Trong thế giới kinh doanh khốc liệt của các tài phiệt Hàn Quốc, con rể thường được xem là người “ngoại đạo” mà ít ai muốn nhắc tới.

Hiện nay, phong tục “xuất giá tòng phu” ở Hàn Quốc đã thay đổi hoàn toàn và không có gì lạ khi những người đàn ông chọn cách về “làm rể” ở gia đình nhà vợ. Tuy nhiên, con rể vẫn mang tư cách là một người khách và không phải là thành viên của gia đình.

Điều này đồng nghĩa, họ sẽ được đối xử với sự tôn trọng và khách sáo tối đa. Mặt khác, họ cũng không bao giờ có thể hy vọng giữ chức vị cao trong việc kinh doanh của gia đình bên vợ.

Ở Nhật Bản, thỉnh thoảng có những người con rể sẵn sàng “nhập gia” như con nuôi để thừa kế các quyền đối với một công ty. Nhưng những trường hợp như vậy là cực kỳ hiếm ở Hàn Quốc.

Trong 5 năm trở lại đây, ngày càng nhiều người con rể có xu hướng tham gia trực tiếp vào quản lý công ty của gia đình nhà vợ. Hầu hết trong số họ vẫn giữ vai trò hỗ trợ, nhưng cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ nắm giữ vị trí chủ chốt.

Những người con rể “khiêm nhường” của tập đoàn Samsung

Trong gia tộc Samsung, có hai người con rể nổi tiếng.

Người thứ nhất là phó chủ tịch cấp cao của công ty linh kiện điện tử đa quốc gia (Samsung Electro-Mechanics) – Im Woo Jae (임우재), chồng của chủ tịch chuỗi khách sạn Shilla cao cấp Lee Boo Jin (이부진), là con gái thứ hai của chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun Hee (이건희).

Và người con rể thứ hai là chủ tịch kế hoạch công ty kỹ thuật Samsung (Samsung Engineering) – Kim Jae Youl (김재열), chồng của Lee Seo Hyun, con gái thứ ba của ông Lee.

Mặc dù cả hai đã xây dựng khá nhiều cho sự nghiệp của bản thân, nhưng họ hiếm khi đi đầu trong các dự án lớn của công ty.

Ảnh cưới của cặp đôi Im – Lee vào năm 1999.

Ông Im Woo Jae phụ trách kế hoạch doanh nghiệp tại Samsung Electro-Mechanics, nơi sản xuất phụ tùng và nhà cung cấp thiết bị cải tiến hàng đầu cho công ty điện tử đa quốc gia Samsung (Samsung Electronics).

Ông Im sinh năm 1968 và gia nhập Samsung C&T vào năm 1995. Vào tháng 5/1995, ông gặp Lee Boo Jin khi đang thực hiện công việc ngoài giờ làm tại nhà của chủ tịch Lee ở phường Hannam, Seoul. Theo một số nguồn tin khác cho biết, hai người gặp nhau tại một chương trình tình nguyện của công ty.

Vượt qua sự phản đối của hai phía gia đình, lễ cưới của cặp đôi Im – Lee diễn ra vào năm 1999, vẽ nên một bức tranh “công chúa” “chàng Lọ Lem”. Bởi lẽ, trước khi kết hôn với con gái chủ tịch Lee, gia thế của ông Im không có gì nổi trội như nhà vợ.

Ông Im lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), trước khi đầu quân về công ty nhà vợ, ông làm việc cho các tập đoàn chi nhánh ở nước ngoài của Nhật Bản tại Nhật Bản và Mỹ. Ông Im cũng được xem là một người dễ tính, chân thành cống hiến cho công việc của mình.

Ông Im Woo Jae (bên trái) và vợ cũ, con gái thứ hai của chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun Hee.

Tuy nhiên, Lee đã đệ đơn ly hôn vào tháng 10/2014. Thủ tục ly hôn chính thức bắt đầu vào tháng 2/2015, sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận thông qua hòa giải. Về phía ông Im, ông đã không chấp nhận yêu cầu ly hôn của Lee và mong muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Lý do “đường ai nấy đi” của cặp đôi không được tiết lộ, nhưng theo nguồn tin thân cận với gia đình, họ có bất đồng về quan điểm cá nhân. Ngoài ra, ông Im vốn là người có nền tảng gia đình “khiêm tốn” hơn, đã không thể hòa nhập với văn hóa của một gia đình chaebol danh giá.

Chủ tịch kế hoạch tập đoàn kỹ thuật Samsung, Kim Jae Youl (bên phải).

Chàng rể thứ hai của tập đoàn Samsung là Kim Jae Youl, con trai của cựu chủ tịch danh dự tờ nhật báo DongA của Hàn Quốc – ông Kim Byung Kwan. Ngay sau khi kết hôn năm 2000, Kim đã tham gia vào Cheil Worldwide (제일기획), một công ty tiếp thị thuộc tập đoàn Samsung. Năm 2011, ông được thăng chức chủ tịch, chỉ hai tháng sau khi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch.

Ông Kim được biết đến như một “nhân vật quốc tế” nhất trong gia tộc Samsung, người đã nghiên cứu chính trị quốc tế ở Mỹ và làm việc cho các công ty tư vấn ở đó.

Gần đây, ông Kim đã đảm nhận vai trò ngoại giao trong lĩnh vực thể thao và có thể một ngày nào đó, sẽ giúp cha vợ của mình giữ vị trí trong Ủy ban Thế vận hội quốc tế, theo những người thân cận với ông chia sẻ.

Cặp đôi Moon – Chung với cuộc hôn nhân viên mãn gần 19 năm qua.

Góp mặt trong danh sách các chàng rể danh giá còn có ông Moon Sung Wook (문성욱), phó chủ tịch hệ thống bán lẻ E-Mart, chi nhánh bán lẻ của tập đoàn Shinsegae. Ông kết hôn cùng bà Chung Yoo Kyung (정유경), tổng giám đốc điều hành của Shinsegae vào năm 2001. Cuộc hôn nhân viên mãn gần 19 năm của họ được nhiều người ngưỡng mộ.

Sau một thời gian làm việc tại SoftBank Korea, ông Moon gia nhập Shinsegae vào năm 2004, khi chính thức đảm nhận vai trò của một người con rể chaebol.

Ông Moon nổi tiếng là chàng rể “không phải dạng vừa” với nền tảng gia đình và học vấn thuộc hàng đỉnh. Tuy nhiên, ông luôn thầm lặng hỗ trợ cho công việc của nhà vợ, chấp nhận đứng sau danh tiếng của bà Chung.

Những người con rể “khác biệt” của tập đoàn Huyndai

Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Hyundai, ông Chung Mong Koo (정몽구) có ba người con rể lần lượt là Chủ tịch Trung tâm Daejeon Sun Medical – Sun Doo Hoon, Giám đốc điều hành công ty thẻ tín dụng Hyundai – Chung Tae Young (정태영) và Giám đốc điều hành của công ty thép Hyundai – Shin Sung Jae.

Trong đó, ông Sun là chồng của con gái lớn của chủ tịch Chung – Chung Sung Yi, cố vấn cho Innocean Worldwide, một công ty quảng cáo trực thuộc Hyundai.

Chàng con rể họ Sun được xem là “khác biệt” khi không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào của tập đoàn Hyundai danh tiếng. Thay vào đó, ông định hướng theo cha mình, là cựu chủ tịch của Trung tâm y tế Sun ở Daejeon.

Ngoài ra, ông Sun cũng điều hành Corentec, một công ty phát triển cấy ghép khớp nhân tạo. Đa phần cổ phiếu của ông Sun lên tới hàng tỷ won, đều được đầu tư vào Corentec.

Ngược lại, ông Chung Tae Young, chồng của cố vấn thương mại của Hyundai Chung Myung Yi, là một CEO nổi tiếng, người có nhiều liên quan đến các vấn đề kinh doanh của Huyndai.

Ông cũng nổi tiếng trong ngành vì đi đầu cho các xu hướng mới và kỹ năng giao tiếp tốt. Các sinh viên đại học và những nhân viên trẻ hơn luôn kính trọng ông Chung như một bậc thầy kinh doanh.

Ông Chung không chỉ đứng đầu công ty thẻ tín dụng Hyundai, mà còn cả trong thương mại Huyndai, công ty Hyundai Capital (cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng) và các chi nhánh tài chính khác của Hyundai. Ông được chú ý nhất khi đưa công ty thẻ tín dụng Hyundai lên một tầm cao mới, chỉ hai năm sau khi trở thành CEO vào năm 2003.

Trong khi đó, chàng rể út họ Shin, chồng của giám đốc điều hành Haevichi Hotel & Resort, Chung Yoon Yi, gia nhập Hyundai Precision & Engineering vào năm 1995. Sau khi kết hôn, ông đảm nhiệm một số công tác tại công ty thép Hyundai trước khi trở thành CEO.

Ngoài con trai của chủ tịch Chung, ông Shin là người duy nhất trong gia đình nắm giữ cổ phần trong tất cả các công ty con của tập đoàn.

Những người con rể “sa cơ” của tập đoàn Tong Yang

Tập đoàn Tong Yang và công ty con Orion là một trong những trường hợp hiếm hoi tại Hàn Quốc, nơi con rể nắm được quyền quản lý. Điều này là do người sáng lập quá cố Lee Yang Gu chỉ có hai cô con gái và không có con trai.

Chủ tịch tập đoàn Hyun Jae Hyun (현재현) kết hôn với phó chủ tịch tập đoàn Lee Hye Kyung, con gái lớn của ông Lee. Và chủ tịch Orion Tam Chul Kon (담철곤) sánh duyên cùng phó chủ tịch Orion, Lee Hwa Kyung.

Ông Hyun Jae Hyun bị tuyên bố phá sản do dính líu tới những vụ giấy tờ giả trong giao dịch thương mại.

Ông Hyun gặp vợ thông qua một cuộc hôn nhân sắp đặt vào năm 1976, trước khi gia nhập vào công ty xi măng và năng lượng Tong Yang một năm sau đó. Năm 1983, ông lãnh đạo công ty xi măng, sau khi người sáng lập qua đời vì vấn đề sức khỏe và trở thành chủ tịch tập đoàn vào năm 1988.

Năm 2016, một tòa án địa phương đã ban hành lệnh phá sản cá nhân đối với ông Huyn, do trước đây đã gây ra thiệt hại tiền tệ lớn cho các nhà đầu tư, bằng cách phát hành giấy tờ thương mại không có thật.

Chủ tịch công ty Orion, ông Tam Chul Kon.

Chàng rể thứ hai của tập đoàn Tong Yang, ông Tam Chul Kon vào công ty xi măng và năng lượng Tong Yang năm 1980 và xây dựng sự nghiệp của mình trong lĩnh vực bánh kẹo, trước khi trở thành giám đốc điều hành của Orion vào năm 1989. Năm 1993, ông trở thành phó chủ tịch của tập đoàn này.

Mặc dù, ông Tam đã dẫn dắt Orion đạt được thành công to lớn ở Trung Quốc, nhưng đã từ chức sau khi bị cáo buộc với các tội danh tham ô vào năm 2013.

Nhìn chung, các “chàng rể triệu đô” này dù có xuất thân khác nhau nhưng đều có điểm chung là nền tảng tri thức vững chắc. Họ cũng sở hữu những tài năng “đáng gờm” có thể giúp đỡ và hỗ trợ việc kinh doanh tại những tập đoàn danh giá. Đặc biệt, nhiều người trong số họ không ngần ngại đứng sau cái bóng to lớn của gia đình vợ.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ Korea Herald

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).