Những ngày vừa qua khi dịch bệnh lan nhanh trên toàn thế giới, hiện tượng tích trữ hàng hóa xảy ra ở hầu hết các quốc gia có dịch.

Hình ảnh những kệ hàng trống không, những cuộn giấy vệ sinh bị giành giật hay những đoàn người chen chúc đi mua hàng không còn mấy xa lạ.

Tuy nhiên ở Hàn Quốc, những hình ảnh đó khá hiếm. Đâu là lý do mà dân Hàn không cần phải lo lắng về việc thiếu hụt nhu yếu phẩm và thi nhau đi thu gom tích trữ, như người dân các nước khác?

Hiện tượng tích trữ nhu yếu phẩm khắp mọi nơi, Hàn Quốc thì sao?

Khi nỗi lo sợ vì dịch bệnh lan rộng, đã có một cơn sốt gom mua giấy vệ sinh ở các nước phương Tây, vì những tin tức giả mạo cho rằng nguồn cung giấy vệ sinh và khẩu trang khan hiếm trầm trọng. Tin giả này ảnh hưởng đến cả khu vực châu Á khiến dân cư khu vực này cũng bị cuốn vào cơn sốt “thu gom giấy vệ sinh”.

Kệ hàng trống không trong một siêu thị Úc

Bên cạnh đó, nhu cầu thu gom và tích trữ thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có thời gian sử dụng dài hoặc thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn, đã gia tăng đáng kể. Ngành công nghiệp phân phối đã cố gắng giải quyết hiện tượng tích trữ thái quá này nhưng vẫn không thể cởi bỏ tâm lý lo lắng của người tiêu dùng và điều tiết nhu cầu mua sắm của họ. Hệ quả tất yếu là giá cả sẽ tăng vọt do mất cân đối cung – cầu.

Quầy thực phẩm đông lạnh “sạch sành sanh” ở một nước châu Âu

Khác biệt với hầu hết mọi quốc gia nơi dịch bệnh lan rộng,ở Hàn Quốc không xảy ra tình trạng này. Tháng 2, khi dịch bùng phát ở Hàn Quốc cùng với sự xuất hiện của bệnh nhân siêu lây nhiễm số 31, thành phố Daegu được đặt vào tình trạng khẩn cấp.

Lực lượng chức năng khử trùng khu vực nhà thờ của giáo phái “Tân Thiên Địa” ở Daegu

Rõ ràng tình hình nguy cấp này rất có thể chính là nguyên nhân bắt đầu một cuộc càn quét các siêu thị. Theo dữ liệu từ CJ Korea Express, khối lượng giao hàng các sản phẩm đồ hộp, mì ramen… tăng mạnh vào cuối tuần, sau thông báo xác nhận bệnh nhân số 31.

Biểu đồ phân tích khối lượng giao hàng trước và sau khi xuất hiện bệnh nhân số 31, tăng đột biến tuần lễ từ ngày 23 – 29/2

Tuy nhiên, khối lượng giao hàng tăng đột biến chỉ làm chậm lại một chút lịch trình giao hàng và không làm ảnh hưởng gì đến nguồn cung. Tuần đầu tiên của tháng 3, khối lượng đặt hàng đã giảm và đã dần trở lại bình thường ngay sau đó.

Như vậy có thể thấy, ở Hàn, hiện tượng tích trữ hàng qua kênh mua hàng online chỉ bùng lên đúng một lần và ngay sau đó đã bị dập tắt.

Cuộc cạnh tranh của các công ty giao hàng và hệ thống lưu thông hàng hóa ổn định của Hàn Quốc

Lý do khiến cho hiện tượng tích trữ thực sự không nghiêm trọng ở Hàn Quốc là do hệ thống phân phối hàng hóa vận hành ở nước này rất ổn định.

Năm 2015, Market Kurly (마켓컬리) đã ra mắt dịch vụ “giao hàng sáng sớm” (샛별 배송) – giao các mặt hàng được đặt lúc 11h đêm hôm trước vào 7h sáng hôm sau.

Khi Market Kurly gây được sự chú ý với dịch vụ giao hàng tiện lợi này, Coupang và các công ty giao hàng trực tuyến khác cũng bắt đầu nỗ lực để xây dựng hệ thống giao hàng cho riêng họ. Một cuộc cạnh tranh khốc liệt bắt đầu.

Chính nhờ sự cạnh tranh này mà Hàn Quốc trở thành một cường quốc giao hàng với một hệ thống lưu thông hàng hóa rất ổn định.

Cạnh tranh cũng khiến các công ty vận chuyển ngày càng tiến bộ hơn. Họ có thể xử lý gọn gàng 2,5 đến 3 triệu lô hàng mỗi ngày và cũng được trang bị khả năng miễn dịch với nguy cơ tích trữ hàng đột biến của người tiêu dùng. Chính vì vậy họ chiếm được sự tin cậy rất cao.

Dịch vụ giao hàng ổn định cùng với niềm tin của người tiêu dùng đóng một vai trò lớn trong việc ngăn trặn những “cơn bão tích trữ hàng”. Bởi vì hiện tượng hết hàng do tích trữ làm phình to thêm nỗi sợ hãi của người tiêu dùng, và hậu quả là dẫn đến một cơn bão tích trữ mới. Khi dịch vụ giao hàng bị chậm lại nhưng vẫn được hoàn thành đều đặn, hiện tượng tích trữ cũng giảm.

Cửa hàng bán lẻ ngay trước cửa nhà

Thị trường bất động sản Hàn Quốc có một thuật ngữ là “Seulsekwon” (슬세권), chỉ những khu vực dân cư được trang bị đầy đủ các tiện nghi thuận tiện như cửa hàng tiện lợi 24/24, siêu thị trong phạm vi rất gần xung quanh. Do vậy, đa số người dân Hàn có thể hoàn toàn yên tâm với việc hết đồ ở cửa hàng này có thể đi bộ mấy chục bước chân sang mua ở cửa hàng ngay gần đó.

Trên thực tế, năm 2019, số lượng cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc lên tới 44.774 cửa hàng, đứng số 1 thế giới nếu tính tỷ lệ số cửa hàng trên đầu người. CNN nhận định: “Ở các thành phố lớn của Hàn Quốc, trung bình cứ mỗi 100m lại có một cửa hàng tiện lợi”.

Như vậy hệ thống phân phối hàng hóa trực tiếp cũng rất ổn định khiến người tiêu dùng cảm thấy ít sợ hãi ngay cả khi hiện tượng tích trữ hàng online xuất hiện.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng bắt đầu quan tâm mua sắm ở các siêu thị SSM (Siêu thị trực thuộc các công ty tập đoàn) như Lotte, Emart, GS… thay vì mua sắm ở các siêu thị lớn chuyên biệt.

Theo thống kê của Bộ thương mại – Công nghiệp – Năng lượng, vào tháng 2 năm 2020, doanh số của các nhà bán lẻ trực tiếp giảm trung bình 7,5%. Trong khi đó, mua sắm tại các siêu thị SSM lại tăng ngoạn mục, lên đến 8,2%.

Đây quả là một cú lội ngược dòng khi mà doanh số bán hàng đã liên tục giảm trong 8 tháng tính từ tháng 6/2019. Một số phân tích chỉ ra rằng nguyên nhân là do sự gia tăng doanh số bán đồ ăn nhẹ gia đình và các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Minh bạch thông tin về dịch bệnh

Việc cung cấp các thông tin và số liệu về tình hình dịch bệnh kịp thời và minh bạch, đều đặn 2 lần mỗi ngày của cơ quan chức năng Hàn Quốc cũng là một nguyên nhân giúp giảm thiểu những lo ngại của dân chúng và sự tích trữ hàng hóa thái quá.

Dân Hàn, với sự tin tưởng cao dành cho chính phủ, cũng đang nỗ lực quyên góp tiền bạc, tham gia các hoạt động tình nguyện và các phong trào thiết thực để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Văn hóa Kim chi – cơm kim chi, canh kim chi, bánh kim chi

Ngoài tất cả những nguyên nhân nêu trên, có thể kể đến một nguyên nhân khá vui nữa, đó chính là thói quen tích trữ kim chi quanh năm của người Hàn. Nói người Hàn không thể sống thiếu kim chi cũng không ngoa.

Có thể thấy kim chi chính là một nét văn hóa của Hàn Quốc. Người Hàn có thể ăn kim chi theo 360 kiểu và cũng có 360 kiểu kim chi làm từ 360 loại rau củ quả khác nhau. Tủ lạnh quanh năm chất đầy kim chi rồi thì cũng đâu sợ gì nữa, cùng lắm ăn cơm kim chi, ăn mì kim chi, ăn canh kim chi, bánh xèo kim chi 14 ngày cách ly trọn vẹn thôi.

Tất cả những nguyên nhân nêu trên có thể nói không chỉ làm cho hiện tượng tích trữ hàng hóa không hề nghiêm trọng ở Hàn Quốc, mà còn góp phần đáng kể vào công cuộc chống dịch hiệu quả của đất nước này.

Tổng hợp từ Naver News

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).