Thị trường nội địa tiềm năng với quy mô dân số trăm triệu người, tăng trưởng kinh tế đạt mức 6% hàng năm, sức mua tăng cao là những yếu tố đã giúp Việt Nam trở thành “vùng đất cơ hội” của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người khởi nghiệp nước ngoài.

Thế nhưng thị trường cà phê lại là một ngoại lệ. Thực tế, nhiều chuỗi thương hiệu cafe nhượng quyền nước ngoài đã “cuốn gói” khỏi Việt Nam sau một thời gian hoạt động không hiệu quả.

Chuỗi cửa hiệu cafe Hàn Quốc Caffe Bene hiện vẫn đang trụ lại ở Việt Nam nhưng cũng phải hạ mục tiêu mở rộng số cửa hàng. Tình hình cũng không mấy khả quan đối với những người Hàn đến Việt Nam lập nghiệp mở quán. Nguyên nhân vấn đề đã và đang được nhiều chuyên gia đề cập và phân tích.

Những khu phố dành cho người Hàn Quốc ở Việt Nam

Khi người Hàn khởi nghiệp thất bại ở Việt Nam

Yoon Yeo Kyung, chủ quán cà phê The Avenue từng toạ lạc ở quận 1, TP.HCM đã trải lòng về kinh nghiệm startup thất bại ở Việt Nam của bản thân.

Cũng như nhiều người Hàn khác, Yoon đã nhận định Việt Nam là mảnh đất cơ hội để lập nghiệp sau một lần đến đây du lịch. Anh nghĩ nếu tận dụng tốt sức ảnh hưởng của làn sóng Hallyu thì cũng có thể làm ăn nên chuyện ở Việt Nam.

Trong quá trình setup quán, do chi phí dịch vụ pháp lý xin giấy phép cho người nước ngoài ở Việt Nam khá đắt, Yoon đã quyết định cáng đáng mọi việc từ vấn đề xin giấy phép kinh doanh, lắp đặt trang thiết bị cho đến thi công nội thất.

Một mình nơi đất khách quê người, một chữ tiếng Việt bẻ đôi cũng không biết, từ khâu lên kế hoạch đến chuẩn bị khai trương không hề dễ dàng đối với anh. Cuối cùng thì The Avenue cũng được khai trương vào tháng 2/2017, trễ hơn 1 tháng so với kế hoạch.

Ban đầu, Yoon tuyển đến 15 nhân viên có khả năng giao tiếp tiếng Anh với ý định chuẩn bị trước đội ngũ nhân viên có tay nghề thành thạo trong trường hợp mở rộng kinh doanh. Anh đã trực tiếp đứng phát tờ rơi và chăm chỉ tìm mọi cách để quảng bá rộng rãi thương hiệu cà phê của mình trên Internet.

Kết quả là 1~2 tháng đầu, dù phải cạnh tranh với các chuỗi thương hiệu cà phê nhượng quyền lớn trong khu vực, song lượt khách, mà chủ yếu là người nước ngoài tìm đến quán vẫn tăng lên. Trên trang web chuyên về du lịch Tripadvisor, quán cà phê của Yoon xếp vị trí 95 trên tổng số 3000 quán cà phê lớn nhỏ ở TP.HCM.

Thế nhưng từ tháng thứ 3, doanh số bắt đầu trì trệ. Mặt bằng ở trung tâm quận 1 có giá thuê vào năm 2017 là 5.500 USD/tháng, đối với Yoon đây là một số tiền không hề nhỏ.

Những tháng sau đó, hầu như lợi nhuận cũng chỉ vừa đủ để Yoon trang trải trả lương cho nhân viên. Thời điểm anh đưa ra quyết định đóng cửa The Avenue là vào tháng 12 cùng năm.

Nhận định rằng cuối năm là thời điểm tốt cho kinh doanh quán cafe bởi sẽ có nhiều khách đến để tận hưởng không khí giáng sinh và năm mới, Yoon xem doanh số tháng 12 như một bước ngoặt, nếu tình hình vẫn không khởi sắc thì sẽ đóng cửa.

Trên thực tế, doanh số tháng 12 đã không tăng nhiều như mong đợi. Trên cương vị là chủ quán song lại làm việc quần quật, chịu trách nhiệm từ khâu quản lý quán đến marketing từ lúc mở cửa vào 7h sáng đến khi đóng cửa vào 11 giờ đêm, kiệt sức về thể chất và tinh thần chỉ là chuyện sớm muộn. Cuối cùng, Yoon đã nhượng lại mặt bằng cho người khác.

Nói về nguyên nhân thất bại, Yoon chia sẻ 3 điều chính:

Đầu tiên, anh gặp thất bại trong việc cố gắng nội địa hoá thương hiệu của mình. Nói một cách dễ hiểu, Yoon đã đi quá nhanh trước xu hướng và không đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của người Việt. The Avenue chủ yếu bán các loại nước ép trái cây tươi đa dạng, các loại thức uống detox giải độc, bên cạnh các món brunch theo kiểu tây (bữa ăn kết hợp giữa bữa sáng và bữa trưa).

Ở Việt Nam vào năm 2017, các món trong menu quán của Yoon còn khá xa lạ với người Việt. Mặc dù nhận được phản hồi tích cực từ du khách nước ngoài, song khách Việt lại tỏ ra khá dè dặt vì cho rằng giá cả chưa phù hợp với túi tiền của họ. Anh tự nhận mình vẫn chưa hiểu được sự mâu thuẫn trong tâm lý tiêu dùng của người Việt, một mặt thì khá nhạy cảm với xu hướng mới, một mặt lại bảo thủ và dè dặt.

Thứ hai, Yoon cảm thấy có nhiều tiếc nuối trong vấn đề quản lý nhân viên. Anh đã từng tự tin mình sẽ không thất bại trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên, bởi ngay từ đầu anh luôn đối xử với họ như một gia đình và cố gắng hỗ trợ, đào tạo họ một cách tận tình. Yoon còn chủ ý nâng cao tác phong chuyên nghiệp và hiệu suất làm việc cho nhân viên bằng cách rèn cho nhân viên thói quen tự quản lý, điều chỉnh lẫn nhau.

Thế nhưng Yoon lại không thể trông đợi ở những nhân viên mình thuê ý thức tự giác. Chỉ cần anh không có mặt ở quán một thời gian ngắn, các nhân viên thường sẽ chuyển sang chỉ ngồi bấm điện thoại hoặc thiếu sót, chểnh mảng trong việc phục vụ khách.

Thứ ba là vị trí mặt bằng quán cafe có một chút mơ hồ. Mặc dù Đông Du là con đường nằm ở trung tâm quận 1, nhưng thực chất lại giống như một con đường phụ, hoặc một đường hẻm rộng hơn. Khu đó lại ít cư dân sinh sống. Yoon cảm thấy nuối tiếc vì nếu có thể được chọn lại, anh sẽ chọn thuê mặt bằng ở đường Đồng Khởi hoặc phố đi bộ Nguyễn Huệ. Dù vậy, giá thuê mặt bằng trên đường Đông Du lại không hề rẻ. Gần đó lại có 2 quán cafe rất lớn là Starbucks và Cộng cafe.

Trong đó, khách địa phương người Việt thường tìm đến Starbucks, còn The Avenue của Yoon cạnh tranh trực tiếp với Cộng cafe về đối tượng du khách nước ngoài. Anh cho biết thêm, khoảng vỉa hè trước quán khá hẹp, trung bình chỉ đủ chỗ cho 7 chiếc xe gắn máy. Yoon đã có lần tổ chức sự kiện tại quán, nhưng chỗ giữ xe không đủ cho lượng xe lui tới nên quán đã nhận nhiều phàn nàn từ khách.

Ngoài ra, anh cũng thừa nhận lượng khách quen của quán không nhiều. Khách thường đến một lần vì hiếu kỳ bởi cách bài trí nội thất đẹp nhưng không ấn tượng bởi menu quán (chủ yếu là khách Việt) nên hầu như ít quay trở lại lần nữa.

Sau thất bại khởi nghiệp ở Việt Nam, Yoon nhận ra rằng Việt Nam có thể là miền đất hứa, nhưng không có nghĩa là mọi thứ đều dễ dàng, cứ đổ tiền vào thì mọi việc đều suôn sẻ. Anh gửi gắm đôi lời đến tất cả những người Hàn có ý định khởi nghiệp ngành dịch vụ ăn uống ở Việt Nam rằng họ nên trực tiếp làm việc tại quán như một như viên với mức lương tối thiểu trong vòng 3 tháng.

Trong khi trực tiếp đứng quán, người chủ mới có cơ hội trải nghiệm đầy đủ từ việc tìm hiểu thói quen, đặc trưng tính cách của nhân viên người Việt, cách vận hành quán cũng như quá trình cung cấp nguyên vật liệu thực phẩm.

Ngoài ra, anh còn có lời khuyên người trẻ Hàn Quốc có ý định lập nghiệp tại Việt Nam nên học tiếng Việt trước khi sang. Yoon không thay đổi cái nhìn về Việt Nam, anh vẫn cho rằng đây là mảnh đất nhiều tiềm năng. Mặc dù đã có “trải nghiệm tuổi trẻ đau thương” ở đây, song anh không hối hận vì đã được thử làm nhiều điều mới lạ.

XEM THÊM: Những câu tiếng Việt người Hàn dạy nhau trước khi sang Việt Nam

Giải pháp nào cho các chuỗi thương hiệu cafe nhượng quyền Hàn Quốc tồn tại ở “mảnh đất cơ hội”?

Hollys Coffee và Caffe Bene là 2 trong số các chuỗi thương hiệu cafe nhượng quyền Hàn Quốc đã từng và đang có mặt ở Việt Nam. Trong đó, Hollys Coffee thâm nhập vào thị trường Việt Nam vào năm 2015 nhưng đã “tháo chạy” chỉ sau một năm hoạt động.

Caffe Bene, tham gia thị trường năm 2014, ban đầu cũng tận dụng sức ảnh hưởng của làn sóng Hallyu để thu hút sự chú ý của đối tượng khách hàng Việt Nam trẻ tuổi. Chuỗi cafe này từng có kế hoạch mở rộng kinh doanh lên con số khoảng 300 cửa hàng ở Việt Nam trong vòng 5 năm, nhưng chưa đầy một năm sau đó cũng phải giảm mục tiêu xuống còn 1/3 và số cửa hàng thực tế hiện nay còn thấp hơn thế.

Một người có chuyên môn trong ngành nhận định, ban đầu giới trẻ Việt Nam vì hiếu kỳ, muốn thử hương vị cà phê Hàn Quốc nên xếp hàng dài đến các chuỗi cà phê này. Song về lâu dài, việc cạnh tranh giữa các chuỗi cafe nước ngoài (điển hình là thương hiệu đến từ Hàn Quốc) với các chuỗi cafe Việt hết sức khó khăn. Bởi mặc dù sở hữu cùng một tiêu chuẩn cơ sở vật chất, nhưng các chuỗi cafe “đội nhà” lại cung cấp dịch vụ sản phẩm nước uống với giá chỉ bằng một nửa so với chuỗi cafe Hàn Quốc.

Trước việc các chuỗi thương hiệu nước ngoài là Hollys coffee và The Gloria Jean’s “đầu hàng” ở thị trường Việt Nam, thương hiệu Phúc Long trong nước vốn từ trước đến nay chỉ tập trung vào mảng trà, trà sữa, nay đã mạnh dạn “đá sân” sang lĩnh vực cà phê.

Kim Seok Un, giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam cho biết, “Thị trường cà phê Việt Nam hiện nay được chiếm lĩnh bởi các chuỗi thương hiệu nội địa nổi bật, chỉ có những “ông lớn” với thương hiệu cao cấp toàn cầu mới có thể mong sống tốt ở đây.

Các thương hiệu Hàn Quốc muốn “chen chân” vào thị trường Việt Nam cần phải nghiên cứu thị trường thật kỹ lưỡng, bên cạnh việc tìm hiểu nguồn cung nguyên liệu cho đến triển khai chiến lược nội địa hoá, tiếp cận và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt.”

XEM THÊM:

Tổng hợp từ 베한타임즈

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).