Có thể coi COVID-19 là trận đại dịch có sức công phá lớn nhất từ trước đến nay. Sau hơn nửa năm hoành hành, COVID-19 chưa có dấu hiệu thoái lui và đang để lại những ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại, dịch vụ… cũng như tâm lý xã hội của người dân trên toàn thế giới.

Số ca nhiễm COVID-19 đột ngột tăng vọt ở Hàn Quốc sau hơn 5 tháng kiểm soát thành công đợt bùng phát đầu tiên. Trong những ngày trung tuần tháng 8, số ca nhiễm ở Hàn lại tiếp tục tăng vọt lên 3 con số.

Nếu không có bệnh nền, thể trạng sức khoẻ tốt thì phần lớn các bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể bình phục tốt về mặt thể chất, nhưng họ và gia đình có những sa sút về tinh thần không hề nhỏ tận 1 năm sau khi dịch kết thúc.

Mới đây, một bài chia sẻ của một bệnh nhân COVID-19 Hàn Quốc đã điều trị thành công và được xuất viện trở về về đã gây được sự chú ý của cộng đồng mạng. Qua bài chia sẻ này, chúng ta có thể hình dung phần nào những tổn thương tâm lý mà COVID-19 để lại cho con người.

Trước đó, một nữ sinh 24 tuổi ở thành phố Daegu cũng từng tâm sự về tình trạng nhiễm bệnh và phải cách ly của cô

Đã 165 ngày sau khi tôi khỏi bệnh và xuất viện. Có 5 triệu chứng vẫn đeo bám tôi cho tới nay.

1. Tôi bị triệu chứng Sương mù não (brain fog), đầu óc mông lung, khó tập trung, ghi nhớ, đúng như thể có một đám mây mù bao phủ trên đầu. Chỉ cần tập trung một chút là tôi thấy đầu và ngực đau như búa bổ, cơ thể bải hoải đến mức không muốn làm bất cứ việc gì.

Tôi không thể nhớ được là mình vừa định làm gì, đã uống vitamin hay chưa, mở Google ra để tìm kiếm thông tin gì, đứng như trời trồng giữa bếp mà không biết mình định làm gì. Tôi có đọc báo thì được biết, các nhà nghiên cứu ở Mỹ, Anh, Trung Quốc cũng khẳng định người mắc COVID-19 có nguy cơ bị rối loạn tâm thần sau khi xuất viện.

2. Tôi cũng cảm thấy đau và tức ngực, ngồi hay nằm đều khó chịu. Đây cũng là một trong những triệu chứng đã được báo chí nước ngoài nhắc đến.

3. Những cơn đau bụng vẫn tái diễn, đặc biệt là vùng bụng dưới vẫn thỉnh thoảng đau. Các chuyên gia nước ngoài cũng đã có cảnh báo về việc suy giảm chức năng của ruột và thận với bệnh nhân COVID-19.

4. Tôi cũng gặp vấn đề về da. Trước đây da có nhiều chỗ bị thâm đỏ, đã nhạt đi rất nhiều, nhưng gần đây trên da lại xuất hiện những chấm tím. Bên cạnh đó, mặc dù uống nhiều nước nhưng da tôi vẫn bị khô. Vào tháng 4, tôi có mở cửa sổ để ngủ thì thấy tình trạng khô da trở nên nghiêm trọng hơn. Đến tháng năm, chỉ cần mặc áo ngắn tay, quần đùi ra ngoài là những phần da hở cũng sẽ bị khô. Gần đây, cả những phần da tiếp xúc với quạt cũng bị khô nghiêm trọng.

5. Tình trạng mệt mỏi vẫn cứ lúc có lúc không. Trước đây thì còn phân thành ngày mệt ngày khoẻ, nhưng gần đây thì có nhiều khi buổi sáng đang khoẻ, tự dưng đến chiều lại thấy khó chịu, nói chung là không thể đoán trước được.

Vào những ngày thấy thể trạng tốt, tôi vẫn cố gắng ra ngoài đi dạo để kiểm soát thể lực nhưng tôi thấy nhiều người ra đường vẫn không chịu đeo khẩu trang. Có ít nhất là 1,2 người trên đường tôi gặp không đeo khẩu trang, nói chuyện oang oang qua điện thoại. Khi đi qua ga tàu điện ngầm tôi cũng thấy có rất nhiều người không đeo. Dường như vẫn có nhiều người coi thường con virus này, cứ nghĩ điều trị xong là khỏi và quên đi những di chứng dai dẳng mà virus này mang lại.

Ngoài những triệu chứng kể trên, những trải nghiệm về cách ly xã hội, sợ lây truyền virus cho người khác của một “bệnh nhân nhiễm COVID-19”, cũng sẽ đem lại nhiều bất an, lo lắng cho người bệnh và gia đình, bạn bè xung quanh.

Bản thân người bình thường sống trong mùa dịch cũng có những nỗi căng thẳng tiềm ẩn như lo mất việc, lo bị lây nhiễm. Những người làm việc trong môi trường cường độ cao, xa nhà lâu ngày lại càng dễ mất ngủ, trầm cảm.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên duy trì vận động, luyện tập thể dục hàng ngày, những lúc căng thẳng hãy tạm dừng liên lạc với mạng xã hội để tránh đọc phải các thông tin nặng nề.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).