Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể nguy hiểm Omicron, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố tăng cường quy định phòng dịch trong tháng 12/2021.

Ngoài ra, số ca nhiễm COVID-19 là thanh thiếu niên đang có chiều hướng tăng, trong khi tỉ lệ đặt lịch tiêm vắc xin COVID-19 ở nhóm 12-15 tuổi ở Hàn Quốc, tính đến ngày 2/11 chỉ đạt 27.8%, tức tương đối thấp so với các nhóm tuổi khác.

Để khuyến khích thanh thiếu niên tích cực tham gia tiêm phòng, chính phủ tuyên bố sẽ áp dụng “Thẻ thông hành phòng dịch” cho thanh thiếu niên từ ngày 1/2/2022 và kêu gọi sự hợp tác tích cực tiêm phòng của các em học sinh.

Trước quy định này, các bậc phụ huynh tỏ ra vô cùng bức xúc, cho rằng chính phủ đang ép thanh thiếu niên phải tiêm phòng, trong khi việc này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đến sức khoẻ và tính mạng của người tiêm. Trên website của Phủ tổng thống Hàn Quốc, hiện có rất nhiều kiến nghị, yêu cầu chính phủ phải thu hồi quy định “Thẻ thông hành phòng dịch” cho thanh thiếu niên.

Image
Image

Các đơn kiến nghị này chỉ ra, đã có hai học sinh trung học phổ thông tử vong sau khi tiêm phòng được 75 và 72 ngày; cũng có nhiều trường hợp phát sinh tác dụng phụ như nữ học sinh trung học phổ thông đang khoẻ mạnh, sau khi tiêm chủng liền bị viêm não tự miễn hay học sinh tiểu học bị ung thư máu.

Các phụ huynh Hàn Quốc lo ngại rằng nguy cơ phát sinh phản ứng phụ sẽ nhiều hơn so với lợi ích từ việc tiêm phòng, theo như cơ quan y tế Hàn Quốc tuyên truyền.

Mặc dù các bậc phụ huynh vẫn còn hoài nghi, nhưng Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo Kyum khẳng định việc tiêm phòng cho thanh thiếu niên và tiêm chủng mũi 3 toàn dân chính là chìa khóa phòng dịch tốt nhất.

Cơ quan phòng dịch Hàn Quốc cho biết, các ca nhiễm COVID-19 ở thanh thiếu niên ngày càng tăng, trong khi trường học cần là nơi đảm bảo an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Giống như trường hợp của Israel hồi tháng 8/2021, mặc dù tỉ lệ tiêm chủng ở người lớn gần như đạt 100%, nhưng số ca lây nhiễm ở thanh thiếu niên dưới 20 tuổi lại tăng tới 40%.

Ngoài ra, trong số các thanh thiếu niên bị lây nhiễm, có 17% đang phải nhập viên, 11 ca nguy kịch, tất cả các trường hợp này đều chưa tiêm chủng. Theo kết quả phân tích ảnh hưởng của việc tiêm phòng đối với nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 ở nhóm chưa được tiêm phòng cao hơn 25 lần so với nhóm đã hoàn thành mũi tiêm phòng lần thứ 2.

Tình hình tiêm chủng cho thanh thiếu niên ở Mỹ và các nước

Những thống kê trước đây cho thấy, trẻ em là đối tượng ít có nguy cơ mắc COVID-19 hơn so với người trưởng thành. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm đã làm thay đổi suy nghĩ trước đó. Trẻ em hoàn toàn khỏe mạnh, ít bệnh lý nền giờ đây cũng có khả năng cao mắc SARS-CoV-2.

Trước tình trạng đó, nhiều quốc gia đã phê duyệt khẩn cấp các loại vắc xin và tiến hành chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em ở nhóm tuổi 5-11 và 12-17.

Theo thống kê mới đây của Viện Nhi khoa Mỹ (AAP), từ khi dịch bùng phát đến ngày 25/11, Mỹ đã ghi nhận 6.9 triệu trẻ em dương tính với COVID-19. Trong số này, có hàng nghìn trẻ từ 5-11 tuổi phải nhập viện và nhiều ca tử vong do COVID-19. Số bệnh nhi nhiễm COVID-19 trên thế giới cũng có chiều hướng tăng.

Trẻ em bị nhiễm COVID-19 có thể bị các biến chứng nghiêm trọng như hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), một bệnh trong đó các bộ phận cơ thể khác nhau bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.

Tại Mỹ, khoảng 58% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, song tỷ lệ trẻ nhỏ được tiêm phòng có thể còn thấp hơn trong bối cảnh mới chỉ khoảng 47% trẻ em Mỹ từ 12 đến 15 tuổi được tiêm ngừa COVID-19. Ngày 2/11, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đồng ý tiêm rộng rãi vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. CDC cho rằng, so với rủi ro mà nó mang lại, thì lợi ích mà vắc xin mang lại là lớn hơn nhiều, vì thế mọi người từ 5 tuổi trở lên nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Quyết định được đưa ra sau nghiên cứu trên 3.100 trẻ em từ 5 đến 11 tuổi được tiêm vắc xin cho thấy, hiệu quả bảo vệ lên đến 90,7% ở nhóm tuổi này mà không gặp các phản ứng phụ nghiêm trọng nào.

Thông báo trên được đưa sau khi các cố vấn khoa học của CDC nhất trí ủng hộ động thái này, khẳng định rằng lợi ích của việc tiêm vắc xin cho trẻ vượt trội so với rủi ro. Phần lớn cuộc thảo luận của ủy ban cố vấn CDC xoay quanh rủi ro hiếm gặp của bệnh viêm tim có liên quan đến vắc xin, đặc biệt là ở nam giới trẻ tuổi.

Cho đến nay, chỉ có một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Cuba và UAE chấp thuận tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi này và nhỏ hơn.

Ở Việt Nam, từ đầu tháng 11/2021, trẻ em từ 12-17 tuổi cũng đã được tiêm vắc xin Pfizer. Sau một tháng tiêm, có 3 trường hợp tử vong và hơn 10.000 trẻ bị phản ứng sau tiêm.

Phản ứng phụ của trẻ em sau tiêm vắc xin COVID-19 khác gì so với người lớn?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trẻ em sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cũng gặp phải các phản ứng phụ tương tự như với người lớn.

Sau khi tiêm, trẻ có thể gặp phải một số triệu chứng phổ biến như: Đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, ớn lạnh, sốt, mệt mỏi. Các phản này thường xuất hiện trong vòng 30 phút hoặc 24 giờ sau tiêm và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của trẻ. Tuy nhiên, đây là những phản ứng bình thường sau khi tiêm vắc xin và sẽ biến mất trong vài ngày.

Các chuyên gia y tế khuyên rằng, khi gặp phải những phản ứng này trẻ có thể đắp khăn lạnh vào chỗ tiêm để cảm thấy dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, trẻ nên hạn chế cử động mạnh, mặc quần áo thoáng mát, nghỉ ngơi, uống nhiều nước và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

CDC Mỹ cũng khuyên các bậc phụ huynh nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế về việc sử dụng các loại thuốc giảm đau không chứa aspirin cho con mình.

Liên quan đến viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vắc xin, theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế Hàn Quốc thì đây là biến chứng hiếm gặp, được ghi nhận sau khi tiêm hầu hết các loại vắc xin COVID-19 như: Pfizer, Moderna, AstraZeneca hay Janssen.

Biến chứng này hầu hết gặp ở người trẻ tuổi, nam giới nhiều hơn nữ, phần lớn gặp sau mũi tiêm lần hai (hoặc sau mũi tiêm lần đầu ở người có tiền sử mắc COVID-19) và đa phần được phát hiện và điều trị khỏi trung bình sau 2-4 ngày. Các triệu chứng viêm cơ tim bao gồm: Tức ngực, khó thở, cảm giác tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực.

Ở đối tượng trẻ em, các trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 12-17 tuổi đã được ghi nhận nhưng rất hiếm.

Theo kết quả của một nghiên cứu của CDC về tiêm chủng phòng COVID-19 ở trẻ em tại Mỹ, trong một triệu nam giới từ 12-17 được tiêm vắc xin thì chỉ có 54 trường hợp có nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm liều thứ hai vắc xin này vào tuần sau khi tiêm chủng.

Nghiên cứu này cũng cho thấy, thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi có nguy cơ mắc viêm cơ tim cao hơn so với trẻ em từ 5-11 tuổi. Trong các thử nghiệm lâm sàng, không có ca viêm cơ tim nào xảy ra ở trẻ em từ 5-11 tuổi đã tiêm vắc xin Covid-19.

CDC cũng khuyến cáo trẻ sau khi tiêm có một trong số các dấu hiệu nghi ngờ của viêm cơ tim kể trên cần phải liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, cũng tương tự với người trưởng thành, một số biểu hiện không phổ biến như nổi mề đay, sưng hạch cổ họng/miệng, khó thở, lơ mơ, ngủ gà ngủ gật, sốt cao trên 40 độ C, co giật hoặc tê bì tay chân cũng có thể xuất hiện ở trẻ em.

Theo các chuyên gia y tế, những phản ứng dị ứng nghiêm trọng này rất hiếm khi xảy ra và có thể xảy ra sau khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào. Khi có những phản ứng này, người tiêm vắc xin cần báo ngay với đơn vị tiêm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.

Trước khi tiêm chủng, bạn cần đọc lại các bài sau:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).