Trên thế giới, chỉ có duy nhất một đất nước có thể miễn cưỡng được so sánh gần giống với Hàn Quốc nhất, chính là Bắc Hàn.

Đều nằm trên Bán đảo Triều Tiên, sử dụng chung một hệ thống ngôn ngữ, văn hóa ẩm thực cũng gần như tương tự nhau, song xét về lối sống sinh hoạt và phúc lợi xã hội, miền Bắc thật sự phải “ngả mũ chào thua” trước cuộc sống văn minh, hiện đại và dân chủ của người anh em phía Nam.

Đó là lý do vì sao, bất cứ ai may mắn bình an trốn thoát khỏi Bắc Hàn và hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc, đều không khỏi cảm thấy sốc văn hóa, cũng như ngạc nhiên hết mức về những điều thật sự “khó tin” đang diễn ra hàng ngày tại đất nước này.

1. Đến Hàn Quốc, ăn chuối chỉ là chuyện nhỏ

Tuy không thể trồng được chuối như những quốc gia nhiệt đới khác, song nhờ hệ thống nhập khẩu tiên tiến, người Hàn Quốc vẫn có thể dễ dàng tìm mua loại trái cây thơm ngon này tại bất cứ siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi nào.

Thậm chí, chuối còn được sử dụng như nguồn dinh dưỡng chính trong thực đơn giảm cân của hội những người đam mê chăm sóc và giữ gìn vóc dáng.

Tuy nhiên tại Bắc Hàn, đây lại là loại trái cây quý hiếm đến mức với một số người, số lần được nếm thử trong cả cuộc đời cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Trên thực tế, người Bắc Hàn chỉ có thể được “diện kiến” loại trái cây quý như vàng này trong những bữa tiệc lớn như lễ kết hôn hoặc mừng thọ cha mẹ. Thậm chí, một số gia đình còn phải sử dụng… chuối giả để trưng bày trên các bàn tiệc. Chỉ bấy nhiêu đây cũng có thể thấy, chuối thật sự quý hiếm và đắt giá thế nào tại Bắc Hàn.

Cũng chính bởi lý do trên, một số người dân nghèo tại phương Bắc vì không có cơ hội được tiếp xúc nhiều với loại trái cây này, còn chẳng biết cách gọi tên hoặc phải ăn như thế nào cho đúng. Họ chỉ đơn giản gọi chuối là “노란 오이” (Dưa chuột vàng) và ăn luôn cả vỏ, nếu không được hướng dẫn từ trước.

Ngoài ra trong quá khứ, từng có câu chuyện được truyền tai nhau rằng tại vùng biên giới, những người lính Bắc Hàn sau khi thưởng thức hương vị của quả chuối đầu tiên trong cuộc đời, đã không kìm được sự ngạc nhiên mà thốt lên rằng: “Quả là một loại trái cây thần kỳ”.

2. Chỉ có đại gia mới được ăn gạo trắng?

Gạo là nguồn dinh dưỡng chủ yếu trong bữa ăn của người Hàn Quốc. Tuy nhiên khi kinh tế ngày càng phát triển, nhiều món ăn ngoại quốc liên tục được du nhập vào thị trường trong nước, khiến nhu cầu và sở thích của người dân về văn hóa ẩm thực cũng ngày càng thay đổi.

Họ dễ thỏa mãn bản thân mình bằng những bữa ăn phương Tây, hay một bàn đồ ăn với đủ các loại hải sản tươi sống, hoặc thậm chí là một bữa tiệc nướng đặc sắc cùng gia đình và bạn bè.

Trong khi đó tại Bắc Hàn, chỉ có đúng 1% hộ gia đình được ăn cơm trắng mỗi ngày. Đối với một gia đình có 4 người, cần có ít nhất 30kg gạo mới có thể giúp họ duy trì cuộc sống trong một tháng.

Gạo thật sự là một loại thực phẩm vô cùng quý giá không chỉ với người dân Bắc Hàn, mà còn với cả người dân Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người Hàn lại có xu hướng tìm đến các hàng quán đường phố hơn là những bữa ăn quây quần bên gia đình.

Từ năm 2018, tỷ lệ tự cung cấp lương thực của Bắc Hàn đạt mức trên 90%. Song, gạo ở đây lại có giá không hề rẻ đối với một công nhân bình thường, thậm chí còn lẫn rất nhiều sỏi, khiến người dùng dễ mắc các vấn đề về hệ tiêu hóa, dẫn đến viêm ruột thừa.

Do đó, nhiều hộ gia đình đã phải thay thế gạo nội địa bằng gạo nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hàm lượng dinh dưỡng lại không cao. Vì thế, nhiều bà nội trợ không còn cách nào khác phải dùng gạo trộn với ngô hoặc mỳ sợi, vừa đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho gia đình, lại vừa có thể tiết kiệm chi tiêu hàng tháng từ nguồn lương ít ỏi của người chồng.

3. Sở hữu nhiều vàng nhưng không được sử dụng chỉ có thể là Bắc Hàn

Đối với người Hàn Quốc, vàng là một món hàng cực kỳ quý giá, nhưng không đến mức chỉ có người giàu mới có thể mua được. Thậm chí, đến bất cứ cửa hàng trang sức nào trên cả nước, cũng dễ dàng nhìn thấy vàng từ 14k trở lên được thiết kế với đủ kiểu dáng khác nhau.

Tuy nhiên tại Bắc Hàn, xác suất để bắt gặp người đeo nhẫn, vòng hoặc dây chuyền vàng chỉ chiếm chưa đến 0.1%. Điều này cho thấy, so với gạo và những sản phẩm “nhập lậu” từ Hàn Quốc, vàng còn quý hiếm và đắt giá đến mức chỉ có đến 0.1% dân số mới có thể nghĩ đến chuyện “sắm sửa” thứ trang sức xa xỉ này.

Tuy nhiên một điều đáng ngạc nhiên là theo một tài liệu do Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Hàn Quốc (Korea Resources Corporation) công bố vào năm 2009, Bắc Hàn sở hữu khoảng 2.000 tấn vàng trên cả nước. Nếu chuyển đổi sang tiền Hàn, giá trị số vàng khổng lồ này có thể lên đến 60 nghìn tỷ KRW (~1.2 triệu tỷ VND).

Trên thực tế, vào những năm 2000, các cuộc họp và thảo luận liên Triều đã tích cực được tổ chức nhằm tìm phương án khai thác các mỏ vàng tại miền Bắc. Nếu những kế hoạch lúc bấy giờ được diễn ra suôn sẻ, chắc chắn Bắc Hàn sẽ còn có nhiều vàng hơn thời điểm hiện tại.

Song vì một số lý do chính trị, quan hệ hai nước ngày càng xấu đi, các cuộc thảo luận về việc khai thác mỏ vàng tại miền Bắc cũng bị hoãn vô thời hạn. Đồng thời, Bắc Hàn cũng không đủ trình độ khoa học, nguồn điện và thiết bị cần thiết để có thể tự lực thực hiện công tác khai thác khoáng sản. Do đó, vàng tại Bắc Hàn vẫn luôn là một ẩn số, đồng thời là sản vật quý giá nhất mà không phải ai cũng có thể chạm đến.

4. Ngạc nhiên với mức độ dùng giấy vệ sinh thoải mái của người Hàn

Tại Hàn Quốc, khăn giấy là một vật dụng bình thường đến mức có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Thậm chí, ngay cả khi thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh do ảnh hưởng của virus COVID-19, Hàn Quốc vẫn có đủ số khăn giấy cần thiết để cung cấp kịp thời cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều này sẽ không bao giờ xảy ra tại Bắc Hàn, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại. Bởi giấy vệ sinh ở đây thật sự là một thứ hàng hóa quý hiếm, đến mức chỉ những gia đình có tiền mới đủ điều kiện mua.

Thử làm phép so sánh một cuộn giấy vệ sinh có giá 1.500 KPW (~39.000 VND, theo tỷ giá Bắc Hàn) và 1kg mỳ ngô với giá 2.000 KPW (~52.000 VND), có thể thấy giấy vệ sinh tại đây đắt thế nào. Do đó dĩ nhiên, người dân Bắc Hàn sẽ không… hoang phí đến mức bỏ một số tiền có thể mua mỳ ngô, chỉ để mua giấy vệ sinh.

Như vậy, để giải quyết vấn đề vệ sinh và… nhu cầu sinh lý, người dân phía Bắc phải làm thế nào? Câu trả lời chính là sử dụng… những tờ báo đã được cắt tỉa sạch sẽ toàn bộ khuôn mặt của các nhà lãnh đạo xuất hiện trên mặt báo.

Tuy nhiên, cũng chính vì sử dụng những tờ giấy không đảm bảo vệ sinh, đồng thời lại không đủ độ… mượt mà và êm ái, một số người đã và đang phải chịu đựng những căn bệnh ngoài da không đáng có.

Vì thế, trong một bài phỏng vấn những người tị nạn Bắc Hàn tại Hàn Quốc, nhiều người cho biết họ đã ngạc nhiên hết sức khi thấy tại bất cứ nhà vệ sinh công cộng nào ở Hàn Quốc cũng trang bị sẵn sàng giấy vệ sinh cho người dùng.

Thậm chí, có người còn… nhiệt tình lấy đầy cả hai tay và cho hết vào túi quần, túi áo, với mục đích… dùng dần cho những lần sau, chỉ vì lý do họ hoàn toàn không biết giấy vệ sinh được bán rất phổ biến tại Hàn Quốc.

5. “Choáng” trước việc có thể mua và cài đặt điện thoại tại bất cứ đâu ở Hàn Quốc

Với một đất nước phát triển như Hàn Quốc, đặc biệt về lĩnh vực công nghệ điện tử, việc thường xuyên bắt gặp cả một con phố chỉ toàn những cửa hàng lắp đặt mạng di động đã sớm trở thành một việc thường tình. Theo đó, chiếc điện thoại cầm tay cũng đồng thời trở thành một vật dụng thiết yếu trong cuộc sống của người dân xứ Hàn.

Tuy nhiên đến đây lại phải nói, những điều đang diễn ra ở Hàn Quốc không thể nào được nhìn thấy tại Bắc Hàn. Bởi với tính chất là một quốc gia có an ninh cực kỳ mạnh và nghiêm khắc, việc mua bán và cài đặt mạng di động đối với người dân phía Bắc thật sự không hề dễ dàng như tại Hàn Quốc.

Hiện nay, giá bán lẻ một chiếc điện thoại cầm tay tại Bắc Hàn dao động trong khoảng từ 2 triệu KPW (~52 triệu VND, dựa theo tỷ giá Bắc Hàn), cho đến khoảng 3.3 triệu KPW (~85 triệu VND) đối với một chiếc điện thoại hiệu Ari Ari Touch Phone do chính Bắc Hàn sản xuất.

Ngoài việc bỏ ra một số tiền lớn để chinh phục thiết bị thông minh nói trên, người Bắc Hàn muốn tự do sử dụng điện thoại còn phải có chữ ký chấp thuận của người đứng đầu cơ quan phụ trách an ninh.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không dễ để có được chữ ký “quý hơn vàng” của các nhà lãnh đạo khó tính. Đồng nghĩa với việc, không phải cứ có tiền là có thể sử dụng điện thoại tùy ý.

Đó là lý do vì sao, một số người tị nạn đã chia sẻ rằng, họ từng phải hối lộ các quan chức để được quyền sử dụng điện thoại di động. Song số tiền này lại không hề nhỏ, đặc biệt đối với những người lao động có thu nhập thấp.

Như vậy, nói một cách khác, với một công dân bình thường tại Bắc Hàn, việc tự do mua sắm và đăng ký sử dụng điện thoại thông minh thậm chí còn khó hơn cả hái sao trên trời.

XEM THÊM: Rào cản ngôn ngữ giữa Bắc Hàn & Nam Hàn sâu sắc đến đâu?

Tổng hợp từ Naver

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).