Ở Hàn Quốc hiện nay, tại nhiều cửa hàng, những nhân viên làm nhiệm vụ đứng trực quầy đón khách và bán hàng đã bắt đầu được thay thế bởi ki-ốt tự động. Các ki-ốt này được lập trình để cung cấp những dịch vụ như nhận đơn đặt hàng, thanh toán và chúng được đặt ở khắp nơi bao gồm các cửa hàng ăn nhanh, cửa hàng tiện lợi, sân bay và rạp chiếu phim.

Trong khi công nghệ di động và tự động hoá đang dần chiếm lĩnh cuộc sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc, phần đông người cao tuổi ở đất nước có tốc độ già hoá chóng mặt này đang cảm thấy bị tách biệt và bỏ lại phía sau.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ – vốn vì mục đích giúp cuộc sống của con người trở nên tiện nghi hơn, ngược lại đang tạo ra một rào cản vô hình giữa người lớn tuổi với thế giới hiện đại và khiến khoảng cách thế hệ với người trẻ ngày càng lớn.

Vật lộn với máy móc để sống

A, một sinh viên đại học 23 tuổi, nhờ bố đi mua hộ một phần bánh hamburger. Ngay sau đó, cậu chợt nhớ ra là cửa hàng thức ăn nhanh đã thay thế nhân viên ở quầy bán hàng bằng các ki-ốt không người và bắt đầu cảm thấy lo lắng rằng bố mình sẽ không mua được bánh.

Đúng như dự đoán, ngay cả khi hai cha con đã nói chuyện một hồi lâu qua video call với nhau và A đã giải thích hết sức cặn kẽ về thao tác mua hàng, song bố của cậu vẫn đành bỏ cuộc sau một lúc loay hoay đổ cả mồ hôi hột với chiếc máy. A không thấy phiền phức mà ngược lại, chỉ cảm thấy xót xa vì bố của cậu chỉ mới ngoài 50 và ông đã bắt đầu không theo kịp với sự tiến bộ kỹ thuật của thời đại.

Bố của A không phải là người thuộc tầng lớp trung niên, lớn tuổi duy nhất phải vật lộn để sống một cuộc sống bình thường ở Hàn Quốc ngày nay.

Nhiều bậc phụ huynh ở độ tuổi U60 khác, nếu không có con cái bên cạnh để đặt món bằng ứng dụng giao hàng hộ thì họ chỉ thường gọi đồ ăn ở đúng một nơi quen thuộc. Hoặc ở những rạp chiếu phim không có quầy bán vé, họ cũng phải loay hoay rất lâu để tìm cách in xuất vé. Những người này chỉ có thể quen thuộc với các chức năng cơ bản của Kakao Talk, ngoài ra thì những ứng dụng khác hoặc các ki ốt tự động đều là bài toán khó đối với họ.

Theo báo cáo của Cơ quan Xã hội Thông tin Quốc gia Hàn Quốc (NIA) năm 2018 về khảo sát sự chênh lệch thông tin kỹ thuật số (디지털 정보격차), chỉ có 63.1% dân số trên 55 tuổi đáp ứng mức độ khả năng tối thiểu về sử dụng CNTT.

Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh của đối tượng này đạt 68.4%, thấp hơn rất nhiều so với con số 91% của toàn dân Hàn Quốc.

Người trẻ có thể thích nghi dễ dàng trong thời đại số. Nhưng đối với nhiều người lớn tuổi, cái gọi là sự tiện lợi nhờ công nghệ kỹ thuật lại khiến cho việc sinh hoạt hàng ngày trở nên vô cùng khó khăn. Ngay cả các cơ quan công cộng cũng đã nhanh chóng thay đổi hình thức cung cấp dịch vụ công truyền thống theo hướng tiếp cận kỹ thuật số.

Khoảng cách về kỹ thuật số đã dẫn đến sự khác biệt thế hệ trong tiêu dùng. Người cao tuổi gặp khó khăn trong việc thao tác sử dụng các ki-ốt tự động cũng như các bước trong ứng dụng trên điện thoại thông minh, do đó họ bắt đầu chần chừ trong việc tiêu dùng.

Công nghệ “tự động không người” càng được ứng dụng nhiều trong đời sống sinh hoạt ở các nơi có mật độ dân số đông, khoảng cách về chất lượng cuộc sống sẽ càng lớn. Những người “mù công nghệ” sống tại các khu vực thành phố lớn và phát triển như Seoul sẽ đặc biệt cảm nhận được điều này.

Jang, một người đam mê quần vợt đã vài chục năm nay cho biết cô từ bỏ chơi môn thể thao này do gặp rắc rối liên quan đến việc đặt trước sân tennis ở địa phương. Nhiều cơ sở kinh doanh các hoạt động thể thao ở Seoul, như kinh doanh sân tennis, được vận hành trên cơ sở chỉ đặt chỗ trực tuyến, nhưng quy trình này được đánh giá là phức tạp đối với những người lớn tuổi như Jang.

Tôi cảm thấy phiền phức và có phần ganh tị với những người trẻ hơn vì họ có thể thành thạo đặt sân chơi tennis. Tôi đã quá mệt mỏi khi cứ phải nhờ người đặt sân hộ mình. Vì thế tôi đã quyết định nghỉ chơi môn thể thao mình đã yêu thích bao nhiêu năm qua.” – Jang chia sẻ.

Ông Kim Ki Woong – giáo sư về sức khoẻ tâm thần ở bệnh viện Bundang thuộc Đại học Quốc gia Seoul cho hay, “Càng lớn tuổi, mức độ thích ứng và thành thạo các kỹ năng mới sẽ bị giảm sút.” Những người cao tuổi phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu các thiết bị số mới và ngay cả khi họ đã thành thạo, những sản phẩm này vẫn thường được phát triển hướng đến thị trường người trẻ tuổi năng động hơn.

13 Chính sách dành cho người cao tuổi ở Hàn Quốc

Từ tháng 9/2020, sổ ngân hàng làm bằng giấy sẽ dần dần biến mất, các loại giấy chứng nhận điện tử cũng được đẩy mạnh sử dụng. So với các ki-ốt hiện có, mức độ phức tạp về kỹ thuật số trong tương lai sẽ tăng lên nhiều.

Hãng hàng không Jeju Airlines mới đây cũng đưa ra thông báo sẽ tiến hành thu phí 3000 KRW cho hành khách có nhu cầu được xuất vé máy bay các chuyến nội địa tại quầy nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi và tăng tốc dịch vụ. Quy định này không áp dụng với hành khách có trẻ sơ sinh đi cùng, người gặp khó khăn trong di chuyển, hành khách VIP và hành khách cần sự giúp đỡ từ nhân viên.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn để xác định đối tượng “khách cần sự giúp đỡ từ nhân viên” là rất mơ hồ. Khi thông báo này được đưa ra, đã có người bày tỏ quan ngại cho những người lớn tuổi. Người Hàn Quốc giờ đây đã bước vào thời đại mà nếu không chịu tiếp thu tiến bộ kỹ thuật số thì cuộc sống sẽ rất vất vả.

Người cao tuổi Hàn Quốc thích đi “nghỉ mát” ở sân bay Incheon

Giải pháp nào cho những người lớn tuổi trong thời đại số?

Trước sự nghiêm trọng hoá của hiện tượng người lớn tuổi bị cô lập bởi kỹ thuật số, có tiếng nói cho rằng nên hạn chế sự phát triển của tự động hoá trong việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ tài chính (ví dụ như các ki-ốt nhận đơn đặt hàng, bán vé…).

Tuy nhiên, trên thực tế, không thể kiềm hãm sự phát triển dù là ở phương diện nào vì những người không theo kịp sự tiến bộ thời đại. Thay vào đó, nên nỗ lực nhiều hơn nữa để giúp họ có thể sớm thích nghi với công nghệ mới trong thời đại mới.

Chẳng hạn, nên tuyển dụng một nhân viên hướng dẫn tại những nơi đặt nhiều máy ki-ốt tự động. Nếu việc tuyển dụng gặp khó khăn, chính phủ sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo người lớn tuổi hoặc người khuyết tật nhẹ không tìm được việc làm và thuê họ làm công việc này. Cùng là người gặp khó khăn trong việc thao tác công nghệ máy móc, những người này sẽ tìm được phương pháp hướng dẫn dễ hiểu hơn cho khách hàng.

Giao diện của các ki-ốt – máy bán hàng tự động cũng được khuyến khích thiết lập đồng nhất hoặc tương tự để giảm sự lúng túng của khách hàng lớn tuổi mỗi khi gặp phải một giao diện mới.

Ngoài ra, nên tạo một ki-ốt dành riêng cho người già mà không có giới hạn thời gian thanh toán để họ có thể tự mày mò. Điều quan trọng là phải tăng kích thước phông chữ của ki-ốt tự động, thiết lập các hình ảnh minh hoạ dễ nhận ra và thay tiếng Anh bằng tiếng Hàn để hỗ trợ tối đa người lớn tuổi trong việc tiếp nhận kỹ thuật số mới.

XEM THÊM: Người Hàn Quốc chật vật tuổi trung niên

Tổng hợp từ Money Today

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).