Tập đoàn Samsung mẹ với các nhánh gồm tập đoàn Samsung hiện tại, tập đoàn CJ, tập đoàn Shinsegae và tập đoàn Hansol trở thành một chaebol khổng lồ có sức mạnh gần như thao túng nền kinh tế Hàn Quốc.

Samsung của hiện tại là tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc. Tạo nên sự thành công của Samsung từ thuở ban đầu không thể không kể đến vai trò quản trị tài năng cũng như tầm nhìn sâu rộng của người sáng lập, chủ tịch đầu tiên của tập đoàn – Lee Byung Chul.

Khi Lee Byung Chul qua đời và trao quyền lãnh đạo tập đoàn cho con trai Lee Kun Hee, Kun Hee đã nối dài thành công của cha mình khi có công đưa danh tiếng Samsung hiện tại vươn tầm thế giới.

Và thấp thoáng đâu đó trong tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc này vẫn có bóng dáng của những nữ nhân tài giỏi. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến chủ tịch tập đoàn Shinsegae Lee Myung Hee và giám đốc điều hành khách sạn Shilla Lee Boo Jin.

Lee Myung Hee là con gái út chủ tịch đầu tiên của Samsung – Lee Byung Chul, còn Lee Boo Jin là con gái lớn của chủ tịch Samsung đương nhiệm – Lee Kun Hee (anh trai của Lee Myung Hee).

Điểm chung của hai nữ lãnh đạo này là họ đều rất được lòng cha mình. Cả hai vị chủ tịch Lee Buyng Chul và Lee Kun Hee đều đặc biệt chăm lo và hỗ trợ cho 2 cô con gái thực hiện tốt vai trò của mình ở vị trí điều hành.

Chính sự quan tâm đặc biệt này đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định lên phong cách quản trị của họ và biến 2 cô “con gái cưng” này thành hình mẫu thu nhỏ của cha mình. Lee Myung Hee được gọi là “tiểu Lee Byung Chul” còn Lee Boo Jin thì được gọi là “tiểu Lee Kun Hee”.

Tuy nhiên, hình ảnh trước công chúng của 2 người phụ nữ quyền lực này lại có nhiều sự khác biệt. Trong khi Lee Myung Hee ít xuất hiện trước công chúng thì Lee Boo Jin lại nhận được rất nhiều sự chú ý của truyền thông, từ phong cách quản trị đến phong cách thời trang, từ phát ngôn đến những sự kiện trong cuộc sống riêng tư.

Lee Boo Jin luôn xuất hiện rất thanh lịch và thời trang

Chủ tịch Lee Myung Hee của tập đoàn Shinsegae có quan điểm quản trị tương tự cha mình (chủ tịch Lee Byung Chul). Bà xem trọng lời khuyên của cha: “Đừng ký vào hồ sơ giấy tờ”. Quan điểm này nghĩa là: trước khi giao phó việc cho ai, hãy nghi ngờ và kiểm tra. Một khi đã tin tưởng thì cứ yên tâm giao việc.

Vì lý do này mà các cấp quản lý của Shinsegae có thể đưa ra những quyết định chuyên nghiệp mà không cần có chữ ký của Chủ tịch. Phong cách quản trị này của Lee Myung Hee chính là phong cách quản trị của Lee Byung Chul.

Lee Myung Hee – người kế thừa phong cách quản trị của Lee Byung Chul

Nhờ phong cách quản trị đặc biệt này của chủ tịch Lee Myung Hee, Shinsegae được xem là nơi làm việc mơ ước của nhân sự trong ngành phân phối. Với sự hỗ trợ và tin cậy của chủ tịch, nhân viên Shinsegae có thể phát triển hết khả năng của mình, khám phá hết giới hạn bản thân.

Bên cạnh đó, thời gian gắn bó với công việc của họ cũng dài hơn so với “tuổi thọ” trung bình của các nhân sự trong ngành phân phối ở các công ty khác, vốn chỉ kéo dài tối đa là 3 năm.

Một ví dụ thực tế là Jang Jae Young, giám đốc điều hành của Shinsegae Department Store (khai trương năm 2013) đã làm việc được 7 năm còn Lee Gap Soo, giám đốc điều hành của E-Mart đã giữ chức vụ này được 6 năm. Có thể nói chính phong cách quản trị “tin cậy và giao phó” của chủ tịch Lee Myung Hee đã tạo ra một đội ngũ lãnh đạo trung thành và biết cách “tự do trong khuôn khổ”.

Jang Jae Young và Lee Gap Soo – 2 nhân sự kì cựu của Shinsegae

Trái ngược với người cô của mình, Lee Boo Jin là người kế thừa phong cách quản trị của cha – chủ tịch Lee Kun Hee. Đó là phong cách quyết liệt, không ngại thay đổi. “7 đến 4” là câu chuyện nổi tiếng về phong cách quản trị nhân sự của cha cô – Lee Kun Hee.

Thời mới lên giữ chức chủ tịch, Lee Kun Hee tuyên bố mình sẽ đổi giờ làm việc của Samsung sang khung 7h sáng đến 4h chiều thay vì 9h sáng đến 6h chiều như đa số công ty Hàn Quốc, dù bị phản đổi nhưng ông vẫn kiên quyết duy trì đến cùng.

Lee Kun Hee yêu cầu tất cả nhân viên của mình rời nhiệm sở lúc 4h chiều để dành thời gian cho các hoạt động xã hội cũng như tham gia những khóa đào tạo ngoài giờ của tập đoàn. Sau 4h chiều, ông thường tự mình gọi điện đến các bộ phận của Samsung một cách ngẫu nhiên, bất kỳ ai trả lời điện thoại sau 4h chiều đều bị chủ tịch la mắng thậm tệ.

Lee Boo Jin (trái) và cựu chủ tịch Lee Young Il (phải)

Sau khi xác thực rằng khách sạn Shilla do mình điều hành có vấn đề về dịch vụ khách hàng năm 2002, Lee Boo Jin đã có cải cách lớn về nhân sự. Cuộc cải cách lớn đến nỗi có 9 nhân sự cấp cao đã bị truy vấn về trách nhiệm của mình và rồi phải từ chức, trong đó có chủ tịch khách sạn là ông Lee Young Il.

Có thể nói cô đã học hỏi đúng tinh thần quyết liệt của cha mình trong quản trị: “thay đổi tất cả trừ vợ và con”.

Jeong Yoo Kyung (trái) và Lee Boo Jin (phải)

Chủ tịch Lee Myung Hee năm nay đã 77 tuổi. Bà đã giao lại hầu hết các quyền hành cho con cái, trừ quyền quản trị nhân sự. Jeong Yoo Kyung – con gái lớn của bà, đang nắm giữ vai trò tích cực trong hoạt động kinh doanh cửa hàng miễn thuế của Shinsegae. Đây cũng là cửa hàng cạnh tranh khốc liệt với cửa hàng miễn thuế của khách sạn Shilla.

Như vậy có thể dự đoán, phong cách quản trị Lee Myung Hee sẽ được kế thừa và nối dài bởi con gái của bà – Jeong Yoo Kyung. Hoặc cũng có thể Yoo Kyung sẽ tạo ra một dấu ấn khác. Thời gian sẽ cho câu trả lời chính xác nhất.

Lee Myung Hee và Lee Boo Jin đại diện cho hai phong cách quản trị khác nhau, nhưng đều là hai dấu ấn đặc biệt của phong cách quản trị nữ giới trong tập đoàn Samsung mẹ. Dù đều là phiên bản kế thừa từ người cha xuất chúng, nhưng với sự mềm mại khéo léo của nữ giới, không thể phủ nhận cả Lee Myung Hee và Lee Boo Jin đều là những nhà quản trị tài giỏi và gặt hái nhiều thành công.

Tổng hợp từ Mground

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).