Những ngày trước Tết, cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc lại sôi nổi bàn nhau về việc về ăn Tết phải chuẩn bị bao nhiêu tiền.

Nếu tính sơ sơ tiền vé máy bay, tiền tàu xe đi lại, tiền quà Tết, tiền lì xì cho bố mẹ, anh em, họ hàng thì mỗi Việt kiều phải chuẩn bị hòm hòm trong túi khoảng 3 ~5 triệu KRW (60 ~100 triệu VND).

Một bạn DHS ngậm ngùi: Mình chỉ đủ tiền mua vé máy bay, nếu lo cả quà cáp các thứ nữa thì chắc hết sạch tiền tiết kiệm. Nên mặc dù nhớ nhà lắm, nhưng đành phải chấp nhận “xuân này con không về”!

Những ai may mắn đủ điều kiện về nhà sẽ bắt đầu phải đắn đo mua quà, thùng to thùng nhỏ, trùng trùng lớp lớp, tay xách nách mang vì ai cũng muốn nhận được quà của… Việt kiều, người này có người kia không có sẽ tị nạnh.

Nhiều người còn cố gồng mình thể hiện cho ra dáng sang chảnh, với phương châm ở nước ngoài làm cực đến đâu, nhưng về Việt Nam phải ra dáng đại gia cho nở mày nở mặt.

Cả họ đổ xô đi đón Việt kiều về nước, sân bay Việt Nam lúc nào cũng đông nghịt người dịp trước Tết

Bên cạnh niềm vui được hoà mình trong không khí đón Tết cổ truyền thì Việt kiều cũng luôn phải chuẩn bị “tinh thần” trả lời những câu hỏi như: Đi nước ngoài về thế chắc lương cao lắm nhỉ? Bao giờ xây cho bố mẹ cái nhà to hơn chứ nhỉ?

Khổ sở nhất là mấy bạn du học sinh, bị so sánh với “con nhà người ta”, tháng gửi ngót trăm triệu cho gia đình chi tiêu. Lúc đó chỉ biết chống chế yếu ớt chứ không mong thông cảm: “Cháu đi học, làm gì đã làm ra tiền ạ!”.

Nhiều người cứ đinh ninh “Việt kiều” là oai, là giàu dữ lắm và “Việt kiều” thì phải tặng quà mắc tiền, cao cấp. Nhưng họ đâu có biết Việt kiều kiếm tiền ở nước ngoài nhiều khi còn cực nhọc hơn ở nhà rất nhiều.

Đằng sau cái mác Việt kiều là những đêm dài giá lạnh, cô đơn, những bữa trưa nồng mùi tanh cá biển, những giấc ngủ chập chờn trong công xưởng.

Vất vả, cô đơn, lo toan là vậy đấy! Nói ra không phải để kể khổ. Chỉ mong một sự cảm thông! Dẫu mỗi lần về Việt Nam lo toan bội phần, nhưng đó là quê hương, nơi có gia đình, cha mẹ, nên dù cực mấy, vẫn bấm bụng đi về.

Bên cạnh những Việt kiều chấp nhận “bấm bụng” lo Tết cũng có những người mạnh dạn đứng lên thay đổi.

Một bạn chia sẻ: “Tại nhiều người cứ sĩ diện hão. Theo tôi, mua quà cho ba, mẹ, chị em ruột thịt là được rồi, vì là người trong nhà. Còn những mối quan hệ xa khác thì nếu họ có qua, mình có lại, không thì thôi. Nếu dư dả thì cho quà nhiều, không dư thì khỏi quà cáp, đi ăn thì chia đều, còn không thì không đi. Ở đâu thì cũng phải mưu sinh thôi mà.”

Đây cũng là một lời khuyên khá hợp lý: “Chỉ cần lo cho cha mẹ là chính, khá thì làm bữa cơm tại nhà mời vài người thân, nói chuyện thật về công việc của mình là được. Bây giờ Việt Nam thiếu gì đâu mà phải mang vác về cho cực.

Làm ăn ở nước ngoài, kinh doanh còn đỡ nhưng phần nhiều đi làm thuê, cũng chỉ đủ ăn, có khi không bằng ở Việt Nam nên đừng sĩ diện. Cứ về thăm quê vô tư rồi sẽ quen.”

Một ý kiến khác đưa ra để dặn dò những Việt kiều hay phải nhận lời nhờ “mua hộ” hàng trước Tết: Phải phân chia rõ đồ mua để làm quà và mua hộ. Người trong nước mà nói rõ họ muốn mua thứ gì thì cứ nói là mua hộ, cần họ đồng ý với giá tiền món hàng và trả tiền. Có vậy thôi.

Tôi đây có lúc đi về chỉ có quà là kẹo cho trẻ con mà ai cũng vui vẻ, có vấn đề gì đâu. Cứ thật thà, tiêu tiền trong khả năng, không nên cố thể hiện rồi lại đổ cho bà con trong nước tham quà.

XEM THÊM:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).