Đã bao giờ bạn nghe thấy cụm từ “커피 수혈” (truyền cà phê vào máu)?

Thực chất, cụm từ này có nguồn gốc chính hãng “Made in Korea”. Bởi ngay cả bản thân người Hàn Quốc cũng nhận thức được rằng, họ uống quá nhiều cà phê, đến mức như truyền hẳn cà phê vào máu, thay vì truyền nước biển (truyền dịch) như thông thường.

Thế mới thấy, cà phê từ lâu đã trở thành một thứ không thể thiếu trong đời sống của người Hàn Quốc, đặc biệt đối với các nhân viên văn phòng luôn trong tình trạng căng thẳng và mệt mỏi vì công việc. Đó là lý do vì sao vào mỗi sáng sớm, hình ảnh cả một đoàn người kiên nhẫn xếp hàng dài, chờ đợi được mua một cốc cà phê lại trở nên quen thuộc đến vậy tại đất nước Hàn Quốc.

Vậy, rốt cuộc cà phê có điều gì khiến người Hàn Quốc phải “mê mệt” và phụ thuộc như thế? Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân trong bài viết sau đây.

Một tháng có thể chi đến 120.000 KRW chỉ để mua cà phê (~2.3 triệu VND)

Theo khảo sát của trang web hỗ trợ tìm kiếm việc làm, trung bình một người đi làm tại Hàn Quốc thường uống ít nhất hai cốc cà phê mỗi ngày. Trong khi đó, tỷ lệ người trả lời không uống cà phê chỉ chiếm vỏn vẹn 6.3%.

Điều này có nghĩa là cứ 100 người Hàn Quốc sẽ có đến 94 người có thể uống ít nhất hai cốc cà phê trong một ngày. Chính vì thế, mới có sự ra đời của những từ mới như “커피 수혈” (truyền cà phê vào máu) và “커피공화국” (nước cộng hòa cà phê).

Bên cạnh đó, trang web hỗ trợ tìm kiếm việc làm nói trên cũng đồng thời phân tích, trung bình một người Hàn Quốc sẽ phải chi khoảng 4.178 KRW (~ 80.000 VND) cho một cốc cà phê trong một ngày. Như vậy, nếu uống cà phê liên tục trong vòng một tháng, số tiền này có thể lên đến hơn 120.000 KRW (~2.3 triệu VND).

Ước tính cho đến năm 2040, một người độc thân Hàn Quốc sẽ phải chi trả tối thiểu 283.000 KRW (~5.4 triệu VND) cho việc ăn uống trong một tháng. Trong đó, dự tính có khoảng 42% số tiền sẽ được dành riêng cho việc mua cà phê.

Với thực trạng này, người trưởng thành Hàn Quốc đang thật sự có xu hướng dùng đến gần một nửa chi tiêu của mình chỉ thỏa mãn “cơn nghiện” cà phê mỗi ngày.

Lý do dân công sở không thể sống nếu thiếu cà phê

Vậy, rốt cuộc vì lý do gì người dân Hàn Quốc nói chung và dân công sở nói riêng lại “đam mê” và phụ thuộc vào cà phê đến vậy?

Câu trả lời nằm ngay trong cụm từ “커피 수혈” (truyền cà phê vào máu). Hiểu theo góc độ y khoa, truyền máu là nhận máu hoặc nhận các chế phẩm máu được hiến từ người khác, trong quá trình chữa trị cho một người bị thương nặng, hoặc thay thế một phần máu quan trọng mà họ đã mất đi. Trong nhiều trường hợp, truyền máu còn có thể cứu được mạng người.

Như vậy với người Hàn Quốc, uống cà phê cũng là một hình thức mang lại sức sống mới cho họ, khi liên tục rơi vào tình trạng mệt mỏi và kiệt sức vì công việc. Thực tế cho thấy, hiện nay có gần 75% dân công sở Hàn Quốc cho biết, họ đang phải chịu nhiều khổ sở về cả tinh thần lẫn thể chất do mất ngủ kéo dài.

Vì vậy, đối với những người này, cà phê không chỉ đơn thuần là thức uống, mà còn là một liều thuốc trị liệu hiệu quả, giúp họ có thể vực dậy bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, kết quả khảo sát còn cho thấy, “Uống cà phê để tỉnh ngủ”“Uống theo thói quen” cũng đồng thời là hai lý do được nhiều người đi làm lựa chọn nhất. Vậy, uống cà phê vào mỗi sáng có thực sự mang lại hiệu quả trong việc duy trì sự tỉnh táo và đánh thức đầu óc khỏi cơn mê ngủ?

Cà phê có thật sự hiệu quả như lời đồn?

Đa số đều cho rằng, cà phê được ra đời chính là để giúp con người giảm stress, mệt mỏi và chống lại cơn buồn ngủ tức thì. Tuy nhiên trên thực tế, cà phê thật ra cũng chẳng hề mang lại nhiều hiệu quả tuyệt vời như chúng ta vẫn nghĩ. Nguyên nhân là do sự khác biệt giữa thời gian buộc phải thức dậy và cơ chế hoạt động của cơ thể.

Nói một cách đơn giản, nếu cơ thể vẫn đang trong trạng thái ngủ, nhưng lại bị ép buộc tỉnh giấc bằng một cốc cà phê mạnh, chắc chắn não bộ sẽ không kịp thích nghi, do phải thức dậy sớm hơn cơ chế hoạt động đã được mặc định sẵn. Từ đó sẽ dẫn đến cảm giác bồn chồn và khó chịu, không chỉ vì lượng caffeine đột ngột nạp vào cơ thể, mà còn bởi não bộ lúc này vẫn chưa thật sự tỉnh táo để bắt đầu làm việc.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sự thật “ngang trái” này. Đó là lý do vì sao vào mỗi sáng sớm, dân công sở Hàn Quốc vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi mua một cốc cà phê, chỉ vì tin rằng cà phê sẽ giúp họ đánh bật cơn buồn ngủ, đồng thời giảm hẳn mệt mỏi sau một đêm dài thiếu giấc. Song, như đã giải thích ở trên, việc uống cà phê vào buổi sáng chỉ khiến cơ thể chịu nhiều áp lực hơn, do phải tỉnh giấc trước thời gian cho phép.

Cuối cùng, kết quả của việc lạm dụng cà phê quá mức này sẽ khiến cơ thể mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính (Chronic Fatigue Syndrome) vì những di chứng từ việc phải thức dậy trái với cơ chế hoạt động của não bộ do caffeine gây ra.

Trong khi đó, uống cà phê vào buổi chiều lại được cho rằng có tác dụng trong việc phòng chống các căn bệnh trầm cảm, mất trí nhớ và tiểu đường. Tuy nhiên, trong trường hợp của người Hàn Quốc, do cơ thể đã sớm chịu nhiều mệt mỏi từ việc uống cà phê sáng, vì thế dù uống thêm cà phê vào buổi chiều, cũng sẽ không còn tác dụng trong việc ngăn ngừa những căn bệnh nói trên.

Thậm chí, lạm dụng quá nhiều cà phê trong một ngày còn có thể dẫn đến một số hệ lụy khôn lường về sức khỏe như rối loạn nhịp tim, tổn thương gan, trào dịch dạ dày… Đồng thời, mất ngủ cũng là điều không thể tránh khỏi. Do đó, vào sáng hôm sau, họ sẽ tiếp tục tìm đến cà phê để đánh thức bản thân, nhưng lại không hề nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng về sau.

Điều này sẽ dần trở thành một vòng luẩn quẩn, lặp đi lặp lại không có điểm dừng, chỉ đến khi cơ thể quá sức chịu đựng và hình thành nên những phản kháng, do phải chịu quá nhiều áp lực từ thói quen sinh hoạt phản khoa học mang lại.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ Naver

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).