Ngày 8/4, đài SBS đăng phóng sự về tình cảnh “dở khóc dở cười” của hơn 50 hành khách người Nga khi phải ăn ngủ vạ vật suốt hơn 1 tuần vừa qua tại khu vực quá cảnh của sân bay Incheon.

Những hành khách này xuất phát từ nhiều nơi trên thế giới, như Mỹ, Thái Lan và dự định quá cảnh qua Hàn Quốc để trở về Nga. Nhưng do đường bay Nga – Hàn đóng cửa vì dịch COVID-19 nên họ buộc phải chờ chính phủ Nga gửi máy bay đến đón.

Trong tuần qua, chính phủ Nga cũng đã 4 lần hứa hẹn sẽ điều máy bay đến đón đoàn hành khách này, nhưng tất cả các chuyến bay tới Hàn Quốc đều bị huỷ vào phút cuối.

Hơn 50 hành khách người Nga không muốn nhập cảnh vào Hàn Quốc vì phải cách ly 2 tuần và phát sinh nhiều chi phí liên quan. Vì vậy, trong khi chờ máy bay của chính phủ, những hành khách này chọn cách “cầm cự” tại khu quá cảnh của sân bay Incheon trong suốt một tuần qua.

Còn tại Hàn Quốc thì sao?

Mặc dù số ca nhiễm mới ngày càng giảm đi, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định Hàn Quốc đã khống chế được dịch COVID-19.

Chỉ riêng việc kiểm soát công dẫn trong nước cũng đã đủ căng thẳng, nhưng chính phủ Hàn Quốc vẫn tiếp tục tiến hành kế hoạch đưa Hàn kiều tại nhiều nơi trên thế giới về nước.

Hàn kiều khắp nơi cầu cứu

Trước đó, Hàn Quốc đã gửi nhiều chuyến bay giải cứu Hàn kiều tại Vũ Hán (Trung Quốc), Iran, Peru, Kenya, Hungari và Việt Nam… Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 trên toàn thế giới, công dân Hàn Quốc đang tạm trú tại nước ngoài trở nên bất an hơn bao giờ hết.

Ngay cả Việt Nam, quốc gia được cho rằng an toàn đáng kể so với các vùng lãnh thổ khác, bầu không khí chung đã bắt đầu trở nên ngày một căng thẳng.

Thực tế, ngày 30/3, trên website Quốc dân Thỉnh nguyện của Nhà xanh đã xuất hiện hàng loạt đơn kiến nghị cầu cứu Chính phủ đưa máy bay đến đón công dân tại Malaysia, Ấn Độ, Singapore, Paraguay và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Đơn cử, có thể kể đến, “Xin hãy gửi máy bay đến Malaysia. Xin hãy cứu chúng tôi” (말레이시아에 전세기 보내주세요 (살려주세요), “Xin hãy gửi máy bay đến Ấn Độ” (인도에 대한민국 전세기 부탁드립니다), “Xin hãy giúp đỡ công dân quốc tịch Hàn Quốc tại Singapore” (싱가포르에 있는 대한민국 국적의 국민들을 도와주세요)…

Đơn kiến nghị yêu cầu Chính phủ gửi máy bay đến Ấn Độ của công dân Hàn Quốc

Thành phần kêu gọi bao gồm đủ mọi xuất thân, từ viên chức được phái cử cho đến du học sinh và kiều dân.

Một công dân Hàn Quốc kí đơn thỉnh nguyện cho biết: “Toàn bộ chuyến bay ở UAE đã bị hủy, các sân bay ngưng hoạt động và việc xuất nhập cảnh gần như là không thể.

Công nhân viên chức, nhân viên thường trú và thương nhân công tác không thể quay trở về nước. Do đó, tôi buộc lòng phải kêu gọi Chính phủ mong cầu được giúp đỡ”.

Một người kí đơn thỉnh nguyện yêu cầu gửi máy bay tới Ấn Độ cho hay: “Vào tháng Hai, chồng tôi đi công tác Ấn Độ và “kẹt” lại trong khách sạn. Để kiểm soát dịch, Chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh cấm xuất nhập cảnh nhưng số ca nhiễm trong nước vẫn tăng”.

Với trường hợp của Việt Nam, dù đơn kiến nghị nhiều chữ ký tương tự không xuất hiện trên website của Nhà Xanh, vẫn xuất hiện đơn yêu cầu nhỏ lẻ “cầu cứu” Chính phủ vì lo ngại người thân không nhận được chữa trị tốt nhất có thể.

Đơn kiến nghị yêu cầu Chính phủ gửi máy bay đến Malaysia

Nguyên do này được tìm thấy đồng thời ở đơn kiến nghị gửi máy bay tới Malaysia do lo lắng về chất lượng cơ sở y tế của quốc gia này. Đồng thời, một bộ phận công dân Hàn Quốc đang “sốt vó” vì hạn lưu trú tại Malaysia trên visa sắp sửa hết hạn.

Có một thực tế rằng, đứng ở góc độ của Hàn Quốc, điều kiện y tế của hầu hết quốc gia Đông Nam Á khó có thể so sánh với tiêu chuẩn ở quốc gia của họ.

Chính phủ không thể khoanh tay

Đáp lại thỉnh cầu từ công dân tại Ý, ngày 1/4, 309 Hàn kiều và công dân Hàn tạm trú tại hải ngoại đã trở về nước từ Ý bằng máy bay của Chính phủ. Ngay hôm sau, 2/4, chuyến thứ 2 đã đưa 212 người về nước.

Công dân Hàn Quốc trở về từ Ý vào chiều 1/4

Ngày 2/4, việc hãng bay Air Seoul cùng Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam hợp tác đưa máy bay đến Đà Nẵng đón công dân Hàn có nhu cầu về nước cũng đã được công bố.

Trước đó, Hàn Quốc cũng đã gửi máy bay chuyên dụng của tổng thống để hỗ trợ công dân từ Vũ Hán và công dân có mặt trên du thuyền Diamond Princess. Các quốc gia bị cắt đường hàng không trong nước như Iran và Peru cũng đã mở các chuyến bay “giải cứu” kiều dân và công dân du lịch của Chính phủ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, trước cầu mong khẩn thiết của Hàn kiều và công dân lưu trú ngắn hạn ở nước ngoài, một bộ phận người Hàn trong nước tỏ thái độ lo ngại. Họ cho rằng dòng người từ nước ngoài đổ về sẽ khiến dịch bệnh trong nước thêm khó khống chế.

Ngày 31/3, Chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Hoàn toàn không có chính sách nào cấm công dân nhập cảnh về nước. Không có quốc gia nào cấm công dân nước mình nhập cảnh và cũng không thể thiết lập điều luật nào như vậy”.

Nhìn dòng người đổ về Việt Nam cuối tháng Hai, đầu tháng Ba vừa qua, có thể thấy, khi biến cố nào đó xảy ra, theo bản năng, người ta sẽ lập tức hướng về “quê mẹ”.

Bản thân phải “lạc trôi” ở xứ lạ, nhất là khi không thành thạo ngôn ngữ của quốc gia sở tại, là điều không ai mong muốn. Chưa kể, với trường hợp không sở hữu visa dài hạn, người ta buộc phải lo lắng về khả năng phải “vất vưởng” nơi đất khách quê người.

Dịch vẫn đang hoành hành trên phạm vi toàn thế giới, nếu không phải là “đất mẹ”, nơi đâu có thể khiến ta yên tâm? Và, một khi người dân đã cầu cứu, thử hỏi Chính phủ nào có thể khoanh tay đứng nhìn?

author-avatar

About Eileen

Bằng một cách nào đấy, duyên phận là có thật. Tôi với Hàn Quốc, đơn giản chính là như vậy.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).