16h chiều hôm qua, 19/10/2016, bà hiệu trưởng trường đại học nữ Ewha Womans University (EWU) Choi Gyeong Hee (#최경희) chính thức tuyên bố từ chức, sau khi đoàn biểu tình hơn 5.000 người bao gồm sinh viên và giáo sư của EWU diễn ra trước đó 1 giờ.
Điều gì khiến cho cuộc đấu tranh kéo dài 83 ngày dai dẳng (28/7 ~ 19/10/2016) và tưởng như đi vào ngõ cụt của những người đặt nền móng cho nền dân chủ thứ 3 bỗng thay đổi cục diện một cách chóng mặt đến vậy?

tthq-e
tthq-e2
tthq-e3
tthq-e4
tthq-e6
tthq-e7

Và cuộc biểu tình này, sức ảnh hưởng của nó đến xã hội Hàn Quốc lớn tới mức nào?

—————

Như TTHQ đã đưa tin và cập nhật về cuộc biểu tình của sinh viên trường đại học nữ Ehwa Womans University (EWU) với nguồn cơn ban đầu tại đây

Cuộc biểu tình xuất phát từ việc bà hiệu trưởng Choi Gyeong Hee và Hội đồng nhà trường đã không công khai trưng cầu ý kiến của sinh viên về việc thành lập các khóa học tại chức. Sinh viên EWU biểu tình 1 phần vì sự độc đoán của bà Choi và Hội đồng nhà trường, nhưng phần quan trọng là dự án LIGHT UP YOUR FUTURE IN EWHA (LiFE) của nhà trường đã làm giảm giá trị tấm bằng danh giá của những sinh viên chính quy.

Bà Choi sau đó đã xin lỗi trước toàn trường và hứa sẽ hủy bỏ dự án LiFE. Tuy nhiên mục đích ban đầu của cuộc biểu tình được đẩy cao lên với yêu cầu từ phía sinh viên buộc bà Choi phải từ chức, do có những hành vi đáp trả những người kêu gọi biểu tình…
Trong suốt 83 ngày qua, nữ sinh EWU chiếm giữ Nhà Hiệu bộ, buộc toàn bộ Hội đồng nhà trường phải chuyển xuống khu tầng hầm của tòa nhà ECC để làm việc. Song song với đó, băng rôn và biểu ngữ yêu cầu bà Choi từ chức được dán khắp nơi trong trường.

Thời gian trôi đi. Bà Choi không từ chức. Các sinh viên vẫn thay nhau canh gác Nhà Hiệu bộ. Những luồng dư luận phản đối sự thái quá của nữ sinh EWU cũng xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn. EWU thậm chí còn cử đoàn giáo sư kêu gọi các sinh viên dừng lại… Trong tình thế này không một người quan sát nào sẽ nghĩ rằng tình thế sẽ thay đổi theo chiều hướng có lợi cho sinh viên.
Mặc dù vậy, bất kể sự can thiệp của các giáo sư, bất chấp sự phản ứng tiêu cực từ phía dư luận, những sinh viên tham gia biểu tình vẫn thay phiên nhau canh gác Nhà Hiệu bộ, vẫn chia sẻ dầu gội, xà bông tắm và tất cả những đồ vệ sinh để bám trụ tại đây ngoài giờ học.

%eb%b3%b8%ea%b4%801
%eb%b3%b8%ea%b4%802
%eb%b3%b8%ea%b4%803

Và khoảng một tuần trước ngày hôm qua, báo giới phanh phui ra vụ tai tiếng chưa từng có liên quan đến người phụ nữ được cho là quyền lực nhất Hàn Quốc, bà Choi Soon Sil (#최순실) (1). Không may cho bà hiệu trưởng Choi và cũng rất may mắn cho những sinh viên đấu tranh, con gái của bà Choi Soon Sil, quý nữ Jung Yu Ra (#정유라) lại đang theo học khoa thể dục thể thao của EWU.
Bà Choi Soon Sil được cho là người sáng lập của 2 quỹ đầu tư K-Sports (2) và MIR (mặc dù không chính thức). Những chính sách hoạt động đầu tư mờ ám của 2 quỹ này bị báo chí Hàn Quốc phanh phui. Và tiện thể, người ta lôi luôn con gái của bà này ra ánh sáng với những thành tích bất hảo trong học tập (3).

%ea%b5%90%ec%88%98

Suốt một tuần qua báo giới Hàn Quốc vây kín trường đại học EWU để tìm kiếm thông tin về Jung Yu Ra cũng như tường thuật trực tiếp về tình hình của cuộc biểu tình. Và cao điểm là 15:00 ngày 19/10/2016 khi toàn bộ giáo sư của EWU đã tuần hành cùng sinh viên để phản đổi những vết nhơ mà ngôi trường danh giá này không đáng phải nhận.

Bà Choi Gyeong Hee họp báo từ chức một giờ sau đó. Bà cũng phủ nhận trách nhiệm của mình trong vụ bê bối của nữ sinh Jung Yu Ra. Nhiệm kỳ 4 năm của bà Choi đã kết thúc trong vòng chưa đầy 2 năm với những “tai tiếng” không thể gột rửa.
(Nguồn ảnh: http://news.naver.com/main/photo/list.nhn…)

—————
CHÚ THÍCH:

(1) Tin không chính thức cho hay danh sách 3 người/dòng họ quyền lực nhất Hàn Quốc (không theo chức vụ) lần lượt là: bà Choi Soon Sil, dòng họ Jung (sẽ tìm hiểu thêm) và bà tổng thống Park Geun Hye. Bà Choi Soon Sil đồng thời còn là bạn cưỡi ngựa thân thiết của bà Park Geun Hye.

(2) K-Sports và MIR là những quỹ đầu tư được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cấp phép hoạt động chỉ một ngày sau khi đăng ký. Và mặc dù mới thành lập từ tháng 10/2015 nhưng 2 quỹ này đã kêu gọi được các doanh nghiệp ủng hộ số tiền lên tới 77,4 tỉ KRW (~ 63 triệu USD). Dư luận cho rằng đó là nhờ quyền lực của bà Choi.

(3) Khoa Thể dục Thể thao của EWU vốn chỉ đặc cách nhận những VĐV có thành tích (có huy chương) vào theo học. Jung Yu Ra là VĐV cưỡi ngựa chưa có thành tích nhưng vẫn được đặc cách. Cô này sau đó còn được một số giáo sư khoa thời trang “hỗ trợ” điểm để đủ điểm tiếp tục theo học, sự vụ này nằm trong tầm kiểm soát của bà hiệu trưởng Choi Gyeong Hee.

PHẢN ỨNG CỦA DƯ LUẬN HÀN QUỐC

Khi cuộc biểu tình của nữ sinh EWU nổ ra ngày 28/7/2016, báo giới và dư luận Hàn Quốc hào hứng vào cuộc và ví đây như phong trào dân chủ thứ 3.
Khi phong trào lâm vào thế bế tắc, mọi phía đều im lặng, trừ những người tham gia biểu tình.
Và khi cuộc biểu tình thành công, dư luận đã chào đón nó một cách hân hoan. Một số người ác khẩu thậm chí còn mong phong trào này nhân rộng để tác động tới bà tổng thống Park Geun Hye.

Ý NGHĨA CỦA PHONG TRÀO DÂN CHỦ EWHA

Tính đến nay, cả 3 phong trào dân chủ lớn nhất và thành công nhất ở Hàn Quốc đều do sinh viên khởi xướng và lãnh đạo.
Nếu như cả 2 phong trào dân chủ 18/5/1980 và tháng 6/1987 làm thay đổi Hàn Quốc ở tầng vĩ mô (phá bỏ thể độc tài của những người lãnh đạo, đem quyền làm chủ đất nước đến tay từng người dân) thì phong trào dân chủ thứ 3 do nữ sinh EWU khởi xướng đã tác động đến tầng vi mô của xã hội Hàn Quốc.

Phong trào dân chủ của nữ sinh EWU sẽ mở ra một thời kỳ mới: Không phải những định kiến xã hội hay những người thầy là chủ nhân của trường học. Chính những sinh viên đang theo học mới là chủ nhân của ngôi trường, họ được quyền biết, được quyền bàn bạc và tham gia định hướng cho tương lai của ngôi trường.

Hơn 60 năm lập quốc với biết bao mồ hôi xương máu của quốc dân, Hàn Quốc đang hiên ngang đứng trong top 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Nhưng bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc thì xã hội Hàn Quốc vẫn còn tồn tại rất nhiều những góc tối.
Đạo Khổng với những ràng buộc về quan hệ xã hội, về cấp bậc và giới tính đã làm nên và bảo vệ xã hội cũng như nền kinh tế Hàn Quốc suốt hàng ngàn năm qua. Nhìn lại quá trình phát triển đi lên từ một nước nghèo đói trong giai đoạn cận đại của Hàn Quốc thì Khổng Giáo có vai quan trọng trong việc định hướng cũng như áp chế những con người đói ăn và đói văn hóa đi vào khuôn khổ theo định hướng của tầng lớp lãnh đạo.
Nhưng khi Hàn Quốc đã vượt qua giai đoạn nghèo đói. Khi họ có đầy đủ cơ sở về vật chất và giáo dục để sánh vai cùng các nước Tây Âu thì Khổng Giáo lại trở thành vật cản lớn nhất. Những cái đầu được mở mang kiến thức, được giải phóng khỏi biên giới vật lý bằng tốc độ Internet nhanh nhất thế giới không chấp nhận được những quy phạm cũ kéo họ thụt lùi.
Người trẻ Hàn Quốc có điều kiện vươn ra thế giới để mở mang không thấy sự cam chịu hay khép nép trong xã hội cũng như trong nhà trường Tây Âu. Họ cũng không thấy văn hóa im lặng, “an phận thủ thường” trước những điều sai trái trong xã hội ở các nước Tây Âu. Đó là những điều mới mẻ mà họ chưa thấy được trên đất nước này.
Nhưng ở Hàn Quốc, ai sẽ là người phá vỡ những lề thói lạc hậu này? Và sinh viên Ewha, không phải là nam nhi, mà hẳn là “phận nữ nhi” từng bị coi là thân phận thứ cấp trong xã hội đã đứng lên để phá vỡ bức tường văn hóa.

TÁC ĐỘNG CỦA PHONG TRÀO DÂN CHỦ EWHA

Sẽ không có nhiều hậu quả sau thành công của phong trào dân chủ của nữ sinh Ewha, có chăng chỉ những người thuộc tầng lớp trung niên trở lên trong xã hội Hàn Quốc thấy bị tổn thương vì họ vốn chưa quen với “sự bình đẳng” kiểu mới này.
Nhưng tác động tích cực là rất lớn. Hiện tại, hầu hết sinh viên cũng như không ít giáo sư trên toàn Hàn Quốc ủng hộ phong trào này. Và trường Dongguk cũng từng lấy nguồn cảm hứng từ phong trào này để thay đổi trường mình.
Và có thể trong tương lai gần, bắt đầu từ trường học ở Hàn Quốc, người ta sẽ thấy mối quan hệ thầy – trò trở nên bình đẳng và mở rộng hơn thay vì sự nặng nề như vốn có….

NGUỒN THAM KHẢO THÊM:
– Facebook cổ vũ phong trào:
https://www.facebook.com/saveourewha-866215340175337/
– Clip các giáo sư và sinh viên chào đón những “nhà dân chủ” như những người hùng:

– Phong trào dân chủ 18/5/1980:
https://www.facebook.com/thongtinhanquoc/posts/10153650857000878
– Phong trào dân chủ tháng 6/1987:
https://en.wikipedia.org/wiki/June_Democratic_Uprising

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).