Có thể nói, đối với người nước ngoài từng sống ở Hàn Quốc, một trong những kinh nghiệm đặc biệt khiến họ nhớ về đất nước này chính là việc gọi thức ăn giao tại nhà.

Ở Hàn Quốc, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy “giao hàng” tấp nập chạy trên phố mang đồ ăn ấm nóng tới cho khách hàng. Không cộng thêm phí giao hàng, cũng hầu như không có tiền lệ cho tiền tip nhân viên giao hàng, chủng loại thức ăn đa dạng, phục vụ 24/7. Đó chính là những nét đặc trưng của văn hóa giao hàng tại Hàn Quốc. Cũng từ đó mà cái tên dân tộc… giao hàng được ra đời.

Vậy nét văn hóa “giao hàng – baedal” vừa văn minh, tiện lợi và thú vị như thế này có từ bao giờ nhỉ?

Dịch vụ giao thức ăn tại nhà “baedal” có từ thời Joseon?

Có rất nhiều ghi chép lịch sử cho thấy dịch vụ giao thức ăn tại nhà đã xuất hiện từ thời vua Thuần Tổ (순조) – vị vua thứ 23 triều đại Joseon.

Điển hình như, nhà Nho thực học nổi tiếng cuối triều đại Joseon Hwang Yoon Seok đã từng viết về kinh nghiệm gọi đồ ăn về nhà của mình trong một ghi chép có tên là “Ijae Nango – 이재난고”.

Cụ thể, sau khi kết thúc kỳ thi Khoa cử (과거시험) – một hình thức khảo thí tuyển chọn quan lại vào thời Joseon cổ đại, nhà nho này đã cùng các đồng môn gọi món mỳ lạnh Pyeongyang về để ăn.

Và cũng thật bất ngờ, ngay cả vua Thuần Tổ (순조) cũng đã từng “sử dụng dịch vụ giao đồ ăn tại nhà”. Trong bản ghi chép của một quan chức học giả của cuối thời Joseon, vào một đêm nọ, vua Thuần Tổ vì muốn ăn mỳ lạnh nên đã ra lệnh cho quân lính đặt mua món ăn này đưa vào trong cung.

Đúng là người dân Hàn Quốc được thừa hưởng gen di truyền “baedal” từ tổ tiên của mình.

Thực đơn “baedal” được yêu thích thời Joseon là gì?

Món ăn được yêu thích trong thực đơn “giao hàng” triều đại Joseon chẳng phải “cao lương mỹ vị gì” như nhiều người tưởng tượng. Đó lại chính là món ăn quốc dân vô cùng quen thuộc với người dân xứ Hàn – món mỳ lạnh (냉면). Từ trước đến giờ, mỳ lạnh luôn được coi là một trong những món ăn tiêu biểu cho ẩm thực mùa đông của phương Bắc bán đảo Hàn.

Tuy nhiên, đâu chỉ có mỳ lạnh, món canh giải rượu “hyojonggaeng – 효종갱” cũng đã từng một thời “làm mưa làm gió” vào triều đại Joseon.

Cái tên “효종갱” xuất phát từ ý nghĩa “món canh đánh thức mọi người mỗi buổi sáng”. Hay “효종갱” chính là món canh giải rượu được ăn vào đúng lúc tiếng kẻng vang lên báo hiệu đã hết giờ giới nghiêm vào mỗi sáng sớm.

Hyojonggaeng nổi tiếng là món canh giải rượu tiêu biểu của triều đại Joseon. Món ăn này gồm có các nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng như lá cải thảo non, nấm, hải sản và nước tương, được hầm trong cả ngày.

Vào sáng sớm, khi tiếng kẻng báo hiệu hết giờ giới nghiêm vang lên, các “shipper” triều đại Joseon lại vội vã lên đường để kịp giao những phần canh giải rượu hyojonggaeng nóng hổi từ Namhansanseong đến các gia đình quý tộc ở Sadaemun.

Các shipper thời Joseon giao hàng kiểu gì nếu không có xe máy?

Vào thời kỳ chưa có các phương tiện giao hàng hiện đại như xe máy, vậy các shipper triều đại Joseon làm cách nào để đồ ăn không bị nguội?

Tất cả là nhờ vào onggi – nồi đất nung (옹기), một vật dụng “nhỏ nhưng có võ”. Nồi đất nung onggi được biết đến là vật dụng có tác dụng giữ ấm đồ ăn vô cùng hiệu quả vào thời kỳ Joseon.

Khi giao hàng, các shipper Joseon còn bọc thêm một lớp bông hoặc giấy hanji bên ngoài nồi đất. Chính vì thế đồ ăn vẫn giữ nguyên được độ ấm khi ship đến các gia đình quý tộc triều đại Joseon.

Tổng hợp từ Daum

author-avatar

About Anh Thơ

Mối lương duyên với Hàn Quốc được bắt đầu vô cùng tình cờ... Nhưng không phải ngẫu nhiên mà càng ngày tôi càng thấy trân trọng mối lương duyên đó. Hàn Quốc đã trở thành một phần đặc biệt trong tôi.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).