Soju – đồ uống quốc dân Hàn Quốc đã và đang được người tiêu dùng trên khắp thế giới yêu thích. So với những loại rượu khác, rượu soju là mặt hàng bán chạy nhất và được xuất khẩu sang hầu hết các nước trên thế giới.

Ngoài các nguyên liệu sản xuất truyền thống như gạo, lúa mì, lúa mạch… ngày nay, soju còn được làm từ khoai tây, khoai lang và các loại trái cây như táo, đào, cam, nho…

Soju là một sự kết hợp lý tưởng góp phần tô điểm thêm cho những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc. Điển hình như khả năng làm dịu bớt vị cay xé lưỡi của bánh gạo cay hay cân bằng độ béo ngậy của những miếng thịt nướng thơm ngon.

Rượu soju có nhiều loại, tiêu biểu như: Yipsejoo (잎새주), Chum Churum (처음처럼), Good Day (좋은 데이), Chamisul (참이슬)… Trong đó, siêu phẩm của tập đoàn HiteJinro, soju Chamisul là một trong những thương hiệu thống trị thị trường soju Hàn Quốc.

Nồng độ cồn của soju thường ở mức 25%, tuy nhiên, với mục đích mang đến nhiều sự lựa chọn mới mẻ, phù hợp với sở thích của từng đối tượng khách hàng, HiteJinro đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm với nồng độ đa dạng như 23%; 20.1% và 17.2%. Đồng thời, vào tháng 3 năm ngoái, tập đoàn này đã quyết định giảm nồng độ từ 17.2 xuống còn 17º.

Mới đây nhất, HiteJinro chính thức thông báo sẽ cho ra mắt thêm một loại soju “nhẹ nhàng hơn”, đó chính là Chamisul 16.9º. Sản phẩm mới dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào tuần tới.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi nhiều qua các năm. Nếu như trước đây, những chai rượu càng đắng càng được nhiều người “săn lùng” thì gần đây, khách hàng lại có nhu cầu tìm đến những loại rượu có nồng độ không quá cao, dễ uống.

Đại diện công ty chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng nắm bắt thị hiếu để có thể để kịp thời đáp ứng và dẫn đầu trong việc toàn cầu hóa rượu soju khi mà ngày càng nhiều khách hàng lựa chọn những sản phẩm có nồng độ cồn thấp”.

Dễ dàng nhận thấy, dù đã từng rất phổ biến và “làm mưa làm gió” trên thị trường, giờ đây soju 25º không còn giữ được phong độ như xưa và từng bước nhường chỗ cho các “đàn em” của mình, nhất là kể từ khi soju 20º lần đầu tiên xuất hiện năm 2006.

Năm 2012, toàn bộ rượu của thương hiệu Chamisul và Chum Churum đều ở mức 19º, tiếp tục giảm xuống 18º năm 2014 và đến năm 2018, nồng độ cồn chỉ còn 17º. Đặc biệt, ngay sau khi Jinro is back (진로이즈백) 16.9º chính thức xuất xưởng và được đón nhận nồng nhiệt vào năm ngoái, Chum Churum đã nhanh chóng giảm nồng độ, sản xuất sản phẩm cạnh tranh.

Bên cạnh đó, theo Luật bảo vệ sức khỏe Hàn Quốc, chỉ những sản phẩm có cồn từ 17º trở xuống mới được phép quảng cáo trên truyền hình và đó cũng là lý do tại sao, Hite Jinro lại cho ra đời phiên bản mới toanh này.

Hiện tại, Jinro is back và Chum Churum 16.9º đã cho thấy sức “cống phá khủng” của mình khi xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông, không chỉ giúp doanh số bán hàng tăng vượt bậc mà còn khiến người dân có cái nhìn thiện cảm và “sạch sẽ” hơn về loại “đồ uống quốc dân” này.

Một quan chức trong ngành công nghiệp rượu cho biết: “Việc điều chỉnh giảm nồng độ là một bước đi cần thiết và có lợi cả về mặt xu hướng tiêu thụ cũng như marketing”.

XEM THÊM: Đồ uống giải rượu – Thị trường khổng lồ của quốc gia uống rượu hàng đầu thế giới

Tổng hợp từ DongA

author-avatar

About Thu Thảo Phạm

Chuyển hướng sang học tiếng Hàn là một quyết định chưa bao giờ khiến tôi thất vọng. Và cũng bắt đầu từ ngày đó, tình cảm tôi dành cho Hàn Quốc ngày càng trở nên sâu đậm hơn.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).