“Nào! Ai mệt trước người đó thua! Quẩy lên nào anh em!”. Nếu tham dự bất cứ show diễn nào của ca sĩ Psy, chắc chắn không dưới 10 lần, bạn nghe thấy câu nói đầy khiêu khích này từ chàng béo.

Không phải anh muốn khoe khoang “cái sự khỏe” ẩn sau thân hình ngồn ngộn của mình, mà chỉ vì chàng ta muốn được thể hiện “cái điên” có một không hai của bản thân.

Song, xét cho cùng, điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Bởi Psy đâu phải người… bình thường. Psy đích thị là một “gã tâm thần” của làng nhạc Hàn Quốc, được thể hiện ngay trong chính nghệ danh của mình “Psy”, viết tắt của “Psycho” (tâm thần).

Nghệ danh của ca sĩ Psy nổi tiếng và “vận” vào người đến mức, công chúng gần như quên hẳn họ tên thật của anh, hay có chăng… cũng chẳng ai quan tâm, vì giờ đây họ chỉ biết đến mỗi Psy – chàng công tử nhà giàu, từ bỏ ánh hào quang của gia đình để dấn thân vào con đường nghệ thuật và làm nên những cái điên không tưởng cho ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc.

Ca sĩ Psy giơ tay chữ V tạo hình chụp ảnh trong một sự kiện.

Thực chất, tên họ trên giấy khai sinh của chàng béo là Park Jae Sang (박재상, sinh ngày 31/12/1977), lớn lên ngay tại khu nhà giàu Gangnam ở thủ đô Seoul.

Không sở hữu ngoại hình bảnh bao như nhiều công tử tài phiệt khác, song ca sĩ Psy (Park Jae Sang) đích thị là cậu ấm thứ thiệt trong một gia đình bề thế, có cha là chủ tịch tập đoàn và mẹ là nữ doanh nhân thành công.

Bởi vậy ngay từ nhỏ, Psy vốn được kỳ vọng sẽ trở thành một doanh nhân kế thừa sự nghiệp của bậc phụ huynh, nhưng tố chất nghệ thuật lại sớm bộc lộ trong chàng quý tử nhà giàu, khiến anh đi ngược với quyết định của gia đình, mà rẽ hướng sang nghệ thuật.

Dù vậy, Psy vẫn là đứa con biết nghe lời cha mẹ, khi “chịu” theo học ngành Quản lý kinh tế tại Đại học Boston (Mỹ). Tuy nhiên, xin nhắc lại, Psy vốn có cái điên và niềm đam mê âm nhạc từ bé, do đó chàng ta cũng chỉ chịu ngồi yên trên giảng đường trong một học kỳ. Về sau lại bỏ ngang và chuyển sang theo học tại Berklee College of Music – một trong những học viện đào tạo âm nhạc đương đại đẳng cấp nhất thế giới.

Dù cuối cùng cũng chẳng lấy nổi tấm bằng tốt nghiệp vì… quá lười nhác và không chịu được áp lực chốn học đường, đây vẫn là nơi có công định hướng phát triển cho chàng trai trẻ lúc bấy giờ.

Bản thân Psy sau này cũng từng thừa nhận: “Âm nhạc của tôi là thứ nhạc phương Tây nhưng lời lại được viết bằng tiếng Hàn. Đó mới là điều quan trọng. Có thể xem đây chính là sự giao thoa giữa Đông và Tây”.

Nói được là làm được, sau 5 năm ngược xuôi nước Mỹ theo đuổi con đường học vấn… chưa đâu vào đâu, Psy trở về Hàn Quốc và chính thức trình làng âm nhạc nước nhà sản phẩm đầu tay kết hợp Á-Âu hài hòa mang tên “Psy From The Psycho World” (Gã tâm thần đến từ thế giới điên) vào tháng 01/2001.

Bìa album đầu tay của ca sĩ Psy, mang tên Psy From The Psycho World.

“Cái tên nói lên tất cả” chính là cụm từ chính xác nhất để miêu tả về “chất điên” của album này. Không chỉ gây choáng công chúng bởi ngoại hình… khó lọt mắt, cùng những bộ cánh lập dị, Psy còn gần như “chống đối” cả xã hội Hàn Quốc khi cho ra đời đứa con tinh thần đầu tiên bị đánh giá chứa đựng nội dung nhạy cảm và không phù hợp thuần phong mỹ tục của một nước trọng truyền thống như Hàn Quốc.

Cuối cùng, Psy phải nộp phạt vì chính sản phẩm của mình. Đồng thời “Psy From The Psycho World” cũng bị cấm bán cho trẻ vị thành niên, vì quá nhiều người (đặc biệt bậc phụ huynh) phàn nàn rằng sản phẩm này có thể tác động tiêu cực đến giới trẻ.

Bởi thế, chỉ sau vài tháng ra mắt giới giải trí, Psy nhanh chóng bị liệt vào “danh sách đen” và trở thành cái gai trong mắt khán thính giả khó tính.

Dù vậy, vết đen ngay từ album đầu tiên vẫn không thể cản bước chân “gã tâm thần” Psy trên con đường thể hiện cái tôi và chinh phục nền âm nhạc Hàn Quốc. Vào năm 2002, Psy bất chấp búa rìu dư luận và hiên ngang cho tung lên kệ đĩa album thứ hai mang tên “Ssa 2” (싸2).

Tranh vẽ biếm họa ca sĩ Psy trên bìa album Ssa 2, mặt trước album là khuôn mặt của Psy, còn mặt sau là Psy đang tụt quần, để lộ mông.

Liệu Psy có thể vực dậy hình tượng vốn không mấy đẹp mắt của mình trong lòng công chúng và làm nên thành công với sản phẩm thứ hai này? Câu trả lời là “KHÔNG”.

Không phải tự nhiên Park Jae Sang (Psy) chọn cho mình cái tên Psy. Vì anh muốn thể hiện rõ ràng quan điểm xây dựng âm nhạc của bản thân, được tự do phô diễn những điệu nhảy và phong cách theo xu hướng điên rồ. Vậy nên, album của anh cũng mang đậm chất điên mà không phải ai cũng có thể “ngấm” được.

Kết quả là “Ssa 2” tiếp tục hứng chịu chỉ trích từ công chúng, thậm chí bị cấm bán cho trẻ vị thành niên dưới 19 tuổi, vì cáo buộc chứa “nội dung không phù hợp”.

Song, nói đi cũng phải nói lại. Tuy không được lòng các bậc phụ huynh và khán thính giả lớn tuổi, chất nhạc đặc biệt của ca sĩ Psy với những ca từ bộc trực, thẳng thắn, thậm chí mang tính khiêu khích vẫn hấp dẫn phần lớn giới trẻ Hàn Quốc, những người luôn muốn vượt qua định kiến xã hội và thể hiện cái tôi của mình.

Hình ảnh ca sỹ Psy trong MV của ca khúc nổi tiếng Gangnam Style.

Trong những năm đầu sự nghiệp, Psy chỉ thật sự tạo được thiện cảm với giới truyền thông và công chúng nhờ bản hit “Champion” – ca khúc chủ đề thuộc album thứ 3 mang bên “Psy 3”, được tung lên kệ đĩa vào tháng 9/2002.

Thực chất, tương tự những sản phẩm được phát hành trước đó, “Psy 3” cũng gây tranh cãi không kém bởi tính nổi loạn và phá vỡ những nguyên tắc vốn có của xã hội Hàn Quốc. Song, may mắn thay, bài hát “Champion” lại chứa đựng nội dung tích cực, đồng thời ra mắt đúng thời điểm World Cup 2002 diễn ra tại Hàn Quốc.

Với giai điệu vui nhộn và tràn đầy hứng khởi, kết hợp cùng tiêu đề mang tính chất khẳng định vị thế của “nhà vô địch”, “Champion” không chỉ được chọn là ca khúc cổ vũ đội bóng Hàn Quốc trong cuộc tranh tài lúc bấy giờ, mà còn trở thành một trong những bài hát được yêu thích nhất năm, mang đến cho Psy giải thưởng sáng tác danh giá tại Seoul Music Awards, đồng thời giúp nam ca sĩ vốn là cái gai trong mắt công chúng dần tìm được chỗ đứng vững chắc trong nền âm nhạc nước nhà.

Nhờ sức ảnh hưởng vang dội của “Champion”, Psy dường như cũng được “thơm lây”. Chàng ca sĩ béo ngày nào đã không còn chịu tiếng xấu vì hình tượng không giống ai và phong cách nổi loạn. Tuy nhiên, đúng vào lúc nhận được nhiều tình cảm yêu mến từ cộng đồng yêu nhạc, Psy lại buộc phải tạm gác lại sự nghiệp để lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự vào năm 2003.

Nhờ sở hữu tấm bằng Kỹ thuật viên xử lý dữ liệu, Psy không bắt buộc phải nhập ngũ như những thanh niên khác, mà có quyền được thực hiện nghĩa vụ của mình bằng cách làm việc tại một công ty phát triển phần mềm, bởi chính phủ Hàn Quốc có chính sách miễn quân sự với những đối tượng có chuyên môn kỹ thuật, thay vào đó họ phải trải qua 2 năm làm việc tại những cơ quan phục vụ vì lợi ích quốc gia.

Sau thời gian hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, Psy quay trở về làng giải trí với album comeback mang tên “Ssajib”, phát hành vào tháng 7/2006. Lúc này, Psy đã hoàn toàn chinh phục được cộng đồng yêu nhạc nhờ phong cách cá tính, có phần… khác người, song lại mang màu sắc riêng biệt mà không phải ai cũng “đủ can đảm” để theo đuổi.

Psy đã chứng minh cho giới truyền thông và công chúng Hàn Quốc thấy rằng, anh thật sự đã phá vỡ mọi định kiến bảo thủ bấy lâu của xã hội về cả phong cách ăn mặc và trình diễn, để thể hiện cái tôi trong âm nhạc.

Sở dĩ Psy có thể làm được điều này là vì anh chính là “gã tâm thần duy nhất của làng nhạc K-Pop”. Nhờ vậy, chàng ca sĩ béo xấu nhưng tài năng đã được vinh danh tại Giải thưởng âm nhạc SBS và Giải thưởng Âm nhạc châu Á Mnet vào năm 2006 cho những thành công mà mình đã gặt hái được.

Ca sĩ Psy đang biểu diễn trên sân khấu.

Tuy nhiên, vui vẻ chưa được bao lâu, Psy dính phải “phốt” nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp. Vào năm 2007, một số thông tin cáo buộc Psy đã không thật sự nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ quân sự, mà “to gan” tổ chức concert và đi diễn trong suốt thời gian lẽ ra anh phải làm việc chăm chỉ theo chỉ định của chính phủ.

Điều này khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, đồng thời không ngừng chỉ trích nam ca sĩ ham mê danh vọng, mà lơ là nhiệm vụ của một công dân Hàn Quốc. Cuối cùng, trước sức ép khủng khiếp của giới truyền thông và công chúng, Psy buộc phải tái ngũ vào năm 2007.

Bởi scandal chấn động này, sự nghiệp của Psy ngày càng bết bát, kéo theo những khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, khiến Psy dường không còn đủ khả năng tìm đường quay lại vị trí năm xưa, cũng như phát hành những sản phẩm mới của chính mình.

Ca sĩ Psy mặc quân phục trong thời gian nhập ngũ.

Năm 2009, Psy – nghệ sĩ đầu tiên của Hàn Quốc nhập ngũ hai lần – chính thức được “giải phóng” khỏi chốn quân ngũ. Song lúc này, anh phải đối diện với hiện thực tàn nhẫn rằng, Psy một lần nữa trở về với con số 0, bị cả Hàn Quốc tẩy chay và liên tục gặp trục trặc tài chính. Cực chẳng đã, anh phải neo bám tại YG Entertainment, nhằm tìm đường gây dựng lại sự nghiệp của mình.

May mắn thay, đây là bước đi chuẩn xác của Psy. Dưới trướng YG, Psy được định hướng theo con đường chuyên nghiệp hơn, nhưng vẫn đảm bảo giữ vững cá tính và cái tôi khác biệt của Psy so với các ca sĩ cùng thời.

Nhờ sự hỗ trợ của YG, Psy chính thức quay trở lại làng nhạc với album “PSYFIVE” vào tháng 10/2010. Dù được khoác lên một chiếc áo mới, “sự điên cuồng” trong Psy vẫn không lẫn vào đâu được. Đặc biệt với ca khúc chủ đề “Right Now”, Psy một lần nữa gây chướng mắt khán thính giả khó tính bởi tạo hình quá màu mè, cùng những động tác vũ đạo thật sự… gây ám ảnh.

Cuối cùng, “Right Now” bị cấm phát hành cho khán giả dưới 19 tuổi. Song điều đáng ngạc nhiên là, dù liên tục bị chỉ trích vì phong cách nổi loạn, Psy vẫn chiến thắng đều đều tại Giải Âm nhạc Melon (Melon Music Awards) và Giải Âm nhạc châu Á Mnet trong năm 2010.

Ca sĩ Psy mặc quần hồng và áo khoác trắng, đứng trên nóc xe ô tô trong một MV của anh.

Liên tục bị người chê, kẻ ghét, Psy vẫn một mực duy trì cá tính của bản thân và nhất quyết theo đuổi ước mơ chinh phục âm nhạc Hàn Quốc và quốc tế. Kết quả cho thấy, năm 2012, mọi nỗ lực của anh đã được đền đáp xứng đáng.

Vào thời điểm này, giới giải trí Hàn Quốc thật sự chấn động khi chào đón sự ra đời của hit “Gangnam Style” – ca khúc chủ đề thuộc album “PSY 6 Rules Part.1” (싸이6甲 Part 1) lên sóng vào tháng 7/2012.

Một bài hát tưởng chừng chẳng có gì khác biệt so với những sản phẩm được phát hành trước đây, song chính nhờ nội dung táo bạo, thẳng thắn châm biếm những kẻ đua đòi, thích thể hiện đẳng cấp, cùng với vũ đạo nhảy ngựa như mới được nam ca sĩ nghĩ ra lại mang đến một sức hút khó cưỡng, thật sự gây nghiện cho bất cứ ai “lỡ xem” MV này.

“Gangnam Style” xứng đáng là bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Psy, góp phần đưa tên tuổi anh chính thức bước sang trang mới. Có thể nói lúc bấy giờ, không một gương mặt nào trong giới thần tượng có thể vượt mặt chàng béo lập dị của nhà YG trên mặt trận nhạc số.

Psy không chỉ chiếm giữ vị trí số 1 trong suốt nhiều ngày, nhiều tuần liên tiếp trên các bảng xếp hạng (BXH) trực tuyến của Hàn Quốc, lẫn Billboard (Mỹ) tại hạng mục ca khúc được yêu thích nhất và ca khúc được tải về nhiều nhất, thậm chí MV “Gangnam Style” còn bất khả chiến bại trên YouTube khi trở thành MV K-Pop đầu tiên và duy nhất đạt tốc độ tăng view thần tốc nhất trong năm 2012 và chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt.

Không hổ danh là “một dạng virus không thể tiêu diệt”, tính đến tháng 6/2020, MV “Gangnam Style” chính thức vượt mức 3.6 tỉ view trên toàn thế giới, một con số cực khủng mà cho đến nay chưa một ai ở Hàn Quốc có thể phá vỡ kỷ lục của Psy.

Đối với một nghệ sĩ không sở hữu lợi thế về ngoại hình, cũng chẳng có lực lượng fan hâm mộ hùng hậu như giới idol, đây được xem là một kỳ tích và là hiện tượng toàn cầu, xứng đáng đi vào lịch sử của nền âm nhạc Hàn Quốc.

Về phần Psy, có thể nói thắng lợi này chính là kết tinh của quá trình 10 năm theo đuổi hình tượng lập dị không biết mệt mỏi của chàng béo. Đồng thời, đây cũng là bước đà vững chắc, giúp Psy không chỉ trở thành gương mặt đắt show trên sóng truyền hình quốc tế, mà còn tạo điều kiện cho nam ca sĩ tiếp tục công phá làn nhạc Hàn Quốc lẫn thế giới.

Dẫu biết rằng, những ca khúc sau này khó có thể vượt qua cái bóng quá lớn của “Gangnam Style”, song không vì thế mà Psy tỏ ra rụt rè, nản chí. Với cái điên không giới hạn của mình, Psy vẫn nhiệt tình phát hành album đều đều, “mua vui” cho cộng đồng yêu nhạc.

Những sản phẩm sau đó như “Gentleman”, “DADDY”“Napal Balji” (나팔바지) lần lượt được phát hành vào năm 2014 và 2015, tuy không gây được tiếng vang như bản hit năm nào, nhưng vẫn đủ sức mang về cho Psy những thành tích đáng kể như liên tục được xướng tên trên các BXH âm nhạc quyền lực của thế giới, đồng thời thu hút hàng chục triệu lượt view trên YouTube chỉ sau một vài tuần lên sóng.

Đặc biệt với trường hợp của “Gentlemen”, cái điên quá đà của Psy khi dám “cả gan” thực hiện các cảnh vi phạm luật giao thông, những động tác vũ đạo nhạy cảm, cho phụ nữ ngửi mùi cơ thể… lại một lần nữa khiến anh hứng chịu không ít tai họa, thậm chí sau đó MV này còn bị cấm phát trên truyền hình quốc gia.

Tuy nhiên, những hiệu ứng tích cực Psy mang đến cho ngành âm nhạc và du lịch Hàn Quốc là điều không thể phủ nhận. Bởi thế, dù đối diện với không ít chỉ trích vì… quá điên, Psy vẫn xứng đáng trở thành Đại sứ du lịch của Hàn Quốc, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ đàn em được “hưởng sái”, thẳng đường tiến bước vào thị trường âm nhạc thế giới.

Vậy, điều gì khiến một chàng ca sĩ yếu kém mọi mặt về ngoại hình và từng bị chỉ trích triền miên trong quá khứ lại có thể chinh phục trái tim khán giả và đưa âm nhạc Hàn Quốc vươn ra thế giới?

Có thể nói tất cả là nhờ vào bản lĩnh và cái điên không giống ai tồn tại trong con người Psy. Anh không theo bất cứ quy tắc nào của xã hội. Một mình chống đối lại tất cả những chuẩn mực vốn có, để thể hiện cái tôi và thỏa sức theo đuổi chất nhạc mà mình mong muốn.

Bên cạnh đó, một phần thành công của Psy còn đến từ việc: “Không là bản sao của bất cứ ai, mà luôn là chính mình”. Nếu quan tâm đến cái nhìn và sự chỉ trích của dư luận, chắc chắn sẽ không có Psy như ngày hôm nay.

Mặc kệ lời ra tiếng vào, gã tâm thần của K-Pop vẫn ung dung đi trên con đường mà mình đã chọn và đều đặn cho ra đời những ca khúc thể hiện một phần con người anh. Điển hình như “Napal Balji” (Quần ống loe – 나팔바지).

세상이 나를 뭐라 판단해도
그냥 사는 거야 생긴 대로
나팔바지를 입고서 짝다리를 짚고서
한쪽 다리를 떨면서 건들건들 거리면서

Dù cuộc đời này phán xét ra sao
Ta vẫn cứ là ta
Mặc quần ống loe, đứng chống chân
Một chân thì rung rung, lắc lư

멋있진 않지만 가끔 멋지지 나
웃긴 놈이지만 우습진 않지 나
맛이 안 가지 나 원래 맛 간 놈이니까
얼굴 두껍지만 지갑도 두껍지 나

Ta không soái ca nhưng thỉnh thoảng nhìn cũng được
Hài hước nhưng không dễ bị coi thường
Đúng, ta chẳng tốt đẹp chi đâu
Mặt dày nhưng ví cũng dày.

Đây không phải là lần đầu tiên Psy cho ra đời một ca khúc có nội dung ngả ngớn, lại mang tính… “gợi đòn” đến thế. Vì anh không chỉ sở hữu cái điên không giống ai mà còn “mặt dày”, đặc biệt với những người luôn thích buông lời gièm pha về mình.

Một số cộng đồng antifan không ít lần hả hê vì những sản phẩm sau đó của chàng béo không thể gây tiếng vang như “Gangnam Style” và rằng: “Psy thành công chỉ là do ăn may”. Một số khác lại bật cười dè bỉu: “Thời buổi này, ai còn nghe Gangnam Style nữa”. Còn Psy, anh vẫn cứ ung dung bình thản nghe mọi lời bàn tán và… thu tiền khủng qua hàng năm.

Ước tính đến tháng 4/2020, tổng thu nhập của Psy có thể lên đến con số 60 triệu USD, chủ yếu bao gồm tiền bản quyền “Gangnam Style” (20 triệu USD), các hoạt động biểu diễn âm nhạc trên khắp thế giới và làm gương mặt đại diện cho nhiều thương hiệu cao cấp như Sonic Drive-in, Wonderful Pistachios…

Bởi thế cũng chẳng ngoa khi Psy tự nhận mình “mặt dày nhưng ví cũng dày”.Nam ca sĩ vẫn cứ “trêu ngươi” cộng đồng antifan luôn nghi ngờ khả năng của anh bằng cách chứng tỏ bản thân xứng đáng là đại gia giàu có nhất nhì showbiz, đồng thời liên tục tổ chức nhiều show diễn hoành tráng và chào đón bất cứ ai chịu nghe nhạc của mình.

Ấy thế mà với những fan thực thụ, việc được tận mắt xem Psy biểu diễn lại chẳng khác gì niềm mơ ước. Bởi đâu dễ để chinh phục một tấm vé tham dự concert lúc nào cũng trong tình trạng “sold out” như của Psy.

Thế nhưng, một khi đã có được may mắn đó, các fan không chỉ có thể cảm nhận được nguồn năng lượng tràn trề chảy khắp người, mà dư âm sẽ còn vương vấn mãi trong vài tháng cũng không hết.

Nhiều ý kiến sau khi tham dự đêm diễn của Psy cho biết: “Chẳng hiểu Psy lấy sức lực từ đâu mà có thể diễn liên tiếp trong nhiều giờ liền như thế. Đã vậy anh còn hào phóng bonus tặng fan thêm nhiều ca khúc mới, như thể chẳng biết mệt là gì”.

Trong các buổi concert của mình, Psy thật sự… vắt kiệt sức lực người xem. Anh thậm chí còn đặt tên cho các buổi công diễn này là “흠뻑쇼” (buổi biểu diễn ướt át). Bởi nam ca sĩ quan niệm rằng, nếu bản thân đã hát và nhảy sung sức đến mức toát cả mồ hôi… cánh, các fan cũng phải “tan chảy” đầm đìa như anh thì mới có thể cảm nhận được hết thảy những nguồn năng lượng mà anh muốn truyền tải.

Vì thế mà không ít lần, vốn chỉ định hát đến khung giờ được quy định, Psy lại “quẩy” đến tận sáng, khiến các fan thức trắng đêm với mình, sau đó lục tục bắt xe bus… lên thẳng công ty và chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Dù vậy, cũng chẳng ai lên tiếng phàn nàn bất cứ điều gì về chàng béo, chỉ vì họ yêu sự nhiệt huyết vì âm nhạc và khí chất điên cuồng trong Psy.

Cho đến thời điểm này, ca sĩ Psy vẫn luôn là một trường hợp ngoại lệ của âm nhạc Hàn Quốc. Anh xấu trai, lập dị khác người, có một quá khứ bất hảo đến mức bị tẩy chay, lại còn điểm yếu liên tục đổ mồ hôi “cánh” khi trình diễn, nhưng tất cả những điều này cũng không thể cản chân gã tâm thần của K-Pop chinh phục trái tim người yêu nhạc và vươn ra thế giới.

Hiện tại, khi đã bước sang tuổi 43, Psy dường như im hơi lặng tiếng hơn trong các hoạt động nghệ thuật, mà chỉ lui về phía sau cánh gà, thành lập công ty riêng với tên gọi P-Nation và chuyên tâm làm hậu phương vững chắc, hỗ trợ các gà cưng, đồng thời cũng là đàn em Jessi, Hyuna và Dawn.

Song, với những gì anh đã làm được cho ngành âm nhạc Hàn Quốc bằng chính tài năng và niềm đam mê của mình, cái tên Psy chắc chắn sẽ không bao giờ lụi tàn trong lòng người yêu nhạc. Họ vẫn sẽ luôn nhớ đến anh như một gã tâm thần của K-Pop, với một cá tính mạnh, sống bất chấp dư luận và làm nên những điều tưởng chừng như kỳ tích.

XEM THÊM: G-Dragon – Tuổi thơ đầy ấm ức ở SM, ông hoàng K-Pop & Biểu tượng thời trang thế giới

Tổng hợp từ Chosun

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).