Lấy chồng và tôi đã sẵn sàng cho thiên chức làm mẹ ở tuổi 22. Tôi nghĩ bản thân mình đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể nuôi một thiên thần bé bỏng. Sang Hàn 1 năm, khi tôi sắp kết thúc khoá học lớp học xã hội cuối cùng thì tôi biết mình mang thai.

Mới sang Hàn 1 năm, nhưng đây không phải là lần mang thai đầu tiên. Tôi đã mang thai trước đó 6 tháng và bị sảy thai tự nhiên chỉ 2 ngày sau khi biết mình có thai.

Tôi đã rất lo sợ vì nghĩ rằng phải chăng cơ thể tôi khá yếu để có thể mang thai. Sau lần sảy thai ngoài ý muốn mà vô cùng chóng vánh đó, tôi cảm thấy sợ và cẩn trọng hơn. Tôi đã từng nghĩ đến chuyện đi bệnh viện khám nhưng lại e dè vì năng lực tiếng Hàn còn kém mà cũng chưa từng đến bệnh viện sản ở Hàn bao giờ.

Tôi biết mình mang thai vào ngày lễ Hangeul, tôi đã rất mừng nhưng không dám khoe với ai đó mà chỉ thầm “trộm vía” để cho con được an toàn trong giai đoạn đầu.

Khi chồng tôi biết tôi có thai, anh ấy rất mừng rỡ nhưng cũng không khỏi lo lắng. Chúng tôi hồi hộp muốn được thấy sự hiện diện thực sự của con. Do cả hai đều không có kinh nghiệm, chính xác đối với tôi mà nói đây là “tập đầu” đầy bỡ ngỡ và lúng túng.

Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy may mắn vì em chồng của tôi cũng đang mang thai tháng thứ 7 – tức là tôi sẽ có thể tiếp nhận thông tin một cách dễ dành từ em chồng. Chồng tôi rất chịu khó gọi cho em gái để hỏi.

Có lần em chồng tôi nói với tôi rằng: “Anh hai đã hỏi em, chị đã thật sự để lên thiên chức người mẹ?”

Tôi cũng không biết nghĩ gì trước câu hỏi đó vì lúc đó tuy năng lực tiếng Hàn Topik 5 nhưng tôi không hề biết mình phải làm từ đâu, chuẩn bị cho bản thân những gì trong 9 tháng 10 ngày mang thai.

Văn hoá Hàn Quốc tôi vừa chập chững học được, bây giờ phải học thêm cả cách nuôi con, tôi cảm thấy mình cần phải học nhiều thứ hơn nữa. Ví dụ như việc chuẩn bị đồ ăn dặm cho con chẳng hạn.

Tôi mải mê đi mở những cuốn sách dạy nấu ăn dặm do em chồng mua cho và cày cuốn sách đó trong 1 tuần. Rốt cuộc thứ đọng lại trong tôi là con số 0 vì đây là những kiến thức hơn 1 năm sau tôi mới cần tới.

Tôi và chồng đến bệnh viện để khám. Lần đầu khám và nhìn thấy hình hài con qua máy soi, tôi đã thật sự cảm thấy bỡ ngỡ và hồi hộp. Tuy nhiên, tiền khám thai lại khá đắt. Và được nhận tự vấn về những lần khám về sau.

Về tới nhà, tôi đã tìm hiểu trên mạng, nhưng mẹ chồng tôi lại gọi điện cho em chồng để hỏi. Rốt cuộc, em chồng tôi đã nói những gì tôi không rõ. Nhưng sau khi mẹ chồng tắt điện thoại, bà ấy đã nói rằng: “Không cần phải đến viện khám, ra bộ y tế người ta sẽ khám miễn phí cho hết! Không mất tiền”.

Việc tiền nong đối với tôi và chồng tôi thật là vấn đề nhạy cảm. Vì công việc của anh ấy lúc đó không được thuận buồm xuôi gió, tôi chưa từng đi làm và cũng chưa từng kiếm tiền. Việc giảm thiểu tiêu một khoản nào đó là cần thiết đối với vợ chồng tôi.

Tôi và chồng tôi đã nghe theo và không thắc mắc gì thêm vì chúng tôi rất tin em gái chồng tôi. Mặc dù khi đó, nhà nước đang hỗ trợ 500 nghìn KRW để khám thai thường kỳ. Chỉ là do tôi biết thông tin này quá muộn.

Tôi hoảng loạn khi biết con mình có chỉ số mắc hội chứng Down cao

Tôi và chồng đến trạm y tế. Nhân viên y tế đã đưa cho tôi 1 tờ giấy ghi lịch khám trong quá trình mang thai. Trong đó có ghi cần đi khám khi thai được 8 tuần tuổi, 10, tuần tuổi, 16 tuần tuổi. Tôi đã đến trạm y tế khám mỗi khi đến lịch.

Khi thai được 16 tuần tuổi, tôi đến khám thai như thường lệ ở trạm y tế. Qua siêu âm, nhân viên y tế nói rằng thai khá to và cần kiểm tra dị tật thai nhi (기형아검사). Họ đã hỏi kết quả khám dị tật thai nhi đợt 1 lúc thai được 12 tuần.

Tôi và chồng nhìn nhau rồi quay sang hỏi 12 tuần phải kiểm tra dị tật thai nhi sao? Chúng tôi đã hoàn toàn không biết điều đó, đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy. Tôi đã hỏi nhân viên y tế một cách ngây ngô: “Tại sao lại không ghi trong tờ giấy cho tôi và nhắc tôi 12 tuần phải đi khám?”.

Nhân viên y tế vô cùng sửng sốt nói với tôi rằng: “Khám dị tật thai nhi đợt 1 phải đến bệnh viện và mất khá nhiều chi phí, tại trạm y tế điều kiện thiết bị còn kém không thể làm được. Bây giờ, việc anh chị nên làm là cần đến bệnh viện khoa sản để nhận tư vấn kịp thời”.

Tôi và chồng vô cùng hoảng hốt vẫn chưa định hình được mức độ nghiêm trọng của lần khám dị tật thai nhi đợt 1 quan trọng như thế nào. Chúng tôi đã về nhà mà không đi đến bệnh viện.

Tôi đã để hổng thông tin một cách đáng trách. Tôi đã quá vô ý vì không tìm hiểu từ trước, vợ chồng tôi đã quá tin lời của mẹ chồng là chỉ cần đến trạm y tế khám. Khám ở đó sẽ không mất tiền.

Tôi và chồng tôi vào phòng lặng thinh, mỗi người một chiếc điện thoại bắt đầu điên loạn tìm thông tin liên quan.

Tôi đọc được thông tin về lần khám dị tật thai nhi đợt 1 độ mờ da gáy. Tim tôi như nhảy ra lồng ngực vì tôi cảm thấy được sự quan trọng của đợt khám mà tôi đã bỏ lỡ quan trọng như thế nào.

Tôi chưa từng nghĩ con tôi sẽ bị dị tật, nhưng nếu con tôi có chút vấn đề gì hẳn tôi sẽ vô cùng ân hận khi sinh ra nó. Những suy nghĩ vắt chéo của tôi làm đầu tôi như muốn nổ tung, tôi và chồng tôi đã đến bệnh viện ngay lúc đó.

Thai nhi 16 tuần, vẫn còn may mắn khi tôi vẫn có thể khám dị tật thai nhi đợt 2. Tuy nhiên, do đợt 1 không có kết quả, nên chỉ dựa trên kết quả kiểm tra đợt 2, chúng tôi sẽ không thể biết chắc được đứa con trong bụng của tôi có khỏe mạnh thật sự hay không.

Một tuần chờ đợi để lấy kết quả. Thật là quãng thời gian dài dằng dặc đối với tôi. Tôi và chồng tôi ngày ngày đều cầu mong con được khỏe mạnh. 1 tuần trôi qua, tôi và chồng hồi hộp đến viện để nhận kết quả.

Như một tin sét đánh đối với vợ chồng tôi. Dựa trên chỉ số khám dị tật thai nhi đợt 2, con tôi có thể bị mắc hội chứng Down với chỉ số lên đến 1:150. Bác sĩ có nói thêm, do chúng tôi bỏ lỡ đợt khám độ mờ da gáy ở tuần thai thứ 12 nên không thể phán đoán được chắc chắn kết quả này có đúng hay không.

Hội chứng Down – tôi lần đầu biết tới và rất mơ hồ. Tôi bắt đầu rối loạn tâm trí và cố kìm nén cảm xúc để tìm hiểu lý do cũng như nếu mắc hội chứng Down thì con tôi sẽ như thế nào. Tôi cảm thấy bản thân mình đã rất thiếu sót, vô trách nhiệm với con và cảm giác như “sắp bị mất con” khiến tôi không ngừng khóc.

Do gia đình nhà chồng tôi có 1 người mắc hội chứng này nên tôi lại càng thêm lo sợ. Vào lúc này, mẹ chồng tôi – người tôi đang rất giận vì đã khuyên tôi không nên đến bệnh viện khám, sẽ mất nhiều tiền lại an ủi tôi rằng: “Sẽ không sao đâu! Nhưng bên nội đều khỏe mạnh. Bên nhà ngoại con có ai bị không?”.

Tôi đã rất mệt mỏi để tranh cãi việc nhà nội hay nhà ngoại có người bị mắt triệu chứng này hay không. Vì thực ra, nếu tôi đi khám đợt 1 thì bây giờ tôi sẽ không phải lâm vào hoàn cảnh như thế này.

Tuy nhiên, trong tình huống này vẫn có cách để biết được con tôi có thật sự bị mắc hội chứng Down hay không. Theo như bác sĩ tư vấn, thông qua việc xét nghiệm máu của tôi hoặc chọc ối, tôi sẽ biết được chính xác con có khỏe mạnh hay không.

Chi phí xét nghiệm máu lên đến 1 triệu KRW và chọc ối cũng mất đến 800 nghìn KRW – số tiền không hề nhỏ với vợ chồng tôi lúc đó. Do xét nghiệm này không thể áp dụng bảo hiểm, nên chúng tôi sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí trên.

Khi về nhà bàn bạc với mẹ chồng, bà ấy đã nói rằng: “Sẽ không sao đâu! Đây là trò bịp bợm của các bệnh viện để kiếm tiền”. Tôi cảm thấy bất lực thực sự khi bản thân không có một xu dính túi. Tôi muốn xét nghiệm nhưng số tiền quá lớn, không thể tự trang trải được.

Chồng tôi – anh ấy không tin rằng đứa con bé bỏng đang nằm trong bụng tôi lại mắc hội chứng Down. Anh ấy như bị điên khùng, một mực tin con của chúng tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Và tôi cũng đã phải bắt bản thân mình tin tưởng, suy nghĩ theo hướng tích cực đó.

Nhưng mỗi ngày qua đi, tôi càng thêm lo sợ. Như một bóng đêm lúc nào cũng chập chừng ập đến, tôi sợ đứa con của tôi bị đau, không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác, sẽ thật bất hạnh cho gia đình chúng tôi.

3 tuần trôi qua, tôi không nói chuyện với mẹ chồng. Hằng ngày, đóng chặt cửa ở trong phòng rồi nhìn ra cửa sổ. Tôi chưa từng suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống nơi đây. Tôi chưa hề oán trách mẹ chồng tôi nhưng tôi đang rất giận bà.

Nếu tôi có tiền dù mất nhiều chi phí hơn nữa, tôi vẫn sẽ bỏ tiền ra để xét nghiệm hơn là để bản thân mình phải chịu đựng sự ám ảnh đáng sợ này.

Mẹ chồng tôi đã gọi tôi ra, tôi thực sự đã không muốn nhìn vào ánh mắt của bà. Bà đưa cho tôi một phong bì tiền và nói rằng : “Hãy cầm số tiền này đi chọc ối, mẹ rất xin lỗi”. Tôi đã ôm mặt khóc nức nở. Tôi không kịp nghĩ gì vì tôi biết chỉ với số tiền kia, tôi có thể chấm dứt những giây phút “bất an” đeo bám tôi gần 1 tháng qua.

Tôi đã cùng bà đến bệnh viện để khám. Với phương pháp chọc ối, tôi được biết kết quả 4 ngày sau đó. Con của tôi hoàn toàn khỏe mạnh và là “một cậu con trai kháu khỉnh”.

Tôi như sống lại và rùng mình khi phải nhớ lại những ngày sống trong lo âu, bất an trước đó. Sự sai sót chỉ cho phép 1 lần, và tôi lại càng chân trọng sinh mệnh đó – sinh mệnh ông trời đã giao phó cho tôi.

Lần thứ 2 cho sự thiếu hiểu biết

Ngày dự sinh đến gần, nhưng tôi không hề có dấu hiệu chuyển dạ mặc dù tôi rất chăm luyện tập yoga cũng như đi bộ để dễ sinh. Tôi tìm hiểu về tất cả các câu chuyện vượt cạn được đăng tải trên mạng. Tôi muốn nhìn thấy con sinh ra khỏe mạnh, và muốn trở thành bà mẹ thực sự khi biết đến cảm giác đau bụng đẻ.

Đến ngày dự sinh, tôi vẫn bình thường, do sự “bình thường” đến bất thường của tôi nên tôi có linh cảm không tốt. Điều đó thôi thúc tôi nói với chồng cần đến bệnh viện để nằm chờ sinh con. Tôi nhập viện khi thai đã được 40 tuần 1 ngày.

Tôi đã được truyền nước và kiểm tra mức độ mở của tử cung. Bụng không đau, tử cung chỉ mở 2cm, tôi thấy lo lắng khi những sản phụ nằm ở giường bên cạnh lần lượt đau bụng và vào phòng sinh.

Đêm đầu tiên ở viên để đợi sinh thật khó tả. Cảm giác muốn gặp con đúng hẹn khiến tôi nao nao trong lòng. Sáng sớm hôm sau, tôi dậy sớm và bắt đầu được truyền dịch, theo dõi độ động của thai. Có vẻ con tôi khá ngoan vì không động đậy nhiều, nhưng tôi lại cảm giác nó khá lỳ vì đến hẹn mà vẫn chưa chịu chui ra.

8 giờ sáng, đột nhiên tôi đau bụng. Tôi thấy cảm giác đau bụng đẻ thật khó tả. Thật sự là “rất đau” nhưng vô cùng hạnh phúc. 20 phút nằm chịu những cơn đau đến từng hồi, một y tá vào xem độ mở của tử cung lại thốt lên rằng: “Thai nhi đã đi ị trong bụng” (태아가 대변을 봤어요!).

Sau khi nghe y tá nói, tôi vẫn chưa định hình được sự việc như thế nào và chỉ nghe thấy tiếng nói của y tá và bác sỹ. Bác sỹ ra lệnh: “Chuẩn bị phòng mổ! Mổ gấp để đưa đứa bé ra! Đứa bé sẽ ngạt thở mất”. Tôi đã khóc trong vô thức khi nghe thấy và ngay lập tức bị đưa vào phòng mổ.

Sau 3 tiếng bị gây mê, tôi đã tỉnh trong mơ hồ. Tôi mơ hồ tìm con và chồng tôi đã nói rằng: “Con của chúng ta ổn”. Tôi cố mở mắt để xem ảnh con mà chồng tôi đã chụp lại.

Tôi nhận ra một nửa mặt của con tôi bị thâm tím, giống như tràm. Sự thật là tôi đã nghĩ chỉ cần con khỏe mạnh, những tổn thương về bề ngoài không đánh lo ngại. Tuy nhiên, khi thực sự tỉnh dậy sau cơn mê – tôi lại bắt đầu hoảng loạn với những tưởng tượng tiêu cực của mình.

Tôi đã hỏi chồng về vết thâm tím trên khuôn mặt thằng bé – nhìn khuôn mặt đó thật đáng thương. Chồng tôi nói, có thể là bị tràm. Tôi đã rất sốc khi nghe tin dữ đó. Tôi vừa mới trải qua cảm giác như sắp mất con vào sáng nay. Con tôi bình an khỏe mạnh nhưng lại bị tràm một nửa mặt. Sẽ không ai hiểu được cảm giác của tôi lúc đó.

Tối hôm đó, bác sỹ – người phụ trách chuẩn khám cho tôi lên xem xét tình hình sức khỏe của tôi và có nói về tình hình của con tôi. Theo như tôi hiểu, con tôi đã đại tiện trong bụng, và nuốt phải một lượng lớn nước ối có lẫn cả phân su. Do đó, hệ hô hấp khá yếu và có nguy cơ bị nhiễm trùng máu. Cần phải theo dõi thêm.

Thực ra, tôi đã run lẩy bẩy khi nghe những lời nói đó. Con tôi bị nguy hiểm – cảm giác không thể diễn tả đối với người làm mẹ như tôi.

Nếu tôi tự nguyện xin phẫu thuật trước khi con tôi đại tiện trong bụng thì sẽ không dẫn đến tính huống như thế này. Những tình huống được đặt thêm từ “giá như” khiến tôi ân hận vì những sai sót, thiếu hiểu biết của bản thân mình.

Con tôi đã được đưa đến bệnh viện đại học để theo dõi do có dấu hiệu bị nhiễm trùng máu. Nhìn ảnh mà chồng tôi gửi, tôi đã khóc rất nhiều khi toàn bộ cơ thể bé nhỏ đó được dán rất nhiều thiết bị theo dõi. Tôi đau xót khi sinh con ra đã được 5 ngày, tôi lại xuất viện trở về nhà một mình và con vẫn đang phải theo dõi thêm ở viện khác.

Tôi đã không còn đủ kiên nhẫn để đợi thêm khi đã sinh được 1 tuần mà con chưa được ôm con vào lòng dù chỉ 1 lần. Con tôi được xuất viện vào ngày thứ 8, tôi đã đến bệnh viện ôm con về. Tôi đã thật sự bối rối khi nghĩ đến việc phải trực tiếp đối diện với vết tràm to trên mặt của con.

Nhưng trước mắt tôi đang hiện ra một kỳ tích. Những vết tràm trên mặt con tôi đã hoàn toàn biến mất. Chúng là những vết thâm tím do con tôi đã nín thở trong khoảng thời gian chờ được mổ. Đó cũng là lý do, máu bị nhiễm khuẩn không nặng và con tôi không phải ở viện lâu hơn.

9 tháng 10 ngày mang thai đứa con đầu lòng, nhưng đã có tới 2 lần tôi phải trải qua cảm giác sắp bị mất con. Tôi nhận thấy rằng, ở đất nước xa lạ này, tôi cần phải học nhiều hơn nữa. Học để vì con, để có thể nuôi dạy con một cách đúng đắn.

Không mù quáng mắc những sai lầm không đáng có. Vì những sai lầm đó sẽ không thể cứu vãn được nếu đi quá giới hạn.

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).