Trong những ngày đông lạnh giá, cộng đồng mạng Hàn Quốc thích thú khoe nhau những bức ảnh chụp được những chú chim bồ câu đang lang thang trong ga tàu điện ngầm.

Thường ga tàu điện ngầm ở Hàn Quốc ở dưới lòng đất sâu, có nhiều cầu thang ngoằn nghèo nên để lọt được xuống ga tàu điện ngầm là cả một thử thách với mấy chú bồ câu này.

Nhưng chắc vì trời lạnh quá nên nhiều chú bồ câu đánh liều chui xuống đây trú tạm.

Có chú “bá đạo” hơn, còn chui hẳn vào toa tàu điện ngầm. Một bạn Hàn Quốc chụp ảnh chú bồ câu “đi” cùng mình lên tàu từ ga Hapjeong. Đến ga Gangnam, như đã “dự tính” điểm xuống từ trước, chú bồ câu này thản nhiên bay ra trước sự bất ngờ của những người dân trên tàu.

Có người để lại bình luận: “Trời lạnh, chắc nó lười bay nên đi tàu cho ấm đây mà!”, “Chắc sắp tới phải thu phí giao thông bọn chim này mất!”

Nhắc đến chim bồ câu, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới biểu tượng của hoà bình.

Nhưng người dân ở nhiều nước châu Á lại chỉ nhau cách chế biến chim bồ câu như bồ câu hầm, bồ câu quay, bồ câu nấu miến…

Nếu bạn khoe các món ăn này với người Hàn Quốc, chắc họ sẽ trợn tròn mắt ngạc nhiên đấy. Việc đánh bắt hay ăn thịt chim đã trở nên vô cùng xa lạ ở Hàn Quốc. Đó là chưa kể, nếu chẳng may bắt phải các loài chim nằm trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng thì bạn còn có thể bị phạt rất nặng nữa đó!

Vì bồ câu không sợ bị bắt làm thịt nên ở Hàn Quốc, bạn sẽ thấy một hình ảnh khá ngược đời: người sợ chim chứ không phải chim sợ người!

Tại Hàn Quốc, các chú chim bồ câu sống thành từng đàn, tự do bay nhảy trên vỉa hè, trong các công viên. Các chú chim bồ câu Hàn Quốc béo phì, dáng đi nặng nề và rất dạn người. Bạn tưởng đến gần mà nó sẽ sợ bay đi ư? Không, nhiều khi nó còn chẳng để tâm tới bạn mà vẫn điềm nhiên tìm mồi.

Nếu muốn kiểm chứng sự dạn dĩ, “côn đồ” của bọn… chim thì nhất định bạn phải đến đảo Wolmi (월미도) ở thành phố Incheon. Các đôi nam thanh nữ tú Hàn Quốc thích đến đây hẹn hò vì vừa được hóng gió biển, vừa có tiết mục cho bồ câu ăn và chim mòng biển (갈매기) ăn bimbim.

Các cửa hàng tiện ích ở đảo Wolmi còn có hẳn một quầy bán bimbim nhưng đề hẳn là “갈매기밥” – tức là đồ ăn cho chim mòng biển.

Bọn chim mòng biển ở đây béo ụ, sặc mùi “tư bản chủ nghĩa” – chúng biết ai có đồ ăn và sẽ vây kín bạn đến khi nào túi bimbim của bạn trống trơn thì chúng sẽ lặng lặng bay đi tìm con mồi mới. Không cẩn thận, bạn còn bị chúng tặng cho một bãi… ị làm kỉ niệm nữa đó!

Cùng là phận chim, nhưng bồ câu trong thành phố lại không sướng bằng bồ câu ở đảo Wolmi. Ngoài không có môi trường tự nhiên, bồ câu cũng bị khan hiếm nguồn lương thực, nhiều khi phải bới rác tìm thức ăn.

Nhiều khu chung cư hay công viên trong thành phố còn dán biển “Cấm không cho bồ câu ăn”. Vì sao ư? Vì người Hàn cho rằng những bầy bồ câu hoang “ăn bờ ngủ bụi”, không được tiêm chủng sẽ là nguyên nhân reo rắc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Bởi thế nên không phải lúc nào bạn cũng tái diễn cảnh cho chim bồ câu ăn rồi đùa giỡn với chúng như trong các bộ phim lãng mạn nhé! Nếu làm điều đó ở khu vực cấm thì nhiều khi bạn sẽ nhận được những ánh mắt thiếu thiện cảm của người Hàn đấy!

Bồ câu trong thành phố cũng khá lưu manh. Khi đi dạo trên con phố lúc nào cũng đông người như khu phố mua sắm ở Myeongdong, thỉnh thoảng bạn sẽ gặp cảnh những cô gái hét toáng lên vì bọn bồ câu đột ngột bay lên. Nhưng mặc cho bạn ghét, chúng vẫn cứ… trố mắt nhìn và láo liên tìm mồi như thể bạn là người vô hình vậy.

Như vậy là bồ câu ở Hàn Quốc bị con người “bơ”, chẳng thèm động đến và chúng cũng “bơ” luôn người. Bằng nhiều cách chật vật, đôi khi có phần “lưu manh”, bồ câu vẫn bám trụ trên những vỉa hè đông người qua lại.

Thêm một chi tiết thú vị nữa tặng bạn! Bạn có biết nghĩa danh từ 비둘기 – bồ câu có ý nghĩa gì không? 비둘기 là kết hợp của ‘빗’ + ‘둙’ + ‘이’ trong đó ‘빗’ mang nghĩa của ‘빛’ (tia sáng), ‘둙’ là từ cổ của ‘닭’ (gà), ‘이’ là tiếp ngữ tạo danh từ. Như vậy ‘비둘기’ nghĩa gốc là “con gà tỏa ánh sáng”. Nghe tên rõ hay nhỉ!

XEM THÊM: Những sáng kiến giải cứu mèo hoang của người Hàn Quốc, độc đáo & đáng yêu

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).