“Mọi người muốn lấy bao nhiêu cứ lấy tự nhiên”

Những ngày vừa qua, nhiều người ám ảnh khi chứng kiến bức ảnh một người nông dân Hàn Quốc ở tỉnh Gangwon phải “cho không” gần 1 tấn khoai tây ngay tại cánh đồng nhà mình.

Dịch COVID-19 khiến hàng loạt nhà hàng, trường học và công ty đóng cửa, hạn chế một nguồn tiêu thụ nông sản lớn của người nông dân Hàn Quốc.

Tuy nhiên, người dân ở các thành phố lớn như thủ đô Seoul khi đọc tin này lại thắc mắc: “Tôi vẫn thấy khoai tây trong siêu thị bán đắt lắm mà?”

Một đại diện trong ngành phân phối nông sản Hàn Quốc giải thích: “Khoai tây bị tiêu huỷ ở Gangwon là khoai tây cũ (저장 감자) và khoai tây bán trong các siêu thị (đặc biệt là siêu thị lớn) là khoai tây mới thu hoạch (햇감자)”.

Nguyên tắc ở Hàn Quốc là các siêu thị luôn phải phân phối khoai tây mới nhất, trong khi khoai tây cũ được thu hoạch và lưu trữ từ tháng 6, tháng 7 của năm trước, sau đó sẽ được phân phối cho các nhà hàng, trường học, bếp ăn của các công ty… trong suốt mùa đông – xuân.

Chính vì vậy nên mới có sự chệnh lệch giá cả lớn giữa hai loại khoai tây này: 20kg một thùng khoai tây cũ có giá bán thấp nhấn là 5.000 KRW, nhưng khoai tây đầu mùa bán ở siêu thị có giá từ 50.000 ~ 100.000 KRW/ thùng 20kg.

Tiêu huỷ nông sản để chống phá giá

Không chỉ riêng mùa dịch COVID-19, hiện tượng tiêu huỷ nông sản với khối lượng lớn lặp lại hàng năm ở Hàn Quốc.

Những năm mất mùa, hạn hán, lũ lụt khiến giá nông sản tăng là điều tất nhiên. Nhưng có một nghịch lý là ngay trong những thời điểm được mùa thì vẫn thấy cảnh người nông dân Hàn Quốc tiêu huỷ nông sản do chính mình chăm sóc từ mồ hôi nước mắt.

Và người tiêu dùng thì không hiểu nội tình, luôn đưa ra những lời trách cứ: “Tại sao năm nay dưa hấu được mùa mà giá trong siêu thị không hề giảm?”, “Tại sao thay vì tiêu huỷ lãng phí thì không phân phát miễn phí cho người dân, đằng nào cũng là “của một đồng, công một nén?”…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc người nông dân phải tự tiêu huỷ nông sản.

Nông sản Hàn Quốc có đặc điểm là thường được sản xuất trên diện rộng, đòi hỏi đầu tư nhiều trang thiết bị (hệ thống tưới tiêu, nhà kính, đóng gói) và có giá nhân công cao. Một mặt, người nông dân lại phải đảm bảo duy trì sự ổn định của giá cả thị trường – không tăng hoặc không giảm quá nhiều.

Gặp khi hạn hán, người nông dân phải tự bỏ thêm tiền bạc và công sức để duy trì nguồn nước cho ruộng hoa màu rộng hàng trăm héc ta.

Những chi phí dành cho việc chống hạn sẽ đẩy giá nông sản lên cao, nhưng để không ảnh hưởng tới túi tiền của người tiêu dùng, người nông dân đành ngậm ngùi tiêu huỷ một phần, thậm chí là hơn nửa lượng nông sản để cân đối chi phí sản xuất.

Khi được mùa thì tình hình cũng không khá khẩm hơn. Nếu cung cấp một lượng nông sản lớn dồn dập ra thị trường sẽ gây hỗn loạn giá cả của các mặt hàng nông sản khác.

Bên cạnh đó, người nông dân vẫn phải trả phí nhân công, phí vận chuyển, phí đóng gói… tương ứng với lượng nông sản thu hoạch được. Tình trạng này cũng khiến nhiều nông dân mặc dù đau lòng nhưng vẫn phải ngậm ngùi tiêu huỷ chính “mồ hôi nước mắt” của mình.

Khi tiêu huỷ, người nông dân cũng được khuyến cáo là phải “tiêu huỷ tận gốc” để tránh tình trạng tâm lý người tiêu dùng “chờ đợi” các dịp tiêu huỷ nông sản và đến lượm.

Việc này khiến ta liên tưởng tới những chợ hoa xuân của Việt Nam những ngày trước Tết. Giá các loài hoa xuân, cây cảnh luôn được người bán đẩy cao “ngất ngưởng” trước những ngày trước Tết, nhưng sau đó lại “bán như cho” vào tối giao thừa.

Kết quả là người dân “nắm thóp” tâm lý người bán, nhiều người cố tình chờ đợi đến tối giao thừa mới đi săn hoa rẻ. Tết hoa xuân năm 2020 vừa qua cũng có cảnh nhiều lái thương tự tay chặt hoa ngay bên lề đường.

Nhiều người dân “của đau con xót” nhưng vẫn phải tự tiêu huỷ các chậu hoa do mình chăm sóc cả năm, nhằm tránh phá giá thị trường.

Hoa chất thành núi, đổ bỏ bên đường ngày 30 Tết ở Sài Gòn

Nhều người dân tranh thủ đi lượm những cành hoa còn dùng được về cắm Tết.

Thiết nghĩ, nếu như có một hệ thống phân phối và tiêu chuẩn định giá hợp lý cho cả người bán và người mua, thì chắc chắn sẽ không có những cảnh tượng xót xa như trên.

Chính phủ Hàn Quốc làm gì để chống phá giá

Từ năm 2017, chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập hệ thống bình ổn giá nông sản, cụ thể là giá rau củ trong nước. Người nông dân được khuyến khích ký hợp đồng canh tác với chính phủ và được đảm bảo duy trì giá rau củ ở mức 80% so với giá thị trường hàng năm.

Ngược lại, người nông dân tham gia hợp đồng này cũng phải đảm bảo điều chỉnh lượt hàng xuất ra tối đa 50% theo yêu cầu của chính phủ. 50% lượng nông sản này sẽ được chính phủ trợ giá toàn phần ngay cả khi không thể tiêu thụ hoặc tiêu huỷ.

Chính phủ Hàn Quốc đảm bảo thu mua tối đa 50% lượng nông sản của nông dân

Với chính sách này thì cho dù thất thu hay bội thu thì người nông dân và người tiêu dùng vẫn được đảm bảo về mặt giá cả. Có thể thấy, ngoài các siêu thị lớn của Lotte, Emart, Homeplus, người dân Hàn Quốc cũng rất thích đến các siêu thị dành riêng cho nông sản nội địa như Hanaro (하나로마트) của Hợp tác xã (농협).

Hợp đồng bình ổn giá giữa chính phủ và nông dân không phải là bắt buộc. Khi cảm thấy giá thu mua của hợp tác xã do chính phủ quản lý quá “bèo”, người nông dân vẫn có thể phân phối lẻ toàn phần hoặc một phần sản lượng của mình.

Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc vẫn chưa thực sự hài lòng với chính sách này. Đôi khi họ cảm thấy “thiệt thòi” khi phải phân phối cho Hợp tác xã của chính phủ với giá rẻ, trong khi nếu bán ngoài thì chắc chắn sẽ lời hơn. Cũng có trường hợp khi nông sản xuống giá, nhiều nông trại lại đăng ký tiêu huỷ nông sản và không tuân thủ theo hợp đồng cung cấp trước đó với chính phủ.

Lo ngại lớn nhất của người dân Hàn Quốc hiện nay là những yếu tố ngoại cảnh như dịch COVID-19 hay sự xâm nhập của nông sản nhập khẩu. Nhiều địa phương đang tìm hướng đi mới như xuất khẩu lại nông sản Hàn Quốc như nhân sâm, nấm, quả hồng khô, nho mẫu đơn… ra thị trường nước ngoài.

Theo Cục thống kê thành phố Hồ Chí Minh, lượng xuất khẩu nông sản Hàn Quốc sang thị trường Việt Nam ngày càng tăng. Cụ thể, tỉnh Gyeongbuk đã xuất khẩu nông sản sang Việt Nam với mức 100.000 USD năm 2015 và tăng lên 300.000 USD trong 3 năm tiếp theo.

Phía Hàn Quốc cho biết, hiện nay Việt Nam là nhà nhập khẩu nông sản lớn thứ ba của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu nông sản Hàn Quốc đang được nhận sự yêu thích của người dùng vì mẫu mã, chất lượng và uy tín thương hiệu…

XEM THÊM: Kỳ tích sông Hán & Con đường phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc

Tổng hợp từ JoongAng Ilbo

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).