Hầu hết mọi người trong số chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, đều lớn lên với một niềm tin phổ biến rằng sữa giúp trẻ em cao lớn và ngăn ngừa chứng loãng xương ở người cao tuổi.

Những năm gần đây, giới khoa học không ngừng tranh cãi về hiệu quả thực sự cũng như các tác động khác của thứ đồ uống này, thậm chí là vấn đề đạo đức liên quan đến việc chăn nuôi và khai thác bò sữa.

Tuy nhiên, tạm dẹp đi những tranh cãi chưa đến hồi kết, sau đây sẽ là một tin vui đối với những người không thực sự thích sữa nhưng vẫn mong muốn có một khung xương chắc khỏe. Rất có thể, không phải sữa mà một món đồ uống màu đen sẫm khác mới giúp bạn giảm thiểu nguy cơ loãng xương và các bệnh về xương khác.

Theo một nghiên cứu mới đăng trên tờ tạp chí khoa học The Journal of Clinical EndºCrinology & Metabolism, tồn tại mối liên hệ mạnh mẽ giữa thói quen tiêu thụ cà phê thường xuyên và việc ngăn ngừa chứng dễ gẫy xương khi về già cũng như sự phát triển của các căn bệnh chuyển hóa khác. Nói một cách ngăn gọn, hãy uống thêm nhiều cà phê hơn nữa.

Cà phê, cà phê, cà phê!

“Sự liên hệ không nhất quán giữa việc tiêu thụ cà phê và mật độ khoáng xương (BMD) từng được quan sát thấy trong các nghiên cứu dịch tễ học. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các thành phần tác động sinh học trong cà phê và BMD chưa được nghiên cứu. Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm xác định các chất chuyển hóa liên quan tới cà phê và đánh giá mối liên hệ của chúng với BMD”, nhóm tác giả bài báo đã viết.

Trên thực tế, độ chắc khỏe của xương liên quan đến mật độ khoáng. Lượng khoáng chất có trong các mô xương là yêu tố tương quan mạnh mẽ với các căn bệnh về chuyển hóa xương, bao gồm loãng xương, giòn xương, nhuyễn xương, xương thủy tinh và loạn sản xơ xương.

Trong nhiều năm, các nghiên cứu đã bị kìm nén bởi một nhận định từ lâu rằng caffeine có tác động xấu tới việc hấp thụ canxi. Các cân nhắc về học thuật cho thấy không có căn cứ chính xác chứng tỏ điều này.

“Không có bằng chứng cho thấy caffeine có bất kỳ tác động có hại nào đến tình trạng xương hay việc hấp thụ canxi ở những người bổ sung canxi mỗi ngày,” bác sĩ Robert Heaney, một chuyên gia nổi tiếng về xương, đã viết từ năm 2002.

Uống cà phê và Mật độ khoáng xương

Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Hồng Kông bắt đầu những phân tích của mình trên 564 người trưởng thành khỏe mạnh trong một nghiên cứu về loãng xương từ vài năm trước.

Người tham gia có nhiệm vụ theo dõi và ghi lại tần suất sử dụng cà phê của mình, theo sau đó là một bài kiểm tra sức khỏe vào tháng 11 năm ngoái.

Kết quả cho thấy, việc sử dụng cà phê thường xuyên có tác động tích cực và đáng kể đối với mật độ khoáng xương ở xương sống lưng và cổ xương đùi.

Những nghiên cứu trước đó cũng từng ghi nhận rằng một cốc cà phê đen đơn giản có chứa một lượng lớn các chất oxy hóa (như polyphenols) giúp trung hòa các gốc tự do và làm chậm lại quá trình lão hóa. Chính những chất này cũng đóng vai trò nhất định trong việc chống sâu răng, đái đường, xơ gan và một số dạng ung thư.

Không chỉ vậy, một bài báo tổng hợp lớn về các nghiên cứu liên quan đến tiêu thụ cà phê và sức khỏe con người đăng trên tờ British Medical Journal cũng cho thấy cà phê hầu như có lợi thay vì hại.

Những người uống cà phê điều độ ít chịu rủi ro về bệnh tim mạch hay chết sớm vì các nguyên nhân khác nhau hơn, bao gồm trụy tim và đột quỵ.

Uống cà phê thế nào cho đúng?

Hãy sử dụng một lượng cà phê vừa đủ mỗi ngày. Theo các nhà khoa học, lượng cà phê được khuyến khích với một người bình thường (không bao gồm phụ nữ có thai) là 3 – 5 cốc mỗi ngày, hay không quá 400mg caffeine.

Phương pháp chuẩn bị cà phê cũng có những tác động đáng kể đến hàm lượng chất có ích trong đồ uống.

Một nghiên cứu đăng trên tờ JAMA Internal Medicine đã khảo sát thói quen uống cà phê của gần 500.000 người ở Anh và nhận thấy không quan trọng họ uống 1 hay tới 8 cốc cà phê mỗi ngày, loại thường hay decaf, cơ thể có mức chuyển hóa dinh dưỡng nhanh hay chậm, tất cả đều có nguy cơ tử vong vì các loại bệnh thấp hơn hẳn so với người không uống cà phê.

Tuy nhiên, tác động này lại khá yếu ớt ở những người uống cà phê hòa tan.

Cách bạn pha cà phê cũng ảnh hưởng tới cả lượng cholesterol trong cơ thể. “Một loại cà phê không phù hợp để uống đó là cà phê đun sôi,” Marilyn C. Cornelis, giáo sư tại trường đại học Northwestern kiêm tác giả của bài báo nói trên cho biết.

Các ví dụ của cách chuẩn bị cà phê này gồm có dạng cà phê nén kiểu Pháp, cà phê kiểu Scandinavia, cà phê kiểu Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Lượng dầu trong cà phê đun có chưa các hợp chất được gọi là diterpenes làm tăng hàm lượng chất béo xấu LDL và giảm lượng chất béo tốt HDL.

Cà phê có gây nghiện?

Các bằng chứng cho thấy có sự phụ thuộc nhất định vào cà phê và độ “nhờn” caffeine cũng được xây dựng theo thời gian. Các triệu chứng “cai nghiện” cà phê gồm có đau đầu, mệt mỏi, cáu kỉnh, khó tập trung và tâm trạng uể oải.

Sau khi uống cà phê chừng nửa giờ, caffeine được hấp thụ vào máu, mạch máu co lại, huyết áp tăng lên. Bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, giàu năng lượng hơn, tỉnh táo hơn và tập trung tốt hơn. Về trung bình cần từ 4 đến 6 giờ để chuyển hóa một nửa lượng caffeine trong máu.

Một vài thực tế vui về cà phê:

– Cô mèo nhiều tuổi nhất trên thế giới – Crème Puff, 38 tuổi – uống cà phê mỗi ngày.

– Người Phần Lan tiêu thụ nhiều cà phê nhất thế giới.
– Hạt cà phê (coffee beans) được gọi là hạt (bean) vì hình dáng tròn nhỏ của chúng chứ thực tế chúng thuộc họ quả berry tương tự như nho, cà chua, dưa chuột.

– Cà phê có hiệu quả tốt nhất khi bạn uống trong khoảng 9:30 đến 11:30 sáng.
– Khoảng 80-100 cốc cà phê có thể gây chết người đối với một người trưởng thành.
– Cà phê đắt nhất thế giới là Black Ivory Coffee với giá lên tới 1100 USD/kg. Loại cà phê này được thu hoạch sau khi loài voi ở Thái ăn vào bụng, tiêu hóa một phần và ị ra.
– Bắc Hàn giữ kỷ lúc về cốc cà phê lớn nhất có chứa hơn 14 ngàn lít cà phê Americano.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ The laddersBored Panda

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).