Trong thời đại 4.0, Youtube, Facebook hay các nền tảng xã hội khác là một mảnh đất màu mỡ cho những cá nhân hay tổ chức “bội thu”. Những cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức như Facebook, Google, YouTube… được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh.

Tuy nhiên, không phải kênh Youtube nào cũng đóng thuế thu nhập đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc truy thu thuế từ các Youtuber hoặc những người kiếm tiền qua quảng cáo nhờ việc sáng tạo nội dung trên các trang mạng xã hội vẫn là vấn đề nhức nhối ở khá nhiều các quốc gia.

Tại Việt Nam, cục thuế cũng đã phát hiện rất nhiều Youtuber thu nhập ngàn tỷ nhưng lại không kê khai các khoản thu nhập. Để khắc phục vấn đề này, cục thuế đã phải yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng để kiểm tra các nguồn thu nhập từ nước ngoài của công dân.

Ở Hàn Quốc, việc các Youtuber không kê khai thu nhập là “điều không thể” xảy ra do mọi thu nhập vào tài khoản ứng với số an sinh xã hội của các Youtuber đều được tự động kê khai để tính thuế vào cuối năm. Như vậy, tưởng chừng như Hàn Quốc sẽ không thất thu thuế từ những Youtuber như trường hợp của Việt Nam. Nhưng, “không dùng được chiêu này, thì ta bày chiêu khác”, các Youtuber Hàn vẫn có muôn cách để trốn thuế.

A là chủ một kênh Youtube về thời sự và chính trị với hơn 100.000 người theo dõi. A nhận thấy nếu nhận tất cả thu nhập qua quảng cáo từ Youtube và Google bằng tài khoản của mình, mức thu nhập phải chịu thuế của anh ta cũng tăng lên. Vì vậy, A đã đăng ký tài khoản ngân hàng của con gái mình với Google.

Như vậy, A đã “giấu” được một phần thu nhập của mình và chỉ cần kê khai phần thu nhập A nhận qua tài khoản của chính mình. Ủy ban dịch vụ thuế quốc gia Hàn Quốc vừa điều tra ra trường hợp của A và đã truy thu được hàng trăm triệu KRW tiền thuế.

B, một người sở hữu các kênh video với hơn 200.000 lượt theo dõi trên Youtube và Afreeca TV lại có một cách khác để trốn thuế.

Tại Hàn Quốc, những khoản tiền dưới 10.000 USD từ “tài khoản cá nhân” (ví dụ như tài khoản của bản thân hoặc người thân) ở nước ngoài gửi về sẽ không bị kê khai và tính thuế. Vì vậy, B đã nhận tiền từ Youtube và Google qua một tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Sau đó chia nhỏ số tiền này rồi mới gửi về tài khoản của mình ở Hàn Quốc.

Ngoài ra, B còn kê khai một số khoản là chi phí sản xuất, kinh doan như lương trả cho nhân viên, người quản lý… để được khấu trừ thuế. Cuối cùng, gần như chẳng có thu nhập nào của B ở mức phải chịu thuế. Và B gần như không phải đóng một đồng thuế nào.

Ủy ban dịch vụ thuế đã điều tra chi tiết về các khoản chuyển/nhận tiền ra/từ nước ngoài của tài khoản của B. Nhờ đó, Ủy ban thuế đã phát hiện ra cách thức B che giấu thu nhập của mình và truy thu được hàng tỉ KRW thuế thu nhập cá nhân.

A và B chỉ là những ví dụ điển hình được công bố trong cuộc điều tra của Ủy ban dịch vụ thuế quốc gia Hàn Quốc. Theo đó, còn rất nhiều trường hợp đang được điều tra. Tuy nhiên, Ủy ban thuế Hàn Quốc cũng bày to lo ngại rằng còn rất nhiều Youtuber không sử dụng tên thật của họ, hoặc vẫn chưa được đưa vào danh sách điều tra…

Lượng người xem Youtube đã tăng vọt và số lượng những Youtuber kiếm được tiền cũng tăng lên nhanh chóng, làm tăng thêm mối lo ngại về việc thất thu thuế.

Theo thống kê của Google Hàn Quốc, tính đến ngày 11/5/2020, đã có 4.379 kênh Youtube của Hàn có hơn 100.000 người đăng ký theo dõi. Con số này gấp gần 12 lần so với vỏn vẹn 367 kênh vào năm 2015.

Tháng 8 năm ngoái, Các bộ ban ngành liên quan đã tổ chức một cuộc họp chung, thảo luận về cách thức “hồi sinh” các kênh truyền thông cá nhân. Tại cuộc họp này, chính phủ Hàn Quốc dự đoán rằng doanh thu từ khu vực này sẽ đạt 5.7 nghìn tỉ KRW trong năm nay và 5.9 nghìn tỷ vào năm 2023.

Cơ quan thuế rất khó nắm bắt thu nhập của các Youtuber theo thời gian thực vì các khoản thu nhập này được chuyển từ Google, một công ty nước ngoài. Việc “bắt” được những người nhận tiền bằng tài khoản của người khác hay chỉ nhận những khoản tiền dưới 10.000 USD là không dễ dàng gì.

Ngoài ra, nếu các Youtuber đăng ký nhận tiền qua tài khoản cá nhân được mở ở nước ngoài, rồi mới chuyển từ tài khoản cá nhân đó vào tài khoản cá nhân ở Hàn Quốc thì sẽ rất khó kiểm tra nguồn gốc số tiền.

Nếu Google chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản trong nước, việc “chuyển doanh thu quảng cáo” sẽ minh bạch và rõ ràng thông qua dữ liệu giao dịch ngoại hối do ngân hàng Hàn Quốc nắm giữ. Nhưng nếu thu nhập này vào Hàn Quốc sau kho đã thông qua một tài khoản cá nhân ở nước ngoài, rất khó để nắm được nguồn gốc số tiền là “thu nhập từ quảng cáo”. Vì vậy, có quan thuế gần như sẽ không điều tra những khoản này.

Ủy ban dịch vụ thuế quốc gia Hàn Quốc đã thông báo vào ngày 24/5 rằng cơ quan này đang có kế hoạch tập trung điều tra những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội có thu nhập cao. Thêm vào đó, cơ quan này cũng có kế hoạch kiểm tra những giao dịch ngoại hối từ 1.000 USD thay vì mức 10.000 USD trước đây. Kế hoạch này có thể được áp dụng từ năm nay, tận dụng tối đa thông tin giao dịch tài chính được trao đổi định kỳ giữa hơn 90 quốc gia.

Ủy ban thuế Hàn Quốc cũng yêu cầu những người sáng tạo nội dung báo cáo trung thực thu nhập họ nhận được từ các nhà khai thác nền tảng mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm ở nước ngoài.

Tổng hợp từ YNA

author-avatar

About Ary

Tôi tìm thấy mình trong những chuyến đi.

Cảm giác đó không thể nào thay thế được bởi chính lý do thúc đẩy tôi vào các cuộc hành trình chỉ đơn giản là khung hình trong đôi mắt mình thay đổi khi những con đường lướt qua.

 (P/S: Câu này không biết của ai nhưng thấy hợp với mình thì để thôi ^^)

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).