COVID-19 đã khiến các quốc gia phải đóng cửa hoặc hạn chế di chuyển, gây tổn thất nặng nề về mặt kinh tế, du lịch, hàng không, vận tải, sản xuất…

Nhằm giúp người dân phần nào khắc phục khó khăn trong khủng hoảng COVID-19, Chính phủ Hàn Quốc đã nhất trí phương án hỗ trợ khẩn cấp cho toàn dân, với mức 1.000.000 KRW (810 USD) cho một hộ gia đình 4 người, 800.000 KRW cho hộ gia đình 3 người, 600.000 KRW cho hộ gia đình 2 người và 400.000 KRW (323 USD) cho hộ gia đình 1 người (hộ đơn thân).

Như vậy, mỗi người dân Hàn Quốc không kể giới tính, độ tuổi, thu nhập, nghề nghiệp sẽ đều nhận được ít nhất 400.000 KRW dưới dạng phiếu mua hàng hoặc tiền điện tử có kỳ hạn. Những gia đình có con nhỏ, người già, người tàn tật, gia đình đa văn hoá còn có thể nhận được tối đa 5 triệu KRW từ các nguồn quỹ chi viện của chính phủ.

Sau khi quyết định này được thông qua vào ngày 22/4, đến trung tuần tháng 5/2020, hầu như người dân Hàn Quốc đã đều được hướng dẫn đăng ký nhận tiền online vô cùng tiện lợi và nhanh chóng. Vậy trong 2 tuần vừa qua, số tiền này đã được sử dụng ra sao?

Tính đến nay, 92% tổng quy mô ngân sách hỗ trợ khẩn cấp toàn dân 14.244,8 tỉ KRW (11.5 tỉ USD) đã đến tay người dân. Trong các hình thức chi trả, hình thức nạp tiền vào thẻ tín dụng và thẻ thanh toán chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 66%), tiếp đó là bằng tiền mặt (13%), thẻ trả trước (10%), và phiếu mua hàng (6,5%).

Trong số đó, khoản tiền được người dân Hàn Quốc chi nhiều nhất là ăn uống cùng gia đình tại các nhà hàng.

Một người dân chia sẻ: “Tôi giao đồ ăn cho tiệm pizza, nhưng vì dịch COVID-19 nên quán vắng khách, ông bà chủ thay nhau đứng bếp và giao đồ, còn tôi phải nghỉ việc từ tháng 3 vừa qua. Khoản tiền hỗ trợ này không thể giải quyết hết những khó khăn trước mắt nhưng có ý nghĩa an ủi rất lớn. Đã rất lâu rồi tôi mới có dịp cùng ra gia đình đi ăn ngoài như thế này!”.

Ngoài ra, người dân còn dùng khoản tiền hỗ trợ của chính phủ đề mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ; trang trải tiền viện phí, thuốc men, đổ xăng, mua quần áo, trả tiền học thêm cho con em, trả tiền tập gym, làm đẹp tại các tiệm cắt tóc hoặc chi tiêu trong các hoạt động vui chơi giải trí.

Ngoài động viên người dân, một trong những mong muốn khác của chính phủ là muốn hỗ trợ các tiểu thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc trong khủng hoảng dịch COVID-19. Chính phủ hy vọng sẽ tạo ra một đợt “kích cầu”, góp phần cải thiện xu hướng giảm doanh thu của các tiểu thương và chợ đầu mối truyền thống trên cả nước.

Bởi vậy, người dân chỉ có thể sử dụng khoản hỗ trợ này tại địa phương đăng ký địa chỉ cư trú hiện tại và mua sắm tại các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ, chợ đầu mối truyền thống, không được dùng tại trung tâm thương mại, siêu thị lớn, cơ sở vui chơi giải trí, trang web mua sắm trực tuyến, trung tâm đồ điện tử lớn.

Kết quả điều tra ngày 25/5/2020 (tuần thứ 17) cho thấy mức giảm doanh thu của các chợ đầu mối truyền thống là 40%, giới tiểu thương là 45,3%, thấp hơn lần lượt 12% và 6% so với kết quả điều tra tuần trước đó, thấp hơn nhiều so với mức giảm sâu kỷ lục 69.2% ngày 6/4.

Tuy mức tiêu thụ vẫn tăng khá chậm, chưa đảm bảo cho việc kinh tế sẽ quay trở lại hồi phục vững vàng như trước dịch COVID-19. Khoản tiền hỗ trợ 400.000 KRW/người quả thực không thể giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình nhưng đã được hỗ trợ một cách nhanh chóng, kịp thời, trở thành nguồn “an ủi” đối với toàn dân và các doanh nghiệp trong bối cảnh ảm đạm chung.

Một tiểu thương bán hàng ở chợ truyền thống Namdaemun chia sẻ: “Đợt tháng 3 chúng tôi vẫn cố gắng dọn hàng, nhưng có những ngày chỉ đứng đuổi ruồi, cả con phố không thấy bóng khách nào đi qua. Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy cảnh tấp nập, nhộp nhịp như thế này!”

Bên cạnh chính sách hỗ trợ cho người dân trong nước, nhiều địa phương và các đoàn thể xã hội còn có chính sách hỗ trợ cho người nước ngoài.

Người nước ngoài có visa F6 (Visa kết hôn) và F5 (Visa cư trú vĩnh viễn) cũng nằm trong diện nhận trợ cấp cơ bản 400.000 KRW/người của chính phủ. Từ ngày 18/5~31/8, người nước ngoài thuộc diện visa này chỉ cần mang theo Thẻ người nước ngoài, 외국인사실증명서 (Giấy chứng nhận tư cách người nước ngoài) và 건강보험자격확인서 (Giấy chứng nhận tư cách bảo hiểm) và đăng ký nhận tiền tại các văn phòng chính quyền của phường, quận tại địa phương.

Thành phố Ansan hỗ trợ 70.000 KRW/ người, quận Jung thành phố Busan tự bỏ ngân sách hỗ trợ 100.000 KRW/người, thành phố Bucheon hỗ trợ 50.000 KRW/người cho tất cả những người nước ngoài sống trong khu vực.

Nếu là gia đình đa văn hoá, bạn nên tìm hiểu để biết thêm 17 chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả COVID-19 của Hàn Quốc.

Không riêng Hàn Quốc, nhiều nước trên thế giới cũng hỗ trợ tiền mặt cho người dân.

Tại Mỹ, nơi có số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng chóng mặt, Tổng thống Donald Trump đã ký gói cứu trợ khổng lồ 2.200 tỉ USD, theo đó mỗi người trưởng thành sẽ được nhận 1.200 USD. Ông Trump còn kêu gọi thêm 2.000 tỉ USD để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng quốc gia. Nếu dự luật được thông qua, Mỹ sẽ đổ 4.300 tỉ USD để vượt qua khủng hoảng, gần bằng ngân sách liên bang hàng năm của nước này (4.800 tỉ USD).

Trong tháng 2, Hong Kong đã hứa cung cấp cho mỗi cư dân thường trú trên 18 tuổi khoản hỗ trợ 10.000 HKD (khoảng 1.290 USD).

Ngày 12/3, Chính phủ Australia tiết lộ kế hoạch cung cấp 750 AUD (450 USD) cho người dân có thu nhập thấp.

Nhật Bản ngoài chính sách hỗ trợ cho người dân trong nước cũng quyết định hỗ trợ đồng loạt 100.000 yên cho tất cả người nước ngoài đang sống tại Nhật.

Hỗ trợ lắp điều hoà, tiền điện cho hộ người cao tuổi trong mùa hè

Nhiệt độ ở Hàn Quốc trong những ngày đầu hè đã tăng xấp xỉ 30ºC, gây ra nhiều khó khăn trong công tác phòng dịch COVID-19. Thông thường tại mỗi địa phương sẽ có một phòng sinh hoạt chung có lắp điều hoà cho người dân tránh nóng. Tuy nhiên, do lo ngại lây nhiễm trong cộng đồng, các trung tâm này đều đang tạm phải dừng hoạt động trên toàn quốc.

Hiện tại, giá điện ở Hàn Quốc được xét trên 3 mức độ: Nếu sử dụng dưới 200kWh mỗi tháng theo hệ thống giá điện hiện hành, người dân sẽ phải trả 93.3 KRW cho mỗi kWh; trên 200kWh một tháng sẽ áp dụng mức 187.9 KRW/kWh; trên 400kWh sẽ áp dụng mức 280.6 KRW/kWh.

Theo thống kê của công ty điện lực Hàn Quốc năm 2017, một hộ gia đình Hàn Quốc một tháng trung bình dùng 200.22kW với giá điện 20.115 KRW. Trong mùa đông và mùa hè, do phải sử dụng sưởi hoặc điều hoà nên mức tiêu thụ điện có thể lên tăng gấp 4, 5 lần, tuỳ theo nhu cầu sử dụng của từng hộ gia đình.

Để hỗ trợ người dân Hàn Quốc trong dịch COVID-19, chính phủ Hàn Quốc cũng áp dụng các hình thức hỗ trợ giá điện như: bắt đầu từ tháng 6/2020 sẽ giảm 50% giá điện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (có từ 5~10 nhân viên làm việc cố định) và cho phép các hộ nghèo được hoãn nộp tiền điện tối đa 3 tháng.

Mới đây, tỉnh Gyeonggi là tỉnh đầu tiên trên cả nước đã trích ngân sách địa phương để hỗ trợ lắp đặt máy điều hoà cho 586 hộ gia đình là các hộ nghèo, hộ có người cao tuổi trong tỉnh.

Mặc dù tất cả các chính sách hỗ trợ trên sẽ khiến nợ công của Hàn Quốc sẽ tăng thêm 820.000 tỉ KRW (670 tỉ USD) trong năm 2020. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc nhận định, những biện pháp này sẽ có lợi ích động viên tinh thần toàn dân, đem lại một phần lợi ích cho các chủ cửa hàng nhỏ, hộ kinh doanh, sau đó chảy vào các doanh nghiệp lớn để tạo ra vòng tuần hoàn kinh tế đạo đức.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, không ai dự đoán được khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc. Ngoài việc đề ra các phương án dự phòng để khắc phục khủng hoảng kinh tế, chính phủ Hàn Quốc còn tích cực hỗ trợ các quốc gia xung quanh.

Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, ngoài hỗ trợ nhân đạo các dụng cụ y tế, bộ KIT xét nghiệp cho Mỹ và các nước, vào ngày 18/5, Hàn Quốc đã hỗ trợ 53 triệu USD cho các nước khu vực Trung Nam Mỹ.

Ngoài khu vực Trung Nam Mỹ, Hàn Quốc còn có kế hoạch mở rộng hỗ trợ cho các nước đang phát triển khu vực Đông Nam Á và Tây Nam Á. Trong năm nay, Chính phủ đã quyết định cung cấp hơn 400 triệu USD trong Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế để viện trợ khẩn cấp cho các dự án y tế phòng dịch COVID-19 của các nước đang phát triển.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).