Tôi muốn chết thử để sống thật! (나는 살고 싶어 죽음을 체험했다). Đó là chia sẻ của một người tham gia dịch vụ trải nghiệm đám tang cho người sống tại trung tâm Hyowon Healing Center (효원힐링센터), thuộc phường Dangsan, quận Yeongdeungpo, thủ đô Seoul (영등포구 당산동).

Điều đặc biệt hơn cả là dịch vụ đám tang giả (heal-dying) này được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi tìm đến trung tâm. Đến với dịch vụ này, khách hàng trải qua một loạt nghi thức trong đám tang thông thường như nhận khăn liệm, chụp chân dung tang lễ, viết di chúc sau cùng và nằm trong quan tài 10 phút.

Kể từ khi mở cửa vào năm 2012, trung tâm Hyowon Healing Center đã tổ chức lễ tang giả cho hơn 25.000 người ở mọi lứa tuổi từ thanh thiếu niên cho đến người già.

Người Hàn Quốc không cảm thấy hạnh phúc

Sự ra đời của trung tâm trải nghiệm tang lễ

Hàn Quốc là một trong những cường quốc kinh tế ở châu Á, bên cạnh đó, văn hóa Hàn Quốc cũng phát triển rất mạnh mẽ. Những năm gần đây, làn sóng Hàn Quốc đã mang văn hóa Hallyu đi khắp thế giới. Dưới ảnh hưởng của phim ảnh, âm nhạc, người ta vẫn thường nghĩ về đất nước Hàn Quốc với sự thịnh vượng, phát triển, giàu đẹp.

Nhưng sự thịnh vượng lại không đi liền với hạnh phúc. Cứ 10 người Hàn Quốc thì 7 người từng nghĩ rằng cuộc sống của họ không hạnh phúc. 5 năm trước, con số khảo sát này là 6/10.

Hàn Quốc luôn có tỷ lệ tự sát cao nhất trong các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) kể từ năm 2003. Riêng năm 2016 tại Hàn Quốc đã có khoảng 13.000 trường hợp tử vong do tự sát. Cụ thể cứ 100.000 người ở Hàn Quốc lại có 25.6 người tự sát, nhiều gấp đôi mức trung bình 12.1 người của các nước thành viên OECD.

⇢ Những nghệ sĩ Hàn Quốc đã chọn cách giã từ cuộc sống trong 15 năm qua

Hiện trạng đáng buồn này xuất phát tư tư tưởng luôn so sánh mình với mọi người xung quanh của phần lớn người dân Hàn Quốc. Khi đặt mình lên bàn cân so sánh với ai đó, một mặt mình sẽ có động lực để cải thiện, phát triển bản thân. Nhưng nếu quá đà thì sự so sánh đó sẽ thành liều thuốc độc giết chết sự tự tin và bản sắc trong con người bạn.

Ông Jeong Yong Mun, giám đốc trung tâm Hyowon Healing Center cho biết: sứ mệnh của trung tâm là giúp cho người sống để giúp mọi người hiểu rõ giá trị cuộc sống của mình và tìm kiếm sự tha thứ, hoà giải với gia đình và bè bạn.

Những người tìm đến trung tâm thường đang ở bên bờ vực của tuyệt vọng, họ có thể là người ở lứa tuổi trung niên bị phá sản hay đuổi việc khỏi công ty, một ông bố thất bại bị vợ con ruồng bỏ, một sinh viên trẻ bị tự kỉ vì bạn bè xa lánh, cô lập từ nhỏ…

Khi đến với trung tâm, thử nằm trong chiếc quan tài im lìm, lạnh lẽo họ sẽ nhận ra rằng: hạnh phúc chính là hiện tại và bản thân mình là quan trọng nhất.

Choi Jin Kyu, một sinh viên ở Seoul sau khi trải nghiệm dịch vụ đám táng thử này chia sẻ: “Tôi nhận ra là mình thường xuyên xem người khác là đối thủ và tôii đã tự hỏi sống như vậy liệu có ích gì?”.

Chết thử

Sau khi khoác trên mình áo tang, những người tham gia được dẫn vào căn phòng lờ mờ ánh nến và tràn ngập hoa cúc. Mặc những chiếc áo choàng trắng, họ ngồi tại bàn và viết những bức thư tuyệt mệnh gửi cho người thân yêu. Những tiếng sụt sịt bắt đầu vang lên, dần chuyển thành tiếng khóc nấc.

Xem lại bức thư tuyệt mệnh của ca sĩ Jonghyun (SHINee)

Người tham dự chụp ảnh thờ trước khi vào nằm trong quan tài.

Trước khi vào nằm trong quan tài, người tham gia trải nghiệm còn được xem video về những người có cuộc sống kém may mắn, nhưng vẫn nỗ lực thắng nghịch cảnh. Đó là các bệnh nhân ung thư vẫn đang cố sống hết mình. Đó là người sinh ra không có chân tay, nhưng vẫn cố học bơi.

Một người đàn ông mặc áo choàng đen với chiếc mũ cao truyền thống của Hàn Quốc sẽ đi đóng nắp các quan tài. Ông chính là biểu tượng của Tử thần. Với 10 phút chìm trong bóng tối, người tham gia trải nghiệm sẽ suy nghĩ, chiêm nghiệm về cõi đời.

“Không một tia sáng phát ra, tôi cảm thấy ngột ngạt và đã khóc trong quan tài”, một người trải nghiệm chia sẻ.

Sau khi quan tài được mở nắp, cảm xúc của người tham gia rất trái ngược, một số khóc nức nở khi vừa trải qua giây phút giữa sự sống và cái chết. Nhưng không ít người tham gia cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, họ tán gẫu và chụp ảnh lưu niệm cùng nhau. Thậm chí, nhiều người ngủ quên luôn trong quan tài.

Có thể khi nhìn những hình ảnh này, nhiều người cho là trò nhảm nhí, nhiều người lại thấy hơi “rợn người”. “Đang sống mà bày đặt giả chết làm chi, thật là xui xẻo”.

Nhưng chuẩn bị cho cái chết cũng là một cách để sống tốt đẹp hơn. Chúng ta không tồn tại mãi mãi. Trong cuộc đời này ai cũng đã từng trải qua những giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời mình và cũng có lúc cảm thấy đau khổ tột cùng.

Con đường đi đến hạnh phúc sẽ có những đau khố nếu biết vượt qua và bỏ qua những sai lầm không đáng có, dùng sự tha thứ, lòng vị tha, sự yêu thương mọi người xung quanh và mở rộng tấm lòng đón nhận yêu thương từ người khác sẽ tìm lại hạnh phúc của chính mình – Đó là những bài học là chương trình trải nghiệm đám táng muốn gửi đến tất cả mọi người.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).