Người nước ngoài ở Hàn Quốc không ít, chỉ tính riêng lực lượng lao động đã vượt quá con số 2 triệu người. Bên cạnh đó còn rất nhiều những cộng đồng khác như du học sinh, tu nghiệp sinh và kết hôn quốc tế. Con số này phải chiếm đến 4% dân số Hàn Quốc.

Có người đến đây với mong muốn được tiếp cận nền văn hóa và giáo dục tiên tiến của một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, một số khác lại muốn tận mắt chứng kiến những cảnh đẹp nên thơ của xứ sở kim chi thay vì chỉ được nhìn thấy trên phim ảnh, và đồng thời cũng có không ít người chấp nhận từ bỏ tất cả những gì đang có ở quê hương, chỉ vì mục tiêu thực hiện “ước mơ đổi đời” tại Hàn Quốc.

Để lấy ví dụ điển hình cho trường hợp nói trên, có lẽ sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến một người phụ nữ nhỏ bé mang quốc tịch Việt Nam, từ hai bàn tay trắng đã lập nên cả một “đế chế” ẩm thực cho riêng mình tại đất khách quê người. Trong giây phút quyết định từ biệt nơi chôn rau cắt rốn và theo chân người chồng ngoại quốc bắt đầu cuộc sống mới tại nơi xa xứ, có lẽ ngay chính bản thân chị cũng không thể ngờ rằng sẽ có lúc mình thành công như ngày hôm nay.

Con đường làm nên sự nghiệp

Nhân vật được nhắc đến ở đây chính là chủ sở hữu của một trong những thương hiệu phở Việt Nam phổ biến nhất Hàn Quốc, Trần Thị Mai (sinh năm 1980, quê Hải Dương).

Xuất thân từ gia đình nghèo khó, lại sớm lấy chồng và sinh được hai con trai nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu, chồng chị Mai đột ngột qua đời. Sau một thời gian đau khổ suy sụp, chị Mai quyết định nghe theo lời mai mối để lấy chồng Hàn Quốc với ước mơ đổi đời.

Khi đó là vào năm 2009, sau khi quen biết một người đàn ông Hàn Quốc hơn mình 20 tuổi, chị Mai nói lời chia tay gia đình, bà con, để cùng người này nên duyên vợ chồng và chính thức lên đường đến Seoul (Hàn Quốc).

Những tưởng đây sẽ là lúc cuộc đời chị bước sang trang mới, với điều kiện sống sung túc hơn tại gia đình chồng. Tuy nhiên vừa đến Hàn Quốc chưa được bao lâu, chị đã phải nhanh chóng lao vào cuộc sống mới với việc… bán xúc xích (핫도그) vỉa hè ngay tại khu phố Noryangjin (노량진).

Ngày mưa cũng như ngày nắng, chị luôn phải thức dậy từ sớm, chăm lo việc gia đình, sau đó chuẩn bị nguyên liệu, rồi bắt đầu mở hàng cho đến tối muộn. Tuy nhiên, công việc nào có dễ dàng cho người phụ nữ nước ngoài tại Hàn Quốc. Không những lúng túng trong khâu chiên rán, gây ra biết bao sự cố lớn bé khiến khách không hài lòng, người phụ nữ này còn không ít lần bị kỳ thị và phân biệt chủng tộc ngay tại quầy hàng của gia đình.

Đồng thời, vào khoảng thời gian đó, người người nhà nhà đã bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe, thức ăn nhanh ngày càng bị mất lòng tin, khiến việc buôn bán vốn khó khăn nay lại càng ế ẩm.

Cuộc sống hai vợ chồng một lần nữa rơi bế tắc. Lại thêm nỗi nhớ quê hương da diết, chị nhiều lần không khỏi suy nghĩ buông xuôi tất cả. Những lúc như thế, chỉ có món ăn quê hương mới giúp chị vơi đi nỗi nhớ gia đình, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để người phụ nữ gốc Hải Dương tiếp tục phấn đấu.

Song, chính nhờ những bữa ăn đậm chất Việt Nam này, chồng chị nhận thấy khả năng nấu nướng tuyệt vời của vợ mình và lên tiếng gợi ý chị mở một cửa hàng bán đồ ăn Việt Nam. Vẫn còn nhiều e dè sau thất bại của quầy xúc xích rán, lại thêm sự tự ti của một người nước ngoài đang sinh sống tại đất khách, chị không thật sự tin tưởng vào khả năng thành công của lần thử sức này.

Tuy nhiên, nhờ sự động viên nhiệt tình của chồng, chị bắt đầu đặt nền móng đầu tiên cho cửa hàng phở của mình, chỉ với một tấm bảng nhỏ đặt ngay vỉa hè, cùng dòng chữ quảng cáo hết sức giản dị: “Phở Việt do người Việt nấu”.

Với ưu thế là người Việt Nam biết rõ công thức nấu phở ngon truyền thống của nước mình, hàng phở vỉa hè của vợ chồng chị Mai nhanh chóng thu hút được nhiều người đến ủng hộ và trở thành khách quen chỉ trong một thời gian ngắn.

Nhiều thực khách đến ăn đã không tiếc lời tấm tắc khen ngon và nhận xét rằng: “So với những hàng phở nổi tiếng được ra đời trước tại Hàn Quốc, phở của chị Mai đậm đà và thơm ngon hơn. Có lẽ, đây mới đúng là hương vị gốc của phở Việt Nam”.

Hơn nữa, lúc bấy giờ, giá một bát phở ở đây cũng cực kỳ phải chăng, chỉ tầm 3.000 KRW (~57.000 VND)/1 suất, đặc biệt phù hợp với túi tiền “không bao giờ rủng rỉnh” của giới sinh viên nghèo và tầng lớp lao động có thu nhập thấp quanh khu vực Noryangjin.

Chính vì thế, sau những ngày khởi đầu chỉ bán được 80 bát, dần dà con số này nhanh chóng tăng lên thành 300 bát. Thậm chí, vào thời điểm đắt khách nhất, vợ chồng chị bán được những 800 bát trong một ngày, khiến doanh thu một tháng có thể lên đến con số 90 triệu KRW (~1.7 tỷ VND).

Từ đó, hàng phở của chị Mai ngày càng trở nên nức tiếng gần xa, ai ai cũng tìm đến ăn, kể cả phải xếp hàng dài để được vào quán (thực chất chỉ là một chiếc xe đẩy di động, được trang bị đơn sơ bằng những tấm bạt màu cam không thấm nước bao quanh), không chỉ vì tò mò về hương vị bát phở chính gốc Việt Nam, mà còn để gặp gỡ và giao lưu với bà chủ giỏi giang, một tay gây dựng nên cả sự nghiệp.

Thế nhưng trớ trêu thay, cũng chính vì xe hàng của chị quá nổi tiếng và luôn đông khách, những hàng quán xung quanh bắt đầu ganh ghét và kiện cáo lên chính quyền, khiến chiếc xe mang ước mơ của hai vợ chồng chị phải bị dỡ bỏ.

Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm, không chấp nhận đầu hàng trước thất bại, anh chị mang hết số vốn tích góp được bấy lâu, đi thuê nhà, mở quán mới chỉ vài ngày sau đó.

Từ đây, hàng phở nhà chị Mai được khoác lên một diện mạo mới quy mô hơn, vì thế buộc lòng anh chị phải tăng giá lên thành 3.900 KRW (~74.000 VND). Đồng thời, vị trí quán mới cũng không được thuận tiện như chiếc xe hàng trước đó, vì vậy anh chị đã tự xác định suy nghĩ: “Chắc chuyến này, các khách hàng tìm đến quán sẽ ít hơn và doanh thu cũng sẽ giảm đi một nửa”.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Các thực khách trung thành với hương vị phở truyền thống Việt Nam vẫn đều đặn tìm đến ăn bất kể ngày nắng hay mưa. Thậm chí, ngay trong ngày đầu khai trương, anh chị bán được những 500 bát phở, khiến cửa hàng nhà chị Mai lại một lần nữa trở nên nổi tiếng với thương hiệu “Phở 3.900 KRW”.

Bí quyết làm nên sự nổi tiếng

Ngoài món phở nước nổi tiếng đã trở thành biểu tượng, chị Mai còn không ngừng phát triển thêm những món ăn đặc sắc khác như phở xào bò, phở xào hải sản, cơm rang gà, cơm rang hải sản, gỏi cuốn… và đặc biệt, món nào cũng đều có giá rất phải chăng. Không chỉ thế, với các món ăn kèm như kim chi, củ cải muối, hành tây… thực khách hoàn toàn có thể tự chọn tùy thích.

Đây được xem là một lợi thế giúp quán phở Trần Thị Mai luôn giữ được chân thực khách suốt bao năm qua. Bởi trên thực tế, không phải hàng quán nào cũng có thể duy trì hoạt động với một mức giá bình dân đến vậy tại một thành phố đắt đỏ như thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Bản thân chị Mai cũng cho biết: “Trong những ngày đầu mới sang Hàn Quốc, tôi đã không khỏi bất ngờ khi thấy rất nhiều hàng phở đề giá từ 8.000 ~ 9.000 KRW (152.000 ~ 171.000 VND). Thậm chí một bát phở chất lượng nhất tại quê tôi cũng chưa đến mức giá ấy. Vì thế, tôi đã quyết định mở một hàng phở do chính mình làm chủ với một mức giá thật phải chăng cho bất cứ ai cũng có thể an tâm thưởng thức”.

Bên cạnh đó, hương vị cũng là một điều không thể không nhắc đến khi nhận xét về các món ăn của quán. Nhiều thực khách cho rằng, so với những hàng phở khác, họ luôn nhận thấy phở thương hiệu Trần Thị Mai có điều gì đó rất đặc biệt, vẫn mang đậm màu sắc Việt Nam nhưng đảm bảo phù hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc.

Đặc biệt, không chỉ phở, mà những món ăn khác cũng được đánh giá rất cao, khiến thực khách luôn hài lòng mỗi khi tìm đến, đồng thời cũng không quên hứa hẹn trở lại trong những lần sau.

Chính nhờ những yếu tố nói trên, quán phở của chị Mai bỗng chốc trở nên nổi tiếng và được lòng khách hàng, góp phần khiến danh tiếng của chị ngày càng vang xa, để rồi từ một chiếc xe bán dạo trên phố, cửa hàng phở Trần Thị Mai nhanh chóng trở thành một thương hiệu lừng danh, có mặt trên khắp mọi miền đất nước Hàn Quốc, từ thủ đô Seoul cho đến thành phố biển Busan.

Tuy nhiên xét cho cùng, để đạt được thành công tại nơi đất khách quê người này, tất cả chính là nhờ vào sự nỗ lực chịu thương chịu khó và cố gắng không ngừng nghỉ của người phụ nữ đến từ vùng quê nghèo Việt Nam, cùng sự yêu thương và động viên hết mình của người chồng ngoại quốc, để từ hai bàn tay trắng, họ đã làm nên cả một thương hiệu hùng mạnh như ngày hôm nay.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).