Nhằm phòng dịch COVID-19, Chính phủ Hàn Quốc đã đề nghị hạn chế hoạt động tụ tập đông người, đặc biệt với đối tượng là các cơ sở tôn giáo, các địa điểm thể thao trong nhà và các cơ sở giải trí. Đây là những địa điểm thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao do tập trung đông người.

Nếu bắt buộc phải thực hiện các buổi lễ thờ phượng offline, các nhà thờ được yêu cầu phải cung cấp danh sách chính xác người tham gia, mọi con chiên đều phải đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách 1-2m với người khác.

Tuy nhiên vẫn có nhiều nhà thờ tại Hàn Quốc không tuân thủ đúng các quy định kiểm dịch mà chính phủ đã ban hành.

Đừng ép buộc chúng tôi. Cảnh sát cũng đâu cách nhau 2m!

Khoảng 10 giờ 30 sáng 5/4, một cảnh tượng hỗn loạn đã diễn ra trước Nhà thờ Sarang Jeil thuộc quận Seongbuk, Seoul.

Giữa “vòng vây” của các nhân viên thuộc chính quyền Seoul và 400 cảnh sát được giao nhiệm vụ là tiếng la hét của các tín đồ: “Quan chức cũng phải tuân thủ luật lệ”.

Ở lối vào nhà thờ, 10 tín đồ đứng chặn các viên cảnh sát và đội ngũ phóng viên với những tấm biển: “Ngăn cản hành lễ bị phạt 5 triệu KRW, tù dưới 3 năm”, “Quan chức mà cũng đứng sát nhau”…

Trong khi đó, các thành viên mặc áo xanh “STAFF”, đứng trước cửa ra vào và kiểm soát người vào nhà thờ bằng việc xác nhận tên và địa chỉ.

Hầu hết các tín đồ vào nhà thờ hôm đó đều đeo khẩu trang. Một số đội mũ bảo vệ che mặt, trong khi tay dắt những đứa con. Tuy nhiên, người ta không thấy được khoảng cách an toàn 2m mà quy định giãn cách xã hội yêu cầu. Các tín đồ không vào được nhà thờ sau khi lễ bắt đầu đành đứng “hóng” bên ngoài.

Kim (70 tuổi), người chứng kiến điều này, tặc lưỡi: “Sức mạnh chính quyền quá yếu ớt. Làm sao có thể để cảnh tượng như thế này diễn ra cơ chứ”.

Heo (22 tuổi), cho biết: “Giãn cách xã hội ngày một phải tăng cường. Lễ thờ online cũng có cơ mà. Sao phải nhất thiệt gặp nhau tụ tập thế này tôi thật sự không hiểu”.

Choi (28 tuổi), cư dân Seongbuk chia sẻ: “Nhận thức chung về Kitô giáo ngày càng lầm lệch. Vấn đề không phải là họ có bị bắt hay không, mà tôi lo là trong số họ không biết đã có ai bị nhiễm hay chưa”.

“Chính quyền đàn áp chúng tôi”

Tuy nhiên, một quan chức tại Nhà thờ Sarang Jeil phản pháo: “Cơ quan công quyền đang đàn áp nhà thờ. Trong khi chúng tôi đang làm lễ mà vẫn tuân thủ nguyên tắc phòng dịch”.

Mục sư Park Jung Seop (박중섭), chủ trì buổi lễ, nói với các tín đồ:

“Trong mắt Chúa, các bạn vô cùng xinh đẹp. Thật đáng tiếc nhưng, trừ những người làm lễ ở nhà ra.

Tuần sau là Phục sinh nhưng nhiều nhà thờ nói rằng họ sẽ làm lễ trên Youtube. Thế thì còn gì gọi là nhà thờ. Thật đáng tiếc cho quyết định đó của những nhà thờ lớn. Nhưng thật may là còn có chúng ta”.

Chính quyền Seoul cho biết sẽ cáo buộc Nhà thờ Sarang Jeil vi phạm lệnh cấm tụ họp dựa trên luật phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.

Ông Kim Gyeong Tak (김경탁) – Giám đốc Chính sách Văn hóa Thành phố Seoul cho biết:

“Có khoảng 1.200 cảnh sát đã tham gia vào công tác phòng dịch. Thực tế, họ đã nỗ lực hướng dẫn người dân tuân thủ quy định hơn trước nhưng giáo hội vẫn làm theo ý họ”.

Vi phạm quy tắc phòng dịch, Nhà thờ Sarang Jeil vào ngày 23/3 đã bị Chính quyền Seoul ban hành lệnh cấm tụ tập đến ngày 5/4. Nếu lệnh này bị vi phạm, thành viên Nhà thờ có thể sẽ bị phạt 3 triệu KRW mỗi người.

Tuy nhiên, Nhà thờ Sarang Jeil vẫn bất chấp hành lễ vào ngày 29 tháng trước. Chính quyền Seoul đã cáo buộc họ đến Sở cảnh sát Jongam vì vi phạm quy định phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Sự hỗn loạn phiền nhiễu và hài hước

Lễ bắt đầu lúc 11 giờ và về cơ bản kết thúc hơn 2 tiếng sau đó. Ngay trước khi buổi lễ kết thúc, một tin nhắn được gửi lúc 13 giờ 8 phút đến các tín đồ với nội dung: “Thời gian hiến tặng hạnh phúc bắt đầu”.

Nhân viên nhà thờ bắt đầu nhận tiền được hiến tặng với những chiếc giỏ màu tím trên tay. Mặc dù đeo khẩu trang, việc “tiếp xúc gián tiếp” đã thực sự diễn ra với tay chạm tay lúc tiền được trao nhận.

Lễ chính thức kết thúc, các tín đồ được hướng dẫn “Đeo khẩu trang vào” sau đó rời khỏi nhà thờ. Diễn giả buổi lễ hùng hồn tuyên bố: “Ngay cả khi khó khăn và bị bắt bớ, đức tin của chúng ta lại càng mạnh mẽ hơn”.

Hàn Quốc được biết đến là quốc gia dân chủ, người dân sở hữu quyền tự do trong nhiều trường hợp và được quyền nói lên tiếng nói của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhiều người đã nhận ra “À, thì ra, dân chủ quá mức không phải lúc nào cũng tốt”.

Tổng hợp từ Joongang IlboHani

author-avatar

About Eileen

Bằng một cách nào đấy, duyên phận là có thật. Tôi với Hàn Quốc, đơn giản chính là như vậy.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).