Giá cả hàng hóa luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu với khách quốc tế khi đi du lịch. Ngoài những món hàng hiệu xa xỉ được trưng bày trong các khu trung tâm thương mại hoặc quầy giảm thuế tại sân bay, các du khách cũng đồng thời có xu hướng tìm đến những món đồ sinh hoạt hoặc thực phẩm có giá bình dân trong quá trình tạm trú ở nước ngoài.

Điển hình như tại Hàn Quốc, không ít khách du lịch đã tỏ ra ngạc nhiên với giá rẻ đến bất ngờ của phí giao thông công cộng, mặt nạ dưỡng da, dụng cụ văn phòng, vớ, hay cà phê hòa tan. Song bên cạnh đó, cũng có không ít những món hàng có giá “chát” đến mức khiến nhiều người nước ngoài phải choáng váng khi quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ, điển hình như giá bánh mì tại Hàn Quốc.

Thực tế cho thấy, Tổ chức Tình báo Kinh tế Anh đã ước tính trung bình 1kg bánh mì tại Seoul dao động trong mức 15.59 USD (~19.000 KRW và 365.000 VND), đắt hơn hẳn giá bánh mì ở Geneva (Thụy Sĩ) xếp vị trí thứ 2 với 6.45 USD và Paris (Pháp) ở vị trí thứ 3 với 6.33 USD.

Tuy nhiên, bánh mì chưa phải là món hàng duy nhất khiến các du khách cảm thấy “sốc văn hóa” bởi giá quá đắt. Vì Hàn Quốc vẫn còn có đến 5 sản phẩm khác cũng nổi tiếng thuộc hàng đắt nhất nhì thế giới, như danh sách sau đây.

Sữa Hàn Quốc đắt gấp 3 lần sữa tại Đức

Trong một tập phát sóng của chương trình “비정상회담” (Non-Summit) trên đài JTBC, một đại diện đến từ Đức đã chia sẻ: “Ở Đức, bữa sáng thường là ngũ cốc pha sữa. Nhưng kể từ khi sang Hàn Quốc, tôi đã không còn ăn món này nữa, vì sữa ở đây quá đắt”.

Điều này không phải không có lý do. Bởi trên thực tế, 1l sữa tại Hàn Quốc có giá trung bình khoảng 2.616 KRW (50.000 VND). Trong khi đó, sữa tại Đức lại có giá rất rẻ, chỉ khoảng 890 KRW (17.000 VND) khi được chuyển đổi sang tiền Hàn. Như vậy có thể thấy, sữa Hàn Quốc đắt gấp 3 lần so với sữa tại Đức.

Thậm chí khi so sánh với Thụy Sĩ – quốc gia nổi tiếng với danh hiệu đắt đỏ hàng đầu thế giới, giá 1l sữa tại đây khi tính theo tiền Hàn cũng chỉ rơi vào khoảng 2.000 KRW (38.000 VND). Với những bằng chứng này có thể thấy, giá sữa tại Hàn Quốc chắc chắn không thể thoát khỏi danh sách đắt nhất thế giới.

Giá trái cây đắt đến không tưởng

Một sự thật “đáng buồn” rằng, người dân Hàn Quốc khi ra nước ngoài đã gặp phải một “cú sốc lớn” khi nhận ra giá trái cây nước mình thật sự quá đắt, đặc biệt khi so sánh với thị trường trái cây tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

Tương tự, nhiều du khách nước ngoài khi đến Hàn Quốc cũng không thể tránh khỏi cảm giác đi từ bất ngờ đến choáng váng khi chứng kiến giá trái cây cao ngất ngưỡng được niêm yết tại chợ hoặc các siêu thị.

Thử làm phép so sánh giá trái cây của Hàn Quốc với một số nước trên thế giới. Nếu 1kg táo tại Hàn Quốc có giá 6.36 USD (tính theo đô la Mỹ), thì 1kg táo tại Singapore cũng chỉ dừng lại ở khoảng 3.28 USD, hay tại Paris (Pháp) là 3.29 USD.

Như vậy, giá táo tại Hàn Quốc vẫn đắt hơn nhiều so các nước khác, trong khi táo lại là loại trái cây chủ chốt của nền nông nghiệp xứ sở kim chi. Nếu thay đổi táo bằng bất cứ loại trái cây nhập khẩu nào khác như chuối, xoài, dứa… Thử hỏi, giá của những loại trái cây này sẽ còn đắt đến mức nào?

Giá gạo còn “chát” hơn tại Hồng Kông, nơi nổi danh với những món đồ đắt “khét tiếng”

Không chỉ trái cây, gạo cũng loại thực phẩm khiến nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại Hàn Quốc phải “than trời” vì giá quá đắt. Một người Ấn Độ đã phát biểu trên một chương trình thực tế rằng: “So với gạo tại Ấn Độ, gạo Hàn Quốc chắc chắn thuộc vào hàng xa-xỉ-phẩm vì độ đắt xắt ra miếng”.

Người này cho biết, 1kg gạo tại Ấn Độ chỉ có giá 1.000 KRW (~19.000 VND). Trong khi đó, 1kg gạo tại Hàn Quốc lại có giá bán lẻ trung bình lên đến 4.723 KRW (~90.000 VND), thậm chí còn nhiều hơn gấp 2 lần so với 1kg gạo với giá 2.494 KRW (~48.000 VND) tại Hồng Kông, một trong những quốc gia vẫn luôn nổi tiếng về độ đắt đỏ thuộc hàng bậc nhất thế giới.

Giá cà phê cũng “không phải dạng vừa”

Nhiều người nước ngoài đã luôn mặc định suy nghĩ: “Người Hàn Quốc uống cà phê thường xuyên như vậy, chắc hẳn giá cà phê ở đây rất bình dân”. Song, thực tế hoàn toàn ngược lại. Giá một cốc cà phê tại Hàn Quốc thậm chí còn đắt hơn cả Ý – cái nôi của những dòng cà phê đẳng cấp thế giới, hay Mỹ – nơi hình thành nên cà phê Starbucks trứ danh.

Đơn cử, một cốc Cappuccino ở Hàn Quốc thường dao động trong khoảng từ 4.956 KRW (~95.000 VND). Trong khi đó tại Ý, một cốc cà phê tương tự cũng chỉ có giá khoảng 1.600 KRW (~31.000 VND).

Hay khi so sánh giá cả ngay tại Starbucks, cà phê Latte thương hiệu Hàn Quốc có giá trung bình khoảng 3.76 USD (theo giá niêm yết năm 2017), trong khi Latte “hàng hiệu chuẩn Mỹ” cũng chỉ dừng lại ở con số 3.45 USD. Đây chính là lý do vì sao, người nước ngoài tại Hàn Quốc luôn không khỏi choáng váng khi so sánh giá cà phê ở đây với một cốc cà phê thượng hạng tại nước mình.

Giá bia Hàn Quốc còn cao hơn mức trung bình thế giới

Thời tiết nóng dần chính là lúc con người có xu hướng tìm đến những phương pháp “chữa cháy” như tận dụng triệt để công suất của chiếc máy điều hòa, hay nhâm nhi một cốc bia mát lạnh.

Tuy nhiên trong mắt người nước ngoài, bia Hàn Quốc cũng là một thứ đồ uống khiến họ phải đắn đo suy nghĩ trước khi quyết định mở ví. Bởi nếu làm phép so sánh, có thể thấy một cốc bia Hàn Quốc có dung tích 500ml với giá khoảng 4.500 KRW (~86.000 VND) đắt hơn hẳn 4.000 KRW (~77.000 VND) so với giá trung bình trên thế giới. Dĩ nhiên, con số này sẽ còn cao hơn nếu đây là một hãng bia được nhập khẩu vào Hàn Quốc.

Ví dụ, một cốc bia Heineken tại Hàn Quốc có giá trung bình khoảng 2.016 KRW (~39.000 VND) (theo giá niêm yết năm 2016) đắt gấp 2.9 lần so giá 729 KRW (~14.000) của một cốc bia tương tự tại Hà Lan – nơi sản sinh thương hiệu Heineken.

Hay với một cốc bia phong cách Mỹ thương hiệu Miller, giá bán tại Hàn Quốc rơi vào khoảng 2.203 KRW (~42.000 VND) cũng đắt hơn hẳn 2.3 lần so với giá 960 KRW (~18.000 VND) của một cốc bia cùng thương hiệu được bán tại thị trường Mỹ.

Với những bằng chứng trên có thể thấy, Hàn Quốc thật sự không thiếu những món đồ rẻ đến bất ngờ, song cũng chẳng kém về những sản phẩm đắt đến hốt hoảng khi quy đổi theo tỷ giá thị trường.

Tuy nhiên, xét một cách khách quan, Hàn Quốc vẫn luôn là một trong những nơi thu hút khách du lịch nhất nhì thế giới, bởi ngoài những món hàng xa xỉ nói trên, xứ sở kim chi vẫn còn nổi tiếng với văn hóa ẩm thực hấp dẫn, nhiều trung tâm vui chơi sầm uất, cùng hàng ha sa số những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng.

Đặc biệt, văn hóa “no-tip” cũng là một trong những điều khiến du khách nước ngoài hài lòng nhất về đất nước này.

Tổng hợp từ Naver

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).