Những năm 1980 ở Hàn Quốc, bắt đầu nở rộ một nét văn hoá và vẫn được duy trì cho đến ngày nay, đó là “văn hoá phòng” (‘방’ 문화). Văn hóa phòng để chỉ những địa điểm mang tính giải trí cụ thể được gắn với “phòng” như noraebang (phòng hát karaoke), videobang (phòng xem phim), multibang (phòng giải trí tổng hợp), phòng đọc sách-tự học (독서실/독서방)…

Thậm chí có một kiểu không gian “phòng” khác khá phổ biến hiện nay là các quán cà phê. Tính đến tháng 3/2019, ở Hàn Quốc có đến 49.000 quán cà phê lớn nhỏ, trong đó chỉ riêng thủ đô Seoul chiếm đến 18.000 quán.

Vì sao người Hàn lại ưa chuộng việc sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí trong khuôn khổ “phòng” đến thế?

Một dãy các phòng hát karaoke trả bằng tiền xu (Coin Noraebang) ở Hàn Quốc.

Phòng là không gian được ngăn bởi các bức tường để con người sống hoặc làm việc. Tuy nhiên, với sự phát triển của văn hoá phòng ở Hàn Quốc, căn phòng đã vượt xa khỏi ý nghĩa là cấu trúc gắn liền trong một toà nhà mà còn có ý nghĩa như một không gian độc lập.

Lịch sử văn hoá “phòng”

Văn hoá phòng đã tồn tại từ rất lâu ở Hàn Quốc. Hình thức phòng tiêu biểu khi đó là gibang (기방) và sarangbang (사랑방).

Gibang là nơi mà các yangban (lưỡng ban – tầng lớp quý tộc dưới thời GoryeoJoseon) tận hưởng cuộc sống giải trí xa hoa, cũng là nơi tập hợp các gisaeng (ca nương, hay còn gọi là các kỹ nữ) thực hiện việc cung cấp giải trí nghệ thuật như ca hát, nhảy múa nhằm phục vụ tầng lớp quý tộc. Nguồn gốc của văn hoá giải trí trong không gian phòng hiện nay ở Hàn Quốc được cho là bắt nguồn từ văn hoá gibang.

Sarangbang là căn phòng trong các căn nhà hanok truyền thống dành cho nam giới dùng làm không gian học tập, làm thơ, thư giãn hoặc tiếp khách. Thời Joseon, khi xu hướng khuyến khích nam giới ra nước ngoài du học và nghiên cứu kinh sách của thánh hiền đời trước chiếm ưu thế, văn hoá sarangbang với các hoạt động bao gồm đọc sách và bàn luận về sách cực kỳ phát triển.

Một quán rượu theo concept sarangbang

Bước vào thời cận đại cho đến những năm 1980, các văn phòng bất động sản (복덕방, từ cũ) và phòng đọc truyện tranh (만화방) dẫn đầu văn hoá “phòng” ở Hàn Quốc.

Trước khi Nghị định thực thi của Đạo luật môi giới bất động sản (BĐS) được ban hành vào năm 1984 (부동산중개업법시행령이 제정), các văn phòng BĐS hiện diện trong từng khu phố, không chỉ là nơi để thực hiện các giao dịch BĐS mà còn là nơi dân chúng tập trung lại để giao lưu và giải quyết các việc trong lớn nhỏ trong khu phố.

Một quán cà phê theo concept văn phòng bất động sản (복덕방)

Phòng đọc truyện tranh (manhwabang) thường được người trẻ, nhất là học sinh sinh viên lui tới sau giờ học. Đây là một trong số ít những nơi đáp ứng nhu cầu văn hoá cho thanh thiếu niên thời đó.

Đến những năm 1990, những phòng hát (noraebang) đầu tiên xuất hiện và phát triển mạnh mẽ, tiên phong trong văn hoá “phòng” ở Hàn Quốc. Sau đó không lâu, cơn sốt trò chơi điện tử StarCraft trở nên phổ biến trong giới trẻ, tạo động lực cho hình thức PC bang (phòng chơi game) ra đời và nối tiếp nhau phát triển.

Tiếp đó, theo xu hướng well-being (sống vui khoẻ), các phòng xông hơi (찜질방 /jjimjilbang/) xuất hiện. Ngoài ra còn nhiều dịch vụ phòng khác ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của người Hàn như phòng điện thoại (전화방), phòng chơi golf màn hình (스크린골프방), phòng tự trang điểm (셀프 메이크업방)…

Văn hoá phòng còn được mô phỏng, dùng làm concept cho nhiều chương trình tạp kỹ của Hàn như chương trình The Knee-Drop Guru (무릎팍도사) của đài MBC

Trong chương trình Happy Together của đài KBS

Trong Gold miss goes (골드미스가 간다) của đài SBS

Vì sao người Hàn lại tìm đến không gian “phòng”?

Người Hàn có xu hướng gắn liền từ “bang” (방: phòng) vào một địa điểm cố định. Về mặt nhà ở, điều này có liên hệ mật thiết đến văn hoá ondol (온돌 문화 : văn hoá sàn sưởi ấm).

Hệ thống sưởi ondol sẽ làm nóng trực tiếp toàn bộ nền phòng, do đó việc đặt đồ nội thất như giường sẽ làm giảm hiệu quả sưởi ấm. Chính vì trong căn phòng ở nhà truyền thống không có nhiều đồ nội thất nên tự khắc không gian phòng sẽ rộng hơn và chủ nhân sẽ dùng phòng được cho nhiều mục đích hơn.

Không gian “phòng” đối với người Hàn có ý nghĩa khác với người phương Tây, vốn xây các phòng trong nhà tuỳ theo mục đích riêng biệt như phòng ngủ, phòng khách, phòng đọc sách.

Ở Hàn Quốc, từ xa xưa không gian phòng đã là nơi mà mọi sinh hoạt cần thiết đều được tiến hành, từ việc ngủ nghỉ, ăn uống, đón đãi khách, giải trí, cho đến bàn việc gia đình. Việc thương mại hoá hình ảnh “căn phòng” cũng chính là bắt nguồn từ cảm giác quen thuộc của người Hàn với không gian kín này.

Choi Seok Ho, giáo sư ngành Xã hội học chia sẻ về lý do người Hàn thường tìm đến với không gian riêng (phòng) trong những không gian chung, công cộng (trung tâm thành phố) như sau:

“Ngôi nhà đối với người phương Tây có thể được xem là không gian riêng tư, nhưng đối với đại đa số người Hàn Quốc thì khó mà cho rằng như thế.”

Theo giáo sư Choi, do diện tích lãnh thổ hẹp và mật độ dân số cao, trong các căn hộ thông thường ở Hàn Quốc, khoảng cách giữa các phòng tương đối ngắn và bản chất không gian phòng cũng khá hẹp.

Do vậy khó xem đó là không gian của riêng cá nhân. Chưa kể đến việc Hàn Quốc rất xem trọng trật tự trên dưới trong gia đình. Thể hiện ở việc con cái không thể tuỳ tiện vào phòng của bố mẹ khi chưa được phép, nhưng bố mẹ thì lại có quyền vào phòng của con bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ ngày nay, nhà trường và phụ huynh lại càng tìm cách giám sát con em chặt chẽ hơn. Chỉ cần các em đến trường trễ 5 phút, trường cũng gửi tin nhắn thông báo đến phụ huynh. Các học viện tư cũng cam kết phối hợp với khách hàng (chính là các bậc phụ huynh) trong việc theo dõi việc học của trẻ.

Kết quả là người trẻ, nhất là học sinh cảm thấy không gian cá nhân bị xâm phạm và do đó, có xu hướng tìm đến những không gian riêng tư bên ngoài nhà ở, thúc đẩy văn hoá phòng phát triển.

Về khía cạnh xã hội, không gian “phòng” thường được sử dụng như một phương tiện giao tiếp với người khác. Trong quá trình cùng nhau chơi đùa, tương tác, trò chuyện trong một không gian nhỏ, bầu không khí thân mật sẽ được tạo ra và mang con người lại gần nhau hơn.

Ngoài ra, có một nghiên cứu cho rằng, người trẻ ở thời hiện đại chịu nhiều sức ép bởi sự cạnh tranh khốc liệt nên thường có xu hướng tìm không gian riêng tư để tránh căng thẳng quá mức, cũng là một yếu tố tác động đến sự phát triển văn hóa phòng.

Văn hoá phòng tiến đến thoái trào?

Do ảnh hưởng của xu hướng wo-ra-bael (Work-life balance), đặc biệt là sự giảm dần của những buổi tiệc công ty đến tăng 2 ~ tăng 3, bên cạnh sự phát triển của mobile game, số lượng noraebang và PC bang ở Hàn Quốc có dấu hiệu giảm xuống rõ rệt.

Trong khi đó, xu hướng “một mình” của người trẻ ngày nay, chẳng hạn như ăn một mình (혼밥), uống rượu một mình (혼술) lại kích thích một loại hình văn hoá khác phát triển – văn hoá phức hợp (복합문화).

Không gian văn hoá phức hợp là nơi mà mọi người cùng sinh hoạt với nhau, nhưng vẫn đảm bảo sự riêng tư cá nhân, ví dụ như ngồi ăn riêng tại nhà hàng dành cho người đến ăn một mình.

Theo kết quả phân tích các từ khoá tìm kiếm liên quan đến hoạt động giải trí, lượt sử dụng từ khoá như “noraebang”, “PC bang” và “phòng truyện tranh” đã giảm 10~30% trong vòng 2 năm trở lại đây.

Trong khi đó, những từ khoá như “concert/buổi công diễn”, “nhạc kịch”, “workshop”, “quán ăn ngon” tăng từ 20~50% , chính là bằng chứng cho thấy sự quan tâm và nhu cầu của người Hàn liên quan đến không gian văn hoá phức hợp ngày càng gia tăng.

XEM THÊM: Văn hóa URI và tính cộng đồng của người Hàn Quốc

Tổng hợp từ 매일신문

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).