Vừa qua sản phẩm máy phát điện thủy lực cầm tay (휴대용 수력 발전기) Enomad, Hàn Quốc đã tạo được tiếng vang lớn tại thị trường Mỹ.

Thật ngạc nhiên, thiết bị được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng này lại là sản phẩm sáng tạo của một nữ doanh nhân người Hàn – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Enomad Park Hye Rin.

Máy phát điện thủy lực cầm tay

Với kích thước chỉ bằng bình giữ nhiệt , thiết bị của hãng Enomad gồm có 2 phần là máy phát điện và bộ sạc pin. Máy hoạt động theo phương thức, khi tiếp xúc với dòng nước chảy, cánh quạt sẽ tự động quay và đồng thời sản xuất ra điện năng.

Pin của máy có dung lượng lên tới 5600 mah (밀리암페어) và chỉ cần sạc trong 4.5 tiếng là đầy. Dung lượng này tương đương với pin của 2 chiếc điện thoại iPhone và đủ để thắp sáng đèn led trong vòng 30 ngày liên tục.

“Khi sử dụng bạn chỉ cần tháo sạc pin ra khỏi thân máy là được. Bộ sạc của thiết bị này cũng giống với sạc của máy điện thoại di động thông thường mà chúng ta hay sử dụng.

Khi cần bạn có thể dùng bộ sạc pin này để nối với các thiết bị khác. Ví dụ như khi cần sạc pin điện thoại, đèn, các thiết bị định vị GPS…” – Park Hye Rin, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO) Enomad cho biết.

Thiết bị này cũng rất hữu ích cho các hoạt động dã ngoại như cắm trại ngoài trời. Người dùng có thể sạc pin cho điện thoại di động hoặc thiết bị đèn bất cứ khi nào cần thiết. Việc sử dụng thiết bị này không hề bất tiện chút nào. Bạn có thể gắn thiết bị này trên thuyền hoặc ca nô để tạo ra nguồn năng lượng điện.

Động lực phát minh ra máy phát điện mini?

Với câu hỏi “mục đích tạo ra thiết bị này là gì“, nữ giám đốc trẻ tài năng Park Hye Rin đã chia sẻ rằng:

Động lực để tôi có thể sáng tạo ra sản phẩm này xuất phát từ suy nghĩ: phải tạo cơ hội cho người tiêu dùng để họ có thể trực tiếp sản xuất ra nguồn điện bất cứ khi nào họ cần. Như các bạn biết đấy, vấn đề ô nhiễm môi trường hay bụi mịn đều có nguyên nhân sâu xa từ việc dùng nhiên liệu hóa thạch để phát điện.

Nếu muốn thắp sáng một chiếc đèn led trong vòng 1 giờ, bạn phải đốt cháy khoảng 1.5 lít than đá. Chưa hết, nếu bật đèn led tại Seoul chẳng hạn – khu vực không gần các nhà máy phát điện, bạn cần phải sử dụng nhiều lượng than đá hơn.

Nguyên nhân là vì, khi tải nguồn điện từ khu vực như Dangjin, Chungnam đến Seoul, lượng điện năng sẽ bị thất thoát đến 30%. Do đó, nếu người tiêu dùng có thể trực tiếp sản xuất điện, tại sao lại không thể? Đó chính là một trong những giải pháp sản xuất điện năng một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường”.

Tại sao lại lựa chọn sức nước?

Nước chính là phương thức phát điện có mật độ năng lượng cao nhất. Nghĩa là năng lượng điện sẽ được sản sinh ra nhiều nhất tại một diện tích đồng nhất.

Trường hợp phát điện bằng năng lượng mặt trời, một ngày chỉ có khoảng 3-4 tiếng lượng điện thu về nhiều nhất. Chưa kể những ngày âm u thì tất nhiên là không thể phát điện được rồi. Trái lại, dòng nước thì luôn chảy 24/24 giờ.

Sức gió cũng tương tự như thế. Nếu muốn sản xuất ra một lượng điện tương đương với lượng điện của máy phát điện thủy lực, bạn phải cần một diện tích vô cùng rộng lớn. Đồng thời, cánh quạt của máy phát dùng sức gió cũng phải lớn thì mới có khả năng tạo ra nguồn điện.

Và giống như năng lượng mặt trời, sức gió cũng không có độ ổn định cao. Không phải lúc nào gió cũng thổi. Như vậy hiệu suất phát điện khi sử dụng sức gió sẽ bị giảm đi nhiều. Sức nước chính là công cụ có thể sản xuất ra lượng điện năng ổn định nhất.

Ý tưởng chợt nảy ra qua chuyến du lịch ba lô Ấn Độ

Tôi đã học chuyên ngành kinh doanh ở đại học. Thời đại học, thật tình cờ tôi được nghe thấy cụm từ Brics về 4 nền kinh tế đang nổi (Brazil, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc). Và sau đó tôi đã quyết định đi du lịch ba lô Ấn Độ trong vòng 9 tháng.

Tôi cũng không biết tại sao tôi lại chọn Ấn Độ. Chỉ biết rằng trong những nhóm nước Brics tôi cảm thấy hứng thú nhất với Ấn Độ và đã lựa chọn khám phá đất nước này. Lúc đó, tỷ lệ thuận với mật độ dân số thì dường như yếu tố cơ hội tại Ấn Độ cũng khá nhiều.

Đặc biệt, hệ thống hạ tầng điện lực còn nhiều thiếu sót tại đó đã khiến tôi phải bận tâm rất nhiều. Ở Ấn Độ, ngoài những thành phố lớn thì hầu như tất cả mọi người ở các vùng khác đều bị cô lập với thế giới hiện đại.

Bạn cứ thử tưởng tượng xem. Nếu không có điện thì cũng không có kết nối internet. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ không tiếp cận được nền văn minh nhân loại. Lúc đó tôi chợt nảy ra suy nghĩ rằng, “Nếu có thể cải thiện được hệ thống phát điện tại đây thì tốt biết mấy”.

Khi trở về Hàn Quốc, tôi đã bắt tay vào tìm hiểu một cách cụ thể. Và tôi nhận thấy rằng có khoảng 1/3 dân số trên toàn thế giới hiện tại không có cơ hội tiếp cận với ánh sáng của điện năng.

Để giải quyết vấn đề này, cần phải tạo ra nguồn điện năng giá rẻ để cung cấp cho nhiều người hơn nữa. Việc sử dụng năng lượng tự nhiên có phải là giải pháp hay? Mỗi người có thể dùng năng lượng tự nhiên để tạo ra lượng điện cần thiết cho mình. Từ lúc đó, tôi đã hạ quyết tâm để biến ý tưởng của tôi thành hiện thực.

Sản phẩm gây tiếng vang tại Mỹ

Thời đại của “Energy Nomad” (에너지 유목민) – Tôi đã thành lập công ty vào tháng 5/2014 và đặt tên công ty là “ENOMAD” với ý nghĩa như thế. Ngoài tôi, còn có 2 người nữa đồng sáng lập công ty.

Để tạo ra được sản phẩm cầm tay nhỏ gọn như thế này, tôi đã trải qua một lần thất bại. Sau đó, tôi đã đặt mình vào vị trí người tiêu dùng để suy nghĩ và nhận thấy rằng: hầu hết mọi người chỉ cần một lượng điện vừa đủ để sạc điện thoại hoặc bóng đèn.

Đặc biệt, tại Mỹ, người dân thường có xu hướng tổ chức các buổi cắm trại thân thiện với môi trường. Họ luôn trăn trở làm thế nào để hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng của con người tới môi trường ở nơi cắm trại. Trong khi nếu dùng động cơ diesel để phát điện sẽ làm ô nhiễm không khí và thổ nhưỡng tại đó.

Vì thế, sản phẩm máy phát điện thủy lực cầm tay là một lựa chọn tối ưu nhất để bảo vệ môi trường. Rất nhiều khách hàng tại Mỹ đã gửi các tin nhắn phản hồi tích cực vào tài khoản SNS của công ty.

Kế hoạch phát triển các sản phẩm khác trong tương lai

Tôi mong muốn đến một ngày nào đó có thể cho ra mắt các sản phẩm máy phát điện cầm tay khác. Chỉ cần ở những nơi có nguồn nước như là khi tắm, khi rửa tay, khi rửa bát… bạn có thể sạc điện bất cứ lúc nào bạn muốn.

XEM THÊM: 4 Sáng chế của Hàn Quốc bạn vẫn đang dùng hàng ngày mà không biết

Tổng hợp từ Daum

author-avatar

About Anh Thơ

Mối lương duyên với Hàn Quốc được bắt đầu vô cùng tình cờ... Nhưng không phải ngẫu nhiên mà càng ngày tôi càng thấy trân trọng mối lương duyên đó. Hàn Quốc đã trở thành một phần đặc biệt trong tôi.

One thought on “Máy phát điện cầm tay của nữ doanh nhân Hàn Quốc gây sốt trên nước Mỹ

  1. Nguyen Phi Long viết:

    Tác giả có thể gắn vào các máy tập thể hình, chạy bộ…trong nhà Fitness, Gym. Sức người sẽ chuyển cơ năng cho máy phát điện, nếu nó nặng quá thì cần qua bộ hộp số, mà chắc khi đã dùng cơ cấu thủy lực bên trong rồi thì coi như đã thay cho hộp số. Cơ năng chuyển thành điện, tích trữ, xạc cho pin, khi pin đầy, thì ngưng xạc, và phát trực tiếp ra ngoài ổ cắm, nguồn điện này rất có thể là nguồn điện một chiều nên khả năng ứng dụng có thể chưa nhiều, hãy thêm một bộ phận inverter vào để thành nguồn 110AC/220AC. Nguồn xoay chiều tùy nhu cầu, có thể sử dụng trở lại cho các bộ phận có dùng điện của chính máy tập Gym hoặc để sẵn ở đâu đó tùy ý sử dụng. Nếu có ý định dùng cho du lịch, cắm trại thì những nơi có thác nước sẽ phù hợp, tuy nhiên cần phải có bộ phận nối dài giữa phần máy phát và phần inverter, ổ cắm điện để tiện kéo ra xa sử dụng trực tiếp, nếu muốn mở rộng khả năng sử dụng hơn so với việc xạc pin, thắp sáng đèn led. 🙂 Cả tác giả và sản phẩm đều nhìn vui mắt, dễ thương. Chỉ có mổi nhược điểm duy nhất là cần phải chọn những nơi đi chơi phải có dòng nước. Nó cũng có giới hạn, vì vậy nên làm thêm một bộ phận đạp tương tự như máy tập Gym kèm theo để khi không có nước chảy thì có thể đạp hoặc gắn vào bánh xe ô tô, kích xe cao lên khỏi mặt đất và cho nổ máy tại chỗ.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).