Khi đến Hàn Quốc, đặc biệt là những khu chợ truyền thống hay những miền quê, các bạn sẽ được gặp một khung cảnh hết sức gần gũi, thân quen: Những cụ già lưng còng đầu cúi rạp đất, tóc xoăn cắt ngang tai bạc phơ và ngồi bên những mẹt hàng bán đồ nông sản.

Tại các thành phố lớn, sự hiện diện của người già bị che lấp bởi dòng người hối hả, những toà nhà cao tầng nguy nga. Người già ở đây sẽ lặng lẽ kéo những xe bán hàng, xe nhặt phế liệu hay mang kiện hàng đi giao trên tàu điện ngầm.

Bạn tự chạnh lòng khi nhìn những người già lưng còng, tóc bạc nhưng vẫn phải nai lưng làm việc. Ở tuổi đó, đáng lẽ họ phải được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu như ở Việt Nam mới đúng chứ?

Rõ ràng nếu xét về thu nhập bình quân đầu người, chế độ phúc lợi xã hội dành cho người già thì Hàn Quốc hơn hẳn Việt Nam, nhưng tại sao người già ở đây lại “khổ” như vậy?

Được làm việc là hạnh phúc

Khi nghỉ hưu, mỗi người chắc chắn sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng cá nhân vì thay đổi môi trường. Có người cảm thấy thừa thãi khi bị gạt ra khỏi guồng quay của xã hội.

Ở Việt Nam, nghỉ hưu được vận dụng với đúng nghĩ đen của nó. Nghỉ hưu có nghĩa là ở nhà, nghỉ ngơi, sum vầy cùng con cháu, sinh hoạt tổ dân phố. Những nhà có điều kiện thì có thêm tiết mục đi du lịch trong nước, nước ngoài.

Nhưng ở Hàn Quốc, nghỉ hưu ở độ tuổi 55-60 tuổi là cơ hội để được bước sang một cuộc đời mới.

Theo kết quả báo cáo do Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 23/7/2019, có 64.9% người cao tuổi (từ 55 đến 79 tuổi) ở Hàn Quốc mong muốn được làm việc thêm. Tỉ lệ này tăng 0,8% so với một năm trước và bình quân độ tuổi mong muốn làm việc tăng thêm một tuổi, lên thành 73 tuổi.

Đa số những nhân viên văn phòng khi đủ kinh nghiệm và thực lực sẽ tách ra để kinh doanh riêng và trở thành những 사장 (ông chủ) mới. Những người không đủ điều kiện kinh doanh thì chọn những việc đơn giản hơn như lái taxi, 부업 (nghề phụ tại nhà)…

Đến Hàn Quốc, bạn sẽ thấy phần lớn các 기사님 (bác lái xe taxi) đa phần đều từ 60 tuổi trở lên. Khi hỏi chuyện gia đình mới biết, có rất nhiều người có nhà cửa đề huề, con gái trưởng thành và đang sống rất tươm tất, nhưng vẫn ngày ngày dậy từ 2h sáng để đổi ca lái taxi.

Tại sao họ phải đánh đổi những giây phút nhàn nhã ở nhà để làm những công việc vất vả như thế khi tuổi đã cao?

Đa số người già Hàn Quốc vẫn muốn làm việc không phải vì con cháu bắt ép hay quá thiếu thốn về mặt kinh tế mà tự thân họ muốn hướng tới một cuộc sống tinh thần phong phú và năng động hơn.

Từ việc không muốn dựa vào con cháu

Trong quá khứ, khi mô hình gia đình truyền thống với ba bốn thế hệ sống chung với nhau còn phổ biến, hình ảnh người cao tuổi nương nhờ con cháu không hiếm.

Nhưng xã hội Hàn Quốc giờ đã thay đổi và mô hình gia đình chỉ có hai vợ chồng đang phát triển nhanh, các ràng buộc trách nhiệm với ông bà cha mẹ cũng theo đó mà giãn dần.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng dẫn đến việc những người trẻ ra thành phố làm việc, kết hôn và sinh con, trong khi cha mẹ họ phải sống cô đơn một mình.

Điều này dẫn đến một thực trạng đau lòng, có những người già sống và chết trong cô đơn (고독사 – cô độc tử), không ai quan tâm và hay biết đến sự tồn tại của họ.

Trong một cuộc khảo sát về chủ đề: Ai sẽ chịu trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già? thực hiện năm 2018, chỉ có 26.7% người được hỏi trả lời rằng gia đình phải chịu trách nhiệm trên. Số người trả lời rằng xã hội hay các đối tượng khác phải chịu trách nhiệm chăm sóc cha mẹ là 54%.

Những thay đổi trong mối quan hệ với gia đình, cấu trúc xã hội, kinh tế và văn hóa là nguyên nhân chính dẫn đến sự cô lập của người già ở Hàn Quốc. Nhiều người thậm chí còn bình luận cay đắng rằng: Ở Hàn Quốc, không có chỗ cho những người già.

Đến niềm tự hào lao động

Hệ thống cơ chế bảo vệ thu nhập sau về hưu ở Hàn Quốc có cấu trúc phức tạp. Lương hưu công cộng 250.000 KRW được cung cấp cho người cao tuổi có mức thu nhập dưới 70% mức thu nhập trung bình.

Mặc dù Hàn Quốc có nhiều hệ thống khác nhau để bảo vệ người cao tuổi không rơi vào cảnh nghèo đói, tỷ lệ người cao tuổi nghèo vẫn là 46.7% vào năm 2016, cao nhất trong khối các nước OECD và cao hơn 3 lần mức trung bình của OECD.

Theo khảo sát khoảng 24% người cao tuổi trả lời không nhận được trợ giúp từ Chính phủ mặc dù sống ở mức nghèo. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 35% người cao tuổi không chuẩn bị cho những năm sau nghỉ hưu mà chủ yếu sử dụng tiền tiết kiệm và lương hưu.

Với khoản tiền hỗ trợ 300.000 KRW ~ 400.000 KRW của chính phủ, người cao tuổi khó có thể sống tại Seoul, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Ông Park, 71 tuổi, vẫn đang làm công việc giao hàng cho các căn hộ chung cư. Ông là một trong số hàng triệu người góp phần tạo nên Kỳ tích sông Hàn, đưa Hàn Quốc từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá trong những năm 1950 thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới.

Tuy nhiên, thế hệ của ông quá bận rộn để sinh sống và nuôi con, không kịp chuẩn bị cho những năm sau nghỉ hưu. Vì không muốn phụ thuộc vào các con, ông Park đăng ký vào một chương trình quốc gia giúp người già tìm việc và bắt đầu làm nhân viên giao hàng kể từ năm 2014.

Ông Park hiện làm việc ba ngày một tuần, giao khoảng 100 gói hàng và kiếm thêm 400.000 KRW/tháng. Hầu hết đồng nghiệp của Park đều ngoài 70 tuổi, người già nhất 78 tuổi. “Tôi cảm thấy tự hào và may mắn vì vẫn có thể làm việc”, ông Park nhấn mạnh.

Chính sách tạo việc làm của chính phủ

Ngoài tiền hưu trí, chính phủ Hàn Quốc còn hỗ trợ vé tàu điện ngầm miễn phí cho người già.

Tận dụng chính sách này, ông Cho Yong Moon, 75 tuổi, dành 9 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần di chuyển ra vào các trạm tàu điện ngầm ở Seoul để vận chuyển hồ sơ, các gói thức ăn tới mọi ngõ ngách của thủ đô.

“Đây không phải công việc dễ dàng, đặc biệt khi tôi phải bước lên cầu thang ở nhà ga tàu điện ngầm để bê những gói hàng nặng”, Cho Yong Moon thổ lộ. Ông kiếm được khoảng 500.000 KRW mỗi tháng, tương đương khoảng một nửa số tiền ông và vợ cần để duy trì cuộc sống.

Theo các số liệu thống kê mới nhất, tại Hàn Quốc những người từ 60 tuổi trở lên đang đi làm hay đang tìm kiếm việc làm tính ra là nhiều hơn là những thanh niên ở độ tuổi 20.

Bên cạnh công việc, người già Hàn Quốc cũng dành tiền du lịch cùng gia đình, sinh hoạt các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi. Nhưng việc ưu tiên nhất của họ vẫn là “đi làm” vì như ông Cho chia sẻ: “Đi làm để duy trì sức khỏe, để giao tiếp xã hội và để thấy mình vẫn còn năng động như ngày nào”.

XEM THÊM:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).