⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Tính đến ngày 3/2/2020, số người tử vong vì virus corona ở Trung Quốc tăng từ 304 lên 361 người, tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này là 17.302.

Như vậy tính trên toàn cầu, tổng số người tử vong vì virus corona là 362, trong đó có 1 ca ở Philippines, còn lại là ở Trung Quốc. Tổng số người bị nhiễm bệnh trên 27 quốc gia là 17.486 người.

Những con số vẫn được cập nhật hàng ngày, số người lây nhiễm ngày hôm sau luôn cao hơn ngày trước đó đến hàng ngàn người.

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ những con số thống kê này, bởi người Trung Quốc đã mang theo mầm bệnh cũng di chuyển tới nhiều nước trên thế giới và không thống kê nào có thể tính toán chính xác được trên thế giới có bao nhiêu người có khả năng nhiễm bệnh.

Kể từ khi dịch viêm phổi bùng phát tại Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc vẫn đang che đậy sự thật, số ca nhiễm dịch và tử vong thực tế đang là một bí ẩn.

Phận người Trung Quốc chết vì virus corona

Mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch chỉ được chia sẻ qua những câu chuyện đầy thương tâm tại Vũ Hán.

Hình ảnh thi thể một người đàn ông đứng tuổi trên vỉa hè của một con đường ở Vũ Hán do phóng viên ghi lại đã thực sự gây ám ảnh. Xót xa hơn nữa, dù có một vài người đi đường đi ngang qua chỗ người đàn ông xấu số này nhưng không ai dám lại gần do lo sợ bị nhiễm bệnh. Một lát sau, thi thể được đưa đi và hiện trường được các nhân viên y tế dọn dẹp và khử trùng.

Vào ngày 1/2, trên Twitter xuất hiện nhiều đoạn video cho thấy một cư dân mạng người Vũ Hán đã đến bệnh viện số 5 Vũ Hán và tại cổng bệnh viện, anh ta chứng kiến Nhà tang lễ Vũ Xương đang vận chuyển xác chết lên xe, chỉ trong 5 phút số lượng thi thể tăng từ 3 lên tới 8.

Đoạn clip ghi lại cảnh một bệnh nhân chết trên giường bệnh và con trai của bệnh nhân này đang ở bên cạnh cũng bị khó thở.

Người quay clip khi ra khỏi cửa và hỏi nhân viên đang làm việc ở đó: “Bên trong còn có thi thể nữa không?” Người nhân viên trả lời: “Vẫn còn nhiều nữa!”, tiếng thở dài trong đoạn video: “Sao mà nhiều xác chết vậy! Vốn đã rất nhiều người chết rồi”

Người quay clip này tên là “Fang Bin”. Đêm ngày 1/2, sau khi video được lan truyền ra ngoài, có thông tin Fang Bin đã bị bắt giữ.

Theo quy định thử nghiệm mới ban hành ngày 1/2 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức cấm các buổi tang lễ cũng như chôn cất, tất cả các nạn nhân bị nhiễm virus corona phải được hỏa táng tại cơ sở gần nhất để hạn chế tối đa khả năng lây lan dịch bệnh.

Người ta càng nghi ngờ và đặt câu hỏi hơn sau khi một nhà tang lễ ở Vũ Hán quảng cáo họ sẽ cung cấp dịch vụ 24 giờ, cũng có tin khẩn cấp cung cấp túi vận chuyển thi thể và đồ bảo hộ cho Vũ Hán.

Ngoài ra, vì lệnh phong toả các vùng trong tâm dịch ở tỉnh Hồ Bắc chưa biết đến bao giờ mới được gỡ bỏ nên xuất hiện tình trạng người dân cố tình vượt qua các trạm kiểm soát bằng mọi giá để thoát ra khỏi tâm dịch.

Một người đàn ông đã bị bắt sau khi dùng bồn gỗ và một chiếc xô để chèo qua sông Trường Giang, con sông dài nhất Trung Quốc, nhằm thoát khỏi tâm dịch.

Những bác sĩ kiên cường

Các bác sĩ Trung Quốc đang dốc sức cứu chữa bệnh nhân nhiễm coronavirus ở tuyến đầu. Dù đang cố giúp nhiều người giành giật mạng sống với thần chết và làm việc đến kiệt sức, nhưng họ vẫn phải chịu đựng cơn thịnh nộ của bện nhân lẫn gia đình họ.

Khuôn mặt hằn vết khẩu trang và thiết bị bảo hộ của một nữ y tá.

Nhân viên y tế ở Vũ Hán căng thẳng sau nhiều ngày gồng mình đối phó virus corona.

Sốc nhất là một bệnh nhân tháo khẩu trang khạc nhổ vào bác sĩ để cố tình lây lan mầm bệnh và còn đe dọa: “Tao mà chết thì chúng mày cũng đừng mong sống sót”.

Tờ Caixin đưa tin, sau khi một bệnh nhân viêm phổi cấp qua đời, người nhà bệnh nhân đã điên cuồng xông đến đánh đập vào đầu và cổ của các bác sĩ. Khẩu trang và quần áo bảo hộ của bác sĩ cũng bị gia đình bệnh nhân xé toang.

Trước đó, một y tá bị chụp ảnh, xé đồ bảo hộ, đe dọa và uy hiếp, sau đó cô bị sốt cao và xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Trước những chuyện đáng buồn trên, dân mạng phẫn nộ bình luận: “Dịch bệnh còn chẳng đáng sợ bằng lòng người!”.

Chứng kiến cảnh đồng nghiệp bị hành hung, một nữ y tá uất ức: “Tôi không biết phải dùng từ gì để diễn tả tâm trạng mình nữa”, và khóc nức nở vì không chịu nổi áp lực quá lớn trong quá trình điều trị cho bệnh nhân nhiễm coronavirus.

Trương Định Vũ, một bác sĩ ở tuyến đầu chia sẻ: “Trong vòng 1 tháng qua, chúng tôi đã bị quá tải. Thông thường, y tá sẽ đổi ca 2 tiếng/lần, nhưng sau đó họ phải kéo dài thời gian làm việc thành 4-5 tiếng, chưa kể bác sĩ. Sự kiệt quệ về mặt thể chất càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Hiện tại, tình hình đã khá lên nhiều”.

Bác sĩ Trương Định Vũ tin rằng với trình độ khoa học và khả năng tài chính hiện tại, Trung Quốc sẽ dập tắt bệnh dịch này với ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết.

Bệnh viện Hỏa Thần Sơn (Vũ Hán) vừa hoàn thành và bắt đầu đón bệnh nhân viêm phổi cấp do coronavirus từ ngày 3/2/2020.

Bệnh dã chiến này chỉ mất 8 ngày xây dựng, diện tích 25.000m2 với quy mô 1.000 giường, được phép huy động nguồn trang thiết bị y tế từ bệnh viện khác hoặc yêu cầu doanh nghiệp sản xuất để đáp ứng công tác điều trị. Đây sẽ là nơi làm việc của 1.400 binh sĩ từ lực lượng quân y Trung Quốc.

Trung Quốc không cần Mỹ giúp

Vào ngày 2/2/2020, Mỹ đã đề nghị “hỗ trợ hết sức” để giúp Trung Quốc đối phó với dịch bệnh. Ngoài lập đội ngũ chuyên trách vấn đề ứng phó dịch, Mỹ cũng đề nghị giúp đỡ Trung Quốc ngăn chặn dịch viêm phổi nCoV.

Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết, mặc dù đã cởi mở, minh bạch hơn về dịch virus corona mới, song đến nay Bắc Kinh vẫn chưa nhận lời giúp đỡ từ Washington.

“Chúng tôi muốn giúp đỡ Trung Quốc, chúng tôi đã đưa ra đề nghị và chờ xem họ có chấp nhận không”, cố vấn an ninh này cho biết.

Nhưng thay cho lời từ chối thẳng thừng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong buổi họp báo ngày 3/2/2020 đã cáo buộc Mỹ lan truyền “sự hoảng loạn” trong phản ứng của họ với dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV), bao gồm việc áp đặt lệnh cấm đối với du khách Trung Quốc.

Một mặt khác, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đang cần gấp thiết bị bảo hộ y tế, gồm khẩu trang, khi số người viêm phổi cấp ngày càng tăng. Hiện tại đã có nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Kazakhstan và Hungary đã quyên góp khẩu trang vật tư y tế hỗ trợ nước này.

Tình hình virus Vũ Hán tại Hàn Quốc

Tới thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 15 bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán.

Mặc dù không có thêm bệnh nhân mới so với ngày 02/2/2020, nhưng lại có thêm một mối lo ngại lớn phát sinh vì một khách du lịch Trung Quốc (nữ giới, 52 tuổi) đã phát bệnh sau chuyến du lịch 5 ngày tại đảo Jeju.

Trong thời gian ở Jeju, du khách này đã mua thuốc giảm đau và hạ sốt nhưng vẫn đi tham quan tất cả các hành trình. Ngày 25/1, du khách trên về lại thành phố Dương Châu, và đến ngày 30/1 được chẩn đoán nhiễm virus corona chủng mới.

Ngày 3/2/2020, cửa hàng miễn thuế Shilla, Lotte chi nhánh Jeju và hiệu thuốc – những nơi xác nhận khách du lịch Trung Quốc này ghé thăm đều đã tạm ngừng kinh doanh.

Phố du lịch trên đảo Jeju vắng vẻ sau tin tức về khách du lịch Trung Quốc nhiễm virus:

Chính phủ Hàn Quốc hiện đã tạm ngừng cho phép nhập cảnh vào đảo Jeju trong 30 ngày mà không cần visa. Trước đó vào ngày 2/2/2020, chính phủ Hàn Quốc cũng đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả những người nước ngoài từng ghé thăm tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong vòng 14 ngày gần đây.

Ngoài ra, trong thời gian tới, những người từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới sẽ phải tự cách ly trong vòng 14 ngày tại nhà riêng, bất kể tiếp xúc gần hay tiếp xúc thông thường.

Những hy vọng le lói

Hiện tại, Thái Lan là quốc gia có số ca nhiễm virus corona ngoài Trung Quốc cao thứ hai, chỉ sau Nhật Bản.

Tuy nhiên có một tín hiệu vui khi Bộ Y tế Thái Lan ngày 2/2/2020 cho biết, một người phụ nữ Trung Quốc 71 tuổi nhiễm virus corona đã được chữa khỏi sau khi các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân này bằng hỗn hợp thuốc trị cúm và thuốc điều trị HIV.

Ông Kriengsak Attipornwanich, một trong các bác sĩ đã điều trị cho nữ bệnh nhân trên nói rằng, bệnh nhân đã có kết quả âm tính với chủng virus mới chỉ sau 48 giờ điều trị. Bác sĩ Kriengsak cho hay: “Từ chỗ mệt mỏi, bệnh nhân này đã có thể ngồi dậy sau 12 giờ”.

Theo bác sĩ Kriengsak, nhóm bác sĩ Thái Lan đã sử dụng hỗn hợp thuốc chống cúm gồm lopinavir và ritonavir kết hợp thuốc điều trị HIV đối với nữ bệnh nhân Trung Quốc.

Bộ Y tế Thái Lan hiện vẫn cần chờ thêm kết quả nghiên cứu để chứng minh tính hiệu quả của hỗn hợp này trong điều trị viêm phổi do nCoV.

Dẫu sao, thông tin về việc Thái Lan đã tìm ra thuốc trị được virus corona chủng mới giữa lúc dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang gây sợ hãi trên toàn thế giới có thể sẽ khiến nhiều người tìm thấy hy vọng.


Người Việt Nam ở Hàn Quốc có thể sử dụng Bản đồ Virus Corona để theo dõi tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp ở Hàn Quốc cũng như các địa điểm bệnh nhân đã đến để tránh không bị lây nhiễm.

🚒 BẠN CẦN BIẾT: Hướng dẫn cách phát hiện triệu chứng nhiễm virus COVID-19 & Cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả từ các chuyên gia y tế.

⁉️ ĐỪNG HOANG MANG: 6 Tin đồn về virus COVID-19 & Lời giải thích hợp lý.

🔴 Theo dõi cập nhật tình hình lây lan của virus COVID-19 ở Hàn Quốc và trên thế giới tại đây.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).