Nhắc tới nền kinh tế Hàn Quốc, không ai là không biết đến các chaebol, vốn được coi là công thức chính để đưa Hàn Quốc thoát khỏi đói nghèo.

Để vực dậy nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào nông nghiệp trong những năm 1960 và 1970 của thế kỷ trước, Chính phủ Hàn Quốc đã dành nhiều ưu ái để biến một số công ty lớn theo mô hình gia đình trị thành các tập đoàn kinh tế.

Các tập đoàn này phát triển công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu, trở thành động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc, tiêu biểu là Samsung (삼성), Hyundai (현대), Daewoo (대우)…

Nhờ những lợi thế sẵn có và các chính sách ưu đãi của Chính phủ, các chaebol (채볼) đã phát triển rất nhanh, chiếm lĩnh thị trường trong nước, áp đặt sự thống trị lên nền kinh tế, thậm chí có thể kiểm soát được cả khu vực tài chính.

Và mỗi khi nhắc tới chaebol thì không thể không đề cập tới những người đứng đầu chèo lái các tập đoàn đi đúng đường hướng của sự thành công và phát triển. Người đầu tiên thuộc thế hệ những người sáng lập của chaebol chính là Kim Woo Choong (김우중), cựu Chủ tịch Daewoo.

Cuộc đời Kim Woo Choong đi lên từ con số 0, rồi lại đánh mất tất cả để trở về con số 0 tròn trĩnh. Xung quanh ông có khá nhiều giai thoại về bài học lập nghiệp, thành công và thất bại. Ông từng được đánh giá là thần thoại “quản lý thế giới” nhưng cũng là một tội phạm kinh tế điển hình cho cuộc khủng hoảng ngoại hối.

Hai bàn tay trắng tạo nên nghiệp lớn, rồi lại phải lưu vong qua nhiều quốc gia, trốn tránh sự truy tìm của Interpol. Ngày trở về quê hương cũng là ngày đối diện với bản án đang đợi sẵn. Điều gì đã đẩy ông vào vòng lao lý? Ông có mối quan hệ như thế nào với tài tử Lee Byung Hun?

Tạo dựng sự nghiệp từ số 0

Kim Woo Choong sinh ngày 19/12/1936, tại thành phố Daegu. Tuổi thơ của ông là những ngày lăn lộn bán báo mưu sinh, kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. Nhưng không vì hoàn cảnh khó khăn mà ông bị khuất phục. Trái lại, chính những tháng ngày gian khổ, cơ hàn khiến ông có thêm bản lĩnh vững vàng để vượt lên số phận.

Năm 1967, ở tuổi 31, ông mua lại công ty dệt may Daewoo. 10 năm sau đó, Kim Woo Choong thành lập Công ty Kỹ nghệ Daewoo cùng 5 người bạn bằng số tiền 10.000 USD tích cóp được và một khoản vay 5.000 USD, trong một căn phòng thuê bé nhỏ, ở một góc toà nhà.

Tên gọi Daewoo là được ghép lại của từ “Dae” (대) trong nghĩa to lớn, hùng mạnh và “Woo” (우) trong tên của ông là Kim Woo Choong.

Daewoo bắt đầu nhận đơn đặt hàng đầu tiên từ Bangkok chỉ sau một tháng thành lập. Cũng trong năm đó, doanh thu xuất khẩu của Daewoo tăng 580.000 USD.

Kim Woo Choong làm việc quên ăn quên ngủ, hiếm khi ông có một ngày nghỉ. Để hiểu hơn quy trình sản xuất, ông đã dành ra 3 tháng ăn ngủ tại nhà máy để “mục sở thị” công việc.

Giai thoại kể rằng có lần ông lên đường sang Luân Đôn thăm bạn gái đang du học, mới đến Singapore thì nghe tin ký kết được một hợp đồng lớn trị giá tới 370.000 USD. Lập tức ông quay trở lại để lao vào công việc, quên bẵng đi ý định ban đầu là đi thăm bạn gái.

Kim Woo Choong là người nghiện việc tới mức luôn mong ước một ngày kéo dài ít nhất 30 giờ đồng hồ. Nếu có thể hãy kéo dài đến 40 giờ để ông có thêm thời gian làm việc.

Lý giải về sự tăng trưởng thần tốc của Daewoo giai đoạn đó, Kim Woo Choong cho biết: “Chúng tôi đã làm việc nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác. Thay vì làm việc từ 9:00 sáng đến 5:00 chiều, chúng tôi làm từ 5:00 sáng đến 9:00 tối. Nếu cố gắng làm việc chăm chỉ, thành tựu đạt được chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả”.

Kể từ năm 1973, Daewoo đã tận dụng sự bùng nổ nhu cầu xây dựng ở nước ngoài và tạo ra kết quả đáng kể. Mặc dù khí hậu khắc nghiệt nhưng tòa nhà trường đại học của Libya, công trình xây dựng đầu tiên được giao, đã hoàn thành sớm hơn 3 tháng so với thời gian quy định.

Với việc đạt được kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD vào năm 1974, Kim Woo Joong chính thức bước chân vào thế giới tài phiệt. Tòa nhà trung tâm Daewoo được xây dựng vào năm 1977 đã trở thành biểu tượng sự phát triển cao độ của Hàn Quốc. Mảnh đất được sử dụng xây dựng tòa nhà này có được là do sự can thiệp từ Chính phủ (tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ vốn là học trò cũ của cha Kim Woo Choong).

Sau 5 năm thành lập, Daewoo của Kim Woo Choong trở thành doanh nghiệp xuất khẩu lớn thứ hai tại Hàn Quốc. Sau khi vượt quá 100 triệu USD xuất khẩu vào năm 1974, công ty được ghi tên vào danh sách doanh nghiệp xuất khẩu số 1 vào năm 1978.

Không giống như các doanh nghiệp hàng đầu là Samsung, Hyundai, LG bắt đầu kinh doanh ở cấp độ cửa hàng tư nhân về gạo, rau quả, vải vóc… Daewoo bắt đầu khởi nghiệp với cương vị là một công ty cổ phần và tập trung ưu tiên xuất khẩu, tức là đánh vào thị trường nước ngoài.

Đúng như mục tiêu ban đầu là tập trung vào thị trường nước ngoài, Daewoo không ngừng nỗ lực vươn ra thị trường thế giới. Daewoo đã khai thác các thị trường châu Phi như Sudan, Nigeria và Libya, và vào năm 1992, họ đã đến Trung Quốc 7 năm trước khi quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc được thiết lập và thành lập công ty liên doanh đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 1987. Những bước đi trước thời cuộc đã giúp cho Daewoo giành được thị phần ưu thế hơn so với các doanh nghiệp khác.

Kim Woo Choong đã đến thăm Bắc Hàn với tư cách là đặc phái viên của chính quyền dưới thời tổng thống Roh Tae Woo và đóng vai trò là cầu nối cho việc ký kết thỏa thuận cơ bản liên Triều vào tháng 12/1991.

Kim Woo Choong tập trung phát triển 2 chiến lược: chuyển hoá những công ty đang gặp khó khăn hoặc vay mượn để đạt được mục đích.

Trong 9 năm đầu thành lập tập đoàn Daewoo, ông Kim đã mua 11 công ty, từ dệt may, tài chính, sản xuất máy móc, đến công ty mỹ phẩm. Trong những thập niên 1970 và 1980, Daewoo đã giành được vị trí là tổng công ty thương mại, nhanh chóng bứt lên trên các công ty cạnh tranh khác. Daewoo còn nổi tiếng trong cả lĩnh vực đóng tàu và khoan dầu.

Kim Woo Choong được mệnh danh là ảo thuật gia trong việc biến các công ty bên bờ vực phá sản thành những cỗ máy in tiền không mệt mỏi.

Sự tăng trưởng của Tập đoàn Daewoo vào thời điểm đó thực sự là cột mốc vàng son khi nhìn vào chỉ số. Số lượng lao động ở nước ngoài đã tăng từ 22.000 người năm 1993 lên 152.000 người vào năm 1998.

Ngay trước khi tan rã vào năm 1999, Daewoo vẫn có một cú chốt áp đảo với doanh thu 62 ngàn tỉ KRW trên tài sản 83 ngàn tỉ KRW, đứng thứ hai trong bảng xếp hạng tài chính với 41 chi nhánh trong nước và 396 công ty nước ngoài.

Vào thời hoàng kim của Daewoo, Kim Woo Choong đã xuất bản cuốn sách “Thế giới rộng lớn, có nhiều việc phải làm” năm 1989, bán được hơn 1 triệu bản trong 6 tháng và đạt kỷ lục Guinness về số lượng phát hành lớn nhất với thời gian ngắn nhất.

Từ đỉnh cao danh vọng lại trở về con số 0

Kim Woo Choong là một kì quan đối với nhiều nhà kinh tế học, là hình mẫu cho giới doanh nhân. Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov từng gọi Kim là “Kimghis Khan”, so sánh những bước tiến vượt ra khỏi biên giới quốc gia của Kim Woo Choong với người chinh phục Mông Cổ huyền thoại, Thành Cát Tư Hãn.

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã làm đảo lộn nhiều thứ. Cho đến tận bây giờ, người dân Hàn Quốc vẫn không khỏi ngỡ ngàng về sự sụp đổ thành trăm mảnh chỉ trong chốc lát của một đế chế hùng mạnh.

Sự phá sản bắt đầu từ Tập đoàn Hanbo năm 1997 đã sau đó lan sang các công ty khác.

Tỷ giá hối đoái tăng vọt và Daewoo cũng bắt đầu lung lay. Nhiều bài báo cũng đưa tin rằng sự chịu đựng của các công ty thương mại đã đạt đến giới hạn. Thậm chí còn tệ hơn nữa, Chứng khoán Nomura của Nhật Bản công bố báo cáo “Hồi chuông khẩn cấp” vào ngày 25/10/1998. Báo cáo này như củng cố niềm tin cho dư luận rằng Daewoo đang thực sự đứng bên bờ vực phá sản.

Để hồi sinh Tập đoàn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thực sự vào năm 1998, Daewoo đã cố gắng đàm phán một thỏa thuận lớn với Samsung. Nếu thỏa thuận này thông qua, tương lai tươi sáng của Daewoo sẽ trở lại. Tuy nhiên, mọi hy vọng đã vỡ tan khi thông tin về những vấn đề nội bộ tập đoàn ngày càng lan rộng.

Không đơn vị nào muốn mạo hiểm hợp tác với một doanh nghiệp đang mang trong mình nhiều vết rạn nứt. Đỉnh điểm khiến cho thỏa thuận giữa Samsung và Daewoo không được như ý đó là việc một giám đốc điều hành của Daewoo Electronics đã tuồn ra cho Samsung các tài liệu liên quan đến sự yếu kém của Daewoo.

Năm 1999, Daewoo phá sản với khoản nợ trên 75 tỉ USD, khiến cho hơn 300.000 nhân viên thất nghiệp, gần chục giám đốc bộ phận vào tù…

Ngay trước khi tập đoàn tan rã vào năm 1999, Daewoo vẫn là doanh nghiệp lớn thứ hai (sau Hyundai) của Hàn Quốc với 41 chi nhánh trong nước và 396 công ty con nước ngoài, tạo ra 62 ngàn tỉ KRW doanh thu. Năm 1998, xuất khẩu của Daewoo lên tới 186 tỉ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tại thời điểm đó.

Các dự án nước ngoài cần nhiều chi phí đầu tư vào giai đoạn đầu của dự án, nhưng không khả thi để có thể mang về lợi nhuận trong một thời gian ngắn. Daewoo, vốn đang gặp khó khăn về tài chính, đã phát hành trái phiếu để đảm bảo tiền mặt kể từ giữa những năm 1990. Và như thế khiến cho tỉ lệ nợ đã tăng mạnh. Lãi suất tăng cao cũng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhìn bề ngoài tưởng như Daewoo vẫn sừng sững như một tượng đài khó sụp đổ, nhưng thực chất, nội bộ bên trong tập đoàn là vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại giữa vay nợ và trả nợ.

Cuối cùng, vào tháng 8/1999, khi khoản nợ đạt 60 ngàn tỉ KRW (gấp 4 lần số vốn của công ty), Tập đoàn Daewoo đã không thể trụ vững.

Ngày 18/10/1999, Kim Woo Choong đã không trở về Hàn Quốc sau khi tham dự lễ khánh thành nhà máy phụ tùng ôtô Yantai ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Vào thời điểm đó, cuộc tranh luận về trách nhiệm và khả năng ứng phó với khó khăn đang bùng lên dữ dội.

Không ai khác, Kim Woo Choong là người đứng mũi chịu sào. Khác với hầu hết các doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng tài chính, Daewoo tập trung vào mở rộng thị trường bằng cách mua lại công ty sản xuất ôtô Ssangyong và thu hút nguồn vốn với lãi suất cao. Cuối cùng, 60 ngàn tỉ KRW nợ của Daewoo đã dẫn đến việc mất khả năng chi trả hay xoay vòng nguồn vốn.

Chiến lược sản xuất ôtô phải mất một thời gian dài nữa mới thu được lợi nhuận từ những nhà máy mới xây dựng, trong khi nợ chồng nợ. Thêm vào đó, Kim Woo Choong còn bị cáo buộc với tội danh thổi phồng tài sản của công ty lên đến 41 tỉ USD để vay được những khoản vốn đầu tư rất lớn cho kế hoạch bành trướng sản xuất ôtô của mình.

Sự sụp đổ của Daewoo, tập đoàn từng đứng thứ hai trong giới tài chính, với nguyên nhân được đưa ra là bất ổn từ nội bộ, mở rộng kinh doanh liều lĩnh, tình hình IMF và quản lý yếu kém. Ngoài ra, thất bại trong việc tái cơ cấu đã dẫn đến việc giải thể hoàn toàn tập đoàn Daewoo. Có nghi ngờ rằng sự sụp đổ đó có liên quan đến đàn áp chính trị, nhưng thực hư vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Kim Woo Choong tự thừa nhận: “Lỗi lầm lớn nhất của tôi là quá tham vọng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ôtô. Tôi đã thực hiện quá vội vã, gấp gáp, muốn có được tất cả sau 5 năm thay vì 15 năm. Tôi đã đầu tư mà không cần biết đến thị trường và chỉ chăm chăm cho mục tiêu duy nhất: bán càng nhiều xe ôtô càng tốt”.

Có lẽ chính khát vọng quá lớn đã thúc đẩy Woo Choong có những bước đi quá vội vàng.

Hơn 20 năm trôi qua, Kim Woo Choong được xem như hình mẫu mang đến sự tăng trưởng cao của nền kinh tế Hàn Quốc nhưng đồng thời cũng là nhân vật chính của cuộc khủng hoảng IMF. Sự minh bạch của lịch sử kinh tế Hàn Quốc được thể hiện nguyên vẹn dưới cái tên Kim Woo Choong.

Hội chứng vừa đủ và tư duy của một kẻ thất bại

Năm 1967, khi Daewoo mới được thành lập, hầu như mọi sản phẩm xuất khẩu vẫn còn được chuyên chở bằng tàu. Kỹ nghệ chuyên chở lúc ấy không thực sự phát triển. Không những vậy, còn phải đối mặt với sự cạnh tranh, xếp hàng chen chúc để được đưa hàng lên tàu.

Không nhanh chân giành chỗ, hàng hóa sẽ không thể giao đúng hẹn. Đương nhiên sẽ kéo theo vấn đề mất uy tín, mọi nỗ lực sẽ tan thành mây khói.

Việc có giành được tàu hay không quyết định vận mệnh của cả một công ty, vì vậy áp lực và trách nhiệm của đại diện tại bến cảng vô cùng lớn. Nhanh tay, nhanh chân, quan hệ tốt mới có thể đưa được hàng đi.

Kim Woo Choong quan sát và nhận ra rằng có 3 loại đại diện công ty tại cảng.

Loại thứ nhất: Sau khi xác nhận hàng của mình đã tới bến tàu thì ra về. Không lường trước nguy cơ hàng hóa sẽ bị lưu tại cảng, không thể chuyển đi được.
Loại thứ hai: Muốn quan sát cả một quá trình bốc hàng hóa lên tàu mới yên tâm.
Loại thứ ba: Ở lại để xác nhận là tàu đã nhổ neo đi mới cảm thấy an lòng.

Sau khi phân tích ba kiểu làm việc trên, Kim Woo Choong nhận thấy rằng:
– Kiểu đại diện thứ nhất thường bị thua cuộc.
– Kiểu thứ hai, trung bình 10 lần thì sẽ có 1 hoặc hai lần thua cuộc.
– Còn kiểu thứ ba thì luôn luôn thành công.

“Hai kiểu đại diện đầu chỉ làm điều họ nghĩ rằng đủ tốt vào thời khắc nhất định, nhưng thường là thất bại. Tôi ra lệnh cho đại diện công ty ở lại bến cảng cho đến khi thực sự tàu đã vượt quá tầm mắt thì mới được ra về. Đó mới gọi là hoàn tất xong sản phẩm. Kết quả là chúng tôi không hề bị chuyến hàng nào tắc tại bến cảng và luôn giao hàng đúng hẹn”, Kim Woo Choong kể.

Từ những trải nghiệm của bản thân, dẫu làm gì vị cựu Chủ tịch này cũng muốn làm cho hoàn hảo, và ông cho biết đó là chìa khoá dẫn tới thành công. Ông cũng đã truyền nguyên tắc làm việc tới mức hoàn hảo này cho nhân viên, yêu cầu là nguyên tắc phải áp dụng cho mọi điều chứ không phải chỉ cho sản phẩm.

Mối quan hệ ít người biết với tài tử Lee Byung Hun

Những giai thoại về kinh tế liên quan đến Kim Woo Choong có vô số. Tuy nhiên có một điều không phải ai cũng biết đó là việc nam diễn viên Lee Byung Hun (이병헌) là con nuôi của nhà tài phiệt này. Cơ duyên đưa họ đến với nhau cũng thật tình cờ.

Mối nhân duyên được bắt đầu từ năm 1994.

Cựu chủ tịch Kim Woo Choong đã kết hôn với bà Jung Hee Ja (정희자), sau đó bà Jung Hee Ja hạ sinh 3 người con trai và 1 người con gái. Tuy nhiên, Kim Sun Jae – người con trai lớn của ông đã qua đời trong một tai nạn giao thông khi đang du học Mỹ vào tháng 11/1990.

Vợ chồng Kim Woo Choong đã mất đi đứa con trai yêu quý và trải qua những ngày tháng đau buồn. Năm 1994, vô tình nhìn thấy Lee Byung Hun trong một chương trình trên TV, hai vợ chồng ngạc nhiên vì thấy nam diễn quá giống với người con trai quá cố của họ.

Nhờ sự trợ giúp của nam diễn viên Yoo In Chon (유인촌) để sắp xếp cuộc gặp mặt, vợ chồng Kim Woo Choong đã đề nghị nhận Lee Byung Hun làm con nuôi. Mối quan hệ đó đã kéo dài gần 30 năm.

Lee Byung Hun đã chấp nhận đề nghị: “Tôi đã rất bối rối trong giây lát, nhưng tôi nhận ra rằng đó chính là tấm lòng của tất cả những người cha, người mẹ trên trái đất này”.

Vợ của cựu chủ tịch Kim Woo Choong, bà Jeong Hee Ja rất yêu thương người con nuôi là Lee Byung Hun.

Trong đám cưới của Lee Byung Hun diễn ra vào năm 2013, có một số nhà tài phiệt đã tham dự với tư cách cá nhân, nhưng theo đánh giá của dư luận, mối quan hệ đó là nhờ vào vợ chồng cựu chủ tịch Tập đoàn Daewoo Kim Woo Choong.

Đặc biệt, khi vợ của Lee Byung Hun sinh con trai, vợ chồng chủ tịch Kim Woo Choong đã rất vui mừng, như thể đó là cháu ruột của mình vậy.

Khi Kim Woo Choong tạ thế, Lee Byung Hun cũng đã đến thăm viếng, chia buồn và động viên gia quyến với tư cách cá nhân, không thông qua công ty quản lý.

Kể từ sau khi Kim Woo Choong qua đời, mối quan hệ này cũng dần trôi vào quên lãng, không còn được dư luận nhắc đến nữa.

Không ít bài viết ca ngợi rằng sự phát triển của tập đoàn Daewoo có thể được coi là một lịch sử thu nhỏ của đất nước Hàn Quốc; Daewoo đã trỗi dậy mạnh mẽ từ 2 bàn tay trắng; Kim Woo Choong bắt đầu sự nghiệp với 5 triệu KRW vay mượn để gây dựng nên đế chế khổng lồ…

Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, Kim Woo Choong là tội đồ của nền kinh tế. Việc tẩu thoát dễ dàng của Kim Woo Choong trước đây đã gây ra những cái nhìn tiêu cực trong nhận thức của người dân Hàn Quốc về việc cố tình “lờ” đi, để Woo Choong được lẩn trốn.

XEM THÊM: Kỳ tích sông Hán & Con đường phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).