Tiệc công ty là một phần gắn liền với văn hóa làm việc tại Hàn Quốc. Được biết tới dưới cái tên 회식, những bữa tiệc sau giờ làm việc chi trả bằng thẻ tín dụng của công ty thường gồm nhiều lượt ăn nhậu, theo sau là những giờ đi hát trong noraebang (노래방).

Không như nhiều phòng karaoke ở các nước phương Tây nơi mọi người đứng hát trước mặt những người lạ, các quán karaoke ở Hàn Quốc có rất nhiều phòng hát riêng dành cho các nhóm người quen biết nhau, có thể chứa được một nhóm lớn người.

Không thích vào quán karaoke cùng đồng nghiệp nam

Mặc dù mục đích chính của việc đi hát cùng nhau là để nhân viên trong công ty cảm thấy gắn bó hơn, sự gần gũi quá mức trong các phòng hát chật hẹp dưới tác dụng của lượng lớn đồ uống có cồn có thể khiến nhiều nữ nhân viên cảm thấy thiếu an toàn.

“Đôi khi bạn phải nhảy với sếp hoặc đồng nghiệp” Jeon, một nữ nhân viên chính phủ 39 tuổi cho biết. “Tôi không nghĩ là các đồng nghiệp hay sếp cố tình đẩy tôi vào tình thế khó xử nhưng họ quá say và có thể làm điều gì đó không hẳn là dễ chịu đối với tôi,” cô nói tiếp.

Jeon mô tả “mọi người thường dính sát vào nhau” trong những cuộc gặp không mong muốn này và cô có cảm giác rằng mình không đủ sức mạnh để từ chối trực tiếp các đồng nghiệp nam lớn tuổi, đặc biệt là khi cô mới bắt đầu sự nghiệp công chức hơn một thập kỷ về trước.

Cười một tiếng không thoải mái, Jeon cũng cho rằng “đôi khi bạn cảm thấy có chút như bị quấy rối,” đồng thời bổ sung rằng cô tin hầu hết phụ nữ Hàn Quốc đều từng trải qua tình huống này.

Một khảo sát do chính phủ Hàn Quốc thực hiện vào năm 2015 cho thấy 80% đối tượng tham gia trả lời rằng họ đã từng bị làm phiền tại công sở và phần lớn hành vi này đều diễn ra tại các bữa tiệc công ty. Nghiên cứu chỉ ra rằng các nhân viên nữ trẻ tuổi thường có xu hướng là nạn nhân và hầu như sẽ không tố cáo việc này với nhà quản lý hoặc các cơ quan chức năng.

Một số quan sát chỉ ra việc phụ nữ không có năng lực thể hiện tiếng nói bảo vệ mình trước các đồng nghiệp hoặc sếp nam, và đây là một biểu hiện của tình trạng bất bình đẳng giới nghiêm trọng ở Hàn Quốc.

Lee Jin Ok, chủ tịch nhóm ủng hộ Đoàn kết chính trị phụ nữ Hàn Quốc (KWPS) cho rằng sự “phân cấp quyền lực” khiến các nhân việc nữ gặp khó khăn trong việc “thể hiện tiếng nói của mình”. “Rất khó để nói KHÔNG bởi nó có thể gây ảnh hưởng tới điều kiện làm việc hoặc sự nghiệp tương lai của họ,” bà Lee nói. “Vị trí của phụ nữ trong thị trường lao động rất yếu ớt.”

Văn hoá liên hoan công sở thay đổi

Phong trào #MeToo bắt nguồn từ Mỹ vào năm 2016 và được khơi lên từ những vụ quấy rối nhắm vào nhiều phụ nữ xuất chúng trong lĩnh vực truyền thông và chính trị. Cuộc vận động từ đó cũng đã phát triển mạnh mẽ ở Hàn Quốc khi các nhân vật nam nổi tiếng và có quyền lực trong ngành giải trí, tôn giáo và chính trị cũng lần lượt bị tố cáo về hành vi của mình.

Một số đã phải chịu án phạt và thụ án tù giam như cựu tỉnh trường kiêm ứng viên tổng thống một thời Ahn Hee Jung đã bị buộc tội cưỡng bức trợ tá riêng hồi đầu năm.

Nhà ủng hộ Lee Jin Ok cho rằng Me Too đã tạo cảm hứng cho một thế hệ phụ nữ của Hàn Quốc không còn im lặng về việc xâm phạm, đồng thời khiến nhiều nam giới trẻ Hàn Quốc cũng sẵn lòng đứng lên bảo vệ đồng nghiệp nữ ở nơi làm việc.

“Các quy chuẩn trong văn hóa doanh nghiệp đang thay đổi nên văn hoá liên hoan tại quán karaoke ở Hàn Quốc cũng ngày càng thay đổi.”

Viện nghiên cứu tài chính KB Group tại Hàn Quốc đưa ra số lượng cho thấy một con số kỷ lục các phòng hát karaoke đã đóng cửa trong thời gian qua. Năm 2018 có hơn 1400 địa điểm ngừng kinh doanh và số lượng các địa điểm mới mở cũng rất thấp ở mức kỷ lục.

Việc sụt giảm này được cho là do “những thay đổi trong văn hóa tiệc công ty”. Các công ty hiện nay đã lựa chọn nhiều loại hình giải trí khác thay vì tới các phòng hát.

Ông Lee Tae Ha, điều hành một hãng quan hệ công chúng tại Seoul cho biết các nhà tuyển dụng Hàn Quốc hiện nay đã có ý thức hơn về những khả năng quấy rối. Đó là lý do tại sao họ tránh đưa nhân viên của mình tới các quán karaoke.

“Nhiều ông chủ đề nghị nhân viên nữ rót rượu, cùng uống và nhảy múa,” ông Lee nói. “Điều này tạo cơ hội cho rất nhiều hành vi xâm hại về thân thể đối với các nhân viên nữ.” Lee để 30 nhân viên của mình tự chọn nơi họ muốn tổ chức tiệc công ty. Các nhân viên thường lựa chọn xem phim, tham gia một trận đấu thể thao hoặc xem biểu diễn nhạc kịch cùng nhau.

Ông cũng bổ sung rằng các luật định mới về lao động hiện cũng bảo vệ tất cả các nhân viên khỏi bị xâm phạm tại công sở. Vào tháng 7, một quy định chống quấy rối được đưa ra khiến việc ông chủ ép buộc nhân viên tham dự tiệc công ty trở thành vi phạm pháp luật.

Jeon, nhân viên công chức nói trên, nhận xét rằng đã có những thay đổi tích cực trong văn hóa văn phòng tại cơ quan của cô. Cô nói các đồng nghiệp nam nhiều tuổi không còn ép buộc đồng nghiệp nữ phải uống rượu nữa và việc nhân viên từ chối không tham dự tiệc công ty là hoàn toàn được chấp nhận.

Jeon cũng nói thêm rằng hiện cô làm việc ở bậc quản lý và luôn đảm bảo rằng nhân viên của mình sẽ không bị ép buộc phải làm những gì họ không muốn.

Tổng hợp từ Korea Herald

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).