⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Ngày 5/3/2020, Việt Nam công bố cấp phép sản xuất đại trà bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 (tức COVID-19) nhằm phục vụ công tác chẩn đoán bệnh nhân nghi nhiễm virus. Bộ kit được cho là kết quả nghiên cứu do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.

Với năng lực sản xuất khoảng 10.000 bộ kit/ngày, thậm chí có thể tăng gấp ba nếu cần thiết, Việt Nam tự tin có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước trước diễn tiến khó lường của dịch bệnh, thậm chí xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, tới ngày 15/3, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long, trong buổi đón tiếp ngài Park Noh Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, đã lên tiếng đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ thêm các sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm cùng bộ kit chẩn đoán virus COVID-19 nhằm nỗ lực đối phó với tình hình dịch bệnh.

Điều này khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên giữa tính chất thực hư của các nguồn thông tin. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao có năng lực sản xuất dư đủ để xuất khẩu nhưng Việt Nam vẫn yêu cầu phía Hàn Quốc hỗ trợ?

Để trả lời cho câu hỏi này, cần phải giải thích rõ hơn về các phương pháp chẩn đoán virus corona hiện tại. Trên thực tế, bộ kit xét nghiệm do Việt Nam sản xuất và bộ kit xét nghiệm mà Hàn Quốc viện trợ là hai phương pháp chẩn đoán hoàn toàn khác nhau.

Có ba phương pháp được sử dụng trong việc xác định virus gồm có phương pháp chẩn đoán phân tử, phương pháp chẩn đoán kháng thế-kháng nguyên và phương pháp nuôi cấy tế bào. Tuy nhiên phương pháp nuôi cấy tế bào thường mất từ 2-4 tuần và hoàn toàn không phù hợp để xét nghiệm trên diện rộng.

Theo ghi nhận, tính tới thời điểm hiện tại, phương pháp chẩn đoán phân tử là phương pháp duy nhất được sử dụng để xác nhận số ca nhiễm trên toàn thế giới. Việt Nam và Hàn Quốc đều nằm trong số các nước có thể tự thiết kế và sản xuất loại kit thử này.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn sản xuất thêm bộ kit thử theo phương pháp chấn đoán kháng thể, giúp hỗ trợ trong quá trình khoanh vùng dịch, đây là bộ kit được cho là đã viện trợ cho chính phủ Việt Nam.

Phương pháp chẩn đoán phân tử – Kit xét nghiệm Việt Nam sản xuất

Phương pháp chẩn đoán phân tử là phương pháp xác định trực tiếp sự có mặt của virus trong cơ thể thông qua việc tìm kiếm trình tự đặc trưng của phân tử ADN hoặc ARN – vật chất di truyền của virus và các tế bào sống – trong mẫu xét nghiệm.

Để tiến hành xét nghiệm này, một trong những sinh phẩm quan trọng cần có là bộ kit xét nghiệm. Phương pháp này còn được gọi là phương pháp xét nghiệm chậm hay xét nghiệm PCR do cần dùng tới máy PCR để nhân sao một lượng lớn bản sao ARN phục vụ cho việc phân tích kết quả. Quá trình tiến hành xét nghiệm có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.

Trong điều kiện kỹ thuật tối ưu về trình độ kỹ thuật viên, phương tiện máy móc và quản lý chất lượng thì đây có thể coi là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất với cả độ nhạy (khả năng xác định ca dương tính) và độ đặc hiệu (khả năng loại bỏ ca âm tính) đều cao.

Tuy nhiên, một nhược điểm của phương pháp này đó là sự phụ thuộc vào trang thiết bị và phòng thí nghiệm. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Hàn Quốc chỉ có 96 phòng thí nghiệm được cấp phép tiến hành phân tích kết quả từ các mẫu thử gửi về trên khắp cả nước. Theo tin tức báo chí, Việt Nam hiện tại cũng có 30 cơ sở có khả năng làm xét nghiệm này.

Phương pháp chẩn đoán kháng thể – Kit xét nghiệm Hàn Quốc cung cấp

Ngoài phương pháp chẩn đoán phân tử thì có một phương pháp chẩn đoán khác dựa trên cơ sở miễn dịch học, còn được gọi là phương pháp xét nghiệm huyết thanh hay xét nghiệm kháng thể.

Thay vì xác định trực tiếp sự có mặt của virus, phương pháp này xác định tình trạng nhiễm bệnh một cách gián tiếp thông qua sự có mặt của kháng thể trong cơ thể.

Kháng thể là các protein miễn dịch được cơ thể tạo ra nhằm phản ứng lại tình trạng bị virus hoặc vi khuẩn lạ tấn công. Cơ thể nào có khả năng hình thành kháng thể càng mạnh thì khả năng miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm khuẩn càng cao.

So với phương pháp xác định phân tử, việc xác nhận sự có mặt của protein đơn giản hơn và không phụ thuộc vào máy PCR. Tốc độ xét nghiệm cũng nhanh hơn, có thể chưa cần tới 1 tiếng đồng hồ. Do đó, phương pháp xét nghiệm kháng thể cũng được gọi là phương pháp xét nghiệm nhanh.

Tuy nhiên, mức độ sản sinh kháng thể của mỗi người tại các thời điểm khác nhau là khác nhau. Trong trường hợp người bệnh đã bị nhiễm virus nhưng cơ thể chưa hình thành đủ lượng kháng thể thì sẽ cho ra kết quả âm tính giả.

Điều này thể hiện nhược điểm lớn nhất của phương pháp nhanh đó là độ nhạy không cao. Ngoài ra, tùy cách thiết kế bộ kit thử mà độ đặc hiệu cũng có thể thay đổi.

Nói về kit xét nghiệm do Hàn Quốc viện trợ, ông Nguyễn Thanh Long cho biết: “Việc Việt Nam quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ kit chẩn đoán nhanh từ Hàn Quốc là để đáp ứng giai đoạn mới của dịch COVID-19 tại Việt Nam, khi ca bệnh tăng về số lượng và dịch lan trên diện rộng, nguồn lây lan khó kiểm soát”.

Nghị sĩ Mỹ chỉ trích năng lực xét nghiệm của Hàn Quốc, Hàn Quốc phản pháo

Trong phiên điều trần quốc hội mới đây của Hoa Kỳ, đại biểu đảng Dân chủ, ông Carolyn Maloney, đã chỉ ra rằng mặc dù Mỹ và Hàn Quốc đều phát hiện ra các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào cùng khoảng thời gian nhưng hai quốc gia đã có sự khác biệt to lớn về năng lực xét nghiệm virus. Theo lời ông, hiện tại một ngày Hàn Quốc có thể xét nghiệm nhiều hơn “chúng ta đã làm” trong suốt hai tháng qua.

Đáp lại lời chỉ trích này, đại biểu đảng Cộng Hòa Mark Green đã biện luận rằng bộ xét nghiệm khẩn cấp mà Hàn Quốc sử dụng ít đáng tin cậy so với phương pháp mà Mỹ đang dùng.

Ông trình bày: “Tôi đã đề nghị Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) so sánh và giải thích tại sao xét nghiệm của chúng ta tốt hơn nhiều.”

Ngoài ra, sau khi tham vấn FDA, ông Green cho rằng bộ kit xét nghiệm của Hàn Quốc chỉ xét nghiệm sự có mặt của kháng thể trong khi bộ kit xét nghiệm của Mỹ kiểm tra sự có mặt của nhiều loại kháng thể khác nhau, do đó độ chính xác cũng cao hơn.

Đáp lại nhận định “nông cạn” này, phó giám đốc Cơ quan Y tế quốc gia (NIH) Hàn Quốc, ông Kwon Jun Wook, khẳng định Hàn Quốc vẫn luôn xét nghiệm các ca nhiễm thông qua phương pháp chẩn đoán phân tử – phương pháp kết luận chính xác nhất được khuyến cáo bởi WHO.

“Không một quốc gia nào trên thế giới thực hiện xét nghiệm theo cách nào khác tính tới thời điểm hiện tại” ông cho biết, đồng thời cho rằng Green đã hiểu sai ý của FDA bởi “một công ty Hàn Quốc đã nộp đơn lên FDA xin phê duyệt bộ kit xét nghiệm kháng thể nhưng điều đó chẳng liên quan gì đến cách các ca nhiễm bệnh được xét nghiệm tại Hàn Quốc.”

Phương pháp xét nghiệm huyết thanh mà ông Green đề cập vốn chỉ được sử dụng để kiếm chứng liệu cơ thể đã có phản ứng miễn dịch với dòng virus corona chủng mới.

Nó cũng được các nhà khoa học sử dụng trong mục đích giám sát và truy dấu sự lây nhiễm của virus trong một cộng đồng nhất định.

Hàn Quốc phát triển phương pháp chẩn đoán mới

Ngày 19/3, nhóm nghiên cứu Viện POSTECH, Hàn Quốc đã công bố phát triển một phương pháp chẩn đoán hoàn toàn mới ngoài hai phương pháp nói trên.

Nhóm cho biết: “Hiện tại để biết kết quả xét nghiệm COVID-19 cần tới ít nhất là 6 tiếng đồng hồ, tuy nhiên nhóm đã phát triển một phương pháp chấn đoán mới cho kết quả âm tính hay dương tính chỉ trong vòng 15 phút. Chi phí xét nghiệm cũng giảm đi rất nhiều.”

Phương pháp mới được phát triển dựa trên kỹ thuật viro-SELEX nhằm xác định một dạng vật liệu cấu thành ADN và ARN là aptamer. Nghiên cứu của nhóm đã xác định được các aptamer có độ bám dính đặc hiệu với protein spike của virus COVID-19.

Biểu đồ phương pháp viro-SELEX

Với cặp aptamer này, nhóm đã có thể thiết kế một bộ kit xét nghiệm hiển thị kết quả nhanh chóng bằng việc đổi màu giống như que thử thai. Toàn bộ quá trình chẩn đoán chỉ cần 15 phút.

Hiện tại nhóm nghiên cứu đã nộp đơn xét duyệt lên chính phủ Hàn Quốc và có thể cần từ 4~5 tháng để hoàn tất quy trình thẩm tra trước khi đưa vào sản xuất đại trà và áp dụng thực tiễn.

XEM THÊM: Ba đặc điểm khiến Hàn Quốc trở thành hình mẫu chống dịch hiệu quả


Người Việt Nam ở Hàn Quốc có thể sử dụng Bản đồ Virus Corona để theo dõi tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp ở Hàn Quốc cũng như các địa điểm bệnh nhân đã đến để tránh không bị lây nhiễm.

🚒 BẠN CẦN BIẾT: Hướng dẫn cách phát hiện triệu chứng nhiễm virus COVID-19 & Cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả từ các chuyên gia y tế.

⁉️ ĐỪNG HOANG MANG: 6 Tin đồn về virus COVID-19 & Lời giải thích hợp lý.

🔴 Theo dõi cập nhật tình hình lây lan của virus COVID-19 ở Hàn Quốc và trên thế giới tại đây.

Tổng hợp từ HaniJoongAng Ilbo

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).