Sau khi doạ sẽ thả truyền đơn trả đũa, ngày 22/6/2020, website của Cơ quan Thông tấn Trung ương Bắc Hàn (KCNA) tiếp tục thông báo sẽ dùng 3.000 quả bóng bay để rải 12 triệu truyền đơn sang Hàn Quốc.

Từ thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020, Bắc Hàn tỏ ra tức giận với việc thả bóng bay qua biên giới của những người đào tẩu miền Bắc và lên án chính quyền miền Nam đã “đồng loã” với hành động này.

Sau vụ việc, chính phủ Hàn Quốc đã tìm cách hợp pháp hóa lệnh cấm phát tờ rơi và đệ đơn kiện hai nhóm người đào tẩu từ Bắc Hàn tham gia rải truyền đơn. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chỉ trích Seoul vì hành động quá muộn.

KCNA cho rằng miền Nam phải nếm trải hoàn cảnh tương tự để hiểu rõ việc xử lý các chất ô uế từ rải truyền đơn vất vả ra sao, và nhận ra hành vi này bẩn thỉu thế nào. Hãng thông tấn miền Bắc cũng đồng thời đe dọa “thời khắc Hàn Quốc nhận quả báo đang đến gần”.

Hãng tin KCNA nhấn mạnh: “Mỗi hành động nên được đáp ứng với phản ứng thích hợp và chỉ khi một người tự trải nghiệm, người ta mới có thể cảm nhận được sự xúc phạm của nó như thế nào. Một khi ở vào vị trí của chúng tôi, chính quyền Hàn Quốc sẽ hiểu được chúng tôi đã cảm thấy bị xúc phạm như thế nào”.

Song song với việc sử dụng truyền thông để đe doạ Hàn Quốc, Bắc Hàn còn liên tục huy động quân đội ở khu vực biên giới, huy động các nhóm nhỏ, mỗi nhóm 5 binh sĩ, cầm theo xẻng, liềm và các hộp nhỏ bí mật đến một số đồn biên phòng trong Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền.

Đồng thời, miền Bắc cũng đe dọa sẽ khôi phục lại các đồn gác biên phòng, vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai nước năm 2018. Bắc Hàn được cho là có khoảng 150 đồn quân sự trong khu vực.

Từ ngày 21/6, quân đội Hàn Quốc còn quan sát được Bắc Hàn đã có động thái lắp lại loa tuyên truyền ở hơn 10 khu vực giáp ranh biên giới hai miền.

Cả Seoul và Bình Nhưỡng từng lắp đặt các dàn loa phóng thanh ở biên giới để vừa tuyên truyền về thể chế, vừa đóng vai trò thực hiện chiến tranh tâm lý. Cuộc chiến phát loa phóng thanh qua lại của hai miền Nam-Bắc đã được tạm ngừng rồi triển khai trở lại nhiều lần tùy theo tình hình quan hệ hai miền.

Hàn Quốc thường phát bản tin thời tiết, tin tức thời sự hai miền Nam – Bắc và thế giới, những cuộc thảo luận ủng hộ dân chủ, chủ nghĩa tư bản và cuộc sống ở Hàn Quốc. Dàn loa cũng phát cả nhạc K-Pop như các bài hát của nhóm nhạc nữ Apink, ca sỹ IU và nhóm nhạc nam Big Bang – trong đó có bài hát nổi tiếng Bang Bang Bang. Chương trình loa phóng thanh của Bắc Hàn thì toàn những lời lẽ đặc trưng lên án Seoul và đồng minh.

Sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un ngày 27/4/2018, hai miền nhất trí dừng các hành động thù địch lẫn nhau, cũng như hủy bỏ các phương tiện chống phá gồm cả phát tin qua loa phóng thanh và phát tờ rơi.

Tuy nhiên, sau khi căng thẳng liên tục leo thang từ cuối tháng 5/2020, Bắc Hàn tuyên bố thỏa thuận liên Triều đã biến thành những trang “giấy nháp”.

Tổng thống Moon Jae In chịu nhiều sức ép

Ngoài một loạt hành động khiêu khích từ phía Bình Nhưỡng, Hàn Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ ca nhiễm COVID-19 mới tăng bất thường ở khu vực thủ đô.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc vẫn tiếp tục bị Mỹ gây sức ép trong quá trình đám phán chia sẻ chi phí quân sự cho binh lính Mỹ đồn trú tại Hàn.

Ngày 15/6, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết không hài lòng với mức chi tiêu quốc phòng của Đức, và chính thức tuyên bố cắt giảm lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Đức xuống còn 25.000 binh sĩ. Như vậy, 9.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức sẽ bắt đầu rút quân đến tháng 9 tới.

Đây chính là lời nhắc nhở gián tiếp tới các nước đang có lính Mỹ đồn trú, bao gồm cả Hàn Quốc. Các chuyên gia cho rằng Washington sẽ viện cớ tương tự để gây sức ép lên Hàn Quốc trong quá trình đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ. Một trong những động thái gây sức ép cụ thể nhất là Mỹ đã cho nhân viên người Hàn làm việc tại các căn cứ quân sự Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc bị nghỉ việc không lương từ tháng 4/2020.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng tại Mỹ hiện nay có khả năng sẽ khiến ông Trump khó nhượng bộ trong đàm phán chia sẻ chi phí quân sự với Hàn Quốc.

Trong năm 2019, Hàn Quốc đã gánh vác 1.038,9 tỉ KRW (844 triệu USD) chi phí quân sự với Mỹ. Ban đầu, Mỹ đề nghị nâng gấp đôi khoản đóng góp của Seoul lên thành 1.6 tỉ USD.

Tuy nhiên, con số cuối cùng đã được điều chỉnh, Mỹ chịu nhượng bộ về số tiền, nhưng thay vào đó lại yêu cầu đổi hiệu lực của hiệp định từ 5 năm xuống 1 năm. Do vậy, ngay sau khi đạt được thỏa thuận cho năm ngoái, hai bên lại phải bắt tay ngay vào quá trình đàm phán cho hiệp định mới.

Về phần mình, Hàn Quốc cho rằng khó có thể gánh vác nhiều hơn nữa nên vòng đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ sẽ là một cuộc chiến dài hơi, có thể bị trì hoãn tới sau khi có kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Bên cạnh đó, tổng thống Moon Jae In còn bị “vạ lây” khi được nhắc đến với những nội dung không mấy tích cực trong cuốn hồi ký của Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton.

Ông Bolton từng là Cố vấn An ninh quốc gia trong chính quyền của Tổng thống Trump, nhưng đã bị sa thải vào tháng 9/2019 do bất đồng về chính sách. Ông được biết đến là một cố vấn theo phái “diều hâu” với các quan điểm cứng rắn, ủng hộ việc đánh phủ đầu các mối đe dọa.

Ông John Bolton mới ra cuốn hồi ký mang tên: “The Room Where It Happened: A White House Memoir” (tạm dịch là “Căn phòng nơi điều đó xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng”).

Cuốn hồi ký này có đề cập tới đường lối ngoại giao thượng đỉnh hồi năm ngoái liên quan tới tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo hai miền Nam – Bắc Hàn. Trong đó, ông John Bolton có cho rằng tổng thống Moon Jae In đã cố “chen vào” những cuộc đàm thoại của tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhưng không được hai bên đồng ý.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng Tổng thống Moon rất muốn tổ chức cuộc gặp ba bên với Bắc Hàn vào tháng 6/2019, nhưng ông Trump không muốn ông Moon tham gia.

Ngay sau đó, Phủ tổng thống Hàn Quốc đã lên án nội dung trên hoàn toàn không đúng sự thật, chỉ là góc nhìn cá nhân của ông John Bolton. Điều này vi phạm nguyên tắc ngoại giao cơ bản, có thể làm tổn hại nghiêm trọng tới lòng tin giữa các bên trong các cuộc đàm phán sau này, cũng như tổn hại tới nỗ lực của các nước đồng minh trong đề ra chiến lược và thúc đẩy lợi ích an ninh chung.

Hiện tại, cuốn hồi ký “The Room Where It Happened: A White House Memoir” cũng đang là chủ đề của cuộc chiến pháp lý leo thang giữa tác giả Bolton và Nhà Trắng. Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn khởi kiện ông Bolton tại một tòa án liên bang ở thủ đô Washington nhằm ngăn chặn ông ra mắt cuốn hồi ký Nhà Trắng do lo ngại nó chứa nhiều thông tin mật, có thể tổn hại tới an ninh quốc gia.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).