Bạn biết không, có khoảng 80% người trẻ Hàn Quốc chọn đại học là bước đi kế tiếp cho con đường lập thân sau khi tốt nghiệp cấp 3.

Không khác gì giới trẻ đèn sách Việt Nam, học sinh, sinh viên Hàn Quốc gánh trên vai áp lực cực khủng khiếp một khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tất nhiên, đèn sách ngày đêm là để hướng tới tương lai tươi sáng nhất có thể mà người ta ao ước. Một công việc tốt, lương cao, có vị trí xã hội nhất định, được số đông coi trọng, và từ đó mở ra thêm bao điều thuận lợi khác. Đại học vẫn luôn được cho là “con đường ngắn nhất” để người trẻ có thể chạm đến vinh gấm đời mình.

Ấy thế mà ngày nay, có không ít người trẻ Hàn sau tốt nghiệp đại học đã “dấn thân” vào “địa hạt” vệ sinh đường phố. Đơn cử như Lee Sung Hyung, 22 xuân xanh, “ứng viên” trẻ tuổi nhất cho vị trí công nhân đường phố ở quận Namdong, Incheon. Chia sẻ về lựa chọn của mình, Lee nói: “Tôi chọn công việc này vì nó đảm bảo cho mình về chế độ hưu trí. Tôi cũng có thể đóng góp cho cộng đồng nữa”.

Đáng nói, để có được vị trí này, ứng cử viên trước tiên phải vượt qua vòng hồ sơ. Sau đó, nếu may mắn, họ sẽ bước vào vòng tiếp theo với bài kiểm tra thể lực gồm tối thiểu 20 lần hít xà đơn, giữ bao cát 25kg trong ít nhất 4 phút và vác bao cát chạy nhanh 50m. Cuối cùng, nếu thành công, mới đến vòng phỏng vấn trực tiếp.

Vào khoảng tháng 10/2019, khi văn phòng quận Namdong (Incheon) thông báo về đợt tuyển dụng, có khoảng 110 đơn ứng tuyển cho 16 vị trí vệ sinh đường phố khác nhau. Tỉ lệ chọi là 1:6, và đến 42% số ứng viên thuộc độ tuổi 20 và 30.

Đáng chú ý, lương trung bình trong lĩnh vực này dao dộng từ 45 triệu đến 50 triệu KRW/năm. Chưa hết, nhiều đãi ngộ được bao gồm, kể cả lương làm thêm ngoài giờ, trợ cấp nghỉ lễ và thôi việc.

Trông bình thường là thế, nhưng thực chất công nhân đường phố được quản lý bởi chính quyền địa phương và được coi là các “bán công chức”. Theo hợp đồng, vị trí này có số giờ lao động tối đa 52 giờ/tuần và được nhận lương hưu khi duy trì công việc đến năm 60 tuổi.

Thị trường lao động đã đổi khác

Với dân số già hóa nhanh chóng cùng tỉ lệ nghèo ở người già cao nhất trong khối các nước phát triển, Hàn Quốc cùng lúc phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân sự trẻ cho thị trường lao động và căng thẳng về hệ thống hưu trí. Theo Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp trong độ tuổi 15-29 đã tăng 28.3% trong vòng một thập kỉ thuộc giai đoạn 2008 – 2018.

Thực tế, để gọi là “phải làm gì đó” trước tình hình khá “nguy cơ” này, chính quyền Tổng thống Moon đã cố gắng xoay sở để mang đến vài thay đổi cho luật lao động. Cụ thể, ông Moon đã tăng mức lương tối thiểu, trả lương ngày nghỉ phép và giới hạn tối đa 52 giờ lao động/tuần.

Cùng với tỉ lệ thất nghiệp cao ở người trẻ, nhận thức về công việc vệ sinh đường phố cũng không còn như trước. Thật dễ để số đông nghĩ về loại việc này như một thứ gì đó “cấp thấp”, rẻ mạt và chả ai thèm muốn cạnh tranh.

Nhưng thời thế đổi khác, chứng minh cho chân lí không gì là không thể xảy ra. Thế hệ trẻ Hàn Quốc ngày nay, với tâm thế “bằng cách nào đó phải có việc làm”, đâu đó đã bắt đầu cảm thấy, quét rác là công việc… đầy sức hút và tiềm năng.

Theo một con số thống kê, tỉ lệ lao động của Hàn Quốc vào năm 2019 là 61%. Tuy nhiên, người ta cũng hiểu, con số này dù có đúng thực tế, thì nó được cấu thành bởi tỉ lệ không hề thấp lao động ngắn hạn và bán thời gian.

Tương lai nào cho Hàn Quốc?

Nếu thế hệ 8X hay 9X (đời đầu và giữa) biết đặt sự năng động của mình trong sự hòa hợp với số đông và xã hội. Thì thế hệ tầm 2K và 9X đời cuối tại Hàn đã và đang cho thấy “chúng tôi khác”. Họ ưa thích làm việc cá nhân và khát khao được thể hiện tự do cái tôi cũng như khả năng của mình.

Tuy vậy, văn hóa Á Đông, trong đó có kkondae (꼰대), vẫn ảnh hưởng khá mạnh trong phạm vi môi trường công sở khiến nhiều người trẻ ngột ngạt. Và do đó, không quá khó hiểu khi không ít người trẻ, đã và đang chọn lựa những thứ mà thế hệ anh chị hay cha chú của họ có lẽ cũng chưa từng nghĩ đến.

Tất nhiên, làm công nhân vệ sinh không và chưa bao giờ là tiêu chí để đánh giá về phẩm chất của một ai đó. Dù đó là nghề nghiệp liên quan đến lao động chân tay và được cho là dễ bị thay thế, xã hội nên cảm ơn những người làm công việc này. Bởi một lí do đơn giản, “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.

Và dù thực tế, việc chọn lựa hình thức công việc này bắt nguồn từ nguyên nhân tiêu cực đang tồn tại ở Hàn Quốc thì đó cũng không phải là điều gì quá lạ lùng và có thể giải thích được. Bất cứ thứ gì khi lên đến đỉnh đều sẽ phải tìm cách đi xuống, nó không bao giờ cứ đứng mãi ở cùng một vị trí.

Một cách nghiêm túc mà nói, Hàn Quốc phải đối mặt với không chỉ vấn đề liên quan đến kinh tế hay tăng trưởng. Bản chất hơn, Hàn Quốc cần quay hướng nhìn về nhận thức của xã hội, cũng như nền văn hóa còn rất nhiều bất cập khiến chính họ và người xung quanh phải khổ sở.

XEM THÊM: Samsung Electronics vẫn là nhà tuyển dụng đáng mơ ước nhất của sinh viên Hàn Quốc

Tổng hợp từ Korea Times10mag

author-avatar

About Eileen

Bằng một cách nào đấy, duyên phận là có thật. Tôi với Hàn Quốc, đơn giản chính là như vậy.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).