Cửa hàng tiện lợi (편의점) từ lâu đã trở thành không gian sinh hoạt quen thuộc trong đời sống của người Hàn Quốc.

Không gian này được chọn làm bối cảnh phim truyền hình lần đầu tiên vào thập niên 1990, len lỏi vào lời bài hát ballad trữ tình những năm 2000, có lúc còn trở thành tựa đề của tác phẩm truyện ngắn đương đại được tuyển chọn đăng trên tạp chí uy tín.

Đến với cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc ngày nay, bạn không chỉ như bước vào một thế giới tiện lợi đúng nghĩa – cần gì có đó với một mức giá phải chăng, mà còn có thể cảm nhận được xu hướng tiêu dùng, sự chuyển mình nhanh chóng của cả xã hội Hàn Quốc được gói gọn trong đó.

Vài năm trở lại đây, người Hàn gật gù công nhận rằng Hàn Quốc đã trở thành “Nước cộng hoà cửa hàng tiện lợi” (편의점 공화국). Còn bạn đã biết từ bao giờ và vì sao mà các cửa hàng tiện lợi lại thắng thế trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần kinh doanh bán lẻ ở Hàn Quốc như thế chưa?

Lotte – “ông lớn bán lẻ” không có duyên với cửa hàng tiện lợi

Danh hiệu cửa hàng tiện lợi xuất hiện sớm nhất ở Hàn Quốc được trao cho chuỗi “Lotte Seven” (롯데세븐) của tập đoàn bán lẻ Lotte. Cửa hàng Lotte Seven đầu tiên với mặt bằng ngay trước chợ Yaksu ở trung tâm Seoul, chính thức khai trương vào năm 1982.

Theo tờ Maeil Kyungje thời đó, Hàn Quốc đã sớm nhìn thấy triển vọng phát triển ở mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi như một loại hình “cửa hàng cuối ngõ” mới, thay thế các hàng tạp hoá nhỏ lẻ, tự phát trong các khu dân cư.

Các cửa hàng tiện lợi thuộc chuỗi Lotte Seven mở cửa từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối, hoạt động 365 ngày/năm. Các mặt hàng chính được bày bán gồm nhu yếu phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng, vật dụng lặt vặt… Diện tích của cửa hàng Lotte Seven đo được vào khoảng 132m2, gần gấp đôi kích thước trung bình của các cửa hàng tiện lợi ngày nay (73m2).

Đáng tiếc thay, chuỗi Lotte Seven đã sớm phải đóng cửa vì giá cả không đủ sức cạnh tranh với các hàng tạp hoá quy mô gia đình, vốn không tốn nhiều chi phí cho mặt bằng và nhân công.

Với thất bại này, Lotte đành gác lại giấc mơ tiên phong trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi. Và câu chuyện về Cộng hoà cửa hàng tiện lợi cũng không có điểm sáng nào mới mãi cho đến năm 1989 – khi cửa hàng 7-Eleven đầu tiên mở cửa ở khu Olympic Village (올림픽선수촌점), thuộc quận Songpa ở thủ đô Seoul.

Khác với Lotte Seven trước đây, chuỗi 7-Eleven mở cửa suốt 24 giờ, 365 ngày/năm – đúng với mô hình kinh doanh cơ bản của cửa hàng tiện lợi.

Kể từ sau đó, thị trường bán lẻ ở Hàn Quốc trở thành sân chơi cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi trong và ngoài nước cạnh tranh sôi nổi. Trong thập niên 1990, các thương hiệu cửa hàng tiện lợi chiếm lĩnh thị trường bao gồm Lawson, Family Mart, Ministop đến từ Nhật Bản, Circle K và ampm đến từ Mỹ, bên cạnh đó là thương hiệu “cây nhà lá vườn” LG25 (tiền thân của GS25) và By the Way.

Được hậu thuẫn với các khoản đầu tư khổng lồ, các chuỗi này đua nhau mở cửa hàng chi nhánh từ Seoul đến các vùng cách xa trung tâm ít nhộn nhịp hơn. Chỉ bốn năm sau khi mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi được hồi sinh, đã có hơn 1.000 cửa hàng mới xuất hiện trên toàn quốc.

Trở thành cơn sốt nhờ hiệu ứng phim truyền hình

Khán giả yêu thích phim truyền hình Hàn Quốc thập niên 1990 chắc hẳn không thể nào không biết đến bộ phim “Ghen tuông” (질투) của đài MBC lên sóng vào năm 1992.

Bộ phim được xướng danh là tác phẩm mở màn cho thể loại trendy drama (phim xu hướng) ở Hàn Quốc, đồng thời đã giúp cố diễn viên Choi Jin Sil vụt sáng trở thành ngôi sao tên tuổi của làng giải trí trong và nước.

Trendy drama ở đây được định nghĩa là phim truyền hình chứa các yếu tố địa điểm, thời trang, tiêu dùng, sản phẩm dẫn đầu xu hướng. Và yếu tố khiến “Ghen tuông” được liệt vào dòng phim trendy drama chính là sự xuất hiện của cửa hàng tiện lợi.

Không ít lần không gian này được lựa chọn làm bối cảnh phim cho cặp đôi diễn viên chính – nam tài tử Choi Soo Jong và cố diễn viên tài hoa bạc mệnh Choi Jin Sil gặp gỡ, ăn uống và trò chuyện.

Vào thời đó, cảnh diễn viên chính đi vào cửa hàng tiện lợi để mua mì gói, lấy nước nóng nấu mì miễn phí và thậm chí ngồi ăn tại chỗ đã tạo nên cơn sốt trong giới trẻ. Với tỷ suất người xem lên tới hơn 50%, không quá lời khi cho rằng mức độ nổi tiếng của bộ phim “Ghen tuông” là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển của mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc.

Ngay sau khi bộ phim kết thúc, các cửa hàng tiện lợi với khung cửa kính trong suốt nhìn thấu vào các kệ hàng bên trong xuất hiện như nấm mọc sau mưa. Người trẻ đến ngồi đông nghịt ở các dãy bàn ghế nhựa bày trí trong cửa hàng tiện lợi chỉ để ăn mì như Choi Soo Jong và Choi Jin Sil mà họ đã thấy trên phim.

“Đặc sản” sốt xình xịch kế vị mặt hàng mì ăn liền ở cửa hàng tiện lợi là nước đá bào trái cây và nước giải khát tươi có gas. Việc lấy những cốc đá lạnh rồi mix các loại nước có gas đủ vị như cola, fanta, soda theo ý thích của khách hàng được ca tụng là một sự đổi mới mang tính cách mạng, là trải nghiệm không thể có được ở các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ hay siêu thị truyền thống, vốn chỉ bán nước có gas dưới dạng nước đóng chai ướp lạnh.

Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng – chìa khoá cho sự thành công

Gần 40 năm kể từ khi xuất hiện ở Hàn Quốc, các cửa hàng tiện lợi đã len lỏi vào từng ngõ ngách trong đời sống sinh hoạt của người dân. Không đơn thuần chỉ là nơi bán các sản phẩm tiện lợi, năm 1997, các cửa hàng tiện lợi bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực thu và thanh toán chi phí công cộng, thiết lập máy nạp tiền thẻ xe bus nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Đến năm 1998, mô hình trạm xăng dầu tích hợp cửa hàng tiện lợi xuất hiện, khiến số lượng cửa hàng tiện lợi mọc mới tăng đến 133% so với cùng kỳ năm trước. Đến những năm 2000, cửa hàng tiện lợi tăng cường dịch vụ khách hàng bằng cách thiết lập các cây ATM có chức năng xử lý tiện ích ngân hàng đơn giản như nạp,rút tiền và vấn tin số dư.

Không dừng lại ở đó, các cửa hàng tiện lợi còn mở rộng kiêm thêm cả dịch vụ giao hàng, vốn chỉ giới hạn ở các siêu thị lớn, dịch vụ chuyển phát nhanh, thanh toán hoá đơn, bảo hiểm xe hơi, sản xuất các mặt hàng dưới thương hiệu riêng của mình.

Đặc biệt, khi Hàn Quốc cùng Nhật Bản đồng đăng cai tổ chức World Cup vào năm 2002, các cửa hàng tiện lợi là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất khi tốc độ tăng trưởng doanh số vượt quá 40%. Mô hình kinh doanh này tiếp tục phát triển ổn định đến giữa những năm 2000, và đạt cột mốc 10.000 cửa hàng được mở trên toàn quốc vào năm 2007.

Năm 2008, chỉ trong 1 năm có hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi được mở mới. Nhờ đó, mô hình này mạnh dạn “tiến công” vào các ga tàu điện đông đúc và dọc khu vực công viên sông Hàn. Đây là kết quả đạt được nhờ nắm bắt kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng – điểm yếu chí mạng khiến mô hình kinh doanh tạp hoá nhỏ lẻ rơi vào bước đường cùng và bị thay thế bởi các cửa hàng tiện lợi.

“Big 3 Cửa hàng tiện lợi” ăn nên làm ra nhờ văn hoá “một mình” của người Hàn

Ở Hàn Quốc, CU, GS25 và 7-Eleven hiện được xem là “Big 3” quyền lực trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi. Đến năm 2015, CU đã có đến 9.409 cửa hàng, GS25 và 7-Eleven theo sau với 9.285 và 8.000 cửa hàng trên toàn quốc.

Những con số này vẫn tiếp tục tăng trong suốt 5 năm qua.

CU là nhãn hiệu cửa hàng tiện lợi số một ở Hàn Quốc, với tên gọi là chữ viết tắt của cụm từ “Convenience store for You” (được đổi tên sau khi “chia tay” với Family Mart của Nhật vào năm 2012 và trở thành thương hiệu “thuần Hàn”).

Trong khi đó, GS25 – nhãn hiệu cửa hàng tiện lợi nội địa Hàn Quốc nổi bật không kém CU đã chính thức thâm nhập vào thị trường Việt Nam với tham vọng hiện thực hoá mục tiêu khai trương 2500 cửa hàng trong tương lai gần.

Theo sự gia tăng của số hộ độc thân ở Hàn Quốc và xu hướng ăn sáng ở ngoài thay vì ở nhà như trước đây, người dân ngày càng ưa chuộng các phần ăn nhấn mạnh tính tiện lợi, ngon và rẻ.

Nắm bắt thị hiếu này, các thương hiệu cửa hàng tiện lợi nhanh chóng cho ra đời các phần ăn, phần cơm hộp một người đa dạng về mùi vị và mẫu mã. Nước đóng chai, sữa tươi và nhiều mặt hàng khác cũng được thay đổi dung tích, kích thước, số lượng để nhắm tới đối tượng là các hộ gia đình độc thân.

Mặc dù đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, đồng thời nhận được sự ưa chuộng tin dùng của người dân nhờ tinh thần không ngại đổi mới và nắm bắt tốt xu hướng, các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc cũng không thể tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt khi cứ cách 200 – 300m lại có ít nhất 3 cửa hàng thuộc các thương hiệu khác nhau. Ở những nơi mật độ dân số đông như phường Noryangjin, Seoul, con số trung bình này còn lên đến 7-8 cửa hàng.

Trong tương lai, để tăng tính cạnh tranh và phục hồi, duy trì sự tăng trưởng ổn định hậu COVID-19, các thương hiệu cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc bắt buộc phải liên tục nảy ra các ý tưởng sáng tạo, độc đáo và áp dụng vào hoạt động kinh doanh của mình.

“Mục tiêu là phải khiến khách hàng đi bộ thêm 300m đến cửa hàng thương hiệu của mình để mua các dịch vụ và sản phẩm mà các thương hiệu khác không có”. – Một nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc cho biết.

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).