Hình ảnh người dân xếp hàng dài trong nhiều tiếng đồng hồ chờ mua khẩu trang tại các hiệu thuốc, hay nhiều đám cưới, lễ tiệc bị hoãn vô thời hạn, cho đến việc học sinh sinh viên chăm chú nhìn vào chiếc máy tính nghe giảng thay vì cắp sách đến trường đã không còn là những hình ảnh xa lạ với người dân Hàn Quốc trong thời điểm dịch bệnh đang chuyển biến phức tạp như hiện nay.

Quả thật, cuộc sống hàng ngày của người dân xứ Hàn đang có nhiều chuyển biến đáng kể, sau hơn 2 tháng kể từ khi Hàn Quốc xác nhận trường hợp đầu tiên dương tính virus Corona chủng mới.

Trong bài viết sau đây, hãy cùng xem đất nước được ca ngợi là có những bước phòng dịch hiệu quả nhất nhì thế giới này đã có những thay đổi như thế nào dưới sự “tàn phá” nặng về của “vị khách không mời” COVID-19.

1. Hiện trạng “shut down” phủ sóng toàn xã hội

Dưới sự ảnh hưởng của căn dịch bệnh, cả thế giới đang rơi vào tình trạng “shut down” (đóng cửa). Từ hình ảnh sân bay vắng tanh, đường phố trống hoác, cho đến các hoạt động văn hóa, kinh tế đang dần trở nên tê liệt, đã khiến không ít người liên tưởng ngay đến bầu không khí ảm đạm bao trùm lên toàn châu Á khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 1997.

Tại Hàn Quốc vào ngày 21/3 vừa qua, Thủ tướng Chung Sye Kyun (정세균) còn khẩn khiết đưa ra lời kêu gọi toàn dân tạm dừng mọi hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí hay hoạt động tôn giáo trong vòng 15 ngày (từ 22/3 đến 5/4), nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi khuyến cáo này được đưa ra, nhiều hàng quán, trung tâm vui chơi và rạp chiếu phim, nhạc kịch tại một số tỉnh thành Hàn Quốc đã bắt đầu có sự vắng vẻ, đìu hiu, mất hẳn dáng vẻ sôi động và nhộn nhịp thường thấy của một trong những thiên đường vui chơi, du lịch hàng đầu châu Á nói riêng và toàn thế giới nói chung.

2. Hệ thống hoạt động xã hội đang dần thay đổi

Tương tự như trên, cho đến thời điểm hiện tại, các hoạt động cộng đồng đang dần bị hạn chế tối đa, một số khu vực sinh hoạt chung, công cộng bị đóng cửa đã vô hình chung khiến sự tiếp xúc giữa người và người ngày càng bị thu nhỏ.

Không chỉ thế, nhiều cơ quan phúc lợi xã hội còn cho thấy sự yếu kém trong hệ thống, các trung tâm chăm sóc khách hàng (call center) phải gồng mình hoạt động suốt 24 tiếng đồng hồ, một số tổ chức tôn giáo trục lợi bằng cách lợi dụng niềm tin lệch lạc và nỗi lo sợ, bất an của giáo dân.

Ngoài ra, những thông tin thất thiệt làm hoang mang cộng đồng tràn lan trên mạng xã hội đã góp phần gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý, tín ngưỡng, thậm chí là tài sản của con người.

Với những diễn biến đầy căng thẳng nói trên, chắc chắn ngay cả khi căn dịch bệnh hoàn toàn kết thúc, nền tảng xã hội vốn có của đất nước cũng sẽ không thể tránh khỏi những thay đổi đáng kể sau sự kiện mang tính chất toàn cầu này.

3. Thói quen tiêu dùng thay đổi

Virus corona chủng mới đang tạo nên một bước ngoặt lớn không chỉ với xã hội, mà còn với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trên thực tế, kể từ khi loại virus nguy hiểm này lan rộng như hiện nay, Hàn Quốc đã và đang phải chứng kiến vô số những “lần đầu tiên” trong lịch sử.

Điển hình, lần đầu tiên hoãn kế hoạch khai giảng với các cấp đến ba lần, lần đầu tiên doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc tại nhà, hay lần đầu tiên cắt giảm kinh doanh một số ngành dịch vụ thiết yếu như du lịch, trung tâm giải trí và thương mại.

Đây đều là những hiện tượng chưa từng tồn tại trong xã hội từ trước đến nay. Cộng hưởng với tình hình dịch bệnh đang ngày càng chuyển biến nghiêm trọng, người dân hạn chế ra ngoài, khiến thói quen tiêu dùng, mua sắm và sinh hoạt cũng ngày càng thay đổi.

Với lý do để tránh tiếp xúc và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, người dân thay vì trực tiếp đến các hàng quán, siêu thị… nay đã bắt đầu sử dụng nhiều hơn đến dịch vụ vận chuyển thông qua các ứng dụng đặt hàng hoặc siêu thị trực tuyến.

Bên cạnh đó, mọi nhu cầu giải trí như du lịch, văn nghệ cũng đang ngày một giảm đáng kể. Những hình ảnh như “săn” vé máy bay khuyến mãi, chờ đợi xếp hàng dài mua vé cho các vở nhạc kịch, bộ phim “bom tấn”, hay tranh nhau một chỗ nằm trong phòng tắm hơi Jjimjilbang (찜질방) đang dần mất hút trong đời sống xã hội hiện tại.

Song, vấn đề này có lẽ sẽ còn kéo dài, một khi tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng như hiện nay.

4. Hệ thống chính trị và hành chính của Hàn Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mới

Cuộc khủng hoảng này khởi nguồn từ việc người dân đã không còn quá tin tưởng vào khả năng quản lý của chính phủ trong việc khắc phục những hậu quả nặng nề mà COVID-19 đã và đang gây ra.

Để có thể khôi phục lại lòng tin của công chúng, những người làm việc trong cơ quan nhà nước phải chứng minh được lý do tồn tại của mình.

Mặt khác, nếu không thể hiện được khả năng tầm soát nguy cơ trong tình huống hiện tại, chắc chắn không chỉ những nhà lãnh đạo nói riêng mà toàn bộ hệ thống quản lý chính trị của nhà nước nói chung sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

5. Tình trạng trầm cảm và bất an kéo dài

Cuối cùng nhưng cũng là điều gây hoang mang nhất. Chính là sự thay đổi rõ rệt trong tâm lý và suy nghĩ của con người. Không còn những ngày tháng năng nổ làm việc hết mình, hay vui chơi bất tận bên bàn tiệc, giờ đây con người đang dần rơi vào “thời đại” của sự trầm cảm, bất an và mất mát.

Bất cứ ai, kể cả người lạc quan nhất cũng đang phải trải qua khoảng thời gian hết sức khó khăn, sau khi chứng kiến những hậu quả khủng khiếp mà virus Corona chủng mới đã và đang gây ra. Điều đáng e ngại hơn cả, chính là việc cơn khủng hoảng về tâm lý này sẽ còn có thể kéo dài hơn những gì chúng ta nghĩ.

Có lẽ, do đã quá mệt mỏi với những tin tức tiêu cực trên bản tin hàng này, hay đang miệt mài vùi mình cách ly xã hội, đã có không ít người từ bỏ các cuộc vui chơi vốn đã trở thành thói quen, mà trở về với một góc nhỏ trong căn phòng tối, cùng một cốc bia trên tay.

Từ đó, hình thành nên xu hướng “홈술” (uống rượu một mình ở nhà), phát triển từ xu hướng “혼술” (uống rượu một mình). Bởi họ cho rằng đây chính là lý do duy nhất khiến họ cảm thấy ít ra cuộc sống này vẫn còn chút niềm vui.

Trên thực tế, văn hóa “uống rượu một mình” từ lâu đã trở thành phương tiện giải stress của đại đa số những người đang sống độc thân tại Hàn Quốc. Đây là khoảng thời gian họ tự thưởng cho bản thân được yên tĩnh sau một ngày dài bận rộn.

Tuy nhiên trong thời điểm căng thẳng như hiện nay, cùng với tâm lý bất an và mệt mỏi, vô hình chung đã khiến người uống không kiểm soát được số lượng và tần suất nâng ly của mình. Điều này dễ dàng hình thành nên thói quen uống rượu sai lầm, dẫn đến những hậu quả không đáng có, như nghiện rượu hoặc trầm cảm.

Vì thế, trong cuộc chiến chống dịch lâu dài này, điều chúng ta nên làm chính là phải biết cách phân bổ thời gian vào việc phát triển những thói quen tích cực như đọc sách, nấu ăn, trò chuyện với người thân để ngăn chặn những cảm xúc tiêu cực, chứ không phải dùng rượu như một liều thuốc.

Cuộc chiến hẳn vẫn chưa đi đến hồi kết, những thay đổi cả về kinh tế, xã hội và đời sống con người chắc chắn sẽ còn tiếp tục. Song, thiết nghĩ, điều chúng ta nên làm hiện nay là thực hiện tốt những chỉ thị phòng dịch của các cơ quan chức năng, đồng thời giữ vững tinh thần lạc quan và tích cực.

Nếu làm được điều này, nhất định tương lai chiến thắng dịch bệnh sẽ không còn xa nữa.

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).