“Corona” là tên một phim kinh dị độc lập của đạo diễn 34 tuổi Mostafa Keshvari, người gốc Iran hiện đang sống tại Vancouver (Canada). Phim đang được quảng bá là tác phẩm đầu tiên làm về đại dịch COVID-19.

Đạo diễn phim chia sẻ với tờ New York Time vào ngày 31/3/2020 (theo giờ địa phương) bộ phim đã hoàn tất và đang trong giai đoạn chuẩn bị phát hành trực tuyến. Phim kéo dài 63 phút, được quay bằng camera cầm tay và dự kiến ra mắt trong tháng 4/2020..

Đạo diễn Keshvari cũng cho biết:

“Ý tưởng đến khi tôi đang trong thang máy đọc tin tức nói về việc các khách du lịch Trung Quốc bị tấn công, và tôi chợt nghĩ mình sẽ làm một bộ phim trong thang máy”.

Ông đã bắt tay vào viết kịch bản phim từ cuối tháng 1, khi dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở châu Á với tâm dịch là thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Đạo diễn cho biết ông muốn dùng virus Vũ Hán (COVID-19) như một biểu tượng để khám phá nỗi sợ và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

A group of people standing in front of a crowd

Description automatically generated

Bộ phim bắt đầu với cảnh sáu người hàng xóm đang đứng trong thang máy thì một phụ nữ Trung Quốc bước vào. Khi thang máy bị hỏng, sáu người này lập tức nghi cho người mới tới và ngờ rằng cô bị nhiễm virus.

7 nhân vật trong câu chuyện là đại diện cho nhiều sắc tộc và tầng lớp xã hội: 1 người thợ sửa máy da màu, 1 người thuộc thế hệ Millennials (những người sinh từ khoảng năm 1980-2000), cặp vợ chồng chủ tòa nhà, 1 cô gái da trắng, 1 người thuê nhà và dĩ nhiên là 1 phụ nữ Trung Quốc.

Trailer phim ra mắt gần đây thu hút sự chú ý với cách đạo diễn miêu tả nỗi sợ hãi một cách chân thực. Ngay khoảnh khắc người phụ nữ Trung Quốc ho và thang máy dừng lại, những người xung quanh cô như bị vây kín bởi nỗi sợ hãi tột cùng.

Chủ tòa nhà nói với cô gái: “Hết chỗ rồi” và vẫy tay ra hiệu ý muốn xua cô lùi lại phía sau. Người đàn ông ngồi trên xe lăn cũng lên tiếng: “Con virus bắt nguồn từ Trung Quốc”.

Khi nhìn thấy cảnh này, anh thợ sửa máy người da màu lên tiếng bảo vệ người phụ nữ Trung Quốc: “Ông thôi đi. Hành động của ông như thể cô ấy là người ngoài hành tinh vậy”.

Ngay sau đó bên trong thang máy tràn ngập ánh sáng đỏ và một cô gái khác bắt đầu nôn mửa. Người đàn ông ngồi xe lăn vừa chĩa súng vào người phụ nữ Trung Quốc vừa lên tiếng: “Nỗi sợ hãi chính là virus”.

“Nỗi sợ hãi chính là virus”

Nỗi sợ hãi mới chính là thứ virus có sức lây lan và phá hủy mạnh mẽ hơn bất cứ chủng virus nguy hiểm nào mà nhân loại đã biết.

Con người vốn dĩ đã luôn sống trong một thế giới đầy những lo âu.

Từ những nỗi lo lắng hiện hữu như: sợ tăng cân, sợ hít bụi mịn mỗi khi ra đường, sợ thức ăn có nhiều chất độc hại, lo lắng sắp mất công việc tốt, sợ bị người yêu bỏ…đến những nỗi sợ lớn lao và trừu tượng như: sợ chiến tranh, sợ trái đất biến mất, sợ một ngày mình bị hút vào hố đen vũ trụ, sợ người ngoài hành tinh lộ diện…

Nay con virus có khả năng làm chết người kia xuất hiện thì con người yếu đuối này mới có dịp nhận ra, hóa ra mọi nỗi sợ kia cũng không là gì so với “nỗi sợ chết”. Chết là hết, là chẳng còn điều gì có ý nghĩa nữa, bất kể danh vọng, địa vị, tiền tài…

Và chính vì thế người ta bấn loạn lên, người ta sợ bị nhiễm bệnh đến mức kì thị xa lánh những người mà họ cho là “có nguy cơ nhiễm bệnh”.

Cảnh người phụ nữ Trung Quốc trong phim bị mọi người công kích bằng cả lời nói và hành động cho thấy rất rõ nỗi sợ hãi đang lây lan ra những người xung quanh như thế nào.

Bối cảnh chật hẹp của thang máy đóng kín như một ẩn dụ sâu sắc về một thế giới tưởng chừng rất rộng nhưng thật ra lại quá bé nhỏ, và hành động của 1 cá nhân có thể ảnh hưởng đến cả một cộng đồng.

Nếu cô gái có virus trong người, rất có thể tất cả những người còn lại sẽ bị lây bệnh. Nhưng nếu cô gái không có virus? Vậy thì rất có thể những người không kiểm soát được nỗi sợ hãi sẽ phát tán nó ra xung quanh, và như thế, nỗi sợ hãi bị lây lan như một con virus.

Và như một hiệu ứng, từ những người trong thang máy, “virus sợ hãi” có thể lan rộng ra một hoặc nhiều cộng đồng rộng lớn hơn.

A group of people posing for the camera

Description automatically generated

Từ trái sang phải, các diễn viên Andrea Stefancikova, Josh Blacker, Traei Tsai, Zarina Sterling and Richard Lett trong phim “Corona”

Virus không phân biệt chủng tộc

Điều này có nghĩa là gì?

Chẳng phải tất cả chúng ta, từ một vị Tổng thống hay dân thường, người giàu hay nghèo, người nổi tiếng hay người kẻ vô danh, da trắng hay da màu…thì chúng ta-đều-có-thể-bị-virus-tấn-công.

Cũng là một người châu Á sống ở phương Tây, hẳn là như mọi người “đồng hương châu Á” khác của mình, đạo diễn Keshvari rất thấm thía ý nghĩa của cụm từ “kì thị dân châu Á”. Thêm nữa, ở một quốc gia đa dạng về sắc tộc như Canada thì đạo diễn càng có cơ hội quan sát những dạng thức khác nhau của nạn phân biệt chủng tộc.

Ở những xã hội văn minh như Mỹ, Canada hay châu Âu, nạn phân biệt chủng tộc không hẳn đã được xóa bỏ hoàn toàn, chỉ là nó đang được biểu hiện ở những kiểu thức tinh tế hơn.

Và khi nhân loại đối diện với một trận dịch nguy hiểm như COVID-19, khi con người đối diện với nỗi sợ hãi bản năng “sống hay là chết”, những lớp áo mang tên đạo đức, công bằng và văn minh mới rơi xuống.

Người ta chỉ còn đối xử với nhau bằng một bản ngã trần trụi và run rẩy sợ hãi.

Đạo diễn Mostafa Keshvari, thông qua bộ phim, thẳng thắn thể hiện quan điểm của mình: “Virus không lựa chọn người nhiễm bệnh. Virus không phân biệt và kì thị, tại sao chúng ta lại như vậy?”.

Thông điệp đạo diễn đặc biệt muốn nhấn mạnh là: “giờ là lúc nhân loại phải hợp sức lại để đẩy lùi dịch bệnh”.

Cuối cùng thì con virus vốn dĩ không phân biệt ai, mà chính chúng ta phân biệt kì thị lẫn nhau, chỉ vì nuôi dưỡng con “virus sợ hãi” trong mình.

Chúng ta có thể chưa nhiễm virus COVID-19, những có thể phát bệnh vì con “virus sợ hãi”.

Người bệnh có thể chưa chết vì virus nhưng đã bị hủy hoại vì thái độ kì thị và phân biệt từ người khác.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ SBS News, New York Times

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).