Nhân sâm (ginseng) là phần rễ của một loại cây thấp, sinh trưởng chậm, thuộc họ Panax. Có tới 11 giống nhân sâm khác nhau như sâm Mỹ, sâm Hàn, sâm Trung Quốc… Tuy nhiên, chúng đều được đặc trưng bởi hàm lượng ginenosidegintonin cao, được cho là rất tốt cho sức khỏe.

Trong khi người phương Tây vẫn còn khá nghi ngại do chưa có đủ bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh tính hiệu quả của việc dùng sâm trong điều trị bệnh thì với người phương Đông, nhân sâm được coi là thần dược giúp tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, minh mẫn đầu óc, giảm đau ốm và hạ đường huyết.

Nhân sâm ở Hàn Quốc được chia ra làm 2 loại, phụ thuộc vào môi trường sinh trưởng. Trong đó sâm núi (산삼) là loại sâm mọc tự nhiên trên núi. Những người tìm kiếm sâm núi được gọi là simmani (심마니).

Sâm núi là sâm quý hiếm và bổ dưỡng nhất trong các loại nhân sâm ở Hàn Quốc.

Sâm núi thường có kích thước nhỏ và rất đắt đỏ do mức độ quý hiếm của nó. Khác với sâm trồng thường thu hoạch ở độ tuổi tối đa là 6 năm, nhân sâm núi không có giới hạn về độ tuổi. Có những củ sâm núi hơn 100 năm tuổi từng được phát hiện.

Sâm trồng được gọi là nhân sâm (인삼), có giá rẻ hơn nhiều so với sâm núi vì có thể nuôi trồng hàng năm bởi con người. Ở Hàn Quốc, Geumsan là thành phố nổi tiếng nhất về trồng sâm và thường tổ chức Lễ hội Nhân sâm vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 hàng năm.

Sâm củ do con người trồng là loại sâm phổ biến nhất trong các loại nhân sâm ở Hàn Quốc.
Một trang trại trồng nhân sâm ở Hàn Quốc, phía trên được che ánh sáng vì sâm thuộc họ cây kỵ sáng.

Ngoài ra, sâm cũng được chia ra làm 3 loại khác nhau phụ thuộc vào phương thức chế biến.

Thủy sâm (수삼), tức sâm nước, là loại sâm tươi chưa hề qua chế biến hay phơi khô. Mức độ sử dụng và sẵn có của thủy sâm bị giới hạn hơn so với các loại sâm đã xử lý.

Thủy sâm thường được dùng để ngâm rượu, thái lát ngâm mật ong hoặc trong nấu nướng.

Bạch sâm (백삼) là sâm đã cạo vỏ và phơi khô không dùng nhiệt. Thủy sâm sau khi được phơi khô để giảm bớt lượng nước đi chừng 12% hoặc ít hơn sẽ trở thành bạch sâm.

Thủy sâm phơi dưới ánh nắng mặt trời sẽ ngả màu trắng vàng và có thể giảm bớt thành phần dược liệu do các enzyme có trong sâm có thể bị phân hủy trong quá trình phơi.

Bài hướng dẫn chế biến sâm tươi như người Hàn Quốc sẽ giúp bạn phát huy được hết công dụng của nhân sâm Hàn Quốc với các cách chế biến đa dạng và nhiều người cùng sử dụng được.

Hồng sâm (홍삼) là loại sâm tươi đã được cạo vỏ và xử lý nhiệt bằng cách hấp cách thủy ở nhiệt độ sôi của nước là 100ºC, sau đó sấy khô hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Trước đây chỉ có sâm 6 năm tuổi mới được dùng để chế biến thành hồng sâm nhưng giờ các rễ ít tuổi hơn cũng có thể được sử dụng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hồng sâm, tức sâm tươi đã qua xử lý, sẽ có hàm lượng ginsenoside cao hơn hẳn so với ban đầu, thậm chí là gấp 3 lần. Rg1, Rb1 &Rg3 là 3 hoạt chất chính của ginsenoside có tác dụng nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch, điều hòa huyết áp…

Do đó hồng sâm rất được ưa chuộng tại Hàn Quốc và được lưu thông trên thị trường ở nhiều hình thức sản phẩm đa dạng như cao hồng sâm, hồng sâm viên hoàn, bột hồng sâm, hồng sâm khô nguyên củ, hồng sâm tẩm mật ong, trà hồng sâm…

Trên thị trường cũng có rất nhiều loại nhân sâm có xuất xứ từ Trung Quốc, đọc bài hướng dẫn mua nhân sâm để mua được nhân sâm chính hiệu Hàn Quốc.

Ngoài nhân sâm và linh chi thì An Cung Ngưu Hoàng của Hàn Quốc cũng được người Việt Nam rất ưa chuộng và hay mua về làm quà. Tuy nhiên cần lưu ý, An Cung Ngưu Hoàng không phải là thần dược chữa bách bệnh, chỉ nên mua dùng với sự hướng dẫn của bác sĩ.

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).