Cuối tháng 1/2020 vừa qua, người dân Hong Kong xôn xao về việc một phụ nữ thuộc giới thượng lưu qua đời khi phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc.

Mới đây, tờ SCMP đã tiết lộ danh tính nạn nhân, đó là Bonnie Evita Law, 34 tuổi, cháu nội của tỷ phú Law Ting-pong – nhà sáng lập chuỗi thời trang Bossini.

Bonnie Evita Law là một trong ba người con của Raymond Law Ka-kui – con trai út của tỷ phú Law. Cô là nhà đầu tư bất động sản đang tham gia vào một số dự án phát triển lớn của Hong Kong.

Cô Law tiến hành hút mỡ và nâng ngực tại thẩm mỹ viện Ollim ở quận Gangnam (Seoul, Hàn Quốc). Trong quá trình tiến hành thủ thuật, cô rơi vào tình trạng hôn mê, được chuyển tới một bệnh viện và qua đời tại đây.

Chồng nạn nhân – Danny Chi – thay mặt gia đình nộp đơn lên tòa án Hong Kong, kiện thẩm mỹ viện Ollim cùng 2 bác sĩ và 1 y tá với các cáo buộc ngộ sát, làm giả hồ sơ trước ca mổ.

Vợ chồng Danny Chi – Bonnie Evita Law có với nhau con trai 7 tuổi (Ảnh: SCMP)

Danny Chi quyết tâm đòi lại công bằng sau những mất mát to lớn từ cái chết của vợ, bao gồm cả 1/3 khoản thừa kế từ bố vợ (một nhà đầu tư bất động sản có 3 người con), cũng như từ nguồn thu nhập thu nhập thực tế hàng năm đáng kể của cô Law.

“Cái chết của vợ tôi là một sự bất hạnh, tắc trách và bất hợp pháp. Đó hoàn toàn do thái độ thờ ơ, lòng tham lam và năng lực yếu kém của thẩm mỹ viện” – người chồng chung sống 10 năm cho biết.

Hiện tại cảnh sát Seoul đã bắt tay điều tra vụ án; trong khi website của thẩm mỹ viện vẫn thông báo kinh doanh bình thường, thậm chí còn cho đặt lịch khám với bác sĩ Kim Sung Il – người phụ trách chính ca phẫu thuật gây chết người.

Cùng lúc đó ở Hong Kong, theo tiết lộ của Danny Chi, bố vợ của anh đã nhận được tin nhắn cầu xin tha thứ từ bác sĩ Kim.

Nạn nhân là cháu gái của tỷ phú thời trang Law Ting-pong, sáng lập Bossini

Theo một tài liệu vụ kiện mà tờ SCMP tìm hiểu được, nạn nhân dự định phẫu thuật thẩm mỹ để kỉ niệm sinh nhật tuổi 35.

Law hoàn thành căng da mặt ở Hàn Quốc vào ngày 21/1, nhưng đã tử vong ngày 28/1 trong lúc hút mỡ cánh tay và vùng xương chậu trên để chuyển lên ngực. Ngoài ra còn tiêm botox ở bắp chân.

Ca mổ được thực hiện bởi bác sĩ Kim, khẳng định bản thân có 10 năm kinh nghiệm. Cùng hỗ trợ phẫu thuật là bác sĩ Jung Tae Gwang và y tá Park Mi Soo nhưng không có bác sĩ gây mê.

Khi bệnh nhân lên cơn đau dữ dội, “co giật và dịch chuyển trong suốt quá trình phẫu thuật”, Kim đã yêu cầu Jung tiêm 2 lần hỗn hợp thuốc an thần ketemine và midazolam.

Đến lúc bắt đầu loại bỏ mỡ từ cánh tay trái, bệnh nhân đã giảm mức bão hòa oxy xuống gần 80%, khuôn mặt và đôi môi chuyển màu tái nhợt.

Khi xe cứu thương đến nơi, cô đã chảy máu từ miệng và mũi trong quá trình hồi sức. Sau đó 1 tiếng, bệnh nhân được tuyên bố tử vong ở bệnh viện Eunpyeong St Mary.

Danny Chi quyết tâm theo đuổi vụ kiện sau khi vợ hôn mê và qua đời tại thẩm mỹ viện Hàn Quốc.

Bác sĩ Ho Chiu-ming, Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ và Tái tạo Hong Kong, nghi ngờ cái chết của Bonnie liên quan đến các thủ tục gây mê. “Dùng sai thuốc hoặc dùng thuốc an thần quá mức có thể gây ra tắc nghẽn đường thở”, bác sĩ Ho nói.

Gia đình của Bonnie Evita Law tin rằng Tiến sĩ Kim Sung Il phải chịu trách nhiệm cho cái chết của cô. Ảnh: Handout.

Thi thể của Law được hỏa táng ngay tại Hàn Quốc ngày 13/2, không làm đám tang ở Hong Kong do dịch COVID-19 mà chỉ tiến hành một lễ tưởng niệm trực tuyến.

Gia đình cô quy trách nhiệm cho ekip phòng khám vì không có bác sĩ gây mê chuyên nghiệp, cũng không làm xét nghiệm trước khi mổ về các loại dị ứng với thuốc gây mê. Cảnh sát đang tiếp tục điều tra.

XEM THÊM: Hàn quốc khắt khe đến mức nào về tiêu chuẩn trai xinh gái đẹp & Ngoại hình vs công việc

Tổng hợp từ SCMPNaver News

author-avatar

About Ngọc Vũ

Kết nối với Hàn Quốc như một cái duyên và gắn bó cùng Hàn Quốc như một định mệnh. Quan tâm tới văn hoá, xã hội, các tin tức thời sự và mối quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).