Dịch bệnh COVID-19 bùng nổ trên toàn thế giới khiến cho tình rạng tích trữ hàng hóa xuất hiện ở nhiều nơi. Nhiều kênh phân phối bán lẻ như các trang mua sắm trực tuyến, cửa hàng tiện lợi, siêu thị… đi vào hoạt động hết công suất. Mạng lưới giao hàng cũng được áp dụng tăng cường.

Có nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải tích trữ hàng hóa. Tuy vậy, tình trạng này vẫn đang xảy ra ở Mỹ, châu Âu và cả Nhật Bản.

Vì lý do này, nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi Hàn Quốc – nơi không xảy ra tình trạng tích trữ nhu yếu phẩm – cung cấp gạo, nước rửa tay, khăn giấy…

Trung tâm thương mại của Singapore: “Hãy xuất khẩu khăn giấy trong phạm vi có thể”

Ngày 23/3/2020, một nhân viên phụ trách mảng giấy vệ sinh, phân nhóm nhu yếu phẩm của Homeplus, đã nhận được một bức thư điện tử với nội dung về “một vấn đề cấp bách, có thể tiến hành ký hợp đồng ngay”. Đó là từ nhà phát triển kế hoạch sản phẩm cho Qoo10, một nền tảng thương mại điện tử Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore.

Qoo10 muốn nhập giấy vệ sinh PB (private brand) ngay khi đủ số lượng yêu cầu. Vào năm trước, Homeplus đã đàm phán để xuất khẩu giấy vệ sinh PB cho Qoo10: “Chúng tôi có thể gửi trước giấy vệ sinh loại cuộn và khăn giấy theo hộp”.

Chỉ mất 3 ngày sau email đầu tiên để hai phía đi đến hợp đồng, kể cả đàm phán đơn giá và số lượng. Lô hàng 2.000 set giấy vệ sinh sản xuất tại Gunsan, Jeonbuk (전북 군산) đã rời cảng Busan vào đêm 6/4.

Loại giấy vệ sinh và khăn giấy hộp Homeplus xuất khẩu sang Singapore

Sau khi chính phủ Malaysia công bố phong tỏa biên giới ngày 18/3, hiện tượng dự trữ nhu yếu phẩm đã xuất hiện tại Singapore.

Hiện nước này đang nhập 90% lương thực từ Malaysia. Do vậy, một số siêu thị đã hạn chế số lượng được phép thu mua các loại nhu yếu phẩm như mì, gạo, giấy vệ sinh…

Giấy vệ sinh Hàn Quốc sẽ được bán tại trung tâm mua sắm trực tuyến của Qoo10, vận hành tại Singapore. Homeplus đã bất ngờ: “Chúng tôi không biết rằng sẽ có lúc xuất khẩu giấy vệ sinh với số lượng lớn như vậy”. Trước đây, doanh nghiệp này thường chỉ xuất khẩu gia vị nấu canh hoặc bánh kẹo.

1000 bịch giấy vệ sinh (loại 30 cuộn), 1000 bịch khăn giấy (loại 6 hộp) được chất đầy 2 xe tải chở hàng 15 tấn. Lee Bun Hee (이범희), trưởng ban quản lý điều phối kế hoạch của Homeplus cho biết: “Không chỉ giấy vệ sinh, chúng tôi đang đàm phán để xuất khẩu nhiều nhu yếu phẩm khác”.

2.000 bộ giấy vệ sinh của Homeplus đến Singapore qua cảng Busan vào 6/4

Cơn sốt gạo toàn cầu

Bắt đầu từ 1/4, 20 tấn gạo Saeilmi (새일미) từ Iksan, Jeonbuk (전북 익산) được xuất khẩu sang Hong Kong mỗi tháng. Gạo Hàn Quốc vốn có giá thành đắt hơn gạo từ Trung Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á từ 2~3 lần, do đó dù có chất lượng tốt cũng gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu.

Tuy nhiên, tình hình thay đổi sau khi dịch COVID-19 bùng nổ, lượng đơn hàng trực tuyến tăng đột biến.

Văn phòng Nông nghiệp Thực phẩm tỉnh Jeonbuk và các nhà chức trách cho biết: “13 tấn gạo được xuất khẩu thí điểm sang Hongkong 2 tháng trước đã được bán hết, hợp đồng chính thức được ký kết trước thời hạn”.

Gạo Saeilmi từ Iksan sẽ được bán tại các hệ thống thương mại trực tuyến và siêu thị tại Hong Kong. Ngày 30/3, gạo giống Saecheongmu (새청무) từ tỉnh Gangjin (강진) cũng được xuất khẩu lần đầu tiên đến Malaysia. Năm nay, tỉnh Gangjin sẽ xuất khẩu 90 tấn gạo sang Malaysia.

Hiện có nhiều lo lắng rằng dịch COVID-19 bùng phát sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực ở nhiều nước. Một số quốc gia đã cấm xuất khẩu các loại lúa gạo, ngũ cốc hoặc tăng cường dự trữ mặt hàng này.

Việt Nam, nước đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan, đã tạm ngưng xuất khẩu lúa gạo từ 24/3. Campuchia cũng ngừng xuất khẩu gạo từ ngày 5/6.

Theo các phương tiện truyền thông nước ngoài, “ông hoàng lúa gạo” Ấn Độ mới đây đã ngưng một hợp đồng xuất khẩu. Do đó, hiện tượng tích trữ gạo bắt đầu xảy ra tại Trung Quốc và Nhật Bản.

Ngày 2/4, theo hãng thông tấn Reuters: giá gạo tiêu chuẩn trên thị trường quốc tế hôm đó là 560~570 USD/ tấn (gạo trắng Thái Lan), đạt mức cao nhất kể từ sau tháng 4/2013.

Nikkei Asian của Nhật cho hay: “Do hạn hán tại Thái Lan và Việt Nam, các nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu, mà lượng gạo xuất khẩu giảm đáng kể. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 làm tăng nhu cầu tích trữ gạo, gây sức ép lớn cho việc cung cấp thực phẩm”.

Tình hình ở Hàn Quốc hoàn toàn ngược lại. Viện Nghiên cứu Kinh tế Nông thôn (KREI) đã theo dõi vấn đề lúa gạo tháng 4, cho biết giá gạo trong nước sẽ tiếp tục giảm. Theo KREI: “Khủng hoảng kinh tế do COVID-19 làm giảm nhu cầu ăn hàng, lượng gạo tiêu thụ của các doanh nghiệp giảm, dẫn đến giá thành giảm theo”.

K-beauty cung cấp nước khử trùng tay

Theo Bộ Tài nguyên Thương mại và Công nghiệp, tháng 3/2020 Hàn Quốc đã xuất khẩu 5.69 triệu USD nước khử trùng tay, tăng gấp 6 lần (604.1%) so với tháng 3/2019.

Lượng xuất khẩu trong tháng 3 lên tới 83.9% tổng kim ngạch xuất khẩu của năm ngoái (6.78 triệu USD). Theo các quan chức trong ngành: “Đơn hàng tại những nơi không có nước khử trùng tay như châu Âu đang tăng vọt”.

Thị trường xuất khẩu mở ra, các công ty mỹ phẩm cũng nắm bắt cơ hội, phát triển mặt hàng này.

Amore Pacific có kế hoạch cho ra mắt các sản phẩm nước khử trùng tay trong nửa đầu năm nay. Nature Republic đang thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này sang châu Mỹ với Công nghệ Hàn Quốc. Hãng dược mỹ phẩm Cellapy hiện đang đàm phán với Nga và Tây Ban Nha, và dự định xuất khẩu sang Anh, Philippines, Mỹ.

Mì gói – cơm – kimchi, bộ ba “Made in Korea” xông pha ra thế giới

Các nhà máy mandu của CJ CheilJedang tại New York và Califonia (Mỹ) đã phải vận hành hết công suất kể cả ngày cuối tuần từ tháng 3.

Món Mandu (há cảo) của Hàn Quốc cũng trở thành mục tiêu dự trữ tại Mỹ, nơi dịch COVID-19 đang ngày một nghiêm trọng. Một quan chức của CJ CheilJedang cho biết: “Hiện tại, lượng đặt hàng mandu (비비고 왕교자), cơm ăn liền (햇반), pizzaa đông lạnh (슈완스) đã tăng gấp đôi”.

Top 3 “đại tướng” của K-food: mì gói, cơm ăn liền, kimchi

Bộ Nông nghiệp Thực phẩm và Nông thôn cho biết giá trị xuất khẩu thực phẩm nông nghiệp của quý 1/2020 tăng 5.8% so với cùng kỳ năm trước lên tới 1.743 tỷ USD. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu trong tháng 3 là 675 triệu USD, tăng 15.8% so với năm trước.

Xuất khẩu mì (27.5%), sản phẩm chế biến từ gạo (đặc biệt là sản phẩm ăn liền) (18.4), kimchi (19%), nhân sâm (5.9%)… tăng mạnh. Những mặt hàng này nổi tiếng giữ được lâu, và tốt cho sức khỏe.

Vào tháng 3/2020, lượng xuất khẩu mì lên tới 62.6 tỷ KRW, tăng 41.6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, doanh số bán hàng của K-food tại nước ngoài (bao gồm doanh thu của các công ty có hệ thống sản xuất) tăng rất bùng nổ. Doanh số toàn cầu về mặt hàng mì ăn liền của Nongshim (sản xuất trong nước và xuất khẩu) – hãng mỳ nổi tiếng nhất Hàn Quốc – tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

XEM THÊM: TOP 10 thương hiệu cực kỳ nổi tiếng của Hàn Quốc bị hiểu nhầm là của nước ngoài

Tổng hợp từ Chosun

author-avatar

About Mai Huyên

Mình không biết tại sao lại thích Hàn Quốc. Có lẽ do ly kem mát lạnh và ngọt ngào đó; hay là buổi nắng rực rỡ nơi hòn đảo xinh đẹp; cũng có thể do cơn mưa hè, ngày mọi người nói 안녕 lần cuối.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).