⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Mới đây, thông tin về bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ở Hàn Quốc – em bé sơ sinh 45 ngày tuổi dương tính với COVID-19 khiến dư luận trong nước và cộng đồng quan tâm đến Hàn Quốc không khỏi lo lắng, xót xa.

Trước đó vào ngày 23/2/2020, Hàn Quốc ghi nhận trường hợp nhỏ tuổi nhất là em bé 4 tuổi ở Daegu, bị lây chéo từ bệnh nhân số 58 đang là giáo viên trường mầm non. Cùng ngày, thành phố Gimpo cũng ghi nhận có một bệnh nhân chỉ mới 16 tháng tuổi.

Những trường hợp trên đã khiến không ít bậc phụ huynh tò mò xen lẫn lo lắng về khả năng lây nhiễm của virus COVID-19 đối với trẻ nhỏ.

Theo một bài báo được công bố vào ngày 5/2/2020 trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), số người bị nhiễm COVID-19 nhiều nhất nằm ở độ tuổi 49 – 56 tuổi, và trẻ nhỏ có nguy cơ nhiễm COVID-19 thấp hơn người lớn.

Cùng với đó, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc đã chỉ ra rằng, các ca nhiễm bệnh cũng như tử vong vì bệnh đều có điểm chung là đang mắc các bệnh lý mạn tính hoặc bệnh nền như ung thư, viêm phổi, tiểu đường, huyết áp cao…

(Thống kê số bệnh nhân bị nhiễm Virus COVID-19 theo độ tuổi/thống kê ngày 26/2)

Tuy chưa có đủ bằng chứng cụ thể chứng minh việc trẻ ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng dựa trên các trường hợp nhiễm bệnh ở trẻ em đã ghi nhận trong đợt dịch COVID-19, cũng như xu hướng lặp lại ở bệnh truyền nhiễm khác như sởi, thuỷ đậu, dịch SARS và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), các chuyên gia đưa ra những lập luận có căn cứ để giải thích cho nhận định trên.

Các ca nhiễm virus ở trẻ đều được chữa khỏi

Nhìn lại quá khứ, dịch viêm phổi do virus COVID-19 gây ra được cho là có nhiều điểm tương đồng với dịch SARS và MERS trước đó.

Cả ba loại virus gồm SARS, MERS và COVID-19 đều thuộc loại coronavirus (tiếng La Tinh có nghĩa là “vương miện”) thuộc phân họ Coronavirinae. Tên gọi trên được đặt theo hình dạng có phần giống vương miện của protein trên lớp vỏ ngoài của virus.

Dịch MERS tại Saudi Arabia năm 2012 và ở Hàn Quốc năm 2015 khiến hơn 800 người thiệt mạng. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em nhiễm bệnh ở các nước đều không có những triệu chứng nghiêm trọng. Trẻ lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc với người trong gia đình.

Dịch SARS bùng phát mạnh trên toàn thế giới năm 2003 với hơn 800 người chết, tuy nhiên không có ca tử vong nào được ghi nhận ở trẻ em. Trong khi đó, phần lớn người chết vì dịch có độ tuổi trung bình trên 45 và đa số là đàn ông.

Theo các nghiên cứu và số liệu được cung cấp từ Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, trong hơn 8000 ca nhiễm SARS chỉ có 135 ca nhiễm ở trẻ em, chiếm tỷ lệ 1.6%.

Cũng theo các nhà khoa học, đối với trẻ dưới 12 tuổi, bệnh nhân ít phải đến viện hoặc phải dùng oxy trong quá trình điều trị. Các ca bệnh biểu hiện nhẹ, thời gian bệnh ngắn, có các triệu chứng như ho, chảy mũi giống như bệnh viêm hô hấp trên do virus thông thường gây ra. Trẻ trên 12 tuổi có biểu hiện bệnh giống người lớn, tuy nhiên cũng không có ca tử vong nào được ghi nhận.

So sánh với cúm mùa – một căn bệnh về đường hô hấp khác, các nhà khoa học cũng ghi nhận, rất nhiều trẻ em ở Mỹ bị nhiễm virus cúm mỗi năm, nhưng số ca tử vong vì cúm ở trẻ lại thấp hơn nhiều so với người lớn.

Trong mùa cúm 2018-2019, khoảng 7.6 triệu trẻ em ở lứa tuổi từ 5-17 bị nhiễm cúm, trong đó có 211 trẻ tử vong, tỷ lệ tử vong nằm ở mức 0.002%.

Ngược lại, ước tính có khoảng 11.9 triệu người trưởng thành trong độ tuổi 18 đến 49 nhiễm cúm, nhưng có đến 2.450 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong ở người trưởng thành là 0.02%.

Hệ miễn dịch của trẻ em phản ứng nhạy hơn người lớn

Trẻ có vũ khí lợi hại nhất là Hệ thống Miễn dịch Tự nhiên (Innate Immune System ) – là tuyến phòng thủ đầu tiên để chống lại mầm bệnh ngoại lai xâm nhập vào cơ thể. Khi phát hiện ra “kẻ xâm lược”, các tế bào trong hệ thống lập tức có phản ứng chống trả.

Ở trẻ, hệ thống miễn dịch bẩm sinh diễn ra mạnh mẽ. Khi tiếp xúc với virus COVID-19, hệ miễn dịch có thể phản ứng chống trả lại nhiễm trùng dễ dàng hơn và giúp trẻ gặp những triệu chứng nhẹ hơn.

Bên cạnh đó, nhờ việc tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa đã được thực hành và triển khai tốt trong nhiều năm qua, trẻ được miễn dịch qua quá trình chủng ngừa đầy đủ và phụ huynh có ý thức trong việc chủ động bảo vệ trẻ.

Hơn nữa, ở người lớn việc nhiễm trùng có thể dễ dàng xảy ra hơn, đặc biệt với những người có tiền sử về bệnh nền mãn tính như tiểu đường, huyết áp cao, các bệnh về tim mạch làm suy yếu khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng.

Khả năng miễn dịch bẩm sinh của cơ thể, vốn rất quan trọng để chống lại virus, cũng suy giảm theo tuổi tác và đặc biệt là sau tuổi trung niên, đặc biệt với những người trên 50 tuổi. Đó là lý do tại sao đối với hầu hết các bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus, tỷ lệ biến chứng cao nhất lại thường rơi vào nhóm người có tuổi.

Trường hợp em bé 17 ngày tuổi ở Vũ Hán “tự hồi phục” thần kỳ sau 2 tuần mà không cần chữa trị là trường hợp tiêu biểu nhất. Theo tờ Nhân dân (Trung Quốc), em bé Xiaoxiao sinh non ngày 5/2 đã lập tức được đưa đến bệnh viên sau khi chào đời. Người mẹ được chuẩn đoán dương tính với virus COVID-19 trước khi sinh và bị sưng phổi nặng.

Em bé cũng đã được chẩn đoán dương tính với virus COVID-19 chỉ 4 ngày sau khi chào đời. Tuy nhiên em lại không có triệu chứng khó thở, sốt hay ho và chỉ bị tổn thương cơ tim mức độ nhẹ. Bác sĩ điều trị cho biết chỉ số nhiễm bệnh ở em bé không quá cao nên quyết định không dùng thuốc kháng sinh để điều trị và để em bé tự hồi phục. 17 ngày sau đó, với kết quả xét nghiệm 2 lần đều âm tính với virus, em bé đã hoàn toàn khoẻ mạnh trở lại và xuất viện vào ngày 21/2.

Các chuyên gia y tế phân tích, ngoài hệ miễn dịch tự nhiên khoẻ mạnh, yếu tố môi trường như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí đóng vai trò lớn trong việc quyết định đường hô hấp của một người có khoẻ hay không.

Trẻ em do ít tiếp xúc với khói thuốc lá và thường được ở trong điều kiện môi trường trong lành nên đường hô hấp khoẻ mạnh hơn người lớn nhiều.

Phòng ngừa bảo vệ trẻ khỏi COVID-19

Đối với phòng chống COVID-19 nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung, điều quan trọng nhất là tránh lây nhiễm. Cha mẹ nên chú ý khử khuẩn, vệ sinh tay và các đồ vật xung quanh trẻ.

Tránh để trẻ cầm nắm, bỏ đồ chơi vào miệng vô tình làm lây truyền virus vào cơ thể. Tránh tụ tập, đưa bé đến nơi đông người, mang khẩu trang cho bé nếu tiếp xúc với môi trường lạ, đông đúc.

Một giải pháp hay được nhắc đến là nâng cao miễn dịch, việc này không trực tiếp ngăn chặn nhưng giúp tạo ra một “hàng rào” tốt hơn để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm, hoặc khi trẻ bị bệnh thì khả năng phòng vệ của cơ thể sẽ tốt hơn.

Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu cũng là một trong những biện pháp rất có giá trị trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh.

Mặc dù hiện nay chưa có vắc-xin ngừa bệnh viêm phổi gây ra bởi COVID-19, nhưng việc tiêm phòng các vắc-xin khác theo đúng lịch vẫn là điều cần thiết phải tuân thủ.

Cha mẹ đừng vì sợ dịch bệnh mà bỏ lỡ các mũi tiêm chủng quan trọng của con. Tiêm vắc-xin được chứng minh là phương pháp phòng ngừa bệnh an toàn và hiệu quả dành cho trẻ.

Việc phòng chống dịch bệnh đúng cách và theo dõi sát sao tình hình sức khoẻ của trẻ rất quan trọng ở thời điểm nhạy cảm này. Ngoài ra, việc bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ cũng góp phần ngăn chặn những “vị khách không mời mà tới” như COVID-19.

XEM THÊM:


Người Việt Nam ở Hàn Quốc có thể sử dụng Bản đồ Virus Corona để theo dõi tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp ở Hàn Quốc cũng như các địa điểm bệnh nhân đã đến để tránh không bị lây nhiễm.

🚒 BẠN CẦN BIẾT: Hướng dẫn cách phát hiện triệu chứng nhiễm virus COVID-19 & Cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả từ các chuyên gia y tế.

⁉️ ĐỪNG HOANG MANG: 6 Tin đồn về virus COVID-19 & Lời giải thích hợp lý.

🔴 Theo dõi cập nhật tình hình lây lan của virus COVID-19 ở Hàn Quốc và trên thế giới tại đây.

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).