Miếng đất trống ngay cạnh cung điện Gyeongbokgung ở trung tâm của thủ đô Seoul vẫn là một lời thắc mắc đối với rất nhiều người. Bị bỏ hoang mấy chục năm qua, miếng đất trở thành một nơi hiếm hoi ở trung tâm Seoul giữ được diện mạo hoang sơ giữa đô thị hiện đại.

Diện tích rộng và vị trí địa lí như vậy chẳng phải là mục tiêu của các tập đoàn lớn hay sao? Tập đoàn Hanjin, chủ sở hữu hiện tại của mảnh đất này đã rao bán từ tháng 2/2019 nhưng hiện tại vẫn chưa tìm được chủ nhân. Khu đất này không thể phát triển, không thể bán được, rốt cuộc lí do nằm ở đâu?

1. Khu đất lịch sử chứng kiến mọi thăng trầm của lịch sử Hàn Quốc

Khu đất mà tập đoàn Hanjin đã tuyên bố ý định bán có vị trí ở Songhyeon-dong (송현동) , Jongno-gu – trung tâm thủ Seoul. Khu đất có diện tích 36.642m2, nằm ngay cạnh cung điện Gyeongbokgung, gần nhà Xanh và quảng trường Gwanghwamun.

Bắt đầu từ triều đại Joseon năm 1392, đây là một đồi thông bảo vệ cung điện Gyeongbok, nơi mà không phải bất cứ ai cũng có thể tuỳ tiện qua lại hay xây dựng. Nguyên tắc này bị phá vỡ vào năm 1830, công chúa Bokon (복온 공주) , con gái vua Sunjo (순조 – Thuần Tổ), lấy Kim Byung Joo và xây dựng biệt phủ ở đây.

Triều đại Joseon trải qua 27 đời vua cai trị từ năm 1392 đến năm 1910. Năm 1910, Đế quốc Nhật Bản hoàn toàn thôn tính Triều tiên bằng Hiệp ước sáp nhập Nhật – Triều. Songhyeon-dong thuộc quyền sở hữu của hai anh em là thân cận với Đế quốc Nhật Bản Yoon Deok Young (1873-1940) và Yoon Taek Young (1876-1935) (윤덕영·윤택영).Trong đó Yoon Taek Young là cha của Hoàng hậu Sun Jong Bi, tức cha vợ của vua Sun Jong (Thuần Tông), vị vua cuối cùng của vương triều Joseon.

Từ năm 1919, Nhật Bản biến nơi này thành ngân hàng Chosunsiksa (조선식산). Đế quốc Nhật Bản lúc bấy giờ coi hình ảnh một cơ quan Nhật Bản nằm sừng sững giữa lối vào Bukchon – nơi ở của những quý tộc là biểu tượng cho sự sụp đổ của triều đại Joseon. Tuy nhiên đến năm 1945, sự cai trị của Nhật Bản kết thúc, ngân hàng này theo đó mà cũng bị sụp đổ.

Năm 1945, Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền, Liên Bang Xô Viết chiếm đóng miền Bắc cho đến vĩ tuyến 38 và Hoa Kỳ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về phía Nam. Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết sau đó đã không thể đồng thuận về việc áp dụng Đồng uỷ trị ở Triều Tiên, vĩ tuyến này đã trở thành đường chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền Nam Bắc.

Đến năm 1948, Hàn Quốc thành lập nền đệ nhất cộng hoà thay thế chính quyền quân sự Mỹ. Miếng đất Songhyeon-dong kể từ đó trở thành dinh thự của đại sứ quán Hoa Kỳ đến năm 1990 trước khi họ chuyển đi nơi khác.

Năm 1997, Samsung mua lại miếng đất với giá 140 tỉ KRW từ Bộ Quốc phòng và chuyển sang sở hữu tư nhân, tuy nhiên miếng đất cũng bị bỏ trống tới 11 năm. Năm 2008, tập đoàn Hanjin đã mua lại với giá 280 tỉ KRW và sở hữu cho đến nay.

2. Tại sao Samsung phải từ bỏ?

Nhận thấy được vị trí đắc địa của miếng đất, chủ tịch Lee Kun Hee của Samsung đã quyết định giành quyền sở hữu. Kế hoạch của ông là sẽ cho xây dựng một bảo tàng nghệ thuật ở đây.

Tuy nhiên, kế hoạch này của Samsung đã không thành công bởi miếng đất này nằm ngay cạnh khu di tích lịch sử, lại có trường nữ sinh Duksung và trường trung học Pungmun trong phạm vi 200m.

Vì nằm ở vị trí này, quy định xây dựng rất ngặt nghèo: công trình phải có độ cao dưới 16m, diện tích mặt bằng dưới 60%, thể tích dưới 150%; tuân thủ luật bảo vệ môi trường giáo dục và phải kiểm tra sự ảnh hưởng đối với di sản văn hoá được bảo tồn bởi Cục quản lý Di sản văn hoá Hàn Quốc.

Những tưởng đã có thể thâu tóm một khu vực trung tâm thủ đô, kết cục Samsung đã bỏ cuộc và bán lại cho tập đoàn Hanjin.

3. Hanjin đi tìm chủ nhân mới

Tập đoàn Hanjin (한진 그룹) là một tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường biển và vận tải hàng không. Trong đó tập đoàn này có công ty con là Korean Air – một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Á.

Sau khi mua lại miếng đất, tập đoàn Hanjin đã cố gắng tận dụng cơ hội bằng cách đáp ứng đủ các yêu cầu. Lần này ý tưởng là xây dựng khách sạn hanok 7 sao (khách sạn kiểu truyền thống) với quy mô 150 phòng, gồm 4 tầng hầm và 4 tầng trên mặt đất. Kế hoạch một lần nữa lại thất bại do sự ràng buộc bởi các quy định của luật bảo vệ môi trường giáo dục.

Theo đó, trong phạm vi bán kính dưới 50m của trường học không được xây dựng khách sạn, trong phạm vi bán kính từ 50m-200m, các công trình giải trí sẽ nằm trong diện thanh lọc. Người dân cũng phản đối liên tục bởi lo ngại một tụ điểm ăn chơi như sòng bạc có thể được tạo ra bên cạnh di tích lịch sử quốc gia.

Năm 2012, tập đoàn Hanjin đã đệ đơn kiện Văn phòng giáo dục Trung ương Seoul nhưng Toà án tối cao cũng đã đồng ý với ý kiến của người dân. Dưới thời của tổng thống Park Geun Hye, đây là một phần của dự án vành đai hội tụ sáng tạo văn hoá, Hanjin một lần nữa thắp lên hi vọng về việc phát triển. Tuy nhiên không lâu sau đó, bà đã trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất, kết án 25 năm tù và phạt 20 tỉ KRW khi bị kết tội tham nhũng.

Ước mơ của tập đoàn Hanjin chính thức trở nên xa vời. Như vậy tập đoàn này đã sở hữu một mảnh đất trống suốt 12 năm nay, không giống như ý định ban đầu của việc mua bất động sản tại trung tâm Seoul.

Một lãnh đạo của tập đoàn cho biết đây là mảnh đất mà vị chủ tịch quá cố, ông Jo Yang Ho đã đặt rất nhiều tâm huyết. Tháng 2/2019, trước khi chủ tịch Jo qua đời, tập đoàn này đã tuyên bố bán mảnh đất. Tuy nhiên, ngành bất động sản đã cho thấy những phản ứng tiêu cực với địa điểm này.

4. Tương lai nào cho mảnh đất vàng?

Chính quyền Seoul đang lên kế hoạch để có thể sở hữu mảnh đất này. Một quan chức thành phố cho biết: “Đã đến lúc trả lại mảnh đất cho người dân. Sau cuộc thăm dò ý kiến hồi tháng 3, có nhiều người trả lời rằng họ muốn biến nó thành một công viên văn hóa nơi người dân có thể tận hưởng giá trị văn hóa lịch sử và bảo vệ tính công cộng của mảnh đất”.

Thành phố Seoul đang trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất này thành công viên văn hóa. Vào ngày 28/05, họ đã tham khảo ý kiến Ủy ban Xây dựng Đô thị tư vấn về quyết định này và Ủy ban cũng đồng ý với lập trường tán thành.

Tuy nhiên, mọi chuyện có vẻ không dễ dàng khi vấp phải sự phản đối từ tập đoàn Hanjin. Tập đoàn này đã mua với giá 280 tỉ KRW mà không có lợi nhuận trong 12 năm, nhưng nếu thành phố quyết định biến nó thành công viên thì giá bán có thể giảm do tuyên bố “công viên hóa” của Seoul.

Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, Korean Air đang rơi vào cuộc khủng hoảng chung của ngành hàng không toàn cầu. Vào ngày 28/05, các chủ nợ như Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc đã hỗ trợ 1.2 ngàn tỉ KRW cho Korean Air và yêu cầu tăng vốn lên khoảng 2 nghìn tỉ KRW vào cuối năm sau.

Theo mức giá vào năm ngoái, đất ở Songhyeon-dong có giá khoảng 310 tỉ KRW. Nếu xem xét việc giá đất chính thức gấp 1.5 đến 2 lần giá thị trường thì dự kiến sẽ đạt 500 tỉ ~ 600 tỉ KRW. Tập đoàn Hanjin cho biết họ sẽ bán mảnh đất này trong năm nay, trong khi thành phố Seoul có kế hoạch mua nó vào nửa cuối năm sau.

Hanjin cũng hy vọng bán được giá cao nhất thông qua việc đấu thầu, còn phía Seoul có kế hoạch định giá phù hợp thông qua đánh giá về giá trị tinh thần với cộng đồng. Seoul cho biết họ sẽ sẵn sàng kiện tụng vì họ không thể từ bỏ kế hoạch công viên hóa. Sự khác biệt về lập trường về thời điểm và giá cả là rất lớn.

Việc Seoul định xây dựng công viên văn hoá cũng vấp phải một vài ý kiến trái chiều từ cộng đồng. Đất được phát triển từ một khu rừng thông, sau đó là nơi ở của quý tộc và hoàng tộc, cơ quan người Nhật Bản trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng và là trụ sở Đại sứ quán Mỹ sau độc lập. Một số chuyên gia cho rằng: “Đây là nơi có giá trị lịch sử đa dạng, nhưng công viên lại xuất hiện mà không thể lột tả hết được giá trị của nó”.

Chủ tịch Tập đoàn Hanjin Cho Won Tae cũng cho biết nếu không có người mua nào khác ngoài thành phố Seoul thì “có lẽ sẽ tiếp tục giữ nó”. Liệu mảnh đất này cuối cùng có thể trở thành công viên công cộng theo kế hoạch của Seoul không? Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Tổng hợp từ Mground

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).