Đề tài bác sĩ – y khoa vẫn luôn là một trong những chủ đề hút khách nhất trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc. Bởi không gì tuyệt vời bằng việc được chứng kiến những “thiên thần áo trắng” dốc hết sức mình để cứu sống một sinh mạng, hay những lúc tỏ ra oai phong, lẫm liệt cỡ nào khi điều khiến cả một binh đoàn trợ tá thực hiện ca phẫu thuật kéo dài hàng tiếng đồng hồ.

Những câu chuyện này vẫn luôn phát huy hết tác dụng trong việc chiếm lấy tình cảm và sự ngưỡng mộ của khán giả xem đài, đặc biệt là những thanh thiếu niên đang nuôi mộng trở thành những vị “lương y như từ mẫu”.

Tuy nhiên trên thực tế, những hình ảnh hoa mỹ xuất hiện trên phim có thật sự đúng với những gì đang diễn ra ngoài đời thường? Sau đây là ý kiến của một số y tá, bác sĩ khi chia sẻ về “bức màn” phía sau công việc của mình.

1. Y tá tự giác chuẩn bị dao mổ trước khi bác sĩ yêu cầu

Một trong những hình ảnh thường xuyên xuất hiện nhất trong các bộ phim y khoa, chính là khi bắt đầu thực hiện một ca phẫu thuật, bác sĩ phụ trách luôn đưa tay lên và dõng dạc nói: “Dao mổ”. Lập tức lúc này, y tá trợ lý sẽ nhanh chóng lấy ra một con dao phù hợp nhất và đưa chuẩn xác vào tay bác sĩ.

Tuy nhiên trên thực tế, trước khi bác sĩ yêu cầu, các y tá hỗ trợ ca mổ phải tự giác khử trùng tất cả những dụng cụ cần thiết cho ca phẫu thuật như dao, kéo… cho đến dụng cụ cầm máu. Sau đó sắp xếp theo một thứ tự hợp lý nhất, để bác sĩ có thể dễ dàng tìm thấy.

Hoặc y tá cũng có thể xem xét tình huống ca mổ và chủ động đưa dụng cụ cần thiết cho bác sĩ mà không cần phải đợi nhắc nhở.

Để có thể đạt được độ chuẩn xác nhất trong việc sắp xếp các dụng cụ mổ, y tá phải có sự hiểu biết nhất định về ca phẫu thuật mà mình sẽ tham gia. Đồng thời, họ cũng cần có sự quan sát tỉ mỉ và nhanh nhạy, để biết chính xác những gì bác sĩ đang cần nhằm đáp ứng kịp thời nhất có thể. Bởi trong bất cứ ca phẫu thuật nào, “thời gian chính là vàng bạc”.

2. Hai tay nâng ngang ngực trước khi tiến vào phòng phẫu thuật

Hầu hết các bộ phim truyền hình Hàn Quốc về đề tài y khoa luôn khai thác tối đa những hoạt động xảy ra từ trước và sau khi vào phòng phẫu thuật. Do đó chắc chắn không dưới một lần, các khán giả màn ảnh nhỏ được nhìn thấy hình ảnh “binh đoàn” bác sĩ và y tá xếp hàng ngay ngắn, chờ đợi đến lượt rửa tay khử trùng.

Dĩ nhiên, hành động sau đó chắc chắn sẽ là các vị y bác sĩ nâng cả hai tay lên ngang ngực và tiến vào phòng mổ với vẻ mặt rất… nghiêm trọng và căng thẳng.

Lý do cho hành động này chính là để ngăn ngừa tối đa sự lây nhiễm vi khuẩn, trong những trường hợp bất cẩn chạm phải những vật dụng chưa được vệ sinh sạch sẽ. Chính vì thế, các bác sĩ phải có trách nhiệm bảo vệ bàn tay của mình trước khi chạm vào các bộ phận bên trong cơ thể bệnh nhân, để tránh những sự lây nhiễm không đáng có.

Đặc biệt, sau khi khử trùng, các bác sĩ thường có thói quen giơ bàn tay cao hơn một chút, với mục đích tránh để bàn tay tiếp xúc các loại vi khuẩn, nước bẩn và các chất dược phẩm bám trên áo, cánh tay và thân thể.

Điều này cũng tương tự với hành động khử trùng thường xuyên xuất hiện trên phim truyền hình. Chỉ khác một điều, các bác sĩ đời thường sẽ không đến mức quá nghiêm trọng và… bi tráng như biểu hiện của “các bác sĩ phim ảnh”.

3. Sự thật về các phòng giám sát ca mổ

Với những ca phẫu thuật đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm xuất hiện trên phim ảnh, chắc chắn sẽ luôn có một người giám sát từ xa thông qua một tấm kính trong suốt, hoặc thậm chí có cả một hội đồng bác sĩ cấp cao quan sát ca mổ từ phòng họp chung.

Tuy nhiên, điều này có thật sự xảy ra trong thực tế? Câu trả lời là KHÔNG. Bởi ngay tại một trong những bệnh viện đại học uy tín nhất Hàn Quốc, cũng không hề có sự tồn tại của căn phòng quan sát bí mật này.

Chính vì thế, những căn phòng quan sát đầy uy quyền mà khán giả được nhìn thấy chỉ là sản phẩm hư cấu được tạo ra bởi các nhà làm phim. Đơn cử trong bộ phim truyền hình y khoa nổi tiếng nhất nhì Hàn Quốc mang tên “하얀거탑” (Quyền lực trắng) (phát sóng trên đài MBC vào năm 2007), các nhà sản xuất đã mạnh tay chi ra số tiền lên đến 1.5 tỷ KRW (~29 tỷ VND), để xây dựng một căn phòng quan sát khổng lồ có quy mô gần 4.000 m².

Sự “làm quá” có một không hai này ngay lập tức trở thành đề tài được bàn tán nhiều nhất trên báo đài và mạng xã hội vào thời điểm lúc bấy giờ. Bởi thực tế, không phải bệnh viện nào cũng có khả năng thiết lập cả một căn phòng “khủng” như thế chỉ để các cấp lãnh đạo có thể quan sát cấp dưới của mình thực hiện ca phẫu thuật.

4. Cả đoàn bác sĩ cùng nhau diễu hành khắp bệnh viện chỉ để… thăm khám bệnh nhân?

Ngoài những cảnh phẫu thuật hoành tráng, các nhà làm phim Hàn Quốc vẫn còn một “át chủ bài” trong việc chinh phục trái tim “mềm yếu” của những vị khán giả màn ảnh nhỏ. Đó chính là một cảnh một binh đoàn hùng hậu với hàng chục bác sĩ cùng nhau đi… diễu hành khắp bệnh viện để thăm khám các bệnh nhân.

Đây là một trong những phân cảnh không thể thiếu trong các bộ phim y khoa, nhằm tạo nên sự kịch tính và cao trào cho cốt truyện, đồng thời nâng cao hình ảnh “oai phong lẫm liệt” cho các y bác sĩ.

Chính vì thế, đây chỉ là chi tiết hư cấu trong thế giới điện ảnh. Bởi trên thực tế, đội ngũ bác sĩ thăm khám bệnh nhân mỗi ngày cũng chỉ tối đa từ 4~5 người, bao gồm bác sĩ phụ trách chính và một số bác sĩ thực tập nội trú.

Do đó cũng chẳng hề có việc các y bác sĩ khác phải lui về hai bên để nhường đường và trịnh trọng cúi chào kiểu cách như những gì khán giả vẫn thường thấy trên phim ảnh.

5. CPR (Cardiopulmonary Resuscitation, Hồi sức tim phổi) – cái bẫy lớn nhất trên phim

Ngoài những cảnh phẫu thuật hoành tráng, phân đoạn các bác sĩ ra sức thực hiện kỹ thuật CPR (tiếng Anh: Cardiopulmonary Resuscitation, tiếng Việt: Hồi sức tim phổi) nhằm cứu sống sinh mạng bệnh nhân cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong các bộ phim truyền hình y khoa.

Tuy nhiên, đây lại tiếp tục là một sản phẩm “làm quá” nhằm tạo nên sự kịch tính, được xây dựng bởi bàn tay nhào nặn của các đạo diễn.

Điều cốt yếu của hồi sức tim phổi chính là tổ hợp các thao tác cấp cứu, bao gồm ấn lồng ngực và hô hấp nhân tạo với mục đích đẩy lượng máu giàu oxy lên não, giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Để đạt được kết quả tốt nhất, thông thường các bác sĩ sẽ thực hiện ép ngực hơn 100 lần mỗi phút, với độ sâu hơn 5cm.

Việc thực hiện động tác ép ngực nói trên đòi hỏi một sức mạnh rất lớn. Do đó, nếu bệnh nhân thật sự rơi vào tình trạng ngừng tim, họ có thể không cảm nhận được sức mạnh này. Tuy nhiên, với những bệnh nhân vẫn còn ý thức, cảm giác đau đớn khi bị chèn ép là điều không thể tránh khỏi.

Chính vì thế, trong các bộ phim truyền hình với các bệnh nhân đều là những diễn viên khỏe mạnh, các y bác sĩ màn ảnh chỉ có thể thực hiện những động tác hết sức nhẹ nhàng, mang tính chất tượng trưng.

Do đó, việc tỏ ra mệt mỏi, đau buồn hay bất lực vì hồi sức tim phổi không thành công để “lấy nước mắt” khán giả màn ảnh nhỏ hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ứng biến của các bác sĩ phim ảnh khi thể hiện cảm xúc qua nét mặt.

Thông thường, trong những tình huống xử lý giả nói trên, việc monitor theo dõi bệnh nhân hiển thị sai thông số, hoặc các thiết bị đo điện tâm đồ gắn sai vị trí là điều không thể tránh khỏi. Điển hình, trong một tập phim “Good Doctor” (Thiên thần áo trắng) (KBS, 2013), có một phân đoạn nữ diễn viên Moon Chae Won (trong vai bác sĩ Cha Yoon Seo) thực hiện hồi sức tim phổi CPR một mình.

Tuy nhiên, đây chỉ là một bối cảnh mang tính chất kịch tính, nhằm thể hiện sự quật cường của nữ bác sĩ trẻ trong nỗ lực mang lại sự sống cho bệnh nhân. Bởi trên thực tế, trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” này, cần phải có rất nhiều bác sĩ hợp sức với nhau mới có thể cứu sống một sinh mạng.

Do đó, những gì xuất hiện trên phim ảnh không thật sự phản ánh đúng thực tế. Sẽ có những cảnh rất đúng với thực tế, nhưng bên cạnh đó cũng có những phân cảnh được tô vẽ quá mức, nhằm mê hoặc trái tim người xem đài.

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận, những điều được các đạo diễn nhào nặn trên phim ảnh không chỉ thành công trong việc mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể từ bản quyền phân phối phim, mà còn góp phần khiến hình ảnh người bác sĩ trở nên đẹp hơn trong mắt công chúng.

Tổng hợp từ Naver

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).