắt giữ và chịu đòn roi vì hợp tác trong vở diễn châm biếm nhà vua, khi cùng rượu thịt no say sau khi hoàn thành vở kịch sinh tử tại triều đình.

Hơn thế, dù khoảng thời gian hợp tác giữa năm người chưa bao lâu, nhưng họ luôn xem nhau như anh em cùng nhà. Nhận thấy sự bất ổn trong tinh thần của vua Yeonsan, ba chàng hề lo lắng cho an toàn của Gong Gil mà ra sức khuyên ngăn cùng nhau xuất cung.

Tình bằng hữu hiếm có của Yuk Gab, Chil Duk và Pal Bok còn minh chứng rằng, không chỉ có Jangsaeng mới dám hy sinh tất cả vì Gong Gil. Bởi ba chàng hề không rời Gong Gil nửa bước trong chuyến đi săn với nhà vua, vốn được các quan lại sắp đặt để loạt bỏ Gong Gil vĩnh viễn. Nếu không có sự dũng cảm cứu nguy của Yuk Gab, có lẽ Jangsaeng không thể một mình bảo vệ người thương.

Yuk Gab vì giúp bạn mà không tiếc cả tính mạng, quả thật, có thể dễ dàng tìm thấy những người bạn đường, nhưng thật khó khăn để gặp được những người bạn toàn tâm như Gong Gil và ba chàng hề.

Sau cùng, tình yêu – tình thân – tình bạn đều trở thành bi kịch trong cuộc đời mỗi người khi vượt quá giới hạn của nó.

“Nhà vua & Chàng hề” đã khéo léo xây dựng một kết thúc mở khiến người xem phải trăn trở, với sự điềm tĩnh của Nok Su nguyện ở bên Yeonsan trước cuộc bạo loạn, hay nụ cười của Jangsaeng và Gong Gil cùng lời hứa hẹn bất kể biến cố ập đến:

– Kiếp sau huynh muốn làm gì? Có phải là một quý tộc?
– Không! Ta muốn kiếp sau lại làm một kẻ hát rong.
– Vậy còn đệ thì sao?
– Đệ cũng chỉ muốn làm người hát rong không hơn không kém.

One thought on “Nhà Vua & chàng hề: Bi kịch bởi một chữ “TÌNH”

  1. ngoc viết:

    Đọc hay quá. Nhất định phải xem phim

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).