Hàn Quốc từ lâu đã nổi tiếng với nhiệt huyết cháy bỏng đứng hàng đầu thế giới dành cho giáo dục. Kết quả thống kê qua nhiều năm cho thấy, quỹ thời gian dành cho việc học của học sinh Hàn Quốc và học sinh ở các nước thuộc khối OECD có sự khác biệt đáng kể.

Những năm trở lại đây, cơn sốt giáo dục còn lan rộng đến cấp học sinh tiểu học, những đứa trẻ vốn chỉ đang ở tuổi ăn tuổi ngủ. Việc miệt mài vùi đầu vào sách vở để chuẩn bị cho những kỳ thi đầy tính cạnh tranh quyết liệt từ bao giờ đã không còn là câu chuyện của riêng học sinh cấp trung học phổ thông nữa.

Gần đây, những đoạn clip ghi lại quá trình tự học của học sinh Hàn Quốc đăng tải trên youtube trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Đối tượng đăng tải clip không chỉ gồm người đang chuẩn bị cho kỳ thi công chức, hay học sinh cuối cấp đang lao tâm khổ tứ vì kì thi đại học, mà còn có cả các em học sinh… cấp 1.

Các clip tự học thường được ghi lại bằng chế độ quay “Time-Lapse” (tua nhanh thời gian). Theo đó, người đăng tải tự canh và ghi lại thời gian học thực tế. Sau đó có thể biên tập tua nhanh, cắt ghép chỉnh sửa để giảm thời lượng clip nhưng vẫn thể hiện được toàn bộ quá trình học.

Thông thường, thời gian tự học trung bình của các youtuber này là 7 – 8 tiếng. Kỷ lục có những em học suốt hơn 20 tiếng. Tuy nhiên khi đăng tải clip lên mạng, để không khiến người xem mất hứng thú, cả quá trình tự học được tua nhanh gói gọn chỉ trong vòng vài phút.

Điển hình là trường hợp của youtuber nhỏ tuổi pl_lime với đoạn clip ghi lại buổi học dài hơn 20 tiếng bằng chế độ Time-Lapse, được đăng tải vào đầu năm nay và nhanh chóng đạt hơn 11.000 lượt xem.

Trong thời lượng khoảng 7 phút, đoạn clip ghi lại hình ảnh vùi đầu học đúng nghĩa của học sinh Hàn Quốc.

Bắt đầu từ 1 giờ sáng đến 12h giờ đêm, thời gian học thực tế mà cậu bé đăng tải là 20 tiếng 22 phút 51 giây. Tức vào hôm đó, cậu bé học sinh tiểu học này chỉ có khoảng hơn 3 tiếng để ngủ và nghỉ ngơi.

Nhiều cư dân mạng để lại bình luận trầm trồ, “Thật đáng nể, nhờ cậu bé mà tôi cũng được khơi gợi ý chí học hành”, “Một ngày học 3 tiếng còn khó, huống hồ là đến tận 20 tiếng, thật khâm phục làm sao”.

Tuy nhiên, một số người cũng bày tỏ sự quan ngại rằng, nếu tự ép mình học dưới cường độ khắc nghiệt như vậy, không sớm thì muộn cậu bé sẽ rơi vào khủng hoảng. Việc học tuy rất quan trọng nhưng sức khoẻ cũng cần phải đảm bảo, nhất là với học sinh ở lứa tuổi cấp 1.

Dù vậy, mục đích đăng tải của youtuber pl_lime không phải để phản ánh nền giáo dục mang nặng tính cạnh tranh, mà đơn giản chỉ để ghi lại kỷ niệm thử thách giới hạn học tập của chính mình. Cậu bé cũng giải thích thêm, dù rất đam mê học hành nhưng không phải ngày nào cũng học đến mức này.

Theo dòng xu hướng, nhiều em học sinh tiểu học khác cũng đăng tải những đoạn clip tương tự như động lực thúc đẩy bản thân học hành. Em học ít thì 8 tiếng, nhiều thì 12 tiếng. Tất cả đều có điểm chung là ngồi lì suốt một khoảng thời gian dài để học và làm bài tập của nhiều môn khác nhau.

Tuy nhiên, dù là quay clip với mục đích thử thách bản thân, hay ghi lại việc học thực tế mỗi ngày, những đoạn clip này cũng phần nào phản ánh tinh thần giáo dục luôn cháy bỏng, thậm chí có phần quá đà của người Hàn Quốc.

Thành tích càng cao – bất mãn càng lớn

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Hàn Quốc tháng 12/2019, thành tích học tập ở các môn toán, khoa học và năng lực đọc hiểu của học sinh Hàn Quốc vượt trội hơn so với thành tích trung bình của học sinh các nước thành viên OECD.

Đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh Hàn Quốc luôn xếp hạng từ vị trí thứ 2 đến thứ 7. Toán học và khoa học đều dao động trong top 5.

Tuy nhiên, mức độ hài lòng về cuộc sống của học sinh lại tỷ lệ nghịch với thành tích khủng của họ. Theo thang đo từ mức “0” (hoàn toàn không hài lòng) đến mức “10” (rất hài lòng), học sinh Hàn Quốc chỉ đạt chỉ số trung bình là 6.36, thấp hơn mức trung bình của toàn khối OECD (7.04).

Thực trạng bất mãn với cuộc sống còn được phản ánh bởi rất nhiều con số dữ liệu thống kê khác.

Theo khảo sát của Văn phòng thống kê Hàn Quốc tháng 12/2019, trong số 37.000 đối tượng bao gồm trẻ em và thanh thiếu niên Hàn Quốc, có đến 33.8% trả lời “thỉnh thoảng hoặc thường xuyên nghĩ đến cái chết”.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến lựa chọn cực đoan ở học sinh trung học và trung học phổ thông Hàn Quốc không ngoài dự đoán, chính là “học hành”, với tỷ lệ lần lượt là 34% và 39.7%.

Về thời lượng giấc ngủ, thời gian ngủ trung bình một ngày của học sinh tiểu học là 8.7 tiếng, nhiều hơn so với học sinh trung học (7.4 tiếng) và học sinh phổ thông (6.1 tiếng). Tỷ lệ tập thể dục và chăm sóc sức khoẻ, niềm vui đến trường cũng cao nhất ở học sinh tiểu học và thấp nhất ở học sinh phổ thông.

Dù là khảo sát ở bất kỳ khía cạnh nào, kết quả đạt được cũng chỉ phản ánh một điều: càng lớn, chất lượng cuộc sống của người trẻ Hàn Quốc, đặc biệt là nhóm thanh thiếu niên càng kém.

Chưa dừng lại ở đó, học sinh tiểu học Hàn Quốc cũng ngày càng có xu hướng đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc học. Hiện tượng này được khẳng định một cách chắc nịch qua loạt clip Time-Lapse tự học lên đến hàng giờ đồng hồ được đăng tải liên tục trong thời gian gần đây.

Đã đến lúc chính phủ Hàn Quốc không thể làm ngơ trước nghịch lý “học nhiều, bi quan sớm” ở thế hệ tương lai hơn nữa. Trước đó, áp lực từ nhiệt huyết giáo dục cũng được ghi nhận là một trong những nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng trẻ ở Hàn ngại sinh con, dẫn đến tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và dân số già hoá nhanh chóng mặt trong năm 2019.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ News Post

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).