Ngày 07/4/2019, ông Cho Yang Ho, cựu chủ tịch tập đoàn Hanjin và hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc Korea Air qua đời tại Los Angeles, Mỹ.

Cái chết của ông Cho được rất nhiều nhà kinh tế học Hàn Quốc bày tỏ sự thương tiếc, bởi trên cương vị của chủ tịch một tập đoàn, ông Cho là một nhà kinh tế lỗi lạc, đóng góp nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc.

Sự ra đi đột ngột của ông Cho không chỉ đơn thuần là bệnh tật, nó còn là kết quả của sự chịu đựng nỗi tủi hổ mà gia đình ông này phải trải qua trong suốt 5 năm. Những “vết nhơ” trong quá khứ của gia đình vị chủ tịch này đã bào mòn thanh danh của Korean Air và gián tiếp đẩy ông vào thế đường cùng.

Cách cư xử tồi tệ của cả gia đình đã đẩy gia đình ông Cho Yang Ho vào nhóm những người siêu giàu tai tiếng nhất Hàn Quốc.

Số phận bi thảm ít ai biết của công chúa út chủ tịch tập đoàn Samsung

Chủ tịch Cho Yang Ho

Ông Cho Yang Ho (조양호) sinh ngày 08/3/1949, là con trai cả của Cho Joong Hoon (조중훈), nhà sáng lập hãng hàng không Hàn Quốc. Ông Cho gia nhập Korean Air năm 1974 và mau chóng trở thành Chủ tịch của Tập đoàn Hanjin và Korean Air.

Ông Cho cũng từng lập nên chiến tích vô tiền khoáng hậu khi đưa Korean Air lên đỉnh cao của danh vọng, trở thành hãng hàng không hàng đầu thế giới theo xếp hạng bởi Air Transport World năm 2018, đồng thời nhận 4 sao xếp hạng từ Skytrax.

Năm 2018, Airline Ratings dành trặng cho Korean Air vị trí thứ 8 đáng ngưỡng mộ, vượt trên Japan Airlines của Nhật Bản và Cathay Pacific của Hồng Kông. Trước đó, Korean Air chỉ là một hãng hàng không “hạng thường” sau các bê bối tai nạn máy bay vào 2 thập niên trước.

Doanh thu của Korean Air lội ngược dòng ngoạn ngục, đạt ngưỡng 12,65 tỉ USD năm 2018. Theo thống kê, đội bay của Korean Air đã chạm ngưỡng 167 phi cơ và số điểm bay “thăng hoa” lên ngưỡng 124.

Tuy nhiên, thành công và danh vọng đã được dựng xây một nền tảng lỏng lẻo và suy yếu, bởi chiến tích của ông Cho không thể khiến người ta quên đi núi “tội” của ông.

Biển thủ, bội tín, gian lận và vi phạm pháp luật liên quan đến thuế và các vấn đề mua bán sử dụng thuốc dường như là những mồi lửa thắp lên cuộc đại hỏa hoạn khiến cho “lâu đài cát” mà ông dày công xây dựng sụp đổ.

Đầu những năm 2000, ông Cho “tự khóa tay mình” bằng khoản hoa hồng trị giá 19.6 tỉ KRW bằng cách thành lập một công ty thương mại chuyên môi giới thiết bị máy bay và vận chuyển hàng miễn thuế trên máy bay của Korean Air, gây ra tổn thất tương đương cho hãng hàng không này.

Bên cạnh đó, ông từng có tiền án ngồi tù vì tội trốn 27.3 tỉ KRW tiền thuế tại thời điểm năm 2000.

Năm 2018, mây đen bao phủ bầu trời khi ông bị luận tội và điều tra vì nghi ngờ “nhúng chàm” trốn thuế hơn 50 tỉ KRW (tương đương 45 triệu USD) đối với các tài sản được thừa kế tại nước ngoài.

Ông cũng bị cáo buộc biển thủ khoảng 20 tỉ KRW từ công quỹ khi thiên vị trao hợp đồng cho các công ty do gia đình quản lý.

Vị chủ tịch Korean Air đã không thông báo với cơ quan thuế về các tài khoản tài chính ở nước ngoài có giá trị lên tới 1 tỉ KRW.

Chưa dừng lại ở đó, ông được cho là đã đút túi nhiều khoản lợi nhuận từ điều hành một cửa hàng thuốc bất hợp pháp gần một trường đại học.

Ngày 27/3/2019, Chủ tịch Cho Yang Ho đã không nhận đủ 2/3 số phiếu từ cổ đông để có thể tiếp tục làm chủ tịch Korean Air. Ông trở thành người đầu tiên dù nắm nhiều cổ phần nhất trong một tập đoàn Hàn Quốc lại bị đẩy khỏi hội đồng quản trị.

Ngày 8/4/2019, ông Cho từ trần trong một bệnh viện tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ, vì căn bệnh liên quan đến phổi.

Chaebol, công thức đưa Hàn Quốc đi lên từ đói nghèo

Những người phụ nữ tai tiếng của gia đình Cho

Người dân Hàn Quốc nói rằng ông Cho Yang Ho “thân bại danh liệt” cũng một phần là vì vợ con gây quá nhiều tai tiếng.

Ông Cho Yang Ho mang đuốc Olympic chạy cùng 2 con gái Cho Hyun Ah và Cho Hyun Min vào tháng 1/2018 để quảng bá cho Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018.

Phu nhân thích hét

Cách Phủ tổng thống – nơi ở chính thức của nguyên thủ quốc gia Hàn Quốc – vài cây số tại Seoul, ẩn mình trong một cấu trúc đá granit xám hùng vĩ, là lâu đài của vương triều của vương triều Korean Air.

Đây cũng là nơi bà Lee Myung Hee, vợ chủ tịch Cho Yang Ho lạm dụng người làm, nhân viên trong suốt nhiều năm.

Lee Myung Hee, giám đốc Quỹ Ilwoo, bị tố đã đánh các công nhân xây dựng được thuê để sửa tư dinh của bà ở Seoul vào năm 2013. Trong quá trình này, bà đã buộc một số công nhân phải quỳ xuống, tát vào mặt và đá vào chân của họ.

Bà còn buộc người lái xe quỳ gối và hành hung ông ta vì tội quên mua gừng. Đây chỉ là một vài trong số những hành vi xâm phạm thể xác và xúc phạm nhân phẩm của bà Lee Myung Hee, “nữ chúa” của triều đại Korean Air, trong việc đối xử với nhân viên.

Các cáo buộc lạm dụng – diễn ra từ năm 2013 đến 2017 – được nêu chi tiết trong bản cáo trạng hình sự mới chống lại bà Lee, được đưa ra bởi một luật sư trong tháng 2/2019.

Trong một tuyên bố, công ty mẹ của Korean Air – Tập đoàn Hanjin cho biết: “Chúng tôi thừa nhận rằng một số vụ tấn công đã xảy ra trên thực tế và chúng tôi thành tâm xin lỗi”.

Không dừng lại ở đó, nạn nhân C – người làm vườn cho gia đình Cho, đã báo cáo 7 vụ tấn công bị cáo buộc trong 03 năm. Một trong những vụ việc đó là vào mùa đông năm 2013, bà Lee đối diện với tội nhổ nước bọt vào mặt nạn nhân.

Mùa xuân năm 2014, bà Lee tiếp tục ném một mảnh kim loại vào người làm vườn vì không biết nhổ cỏ đúng cách.

Năm 2016, người làm vườn chịu thương tích khi rơi xuống từ chiếc thang cao 3m sau khi bị bà Lee đá.

Câu chuyện tiếp tục khi bà Lee bị cáo buộc đã ném một chiếc bình gốm vào hai nhân viên tại thời điểm tháng 09/2015.

Khi chiếc bình không vỡ, bà ta buông lời miệt thị: “Đồ khốn, mày hãy nhanh chóng nhặt nó lên và đem lại đây cho tao”. Khi chiếc bình được đưa đến tay, bà ta tiếp tục ném để chắc chắn chiếc bình phải vỡ.

Tháng 12/2013, bà Lee bị cáo buộc đã ném một chùm chìa khóa vào mặt nhân viên tới năm lần vì tội viết nhãn không thẳng hàng.

Một số tình tiết hành hung, lạm dụng đã được ghi lại trên camera và công khai với công chúng. Trong một video, bà Lee được cho rằng đã la hét với một nhóm nhân viên khi họ đứng cúi đầu. Bà Lee kéo một nữ nhân viên, sau đó lấy một chồng tài liệu và ném xuống đất.

Bà Lee và con gái cả Cho Hyun Ahn cũng đang hầu toà vì việc tuyển mộ và thuê 11 người giúp việc bất hợp pháp từ Philippines bằng cách lập hồ sơ cho họ là các thực tập sinh tại Korean Air từ năm 2013 đến đầu năm 2018. Theo luật pháp của Hàn Quốc, người nước ngoài phải có thị thực được cấp dưới dạng di dân kết hôn hoặc người thuộc thừa kế Hàn Quốc để làm việc như người giúp việc.

Công chúa hạt mắc ca

Lee Myung Hee không phải “ác nữ” duy nhất trong gia đình.

Cho Hyun Ah sinh ngày 5/10/1974 là con gái trưởng của ông Cho Yang Ho. Năm 1999, cô Hyun Ah được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Korean Air. Cô cũng nổi tiếng trong giới nhân viên Korea Air vì thói hống hách.

Ngày 5/12/2014, trên chuyến bay của Korean Air từ Mỹ về Hàn Quốc mang số hiệu KE086 JFK-ICN, một tiếp viên hàng không của Korean Air đã phục vụ cô Hyun Ah món hạt mắc ca trong túi nilon thay vì để trên đĩa – quy định bắt buộc cho hành khách hạng thương gia.

Ngay sau đó, cô Hyun Ah đã lên tiếng quát tháo cả phi hành đoàn, bắt tiếp viên trưởng quỳ gối xin lỗi rồi đuổi việc. Cô Hyun Ah thậm chí còn bắt máy bay quay đầu trở lại sân bay J.F.Kennedy (Mỹ) để cho người này xuống, khiến chuyến bay bị trễ 11 phút so với hành trình ban đầu.

Thông tin này nhanh chóng bị phanh phui và trở thành tâm điểm bàn luận và dư luận Hàn Quốc cũng như thế giới. Nó thậm chí còn được đặt tên là “cơn giận hạt lạc” trên mạng xã hội.

Nhiều người chỉ trích Hyun Ah vì lạm dụng chức quyền. Thế nhưng cô này không hề hối cải, thậm chí còn ép buộc nhân viên kia phải nói dối.

Tới ngày 14/2, Cho Hyun Ah phải tới nhà riêng của người tiếp viên để xin lỗi. Trước sức ép dư luận, Hyun Ah cũng bị buộc rời khỏi chức Phó giám đốc tập đoàn Korean Air, công khai cúi đầu xin lỗi dân chúng và tham dự phiên điều trần với bộ giao thông Hàn Quốc. Chủ tịch Cho Yang Ho, bố của Hyun Ah cũng phải cúi mình xin lỗi trước truyền thông và dư luận.

Cuối cùng, ái nữ nhà Korean Air đã bị kết án 1 năm tù vì vi phạm an toàn hàng không, lạm dụng chức quyền nhưng chỉ phải thụ án 3 tháng. Sau đó, cô Hyun Ah được bổ nhiệm vào một vị trí khác của tập đoàn Korean Air.

Năm 2010, Cho Hyun Ah đã kết hôn với một bác sĩ thẩm mỹ có tên Park Jong Ju. Tới năm 2013, cô sinh một cặp sinh đôi tại Mỹ. Khi ấy, gia đình Cho Hyun Ah đã bị dư luận chỉ trích nặng nề vì cho rằng cố tình sinh con ở nước ngoài để lách luật, tránh cho con phải thực hiện nghĩa vụ tại Hàn Quốc.

Tháng 4/2018, ông Jong Ju đã đệ đơn lên toà để ly hôn và dành quyền nuôi dưỡng 2 đứa con. Ông nói rằng suốt 3 năm qua, cô Hyun Ah thường xuyên đánh đập, bạo hành chồng và hai con, đồng thời mắng nhiếc và xúc phạm gia đình. Lúc đó, cô Hyun Ah cũng tố chồng mình là kẻ nghiện rượu và dùng chất kích thích.

Tới tháng 2/2019, đài KBS đã đưa ra một loạt bằng chứng chứng minh việc cô Hyun Ah bạo hành chồng con. Trong đó có một đoạn clip với giọng nói của cô Hyun Ah liên tục chửi bới chồng, nói ông “chết đi” rồi sau đó siết cổ và ném máy tính bảng vào người khiến ông Jong Ju bị thương.

Chưa dừng lại ở đó, một đoạn clip khác được kênh Channel A đăng tải cho thấy hình ảnh một người phụ nữ được cho là cô Hyun Ah đang mắng nhiếc cậu con trai 5 tuổi thậm tệ chỉ vì cậu bé ăn kẹo trước bữa tối. Cô liên tục chỉ tay về phía đứa trẻ tội nghiệp và nói những lời hết sức nặng nề trong khi đứa con chỉ biết lấy hai tay bịt tai và đứng chịu đựng.

Luật sư của cô Hyun Ah vẫn liên tục khẳng định ông Jong Ju là kẻ “nát rượu, trí nhớ có vấn đề”, nói rằng ông từng 3 lần nhập viện vì ngộ độc rượu. Ngoài ra, phía gia đình Korean Air cho rằng ông Jong Ju chỉ đang cố tình đổ tội cho cô Hyun Ah để chiếm đoạt tài sản của gia đình họ.

Về phía ông Jong Ju, ông nói rằng mình hoàn toàn minh mẫn và không nghề nghiện rượu. Ông thừa nhận bản thân có uống rượu để giải tỏa stress, căng thẳng do mâu thuẫn gia đình nhưng nhất quyết không để nát rượu vì còn phải bảo vệ các con.

Ngoài ra, ông cũng tố cáo gia đình bà Hyun Ah vì cố tình dùng quyền, tiền để gây áp lực lên truyền thông và luật sư nhằm bóp méo sự thật. Cho đến nay, vụ kiện tụng của ái nữ nhà Korean Air vẫn đang diễn ra và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Cô em thích hắt nước

Cho Hyun Min là em gái của Cho Hyun Ah, phó chủ tịch hãng hàng không Korea Air đã bị tố hất nước vào mặt một nhân viên quảng cáo tại một cuộc họp tháng 4/2018.

Khi vụ việc bị truyền thông Hàn Quốc phanh phui thì cô này “lẩn” đi nước ngoài và còn viết những dòng đầy thách thức.

Chỉ đến lúc sự việc được đăng tải công khai trên mạng, Cho Hyun Min mới gửi lời xin lỗi vì hành vi của mình trên Facebook cá nhân.

“Tôi xin lỗi về hành vi ngu ngốc ấy”, cô viết trên Facebook: “Đó là lỗi của tôi khi tôi không thể kiểm soát cảm xúc của mình”.

Tuy nhiên, không lâu sau khi công khai xin lỗi trên Facebook, cô Cho chia sẻ một bức ảnh lên mạng Instagram kèm theo các hashtag #DontLookForMe (#ĐừngTìmKiếmTôi), #OnHappyTripNow (#ĐangTrênChuyếnđiVuivẻ)…

Việc làm này lại một lần nữa khiến nhiều người nổi giận vì họ cho rằng cô đã không hề ăn năn vì hành vi trước đó của mình.

Quá tức giận, nhiều người đã thông qua trang kiến nghị trực tuyến của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc để kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc Cho Hyun Min. Thậm chí, một số người còn đề nghị tên của hãng Korean Air phải bị tước chữ “Korean” (Hàn Quốc) và không cho phép hãng này sử dụng biểu tượng “taegeuk” (Thái cực) của Hàn Quốc trên logo của hãng.

Sau đó, Hyun Min chỉ bị đình chỉ công việc và xin lỗi. Nhưng điều này chỉ làm dấy lên một câu hỏi: các nhân viên của Hãng hàng không Hàn Quốc sẵn sàng chịu đựng bị lạm dụng đến giới hạn nào?

Nền văn hóa sợ hãi nhấn chìm Korean Air, gây ra bởi sự chênh lệch tương quan về quyền lực. Nỗi sợ này đã ngăn nhân viên chống lại sự xúc phạm nhân phẩm và sự lạm dụng của “bề trên”.

Để sống được, cần biết cách “câm miệng”. “Họ nói với bạn tại buổi tập huấn: khi họ đánh bạn, hãy giả vờ như điều đó không xảy ra và đừng kháng cự” – tiếp viên Park Chang Jin, nhân vật chính trong bi kịch “hạt mắc-ca”, nói. “Chúng ta phải phục vụ họ với tư cách là chủ nhân. Trong công ty, tất cả chúng ta đều trở thành nô lệ tự nguyện”.

Một nhóm chat ẩn danh thu hút hàng nghìn nhân viên Korea Air đã khuyến khích nhân viên báo cáo tham nhũng, lạm dụng và các hoạt động bất hợp pháp có thể có khác của gia đình Cho.

Tháng 5/2018, 500 nhân viên của Korean Air mặc đồng phục đã biểu tình tại quảng trường Gwanghwamun của Seoul, đeo mặt nạ kiểu Guy Fawkes và giương cao khẩu hiệu: “Chúng ta đừng im lặng nữa, hãy ngẩng cao đầu”.

Lời kết

Ngoài hai ái nữ trên, Cho Yang Ho còn có một con trai là Cho Won Tae. Anh này được cho là đã tấn công một phụ nữ lớn tuổi vào năm 2005 sau khi bà trách cứ anh ta vì lái xe ẩu. Cho Won Tae là chủ tịch đương nhiệm của Korean Air từ năm 2017.

Một cuộc tranh luận được châm ngòi trên toàn quốc về gapjil (갑질) – một từ tiếng Hàn dành cho những kẻ quyền lực đối với người dưới quyền – trong các gia đình ưu tú thống trị kinh doanh và chính trị Hàn Quốc.

Việc thiếu các giới hạn ngoại vi kìm hãm quyền lực của những nhà lãnh đạo các chaebol đồng nghĩa với việc thừa nhận sự đối xử tàn tệ với nhân viên không phải cá biệt.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã nhiều lần hứa sẽ giải quyết các vấn đề với hệ thống chaebol và thoát khỏi “gapjil”. Tổng thống mô tả đây là “kẻ thủ ác hàng đầu tại nơi làm việc”. Nhưng kết quả, những gì đã bám vào cội rễ vào văn hóa chaebol của Hàn Quốc, không dễ dàng để xóa nhòa không một sớm một chiều.

XEM THÊM: Korean Air – Anh em tranh giành quyền lực, bất chấp di ngôn của người cha quá cố

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).